DMagazine

Bài toán "đau đầu" của phương Tây khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài

(Dân trí) - Viễn cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài sẽ đẩy các nước phương Tây vào thế tiến thoái lưỡng nan khi phải cân bằng giữa lợi ích quốc gia và nghĩa vụ hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Zelensky.

BÀI TOÁN "ĐAU ĐẦU" CỦA PHƯƠNG TÂY KHI XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE KÉO DÀI

Viễn cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài sẽ đẩy các nước phương Tây vào tình thế khó xử khi phải cân bằng giữa lợi ích quốc gia và nghĩa vụ hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Zelensky.

Ngày 24/2, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Gần 5 tháng trôi qua, cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Trong thời gian gần đây, Ukraine đã bắt đầu lên kế hoạch cho chiến dịch phản công giành lại vùng lãnh thổ miền Nam nước này. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các lực lượng phòng thủ Nga, chiến dịch phản công của Ukraine nhiều khả năng sẽ không đạt được kết quả trong một sớm một chiều.

Bên cạnh đó, các lực lượng Nga vẫn đang nỗ lực tấn công nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass trước sức kháng cự mãnh liệt của quân đội Ukraine.

Diễn biến chiến sự liên tục đảo chiều khiến các chuyên gia nhận định các cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ còn kéo dài. Điều này sẽ đẩy các đồng minh phương Tây của Kiev vào một tình thế "tiến thoái lưỡng nan", khi họ sẽ phải tìm cách cân bằng giữa nguồn lực nội tại và sự hỗ trợ cho chính quyền Ukraine dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

"BỎ RƠI" UKRAINE LÀ MỘT ĐIỀU KHÔNG THỂ

Theo những tính toán ban đầu của quân đội Nga, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể chỉ kéo dài khoảng 100 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang Ukraine cao hơn nhiều so với dự đoán của người Nga. Sức chiến đấu đấy không chỉ đến từ nội lực của Ukraine, mà còn từ sự hỗ trợ khổng lồ từ các đồng minh phương Tây.

Bài toán đau đầu của phương Tây khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài - 1
Máy bay vận tải C-17 Globemaster III vận chuyển các lựu pháo M777 cỡ nòng 155mm được Mỹ viện trợ cho Ukraine (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Nhiều chuyên gia phân tích khẳng định nếu không có những khoản viện trợ vũ khí ồ ạt từ Mỹ và nhiều nước châu Âu, quân đội của Tổng thống Zelensky đã không thể trụ vững đến thời điểm này. Cuộc xung đột càng kéo dài, các nguồn lực của phương Tây cần phải sử dụng để hỗ trợ Ukraine ngày càng tăng lên, nhất là khi nền kinh tế Ukraine đã gần như tê liệt sau gần 5 tháng chiến sự.

Không chỉ vũ khí và các khí tài quân sự, giờ đây, chính quyền Ukraine còn phụ thuộc nhiều vào trợ giúp kinh tế từ các đồng minh để duy trì hoạt động.

Đất nước đóng vai trò dẫn dắt và điều phối các kế hoạch viện trợ cho Ukraine, không ai khác, chính là Mỹ. Theo chuyên gia Seth Cropsey, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George H. W. Bush, xung đột dai dẳng đang đẩy nước Mỹ đứng trước 2 lựa chọn tại Ukraine.

Với lựa chọn đầu tiên, Mỹ sẽ duy trì vai trò lãnh đạo và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh nhằm hỗ trợ cho Ukraine đến cùng. Ở chiều ngược lại, Mỹ có thể chủ động thu hẹp vai trò để tập trung cho các vấn đề tồn đọng trong nước và chia sẻ nguồn lực cho các nhiệm vụ khác trên khắp thế giới.

Chuyên gia Cropsey khẳng định khả năng Mỹ đi theo lựa chọn thứ 2 là rất mong manh, vì vai trò của Ukraine nói riêng và châu Âu nói chung vẫn rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Washington D.C.

Việc chủ động từ bỏ vai trò trung tâm trong liên minh viện trợ cho Ukraine trong liên minh viện trợ Ukraine sẽ làm lung lay lòng tin của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhiều quốc gia châu Âu khác đối với Mỹ. Theo ông Crospey, sự mất lòng tin này sẽ tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn trong nội bộ của các liên minh do Mỹ đứng đầu, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của NATO khi các thành viên khác không đủ sức để thay thế vai trò của Mỹ.

Bài toán đau đầu của phương Tây khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài - 2

Tổng thống Ukraine Zelensky tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tại thủ đô Kiev (Ảnh: Reuters).

Ông Cropsey cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu điều trên xảy ra do tầm ảnh hưởng mang tính toàn cầu của quốc gia này từ lâu đã được hỗ trợ bởi các liên minh chính trị và quân sự mà Washington đóng vai trò dẫn dắt. Do đó, việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine được coi là một động thái cần thiết nhằm giữ vững lòng tin và củng cố lập trường của Mỹ đối với các đồng minh.

Ngoài ra, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tin rằng việc phương Tây từ bỏ Ukraine sẽ mang đến cho Nga nhiều cơ hội để dứt điểm cuộc xung đột này. Nếu trở thành hiện thực, đây sẽ là một chiến thắng mang tính biểu tượng của Tổng thống Vladimir Putin, qua đó nâng cao vị thế của Nga trên trường quốc tế. Mỹ và phương Tây hiển nhiên không mong chờ điều này, chuyên gia Cropsey nhấn mạnh.

MỐI LO NGẠI VỀ NHỮNG KHO VŨ KHÍ CẠN KIỆT

Cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ cạn kiệt vũ khí cho các nước phương Tây. Chuyên gia quân sự Stephen Bryen, trong một bài viết trên trang Asia Times, cho rằng Mỹ và NATO có khả năng viện trợ cho Ukraine trong một cuộc xung đột ngắn ngày, nhưng các quốc gia này dường như khó có thể kéo dài nỗ lực giúp đỡ Kiev nếu chiến sự kéo dài.

Bài toán đau đầu của phương Tây khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài - 3
Các xe bọc thép chở quân BVP M-80 của Slovenia trên đường chuyển giao cho quân đội Ukraine (Ảnh: 24ur).

Theo thống kê của giới truyền thông, tính đến đầu tháng 7/2022, riêng Mỹ đã cam kết viện trợ cho Ukraine số vũ khí và các khoản hỗ trợ tài chính trị giá hơn 25 tỷ USD. Anh cũng đã chuyển cho Ukraine khoản hỗ trợ trị giá gần 3 tỷ USD.

Ba Lan, nước láng giềng và là một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Zelensky ở châu Âu cũng chuyển gần 2 tỷ USD vũ khí cho Ukraine. Hai quốc gia cuối cùng trong danh sách 5 nước ủng hộ nhiều nhất cho Ukraine tính đến ngày 7/7 là Đức và Canada với các khoản viện trợ trị giá lần lượt là 1,48 tỷ và 800 triệu USD.

Tuy nhiên, khoản viện trợ này có lẽ là chưa thấm vào đâu so với những gì mà Ukraine cần để duy trì thanh toán cho các khoản chiến phí khổng lồ mà quốc gia này đang phải gánh chịu.

"Theo ước tính mới nhất, chi phí mà Ukraine bỏ ra cho cuộc chiến này là từ 5 đến 6 tỷ USD mỗi tháng. Đây là mức chi tiêu đáng kinh ngạc", giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power tiết lộ vào cuối tháng 6.

Chuyên gia Bryen cho rằng con số này có thể tiếp tục tăng lên, đặc biệt là khi quân đội Ukraine đang cần thêm rất nhiều vũ khí để bù đắp những tổn thất trước đây cũng như hoàn thành nhiệm vụ phản công giành lại vùng lãnh thổ phía Nam nước này.

Đây có thể được xem là một "gánh nặng" cho nhiều nước phương Tây khi việc viện trợ cho Ukraine liên tục trong một thời gian dài đã khiến kho khí tài của các quốc gia này cạn kiệt và sẽ cần thời gian để lấp đầy sự thiếu hụt này.

Trả lời phỏng vấn báo Financial Times, bà Kathy Warden, giám đốc điều hành của Northrop Grumman, một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất nước Mỹ, cho biết các kho vũ khí hiện nay của phương Tây không thích ứng với một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine.

"Tôi không nói rằng vũ khí sắp cạn kiệt, nhưng nếu xung đột kéo dài trong vài năm nữa thì đó sẽ là một vấn đề lớn", bà Warden nói.

Để giải quyết vấn đề trên, người đứng đầu Northrop Grunman bày tỏ hy vọng về một "tín hiệu rõ ràng" từ các chính phủ phương Tây về các cam kết hợp đồng cũng như nhu cầu cụ thể của kế hoạch viện trợ Ukraine. Sự đảm bảo của các chính phủ sẽ giúp các nhà thầu quốc phòng có thể yên tâm đầu tư mở rộng và duy trì dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu viện trợ cho Ukraine.

Bài toán đau đầu của phương Tây khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài - 4
Binh sĩ Ukraine kiểm tra các kiện hàng tên lửa phòng không vác vai Stinger do Mỹ sản xuất (Ảnh: Reuters).

Trong Thế chiến II, Mỹ đã từng tập trung mọi nguồn lực quốc dân cho ngành công nghiệp quốc phòng và vì vậy các nhà sản xuất vũ khí nước này đã có thể cung cấp gần 70% tổng số vật tư chiến tranh cho các lực lượng thuộc phe Đồng minh trong giai đoạn từ năm 1940 đến 1945.

Tuy nhiên, ông Bryen cho rằng, khả năng Mỹ sẽ lặp lại kịch bản trên và đưa ra lời đảm bảo cho các nhà thầu vũ khí là khó có thể xảy ra trong thời điểm hiện tại, đặt trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn do những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Ngoài ra, Mỹ cũng không thể dồn hết tài chính cho Ukraine vì nước này còn đang triển khai nhiều hoạt động quân sự tại các khu vực khác trên thế giới.

Thêm vào đó, chuyên gia Bryen đặt ra giả thuyết về việc chiến sự kéo dài sẽ khiến xung đột vượt ra ngoài biên giới Ukraine. Khi đó, Mỹ và NATO sẽ cần đối mặt với kịch bản phải bảo vệ một khu vực rất rộng lớn với kho vũ khí bị hao hụt đáng kể.

XUNG ĐỘT KÉO DÀI VÀ HẬU QUẢ KINH TẾ

Cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev không chỉ để lại ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân Nga và Ukraine, mà còn gây ra một cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu.

Những đòn trừng phạt liên tục nhằm vào Nga trong thời gian qua đã khiến chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin quyết định cắt giảm nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên như một động thái đáp trả.

Bài toán đau đầu của phương Tây khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài - 5
Các đường ống dẫn khí thuộc dự án Dòng chảy Phương Bắc 1 ở Lubmin, Đức (Ảnh: Reuters).

Quyết định trên của Nga đã ảnh hưởng đến an ninh năng lượng trên quy mô toàn cầu, và vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được giải quyết trong thời gian tới. Ông Alex Munton, chuyên gia tư vấn về thị trường khí đốt toàn cầu tại tập đoàn Rapidan Energy Group, cảnh báo về một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ, nhất là tại châu Âu.

"Giá cả đã tăng chóng mặt. Đó là một cái giá quá cao và thực sự hiện chưa có lối thoát", ông Munton nói và nhấn mạnh rằng nếu tình hình không được cải thiện, châu Âu sẽ đối mặt với rắc rối thật sự trong vài tháng tới khi mùa đông lạnh giá ập đến, khiến nhu cầu về năng lượng tăng vọt và cần có đủ khí đốt tự nhiên để sưởi ấm.

Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng và khí đốt từ Nga thừa nhận các kho dự trữ của nước này hiện không có đủ khí đốt để trụ qua mùa đông tới nếu không có thêm nguồn cung đến từ Nga.

"Lượng khí đốt trong các kho dự trữ của chúng tôi hiện chỉ đạt 65% công suất. Con số này là tốt hơn những tuần trước nhưng vẫn không đủ để giúp Đức vượt qua mùa đông sắp tới mà không cần sử dụng đến khí đốt nhập khẩu từ Nga", người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức Klaus Mueller nói.

Việc thiếu hụt khí đốt do hậu quả của các đòn trừng phạt nhằm vào Nga đang gây nên những tác động nặng nề đối với người dân Đức. Trong một cuộc thăm dò dư luận được tổ chức vào ngày 15/7 bởi hãng tư vấn INSA, 47% trong tổng số hơn 1,000 người Đức được hỏi cho biết họ tin rằng các đòn trừng phạt nhằm vào Nga gây tổn hại tới Berlin nhiều hơn là với Moscow. 

Không chỉ tại châu Âu, nguồn cung dầu mỏ và khí đốt sụt giảm mạnh cũng kéo giá cả của mặt hàng này tăng cao, dẫn đến những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Tại Mỹ, giá nhiên liệu đã tăng gần 60% so với thời điểm một năm trước.

Bài toán đau đầu của phương Tây khi xung đột Nga - Ukraine kéo dài - 6

Người dân bang California giơ biểu ngữ phản đối giá xăng tăng quá cao (Ảnh: Reuters).

Giá nhiên liệu ở mức cao kỷ lục đã khiến giá cả các mặt hàng khác tăng vọt. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2022 ở Mỹ đã tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong vòng 41 năm qua. Lạm phát ở Anh cũng đã lên ngưỡng 9,4% vào tháng 6/2022, mức cao nhất kể từ tháng 2/1982. Tình trạng "bão giá" cũng đang xảy ra tại nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Canada và Australia.

Giới quan sát nhận định, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine tiếp tục kéo dài sẽ không có lợi cho cuộc khủng hoảng năng lượng và kinh tế mà thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây, đang phải đối mặt. Điều này đặt ra một bài toán cho các quốc gia này trong việc cân bằng lợi ích kinh tế trong nước với các mục tiêu chính trị và quân sự ở Ukraine.

Tùng Nguyễn

Theo Asia Times, Guardian, Reuters