1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vũ khí hạng nặng đổ về Ukraine, nghị sĩ Đức cảnh báo Thế chiến III

Minh Phương

(Dân trí) - Việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí hạng nặng có thể khiến xung đột vượt ra ngoài biên giới Ukraine, trở thành Thế chiến III, một nghị sĩ Đức cảnh báo.

Vũ khí hạng nặng đổ về Ukraine, nghị sĩ Đức cảnh báo Thế chiến III - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa một pháo tự hành ở Donbass (Ảnh: Reuters).

Trả lời phỏng vấn Global Times ngày 19/7, Sevim Dagdelen, nghị sĩ thuộc đảng cánh tả của Đức, nói: "Đức, giống nhiều quốc gia phương Tây khác đang viện trợ vũ khí hạng nặng quy mô lớn cho Ukraine. Ngay từ đầu tôi đã phản đối việc này bởi vì chúng tôi cho rằng nó sẽ khiến xung đột kéo dài, lấy đi nhiều sinh mạng ở Ukraine".

Bà Dagdelen bình luận thêm: "Việc cung cấp ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng cho Ukraine, cũng như huấn luyện cho quân đội Ukraine làm tăng nguy cơ cuộc chiến ở đây lan rộng thành Thế chiến III". Nghị sĩ Đức cho rằng, phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm và tiêu hao nhằm làm suy yếu Nga trong dài hạn.

"Chiến sự nổ ra bằng vũ khí, nhưng nên kết thúc bằng đàm phán", bà Dagdelen nhấn mạnh.

Mỹ và các đồng minh phương Tây như Anh, Đức, Pháp liên tục viện trợ cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự ở Ukraine hồi tháng 2. Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, các nước này chỉ chuyển cho Kiev những vũ khí loại nhỏ mang tính phòng vệ, nhưng khi chiến sự bắt đầu khốc liệt hơn ở giai đoạn hai khi Nga chuyển trọng tâm sang Donbass, phương Tây đồng ý cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Những vũ khí này bao gồm các tổ hợp pháo phóng loạt tầm xa như М142 HIMARS và M270 MLRS. Một quan chức cấp cao của Ukraine đầu tuần này tiết lộ, quân đội nước này có thể sắp được tiếp nhận vũ khí tầm xa hơn.

Vũ khí hạng nặng cho phép Ukraine nhắm đến các mục tiêu nằm sâu sau chiến tuyến của Nga, phá hủy các kho đạn dược, nhiên liệu, trung tâm chỉ huy. Một số quan chức Ukraine thậm chí tuyên bố, quân đội nước này sẽ tấn công hạm đội của Nga ở Crimea và giành lại quyền kiểm soát bán đảo này.

Nga nhiều lần chỉ trích việc phương Tây tiếp tục "bơm" vũ khí cho Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài. Moscow cảnh báo, bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Nga.

Điều khoản đàm phán sẽ khó khăn hơn

Trong bối cảnh phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine, các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine tiếp tục bế tắc. Leonid Slutsky, một thành viên đoàn đàm phán Nga, hôm 19/7 cảnh báo, Moscow sẽ đưa ra những điều kiện khó khăn hơn khi các cuộc đàm phán nối lại.

"Hôm nay, các điều kiện mà chúng tôi đưa ra (cho Ukraine) sẽ khó khăn hơn cả về phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, khó khăn hơn về thực chất và thời gian thực hiện. Tôi nhấn mạnh rằng đây là điều kiện xảy ra nếu quá trình đàm phán được nối lại", ông Slutsky nói.

Trước đó, cố vấn của Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov, cũng cho biết các điều kiện mà Nga đưa ra sẽ "rất khác" nếu 2 bên nối lại hòa đàm.

Về phía Ukraine, Ngoại trưởng Dmitry Kuleba hôm 18/7 tuyên bố, Kiev chỉ nối lại đàm phán khi Moscow "bị đánh bại trên chiến trường". Ông cho biết, Tổng thống Volodymyr Zelensky không loại trừ khả năng đàm phán, nhưng hiện không có lý do gì để đàm phán vào lúc này.

Mặc dù Nga đang chiếm ưu thế ở chiến trường Donbass, nhưng Ukraine tin rằng họ sẽ có vị thế tốt hơn trên chiến trường vào cuối tháng 8 tới sau các đợt phản công ở một số khu vực nhất định nhờ vào nguồn vũ khí hạng nặng do phương Tây viện trợ.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine