DMagazine

Bộ 3 vũ khí chiến lược và cơ hội vực dậy của công nghiệp quốc phòng Ukraine

(Dân trí) - Bỏ lại sau lưng những bước tụt lùi đáng kể sau khi tách khỏi Liên bang Xô Viết, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang đứng trước những cơ hội hồi sinh mạnh mẽ.

BỘ 3 VŨ KHÍ CHIẾN LƯỢC VÀ CƠ HỘI VỰC DẬY CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG UKRAINE

Bỏ lại sau lưng những bước tụt lùi đáng kể sau khi tách khỏi Liên bang Xô Viết, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang đứng trước những cơ hội hồi sinh mạnh mẽ.

Tuy đã có những bước thụt lùi đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao sau khi tách khỏi Liên bang Xô Viết, nền công nghiệp quốc phòng Ukraine đã và đang cho thấy những tín hiệu chuyển mình để trở lại với vị thế vốn có. Những sản phẩm vũ khí hiện đại được ra mắt trong thời gian gần đây có thể coi là minh chứng cho quyết tâm vực dậy của ngành sản xuất vũ khí Ukraine.

Quãng thời gian tụt dốc không phanh

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1989, với tư cách là một thành viên với những đóng góp to lớn cho nền công nghiệp của Liên Xô cũ, Ukraine đã được thừa hưởng nhiều nền tảng công nghệ vững chắc trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo, đặc biệt là công nghiệp phục vụ quân sự.

Tuy nhiên, những biến động trong giai đoạn vừa tách khỏi Liên Xô cũng như sức ép to lớn từ Mỹ và phương Tây đã khiến cho nền công nghiệp quốc phòng của Ukraine tụt dốc không phanh.

Do lo ngại Kiev sẽ chuyển giao những công nghệ quan trọng cho các "quốc gia không thân thiện", Mỹ cùng nhiều quốc gia phương Tây đã liên tục gây sức ép và mua chuộc để Ukraine từ bỏ nhiều hợp đồng vũ khí béo bở. Điều này đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine chỉ có thể sản xuất cầm chừng trong một thời gian dài và nhiều công nghệ cũng như trình độ của kỹ sư và công nhân cũng trở nên mai một.

Bên cạnh đó, vấn nạn tham nhũng tràn lan, đặc biệt là trong giai đoạn mất ổn định sau khi tách khỏi Liên Xô, đã khiến nhiều doanh nghiệp vũ khí của Ukraine lâm vào cảnh phá sản. Điều này đã gây ra tình trạng chảy máu chất xám trầm trọng khi nhiều nhân lực có trình độ cao rời đi. Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu tiềm năng của Ukraine đã buộc phải dừng lại do thiếu kinh phí.

Cuộc khủng hoảng tại Donbass từ năm 2014 cũng như xung đột với Nga từ tháng 2/2022 cũng được coi như là những đòn đánh mạnh nhằm vào công nghiệp quốc phòng của Kiev. Miền Đông Ukraine cùng bán đảo Crimea vốn là một cơ sở công nghiệp nặng đặc biệt quan trọng của Ukraine. Tuy nhiên, chiến sự liên miên tại các khu vực này đã khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ.

Những yếu tố trên đã khiến cho ngành công nghiệp quốc phòng từng nằm trong top đầu thế giới của Ukraine dần lụn bại và đánh mất đi thời kỳ hoàng kim của mình.

Cơ hội "hồi sinh"

Bất chấp khó khăn to lớn sau hàng chục năm trì trệ cùng tổn thất nghiêm trọng mà xung đột với Nga mang lại, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine vẫn có những cơ hội để vươn mình trở lại một cách mạnh mẽ.

Bộ 3 vũ khí chiến lược và cơ hội vực dậy của công nghiệp quốc phòng Ukraine - 1

Pháo tự hành nội địa 2S22 Bohdana của quân đội Ukraine (Ảnh: Wikipedia).

Theo các chuyên gia, Ukraine hiện vẫn nắm giữ các công nghệ nguồn mà nhiều quốc gia trên mong muốn sở hữu. Từ công nghệ chế tạo động cơ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đến kỹ thuật đóng tàu sân bay, những công nghệ lõi này sẽ là bước đệm vững chắc giúp Ukraine phát triển lại việc chế tạo vũ khí có độ chính xác cao.

Bên cạnh đó, Ukraine cũng có thể phối hợp với các đối tác phương Tây để chia sẻ công nghệ và tận dụng dòng vốn cũng như những phương tiện kỹ thuật chất lượng cao. Nhiều nhà sản xuất nước ngoài đã bày tỏ mong muốn hợp tác và xây dựng những nhà máy sản xuất vũ khí hiện đại tại Ukraine.

Đầu tháng 2/2023, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Đức Rheinmetall xác nhận họ đang đàm phán để xây dựng một nhà máy sản xuất xe tăng Panther tại Ukraine.

"Một nhà máy của Rheinmetall có thể được xây dựng tại Ukraine với chi phí khoảng 200 triệu euro và có thể sản xuất 400 xe tăng Panther hàng năm. Các cuộc đàm phán với chính phủ Ukraine đang tiến triển tốt đẹp và quyết định cuối cùng có thể được đưa ra trong 2 tháng tới", giám đốc điều hành Rheinmetall Armin Papperger cho biết.

Panther KF51 là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực tối tân do nhà thầu Rheinmetall phát triển từ năm 2016. Những xe tăng đầu tiên mới chỉ được công bố trong sự kiện triển lãm quốc phòng Eurosatory hồi tháng 6/2022.

Việc sản xuất loại xe tăng hiện đại này không chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách về vũ khí cho Kiev mà còn có thể trở thành một bước chạy đà chất lượng để tái khởi động ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.

Trước đó, vào giữa năm 2022, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar tiết lộ nhà thầu Baykar đã khởi động dự án xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái (UAV) Bayraktar tại Ukraine. Theo ông Bodnar, Baykar đã mua một lô đất ở Ukraine để phát triển dự án sản xuất UAV Bayraktar TB2 cũng như phối hợp với Ukraine trong việc nghiên cứu, phát triển và chế tạo các dòng máy bay không người lái uy lực trong thời gian tới.

Bộ 3 vũ khí chiến lược và cơ hội vực dậy của công nghiệp quốc phòng Ukraine - 2

UAV Bayraktar-TB2 trong biên chế quân đội Ukraine (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc xây dựng các nhà máy sản xuất vũ khí của phương Tây tại Ukraine sẽ gặp phải không ít khó khăn bởi các đòn đáp trả của Nga.

Phản ứng trước kế hoạch xây dựng nhà máy xe tăng của Rheinmetall, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cảnh báo nhà máy này sẽ trở thành một mục tiêu tấn công của tên lửa nước này.

"Nhà máy này sẽ được "chào đón" bằng tên lửa hành trình Kalibr", ông Medvedev viết trên trang Telegram cá nhân.

Một lời cảnh báo tương tự cũng đã được người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra với cơ sở sản xuất UAV của Baykar vào tháng 8/2022.

"Việc lập một cơ sở như vậy tất nhiên ngay lập tức sẽ bị coi là một mục tiêu (tấn công) quân sự trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, nó sẽ chỉ kéo dài sự đau khổ của người dân Ukraine", ông Peskov nhấn mạnh.

Bộ 3 vũ khí chiến lược

Thời gian gần đây, dù vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine vẫn nỗ lực cho ra đời một số sản phẩm vũ khí có chất lượng. Nổi bật trong số đó phải kể đến bộ 3 vũ khí chiến lược, bao gồm pháo phản lực Vilkha-M, UAV tấn công cùng pháo tự hành Bohdana "Món quà của Chúa".

Một trong những thành tựu vũ khí lớn nhất của Ukraine trong thời gian qua chính là pháo phản lực phóng loạt nội địa Vilkha-M, loại hỏa khí được đánh giá là có uy lực mạnh mẽ hơn "hỏa thần" HIMARS do Mỹ sản xuất.

Bộ 3 vũ khí chiến lược và cơ hội vực dậy của công nghiệp quốc phòng Ukraine - 3

Pháo phản lực phóng loạt Vilkha-M của Ukraine trong một lần phóng thử nghiệm (Ảnh: AFP).

Được cải tiến từ tổ hợp BM-30 Smerch do Liên Xô chế tạo, pháo phản lực phóng loạt Vilkha-M có tầm bắn lên tới 130km với đầu đạn nặng tới 220kg. Đây là thông số vượt trội so với "hỏa thần" HIMARS với tầm bắn 80km và đầu đạn nặng 90kg. Thời gian tới, các kỹ sư Ukraine sẽ nỗ lực cải tiến nhằm tăng tầm bắn của pháo phản lực Vilkha-M lên 150km.

Đặt trên khung gầm xe tải KrAZ-7634, Vilkha-M sở hữu 12 ống phóng và có thể bắn cùng lúc 12 loạt đạn trong vòng 48 giây. Các tên lửa của pháo phản lực này sử dụng "bánh lái khí ga" với hàng chục lỗ nhỏ phụt nhiên liệu đẩy. Thiết kế độc đáo này cùng bộ định vị GPS giúp nâng cao khả năng tấn công chính xác của pháo phản lực Vilkha-M.

Theo ông Ivan Vinnyk, Phó chủ tịch thứ nhất của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Ukraine, Vilkha-M đóng vai trò quan trọng trong lực lượng pháo binh Ukraine. Đặc biệt, các pháo phản lực này sẽ hỗ trợ quân đội Ukraine trong chiến dịch phản công giành lại lãnh thổ. Tầm bắn của Vilkha-M thậm chí còn có thể hỗ trợ pháo binh Ukraine tấn công các mục tiêu nằm bên trong lãnh thổ Nga.

Bên cạnh pháo phản lực Vilkha-M, trong thời gian tới, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Ukroboronprom sẽ đưa vào biên chế các máy bay không người lái (UAV) tấn công tầm xa mới cho quân đội Ukraine.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2022, truyền thông Ukraine đưa tin Ukroboronprom đang chuẩn bị cung cấp cho quân đội Ukraine những UAV tự sát có khả năng mang theo đầu đạn nặng 75kg và tầm bay đạt 1.000km.

Theo bà Natalia Sad, thư ký báo chí của Ukroboronprom, "các công đoạn thử nghiệm đã được hoàn tất dựa trên những chỉ dẫn của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine". Ukroboronprom tiết lộ các UAV này sẽ được kiểm tra về khả năng đối phó với các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương trước khi được đưa vào tham chiến.

Ngoài ra, vào đầu năm 2023, công ty PJSC Ramsay có trụ sở tại Kiev cũng đã hoàn tất quá trình thử nghiệm RZ60, một UAV đa nhiệm mới của Ukraine. Với khả năng mang theo đầu đạn nặng 3kg và bay với vận tốc 290km/h ở độ cao 6000m, UAV RZ60 có thể thực hiện của một máy bay không người lái trinh sát cũng như tấn công cảm tử nhằm vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Bộ 3 vũ khí chiến lược và cơ hội vực dậy của công nghiệp quốc phòng Ukraine - 4

UAV RZ60 hiện đại của quân đội Ukraine (Ảnh: Defense Express).

Trước đó, trong chiến dịch giành lại đảo Rắn từ tay quân đội Nga, Ukraine đã ra mắt pháo tự hành nội địa Bohdana với hiệu quả chiến đấu ấn tượng.

"Tôi muốn bày tỏ sự trân trọng với các nhà thiết kế và đơn vị sản xuất pháo tự hành Bohdana vì những đóng góp quan trọng của loại vũ khí này trong chiến dịch giành lại đảo Rắn", Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valery Zaluzhnyi đã dùng những lời "có cánh" để ca ngợi pháo tự hành nội địa trên.

Được thiết kế và sản xuất bởi nhà máy cơ khí hạng nặng Kramatorsk, Bohdana là pháo tự hành nội địa đầu tiên trong biên chế quân đội Ukraine sử dụng đạn pháo cỡ nòng 155mm theo tiêu chuẩn NATO. Trong tiếng Ukraine, tên gọi Bohdana có nghĩa là "Món quà của Chúa".

Pháo tự hành Bohdana được đặt trên khung gầm cơ sở của xe chiến đấu bộ binh cấu hình 6x6 KrAZ-6322 và có thể chuyên chở kíp lái 5 người cùng cơ số đạn lên tới 20 viên. Tầm bắn trung bình của pháo tự hành này là 40km và có thể tăng lên 50km nếu sử dụng những loại đạn đặc biệt. Tốc độ bắn của Bohdana cũng rất đáng nể với khả năng khai hỏa từ 4 đến 8 lần/phút.

Bộ ba vũ khí nội địa trên được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho sự hồi sinh của nền công nghiệp quốc phòng Ukraine và đưa ngành sản xuất này trở lại thời kỳ hoàng kim như trước đây.

Tùng Nguyễn

Theo Defense Express, mil.in.ua, Carnegie Endowment, Reuters

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine