Tâm điểm
Quan Thế Dân

Giám đốc bệnh viện cần giỏi chuyên môn hay quản lý?

Nhân vụ án cựu giám đốc bệnh viện tim Hà Nội phải ra tòa vì tội danh vi phạm quy định đấu thầu vật tư y tế, dư luận lại dấy lên tranh luận về thế nào là một nhà quản lý giỏi trong ngành y. Nhà chuyên môn có nên làm nhà quản lý không? Ở đây, tôi xin được bàn luận về vấn đề này đặt trong khuôn khổ một cơ sở y tế - một bệnh viện cụ thể nào đó, từ góc độ một người đã làm việc cả đời trong ngành y.

Qua vụ án của cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhiều người tiếc cho một tài năng tim mạch bị vướng vào vòng lao lý. Nhiều người giả định rằng bác sĩ chỉ giỏi chuyên môn, dẫn đến khi làm quản lý không nắm được các quy định của pháp luật và dễ phạm luật.

Lập luận này chỉ xuất hiện khi các nhà quản lý bị ra tòa. Có người nói rất hài hước rằng tòa án mình bây giờ là "nơi báo công!". Sau khi kể lể một loạt công lao thì bao giờ bị cáo cũng thành tâm nhận lỗi rằng do quá chú trọng đến chuyên môn nên sơ hở trong quản lý, mong tòa lượng thứ.

Như đã nói ở trên, để tập trung vào vấn đề cần bàn luận, tôi không đi sâu vào vụ án và cũng không phê phán gì cách lập luận trên. Lập luận đó có thể đúng, có thể sai, nhưng khi ra tòa mỗi cá nhân đều có quyền dùng mọi cách để tự bào chữa cho mình. Và tòa án văn minh là luôn suy đoán vô tội trước khi có chứng cứ chứng minh ngược lại.

Tuy nhiên từ những lập luận kiểu này khiến xã hội băn khoăn là: hóa ra trước nay chúng ta chọn nguồn cán bộ sai à? Trong ngành y, khi chọn nguồn cán bộ, người ta chú trọng cao nhất đến chuyên môn. Trong lứa bác sĩ trẻ, xem có ai chuyên môn nổi trội thì cất nhắc từ từ, cho làm phó khoa rồi trưởng khoa. Rồi đi học thêm các loại bằng cấp về quản lý. Sau đó là bổ nhiệm phó giám đốc rồi giám đốc.

Giám đốc bệnh viện cần giỏi chuyên môn hay quản lý? - 1

Ông Nguyễn Quang Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm tháng 4/2023 (Ảnh: Hải Nam)

Cái quy trình này có từ bao năm nay rồi và thật ra đã chứng minh hiệu quả chọn ra người tài. Trong y tế Việt Nam, quan niệm người đứng đầu luôn phải là người giỏi nhất, là chỗ dựa cho cả bệnh viện khi gặp khó khăn. Người đứng đầu lãnh đạo tập thể trước hết bằng uy tín chuyên môn. Biết bao nhiêu chuyện lục đục xảy ra ở các bệnh viện khi mà người đứng đầu mà chuyên môn kém, không nói được ai. Vì thế không vì một số cá nhân tha hóa, vi phạm pháp luật mà chúng ta từ bỏ chọn người lãnh đạo theo cách này.

Nhân đây, tôi muốn chia sẻ thêm rằng cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội là một người giỏi chuyên môn. Vào giữa những năm 1990 khi kinh tế bắt đầu khá lên, ngành y Việt Nam lúc đó cử hàng loạt bác sĩ trẻ đi du học các nước Âu Mỹ để tiếp thu kỹ thuật mới. Rất nhiều người trong số đó sau này đã thành danh và là trụ cột của ngành y hiện nay. Ông Nguyễn Quang Tuấn là một trong số đó.

Chuyên ngành của ông Tuấn là nội khoa tim mạch, sau đó được tu nghiệp ở nước ngoài về tim mạch can thiệp. Ngành tim mạch can thiệp nói đơn giản là sửa chữa các bệnh lý về mạch vành, về van tim thông qua các dụng cụ đi vào tim qua đường mạch máu, không cần phải mổ (ngoại khoa). Tim mạch can thiệp có thể nói là một tiến bộ lớn của điều trị tim mạch, nằm giữa nội khoa và ngoại khoa. Chúng ta có thể tự hào là ở Việt Nam đã và đang có nhiều bác sĩ tim mạch giỏi, được người trong ngành ngưỡng mộ, bao gồm cả ngoại khoa, nội khoa và tim mạch can thiệp. Ví dụ như bậc thầy về ngoại khoa tim mạch là GS Đặng Hanh Đệ, bậc thầy về nội khoa tim mạch là GS Phạm Gia Khải, Trần Đỗ Trinh...

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cũng từng chứng minh là một nhà quản lý giỏi. Dưới thời quản lý của ông, Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành một kiểu mẫu về bệnh viện bán công đổi mới, sáng tạo, bệnh nhân đến khám rất đông.

Những sai phạm của ông Nguyễn Quang Tuấn đã có pháp luật phán xử nên tôi cũng xin không nói thêm ở đây. Có ý kiến cho rằng, sau các vụ tham nhũng trong ngành y, từ nay bác sĩ giỏi chỉ làm chuyên môn, còn quản lý nên thuê giám đốc điều hành bên ngoài. Tôi thấy ý kiến này chưa sát với thực tế Việt Nam, vì hiện trên thị trường lao động không có dạy về môn học quản lý bệnh viện.

Người không am tường về y khoa rất khó hay thực tế là không thể quản lý một bệnh viện cụ thể được; phải là người giỏi chuyên môn, rất am hiểu về công việc mới có thể cải tiến sắp xếp sao cho công việc thuận lợi nhất. Cho nên giám đốc bệnh viện vẫn tiếp tục cần phải là người giỏi chuyên môn y khoa. Vấn đề là làm sao để cán bộ đó không bị sa vào vi phạm pháp luật.

Ở đây là bài học kỷ cương giữ cho cán bộ liêm chính. Ai cũng dễ nhận thấy có hiện tượng như thế này: khi đang còn là cán bộ trẻ, cán bộ nguồn thì cá nhân đó rất tốt, phẩm chất sáng ngời, là con ngoan trò giỏi của cấp trên. Nhưng khi được bổ nhiệm rồi thì rất nhanh sau đó các thói hư tật xấu xuất hiện, con người anh ta thay đổi đến bất ngờ. Lúc đó chúng ta mới vò đầu bứt tai rằng đã chọn lầm người. Đã qua bao nhiêu vòng quy trình rồi mà vẫn lầm.

Thật ra, nói một cách biện chứng thì trong mỗi con người chúng ta luôn luôn tồn tại cả mặt xấu lẫn mặt tốt. Khi chúng ta đang phấn đấu, dưới cái nhìn nghiêm khắc của cấp trên, chúng ta nỗ lực phát huy cái tốt và tự kiềm chế các mặt xấu của bản thân. Đến khi ta đã đạt được mục đích rồi thì tự nhiên có tâm lý xả hơi, các dục vọng cá nhân trước bị kìm nén nay có dịp bung ra, nhất là với sự cám dỗ của tiền và quyền lực. Cái đó nói một cách triết học thì là sự "tha hóa của ghế".

Để tránh hiện tượng này cần tiếp tục duy trì áp lực lên tân giám đốc sau khi bổ nhiệm, y như hồi anh ta đang phấn đấu. Để anh ta hiểu rằng bất cứ sai phạm nào cũng khiến anh ta quay ngay trở về vạch xuất phát ban đầu. Thì tôi tin rằng các giám đốc sẽ tiếp tục tu dưỡng phấn đấu, không dám lơi là. Câu chuyện này đã nói từ lâu nhưng chưa thực hiện thường xuyên. Thực thi pháp luật nghiêm minh sẽ giúp cho cán bộ bớt hư hỏng.

Biện pháp tiếp theo đề giảm sự tha hóa đó là phân chia quyền lực. Như hiện nay người đứng đầu bệnh viện là người có chuyên môn cao nhất đồng thời lại chính là người nắm tài khoản. Cơ chế này một mặt giúp cho việc ra quyết định trong cơ quan nhanh chóng, nhưng lại có thể dẫn đến mất dân chủ, triệt tiêu sáng kiến.

Vì thế phải chia nhỏ quyền lực này ra, không tập trung vào một người. Giám đốc tiếp tục là người có chuyên môn cao nhất, trực tiếp điều hành hoạt động chuyên môn của bệnh viện. Nhưng chủ tài khoản là người khác, thay mặt nhà nước hoặc doanh nghiệp quản lý phần vốn tại bệnh viện. Mọi chi tiêu trong bệnh viện, giám đốc chuyên môn phải thuyết phục được giám đốc tài chính.

Cơ chế vừa đề xuất sẽ giảm nguy cơ sai sót về tài chính và hạn chế tình trạng độc tài của người đứng đầu. Tức là cần tổ chức bệnh viện lại như cách các công ty cổ phần vẫn đang hoạt động. Cùng với các biện pháp đó thì cần thay đổi chế độ lương cho giám đốc, để họ có cuộc sống sung túc phù hợp với đóng góp, không cần phải tham nhũng.

Cuối cùng, chúng ta cần thiết kế cơ chế vận hành bệnh viện theo các quy luật kinh tế: phải hòa vốn để tồn tại và phải có lãi để tăng trưởng. Đồng thời, gấp rút giải quyết căn cơ các bất cập về đấu thầu y tế, về quyền tự chủ thực chất của bệnh viện. Chậm trễ những việc này thì những người thiệt thòi nhất chính là người bệnh.

Tác giảTiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!