DMagazine

Ukraine "nội công, ngoại kích" bào mòn sức chiến đấu của quân đội Nga

(Dân trí) - Chiến thuật "nội công, ngoại kích" của quân đội Ukraine đã gây ra nhiều tổn thất đối với các lực lượng Nga trong một năm chiến sự.

UKRAINE "NỘI CÔNG, NGOẠI KÍCH" BÀO MÒN SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA QUÂN ĐỘI NGA

Chiến thuật "nội công, ngoại kích" của quân đội Ukraine đã gây ra nhiều tổn thất đối với các lực lượng Nga trong một năm chiến sự.

Trong suốt hơn một năm trôi qua kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2/2022, cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Quân đội Nga vẫn đang nỗ lực thực hiện các cuộc tấn công với hi vọng đạt được các mục tiêu chiến lược nhằm kiểm soát cả vùng Donbass lẫn khu vực miền Nam Ukraine, qua đó tạo thành một hành lang trên bộ nối liền Donetsk và Lugansk với bán đảo Crimea. Hành lang này sẽ là một vùng đệm an toàn cho Nga khỏi ảnh hưởng của phương Tây một khi Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và có thể là cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Về phía Ukraine, các lực lượng phòng thủ của nước này, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các vũ khí hiện đại được phương Tây viện trợ, đang làm hết sức có thể để chống đỡ những đòn tấn công từ Nga cũng như tổ chức các cuộc phản công để giành lại lãnh thổ. Trong nỗ lực phòng thủ này, các lực lượng Ukraine cũng đã gây ra nhiều tổn thất lớn cho phía Nga bằng việc áp dụng chiến thuật "nội công, ngoại kích" gây tiêu hao sinh lực đối phương.

Chiến thuật tiêu hao sinh lực

 Chiến thuật "nội công, ngoại kích" của Ukraine có thể được hiểu là một tổ hợp bao gồm những đòn đánh du kích và phá hoại từ bên trong các khu vực do Nga kiểm soát, kết hợp với những chiến dịch tấn công từ bên ngoài.

Ukraine nội công, ngoại kích bào mòn sức chiến đấu của quân đội Nga - 1

Một biểu ngữ cổ động cho lực lượng du kích Ukraine tại Kherson hồi tháng 7/2022 (Ảnh: Kiev Post).

Trong thời gian đầu của cuộc xung đột, đứng trước hỏa lực vượt trội của Moscow, Ukraine dường như đã không gặp khó khi quyết định áp dụng chiến thuật đánh du kích nhằm làm tiêu hao sinh lực của quân đội Nga. Thay vì đối đầu trực tiếp thông qua những trận đánh lớn, quân đội của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lựa chọn chiến thuật này để vừa gây ra thiệt hại cho Nga, vừa kéo dài cuộc chiến để chờ đợi thêm viện trợ từ đồng minh phương Tây.

Tại các thành phố do lực lượng Nga kiểm soát, bên cạnh những đợt phản công từ bên ngoài, lực lượng tình báo cùng đặc nhiệm Ukraine cũng nỗ lực triển khai và hỗ trợ các hoạt động phản kháng từ bên trong.

Nhiều vụ tấn công bằng xe chứa bom đã được Ukraine tiến hành nhằm vào các mục tiêu quân sự cùng một số quan chức thân Nga tại Kherson, Donetsk và Melitopol. Các du kích được huấn luyện đặc biệt cũng tổ chức phục kích những nhóm binh sĩ Nga nhỏ của Nga tại các khu vực được Moscow kiểm soát.

Theo ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn thuộc Văn phòng Tổng thống Ukraine, chiến thuật "nội công, ngoại kích" của Ukraine đang làm các lực lượng thân Nga tại nước này "mất ăn mất ngủ" do thường xuyên phải đề cao cảnh giác.

Chiến thuật đánh tiêu hao sinh lực của quân đội Ukraine được phát triển lên một tầm cao hơn trong giai đoạn phản công của lực lượng này tại các chiến trường phía Đông và phía Nam.

Hàng loạt những hình ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội đã ghi lại cảnh các xe tăng, xe bọc thép và nhiều nhóm binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến đấu sau khi lọt vào trận địa mai phục của quân đội Ukraine.

Theo Newsweek, tại chiến trường Donetsk, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, dù không tham gia vào các cuộc đối đầu trực diện với Ukraine, lực lượng tăng thiết giáp Nga vẫn mất tới 130 và xe bọc thép các loại. Tổn thất này đa phần đến từ các trận phục kích của Ukraine.

Xe bọc thép Nga nổ tung sau màn cận chiến ở miền Đông Ukraine

Những vũ khí có độ chính xác cao từ phía Ukraine, dù chỉ được vận hành bởi một nhóm nhỏ binh sĩ, vẫn đủ sức phá hủy những xe tăng có giá trị và uy lực gấp nhiều lần của Nga.

Các chuyên gia quân sự nhận định Nga cũng đã mắc một số sai lầm góp phần làm cho chiến thuật trên của Ukraine trở nên hiệu quả hơn.

"Quân đội Nga đã mắc phải một số sai lầm chiến thuật. Họ đã không tổ chức phối hợp tốt giữa các lực lượng bộ binh, tăng thiết giáp, pháo binh, yểm trợ và trinh sát đường không cũng như công binh", chuyên gia quân sự Mark Cancian, cố vấn cao cấp của Trung tâm nghiên cứu chiến lược về an ninh quốc tế nhận định.

Việc không phối hợp tốt khiến cho các đoàn xe quân sự của Nga không được bảo vệ hiệu quả bởi các đơn vị đồng minh, do đó dễ dàng lọt vào trận địa phục kích của Ukraine. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Nga đã quá chủ quan khi để lọt quá nhiều thông tin nhạy cảm về cách bố trí đội hình tiến công. Điều này giúp Ukraine bố trí thế trận mai phục một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, các binh sĩ Ukraine còn thực hiện nhiều kế hoạch "đặt bẫy" nhằm vào quân đội Nga. Các xe quân sự do phương Tây viện trợ cho Kiev sau khi gặp hư hỏng nặng không thể sửa chữa sẽ được các binh sĩ Ukraine di chuyển ra một khu vực trống và gài thuốc nổ. Khi lực lượng Nga tiếp cận "chiến lợi phẩm", cái bẫy của Ukraine sập xuống, gây ra thương vong cho các binh lính Nga.

Vũ khí chính xác: "Chìa khóa" dẫn đến thành công cho chiến thuật của Ukraine 

Để áp dụng chiến thuật trên một cách hiệu quả, quân đội Ukraine đã dựa nhiều vào các loại vũ khí chính xác do phương Tây viện trợ. Kể từ giữa năm 2022, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã rất tích cực trong việc viện trợ những loại vũ khí có độ chính xác cao cho quân đội Ukraine.

Trúng tên lửa do Mỹ sản xuất, đoàn 5 xe tăng Nga phát nổ dữ dội

Với ưu điểm là khả năng tấn công với sai số thấp ở cự ly xa, các loại vũ khí này cho phép binh sĩ Ukraine vô hiệu hóa nhiều trang thiết bị quân sự hạng nặng của Nga chỉ sau một loạt đạn duy nhất.

Ba vũ khí tiêu biểu nhất, góp phần làm nên thành công của chiến thuật du kích từ phía Ukraine là đạn pháo thông minh M982 Excalibur, tên lửa chống tăng vác vai Javelin cùng các UAV cảm tử do phương Tây viện trợ.

Đạn pháo M982 Excalibur là một trong những vũ khí dẫn đường có độ chính xác rất cao mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. Với trang bị hệ thống định vị toàn cầu GPS, sai số của các pha tấn công từ đạn pháo Excalibur là rất nhỏ. Vì vậy, loại vũ khí này có thể tấn công nhiều mục tiêu của đối phương một cách hiệu quả.

Trong một phát biểu hồi giữa tháng 1, một sĩ quan thuộc lực lượng dân quân ly khai ở miền Đông Ukraine đã gọi đạn pháo Excalibur là "vũ khí nguy hiểm nhất" được Washington viện trợ cho Kiev.

Về tên lửa FGM-148 Javelin, được ra mắt vào năm 1989 và chính thức đưa vào biên chế từ năm 1996, đây là một trong những tên lửa dẫn hướng chống tăng vác vai cơ bản và hiện đại nhất trong biên chế quân đội Mỹ cùng các quốc gia đồng minh.

Với chiều dài 1,1m và đường kính 142mm, tên lửa Javelin có thể được vận hành bởi một kíp chiến đấu gồm một hoặc 2 người, rất phù hợp với tác chiến du kích.

Tên lửa này cũng hoạt động theo nguyên tắc "bắn và quên", đồng nghĩa với việc xạ thủ sẽ thực hiện khóa mục tiêu trước khi phóng và lưu dữ liệu mục tiêu vào bộ nhớ ngay bên trong tên lửa. Sau khi phóng, tên lửa sẽ tự động dẫn đường đến mục tiêu mà không cần sự điều khiển của xạ thủ. Bên cạnh dữ liệu mục tiêu, tên lửa này cũng được lắp đặt thêm đầu dò tầm nhiệt cùng bộ tìm kiếm ảnh hồng ngoại, qua đó giúp nó tăng độ chính xác trong tấn công.

Một ưu điểm nổi bật của tên lửa này là cơ chế tấn công bổ nhào khi tên lửa bay lên độ cao 150m rồi lao xuống phần giáp mỏng phía trên nóc xe tăng và xe bọc thép của đối phương. Cơ chế tấn công này được xem là đặc biệt hiệu quả với các xe tăng của quân đội Nga và buộc Moscow phải gia công thêm các tấm lưới sắt bảo vệ phía trên cho xe thiết giáp khi tham chiến.

Nhận xét về hiệu quả tác chiến của Javelin, chuyên gia quốc phòng cao cấp Scott Boston đến từ tổ chức nghiên cứu Rand Corporation nói: "Javelin có lẽ là rất hiệu quả để chống lại hầu hết các phương tiện bọc thép của Nga. Khả năng tấn công của nó có lẽ là lớn hơn bất kỳ hệ thống tên lửa nào khác ở Ukraine mà một binh sĩ có thể mang theo".

Cùng với đạn pháo Excalibur và tên lửa chống tăng Javelin, các UAV của Ukraine cũng góp phần gây ra rất nhiều thiệt hại cho lực lượng Nga. Không chỉ tiến hành trinh sát và chỉ thị mục tiêu cho các hệ thống vũ khí thông minh, UAV của Ukraine còn trực tiếp tham gia vào các nhiệm vụ tấn công cảm tử nhằm vào các mục tiêu của quân đội Nga.

Sự phối hợp của 3 loại vũ khí trên đã góp phần củng cố thế trận và tiếp thêm sức mạnh cho chiến thuật tấn công du kích của quân đội Ukraine.

Biện pháp đối phó của Nga

Để đối phó với các chiến thuật trên của Ukraine, quân đội Nga đã đưa ra nhiều phương án tác chiến khác nhau.

Ukraine nội công, ngoại kích bào mòn sức chiến đấu của quân đội Nga - 2

Hình ảnh được cho là các binh sĩ vệ binh quốc gia Nga tại Kherson hồi tháng 5/2022 (Ảnh: AFP).

Moscow đã điều động đến tham chiến tại Ukraine nhiều đơn vị của Lực lượng Vệ binh Quốc gia với nhiệm vụ đảm bảo an ninh và chống phá hoại tại các khu vực đang được Nga kiểm soát.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga (FSVNG) thành lập vào năm 2016 như một cơ quan hành pháp liên bang (ngang bộ) mới, chịu trách nhiệm về an ninh và các chức năng trong một số lĩnh vực khác.

Thành phần chủ yếu của FSVNG chủ yếu bao gồm các binh sĩ đặc nhiệm chống khủng bố được chuyển giao từ Bộ Nội vụ Nga. Nhiệm vụ chính của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga là duy trì trật tự, bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng, chống lại các mối đe dọa tiềm tàng của đối phương và tham gia các nhiệm vụ đột kích cũng như chống khủng bố.

Tại Ukraine, các binh sĩ vệ binh quốc gia Nga đã tham gia vào nhiều chiến dịch truy tìm và ngăn chặn hoạt động của du kích Ukraine. Nhiều du kích cùng kho vũ khí của Ukraine tại Kherson và Donetsk đã bị lực lượng này của Nga loại khỏi vòng chiến đấu.

Ngoài ra, các chỉ huy quân sự Nga cũng ra lệnh thắt chặt thông tin nhằm không để kế hoạch chiến của lực lượng này lọt vào tay quân đội Ukraine.

Ngoài ra, một số chuyên gia quân sự cũng nhận định chiến thuật tấn công du kích của Ukraine trong thời gian tới sẽ giảm độ hiệu quả. Lý do của nhận định này là chiến thuật này sẽ phù hợp hơn với phe phòng thủ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Ukraine sẽ buộc phải mở các cuộc tấn công nhằm giành lại lãnh thổ, qua đó đẩy lực lượng Nga vào thế phòng thủ.

Ukraine nội công, ngoại kích bào mòn sức chiến đấu của quân đội Nga - 3

Các xe tăng Nga bị phá hủy ở mặt trận Vuhledar (Ảnh: Twitter).

Chiến dịch phản công của Ukraine cũng có thể sẽ trở thành một cơ hội cho Nga để áp dụng chính chiến thuật du kích nhằm vào quân đội Ukraine.

Đầu tháng 1/2023, Mỹ, Đức, Anh cùng nhiều quốc gia phương Tây khác đã đạt được đồng thuận trong việc cung cấp các xe tăng chiến đấu chủ lực M-1 Abrams, Leopard và Challenger cho quân đội Ukraine.

Giới quan sát cho rằng nếu không khắc phục được những sai lầm mà Nga phạm phải, các xe tăng phương Tây hoàn toàn có thể trở thành "miếng mồi ngon" cho hỏa lực Nga. Đặc biệt, trong danh sách 10 tên lửa chống tăng tốt nhất thế giới do Defence View công bố, Nga sở hữu 2 đại diện là 9M123 Khrizantema cùng Kornet.

Tùng Nguyễn

Theo Defense Express, Guardian, The Drive

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine