Mất việc từ USAID
Tôi vừa có buổi cà phê cùng một số anh em quen biết đang làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội (làm cho các tổ chức phi chính phủ quốc tế và tổ chức xã hội trong nước). Chủ đề câu chuyện không gì khác ngoài việc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) "đóng cửa".
Thực ra nhìn trên bình diện chung, không riêng USAID mà các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam đang trong lộ trình thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam, với số lượng giảm dần qua các năm. Lý do là khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nhiều tổ chức quốc tế chuyển hướng ưu tiên sang các nước khó khăn hơn. Đây là điều dễ hiểu.
Theo số liệu từ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tính đến năm 2024, có 379 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Năm 2023, các tổ chức này đã viện trợ Việt Nam 228,6 triệu USD, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, y tế, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo, xây dựng năng lực và hỗ trợ tư pháp.
![Mất việc từ USAID - 1 Mất việc từ USAID - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/KdI8UEFPzvvtNPsvcoT50cVLkV0=/2025/02/04/usaidreuters-1738657181269.jpg)
Người biểu tình cầm biểu ngữ bên ngoài trụ sở của USAID để phản đối việc đóng cửa cơ quan này (Ảnh: Reuters).
Về USAID, thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vào tháng 6/2023 cho hay, ngân sách hàng năm của tổ chức này tại Việt Nam vào khoảng 150 triệu USD. Các chương trình lớn do USAID tài trợ có thể kể đến như phòng chống HIV/AIDS, hỗ trợ rà phá bom mìn, xử lý ô nhiễm dioxin, hỗ trợ người khuyết tật, ứng phó với thiên tai, và nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế và phát triển năng lực địa phương.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 13/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi về tác động của việc ngưng các hoạt động của USAID đối với những dự án hợp tác giữa hai nước. Theo đó, "nhiều năm qua, thông qua các cơ chế, hình thức hợp tác khác nhau, trong đó có USAID, hai nước hợp tác rất hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như y tế, môi trường, biến đổi khí hậu, cứu trợ thiên tai và đặc biệt là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh…".
Với nhiều người thì việc USAID đột ngột đóng cửa là một cú sốc lớn. Một anh bạn của tôi làm cho tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã phải nghỉ ở nhà mấy ngày qua. Một người khác chia sẻ lo lắng khi đơn vị nơi anh làm việc đã tạm ứng kinh phí cho các nhà thầu, đối tác để triển khai hoạt động ở địa phương nhưng chưa được USAID giải ngân vì chưa đến kỳ nộp chứng từ thanh toán.
Dù sao việc USAID "đóng băng" hoạt động là quyết định của nước Mỹ, trong phạm vi bài viết này tôi không bàn đến quyết định này cũng như các vấn đề xung quanh hoạt động của USAID. Tôi chỉ nhìn sự việc từ góc độ một người làm trong lĩnh vực công tác xã hội và phát triển.
Không giống như các ngành nghề khác, người lao động trong lĩnh vực công tác xã hội và phát triển liên quan đến tổ chức phi chính phủ làm những công việc đặc thù. Họ là những chuyên gia về phát triển cộng đồng, y tế công cộng, bảo vệ môi trường, v.v. Nếu các tổ chức xã hội mất nguồn tài trợ và dừng hoạt động, nhiều người không thể chuyển ngay sang khu vực tư nhân hoặc cơ quan nhà nước vì thị trường lao động không có nhiều vị trí phù hợp. Chỉ có một số ít người làm về tài chính, hành chính, nhân sự hay truyền thông là có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp dễ dàng hơn.
Vậy ai sẽ giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này? Tất nhiên trước hết họ phải tự nỗ lực tìm kiếm các chương trình hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tham gia khóa học để được đào tạo lại kỹ năng, nghiệp vụ và kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.
Về lâu dài, các tổ chức xã hội cần tìm kiếm nguồn tài trợ thay thế từ doanh nghiệp và cộng đồng trong nước. Việc các doanh nghiệp tăng cường trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), đẩy mạnh trách nhiệm xã hội (CSR) và chú trọng thực hành ESG để hướng tới phát triển bền vững mở ra cơ hội hợp tác cho các tổ chức xã hội.
Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội cũng có thể tham gia tư vấn và phản biện chính sách hoặc trở thành cánh tay nối dài của nhà nước trong việc nhận diện và giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ các nhóm người yếu thế và dễ tổn thương, thực hiện các dịch vụ công mà nhà nước không cần trực tiếp làm, v.v. Khi đó, các tổ chức xã hội có thể nhận kinh phí từ nhà nước thông qua các hợp đồng dịch vụ.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 là nước có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước thu nhập cao. Theo đó, cơ quan quản lý nên tạo cơ chế pháp lý để doanh nghiệp tư nhân đóng góp nhiều hơn vào lĩnh vực công tác xã hội và phát triển thông qua các ưu đãi thuế hoặc các chương trình đối tác công - tư. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào các tổ chức tài trợ quốc tế mà còn khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào phát triển xã hội.
Việc USAID "đóng băng" hoạt động chính là một lời khuyến cáo cho các tổ chức xã hội ở Việt Nam về sự cần thiết phải đa dạng hóa nguồn tài trợ. Đồng thời, đây cũng là lúc các bên liên quan cần có những giải pháp hỗ trợ cho những nhân sự đã cống hiến nhiều năm cho lĩnh vực công tác xã hội và phát triển, để họ không rơi vào cảnh thất nghiệp và trở thành những người yếu thế mới trên thị trường lao động.
Tác giả: Ông Nguyễn Minh Hoàng có bằng cử nhân Tâm lý học và bằng Thạc sĩ Công tác xã hội từ Đại học Quốc gia Hà Nội; làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội và phát triển cộng đồng, tăng cường thực hành ESG của các doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!