Ông Tuấn "tim" và câu chuyện từ chuyên môn sang quản lý
Mấy ngày qua, chuyện ông Tuấn "tim" mãn hạn tù và đang thực hành ở bệnh viện để trở lại nghề thầy thuốc khiến nhiều người chú ý, bàn luận.
Kể cũng lạ, một vị đã từng là giáo sư đầu ngành danh tiếng phải làm cái công việc của người mới vào nghề, lạ hơn nữa là người từng thụ án lại được chào đón và mong chờ không chỉ bởi những người từng được ông chữa trị, khi vừa trải qua cơn ác mộng của cuộc đời nghiệt ngã.
Pháp luật là công bằng, nghiêm minh nhưng lòng người cũng thật vị tha và nhân ái. Ông vướng vào lao lý và đã phải trả giá cho sai phạm của mình như chính ông đã thừa nhận nhưng bản chất người thầy thuốc với những khát khao trị bệnh cứu người vẫn còn nguyên vẹn.
"Ngã ở đâu đứng dậy ở đó", nhìn nụ cười nhẹ nhõm của ông khi đến thăm từng giường bệnh tôi hiểu được hạnh phúc của một người thầy thuốc khi được trở lại với công việc yêu thích và ý nghĩa của mình.
Vui là thế nhưng cũng không khỏi chua xót khi nghĩ đến cái giá không chỉ mình ông Tuấn phải trả cho những sai phạm đã xảy ra, và một lần nữa câu chuyện giỏi chuyên môn có nhất thiết phải làm lãnh đạo lại được bàn đến.
Ở Việt Nam, cái tâm lý "học để làm quan" dường như đã là một tâm lý truyền đời khó bỏ và cái sự thăng tiến trên quan trường như một sự chứng nhận cho năng lực chuyên môn không phải là không có căn nguyên của nó. Một người giỏi về chuyên môn đương nhiên là có sự hiểu biết sâu sắc về nghề nghiệp của mình. Đó chính là một trong những điều kiện quan trọng khiến cho họ, khi đặt vào vị trí lãnh đạo quản lý hiểu được công việc cần vận hành như thế nào cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất.
Một thầy thuốc giỏi đương nhiên hiểu nỗi lòng bệnh nhân và biết cần phải làm gì để đáp lại sự mong chờ của họ và gia đình. Nhưng có lẽ như thế là chưa đủ với một người lãnh đạo quản lý, nhất là với một vị trí đứng đầu một bệnh viện lớn biết bao các mối quan hệ và trăm ngàn công việc ngoài chuyên môn. Mỗi công việc đều phải được thực hiện theo những quy trình, quy định cụ thể đòi hỏi tâm lực, trí lực của một người quản lý vốn chỉ đau đáu với chuyện trị bệnh, cứu người. Vậy nên sai sót là điều khó tránh khỏi.
Bỏ qua những lý thuyết, những tranh luận về giỏi chuyên môn có nên làm quản lý. Tôi chỉ muốn chia sẻ với những khó khăn của ông khi chính mình đã từng đứng đầu một Viện Khoa học, dù chỉ là bé tí tẹo. Viện trưởng đâu chỉ bay bổng với ý tưởng mới, với sáng tạo và chuyên môn. Viện trưởng là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp, là chủ tài khoản với mối lo cơm áo gạo tiền, với đời sống thường nhật của anh em đồng nghiệp, phải biết chi, biết tiêu, biết cách tăng thu nhập cho mọi người khi mà đồng lương còn khó khăn, eo hẹp, nhưng lại kèm theo đó biết bao quy định nghiêm ngặt không phải lúc nào cũng dễ dàng tuân thủ.
Đó là chưa kể chằng chịt các mối quan hệ trong ngoài trên dưới, đòi hỏi phải biết đối nhân xử thế để trong ấm ngoài êm. Cải cách, đổi mới chưa bao giờ là dễ dàng và luôn mang đến những rủi ro, những bài học đau xót.
Tăng cường tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, từng bước mang lại những kết quả trong việc phát huy tính năng động sáng tạo trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng không phải không có những vấp ngã.
Giữa mong muốn và hiện thực luôn phải có thời gian và sự trăn trở vật vã là điều khó tránh. Không phải tự nhiên mà nhiều bệnh viện đã xin thôi để không được "tự do, tự chủ". Không phải tự nhiên mà đã có Giám đốc một bệnh viện lớn xin được thôi, không bổ nhiệm lại để tập trung làm chuyên môn, mặc dù ông hoàn toàn xứng đáng! Cái vướng, cái khó đôi khi lại đến từ cơ chế, điều mà người ta luôn nói đến nhưng lại không dễ gì khắc phục. Không phải tự nhiên mà ngày 8/7 mới đây Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Điều đó thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong quá trình cải cách để các quy định thật sự phù hợp với thực tiễn cuộc sống, để khơi thông dòng chảy của sự sáng tạo của những con người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Và xa hơn nữa là một sự thay đổi từng bước tâm trạng của xã hội về các thang bậc giá trị. Khi mà nhân cách và sự đóng góp sẽ là những thước đo giá trị đích thực và là niềm tự hào còn mãi của mỗi con người thay vì chỉ thông qua cái vẻ hào nhoáng bề ngoài của tiền tài, chức vị, để không còn có những câu chuyện buồn như với ông Tuấn "tim"!
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 32 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!