Cháy nhà và câu chuyện triết lý sống
Sau vụ cháy chung cư mini Khương Hạ, Hà Nội, nhiều cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã vào cuộc, nhiều văn bản được ban hành, nhiều ý kiến chỉ đạo được đưa ra nhằm chấn chỉnh tình trạng xây và cho thuê loại hình nhà ở này trên địa bàn Thủ đô.
Giấy phép xây dựng như thế nào, xây vượt tầng không, đảm bảo quy định về phòng cháy, chữa cháy không? Và gắn liền với đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan. Xem ra, với sự quyết liệt từ lãnh đạo cao nhất của thành phố, nhiều cá nhân, tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Ngoài vấn đề xử lý trách nhiệm, vụ cháy này là hồi chuông cảnh tỉnh xã hội không chỉ về mỗi câu chuyện cháy nhà, mà trên hết về cách sống, cách mưu sinh và tồn tại của con người. Sau cái sự ồn ào của dư luận xã hội về vụ cháy, sau cái sự quyết liệt vào cuộc truy tìm nguyên nhân và quy trách nhiệm của các cơ quan công quyền, mọi sự có bình thường trở lại không? Mọi sự liệu có tốt hơn không?
Nhu cầu thuê nhà ở làm sao không còn, nhà chung cư mini có bớt đi hay lại mọc lên như cũ, rồi có khi lại cháy, lại xử lý… Nhà nước vẫn quản lý, vẫn nhiều văn bản này nọ, nhưng xây chung cư mini vẫn cứ xây… Đến đâu hay đến đó, kể cả cháy?
Mà đấy không phải là câu chuyện riêng của chung cư mini. Nó còn là câu chuyện về lối sống trong xã hội.
Nhiều người Việt vốn quen sống trước hết vì cái tôi, không quan tâm nhiều đến cái chung. Chúng ta không vơ đũa cả nắm, nhưng cứ quan sát sẽ thấy không ít người có thể làm rất tốt việc giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, nhưng vào quán ăn lại vô tư vứt giấy ăn xuống sàn, đi ra đường thì xả rác một cách bừa bãi. Trong nhà sạch sẽ, đâu ra đấy, nhưng ngoài nhà như thế nào thì không quan tâm. Rác trong nhà cứ ra khỏi nhà là được, đã có người khác lo việc đó.
Rồi thì câu chuyện xếp hàng, chen ngang. Thói quen xếp hàng ở nhiều nơi hầu như không có. Nhiều người tỏ ra khôn hơn người khác khi chen ngang. Tại sao lại phải xếp hàng khi ta chen ngang vẫn được việc.
Cái sự khôn vặt kiểu này xuất hiện khắp nơi. Ở chỗ làm việc thì chểnh mảng, lãng phí thời gian lao động, nhưng không thể chờ vài giây đèn xanh ở ngã ba, ngã tư và sự tắc nghẽn, ùn ứ giao thông cũng từ đó sinh ra. Ai tắc cứ tắc, ta thoát rồi mà.
Thật buồn khi vào giờ đi làm, ùn ứ giao thông, nhưng ô tô đương nhiên cứ đi hàng 4, hàng 5 trên đường khiến xe máy không còn chỗ và buộc phải đi trên vỉa hè. Bao nhiêu năm nay chúng ta hô hào xây dựng văn hóa giao thông, song vì sao chưa sửa được việc này. Giả sử ai đó đang lái ô tô có ý định mở một luồng cho xe máy đi, thì mới nhích tý đã có ô tô khác điền vào. Vậy nên một cá nhân muốn thay đổi cũng không được.
Và rồi khi những con người như vậy đến cơ quan công quyền giải quyết việc này, việc kia, tỷ như đăng ký kinh doanh, sổ đỏ, giấy phép xây nhà, nộp thuế… là bắt đầu của câu chuyện tìm kiếm lợi ích tối đa. Khi một bộ phận nào đó trong bộ máy công quyền cũng hành động theo triết lý "vì mình trước hết", thì câu chuyện chống tiêu cực, chống tham nhũng vặt càng trở nên khó khăn.
Không phải tự nhiên mà nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói rằng "chung cư mini xây sai phép đều có chống lưng". Triết lý sống chỉ lo vun vén cá nhân, ý thức cộng đồng và ý thức pháp luật chưa cao chính là những biểu hiện của thói tiểu nông, tầm nhìn quanh quẩn sau lũy tre làng (cho dù là cư dân đô thị ), ít khi nhìn rộng ra bên ngoài.
Phải chăng đây là lúc chúng ta thực lòng với nhau một chút khi xem mình đã hành xử ra sao trong những việc cụ thể. Bản thân tôi và nhiều người khác sống ở Hà Nội thế nào chả đã từng xây nhà, hoàn thiện nhà, sửa nhà… Mà đã đụng cái việc này ai chẳng muốn đạt được lợi ích tối đa, chí ít thì cũng lấn thêm chút không gian bên trên cho diện tích sử dụng mấy tầng trên rộng ra chút. Nhiều hơn là lấn sang đất công, cơi nới thêm một hai tầng…
Biết là vi phạm nhưng vẫn làm và chỉ mong người của thanh tra xây dựng đến phạt cho tồn tại. Chừng nào chưa được phạt là chưa an tâm làm tiếp. Mà người mình cũng lạ, thường thì biết là người ta vi phạm, cơi nới thêm mấy tầng nhưng nêu không "đụng" vào lợi ích của mình thì vẫn cứ im lặng. Đã có cơ quan nhà nước lo, mình khỏi lo.
Cuộc sống con người ta cứ thế trôi theo năm tháng, theo những lo toan nhọc nhằn mưu sinh.
Chẳng nhẽ cứ vậy mà sống. Để rồi có gì đó xảy ra như kiểu cháy chung cư mini Khương Hạ mới giật mình thức tỉnh.
Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ có nên cứ sống, cứ mưu sinh, cứ làm việc tiếp như bấy lâu nay? Cứ như cũ thì lại cháy nhà kiểu chung cư mini Khương Hạ, lại sập cầu, lại có những vụ kiểu chuyến bay giải cứu, Việt Á… Và lại xử lý, có ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm, phải vào tù, phải bồi thường… Nhưng như vậy sẽ không căn cơ, không bền vững.
Còn nếu thay đổi, làm khác đi thì thật sự sẽ là một sự thay đổi lớn trong triết lý sống của con người. Đương nhiên, đây là việc rất khó thực hiện. Sự thay đổi này sẽ là một quá trình lâu dài, diễn ra trên nhiều lĩnh vực, mà trước hết là giáo dục.
Giáo dục trong gia đình, trong trường học và tại nơi làm việc. Thông qua giáo dục góp phần hình thành con người có nhân cách, đạo đức và đặc biệt là có ý thức tuân thủ pháp luật. Quá trình này cũng đòi hỏi sự thay đổi lớn trong hoạt động của cơ quan công quyền. Chỉ có như vậy mới hình thành ra cái triết lý sống mới của con người: sống và làm việc trên cơ sở tuân thủ pháp luật, tôn trọng các giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội.
Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!