Tâm điểm
Bích Diệp

Bác sĩ Tuấn "tim" trở lại!

Một người từng là giáo sư hàng đầu ngành y mà vẫn phải xin thực hành để được cấp lại chứng chỉ  hành nghề. Thực là một tình huống trớ trêu, hi hữu.

Tuy vậy, việc cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội - Nguyễn Quang Tuấn - ngay khi được ra tù đã xin thực hành tại Bệnh viện Hữu Nghị, lại là bản tin mang tới những cảm xúc.

Trước hết, với nhiều bệnh nhân, đây có thể nói là tin vui vì đánh dấu sự trở lại chính thức trong tương lai gần của ông Tuấn "tim" - một người từng là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tim mạch. Nói là chính thức bởi ông sẽ cần phải thực hành 12 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề trở lại.

Với cơ sở y tế đồng ý tiếp nhận ông Tuấn vào thực hành, đây là một động thái rất đáng hoan nghênh; cho thấy sự trân trọng và cởi mở của cơ sở y tế này với người đồng nghiệp đã từng sa chân vào vòng lao lý.

Còn với ông Tuấn, việc vừa ra tù đã viết đơn xin thực hành tại bệnh viện ngay cho thấy tâm thế "ngã ở đâu đứng dậy ở đó" của ông, tâm thế chủ động trở lại với nghề nghiệp mà ông đã theo đuổi cả cuộc đời.

Bác sĩ Tuấn tim trở lại! - 1

Ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội (Ảnh: Tiến Tuấn).

"Khi đã làm nghề y, là bác sĩ thì ai cũng đều mong muốn được khám chữa cho bệnh nhân, là người thầy thì ai cũng mong được giảng dạy", ông Tuấn nói trong cuộc trả lời phỏng vấn của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV). Ông cũng chia sẻ một cách cầu thị, rằng ông hy vọng mình sẽ nâng cao tay nghề khi hàng ngày được tiếp xúc với các bệnh nhân.

Dưới bài viết của Dân trí đưa tin ông Nguyễn Quang Tuấn viết đơn xin thực hành tại bệnh viện, nhiều độc giả đã bình luận chúc mừng và kỳ vọng với tài năng của mình, ông sẽ sớm "lấy lại phong độ" của một bác sĩ giỏi.

Tôi vẫn nhớ, trước, trong và sau phiên tòa xét xử ông Tuấn và 11 người khác về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", nhiều đồng nghiệp của tôi cũng như những người quan tâm vụ việc đều cảm thán, tiếc cho một bác sĩ có tài vướng vòng lao lý.

Sai phạm liên quan đến ông Tuấn đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ trong quá trình tố tụng. Ông là một nhà quản lý còn hạn chế và thiếu sót, mà như nhận định của Hội đồng xét xử là "nôn nóng, thiếu hiểu biết", dẫn đến có sai phạm trong thời điểm khó khăn, thiếu thốn về vật tư, thiết bị y tế, nhưng sau tất cả thì mọi người vẫn nhớ đến ông với tư cách là một bác sĩ từng có trình độ chuyên môn cao. Mong rằng tới đây ông sẽ tiếp tục được biết đến là một bác sĩ giỏi, một thầy thuốc được các bệnh nhân yêu quý, tôn trọng.

Vốn dĩ "thước đo của cuộc đời không phải là thời gian mà là sự cống hiến" (Peter Marshall), vì vậy sự cống hiến của bất cứ ai cũng đều cần được chào đón và ghi nhận! Nhất là với ngành y, phải mất rất nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo được một bác sĩ giỏi.

Trên thực tế, mức án 3 năm tù về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng mà ông Tuấn chấp hành cũng đã được HĐXX cân nhắc khi xét tới hành vi phạm tội trong công tác quản lý không liên quan đến chuyên môn ngành y. Chủ tọa phiên tòa cho biết, đây là những tình tiết giảm nhẹ hình phạt đáng kể nên có thể áp dụng hình phạt thấp (thấp hơn mức 4-5 năm tù mà cơ quan công tố đề nghị và khung hình phạt 10-20 năm tù theo tội danh bị truy tố) để ông Tuấn sớm trở về đóng góp cho xã hội.

Như vậy, pháp luật cần nghiêm khắc, đạt được hiệu quả răn đe nhưng cũng khoan hồng để hướng đến việc mang lại lợi ích lớn nhất cho xã hội.

Chẳng riêng với trường hợp của ông Tuấn, tôi cho rằng, bất cứ ai cũng vậy, tội đến đâu xử đến đó. Một khi đã chấp hành xong hình phạt thì cũng có nghĩa họ trở lại là công dân bình thường. Như nêu ở trên, ông Tuấn sẽ cần 12 tháng thực hành bao gồm 9 tháng thực hành chuyên môn, 3 tháng hồi sức cấp cứu trước khi được cấp lại giấy phép hành nghề, âu cũng là việc chấp hành đúng quy định pháp luật, không có ngoại lệ!

Đi qua biến cố, trong trang mới cuộc đời mình, ông Nguyễn Quang Tuấn trở lại với ước mơ từ thuở nhỏ là làm một bác sĩ khám chữa bệnh cho người dân.

Vậy mới thấy, ước mơ nào cũng đẹp và chỉ đẹp khi chúng ta nỗ lực, giữ gìn.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!