Kịp thời hỗ trợ công nhân mất việc
"Công ty giảm 50% đơn hàng nên em được nghỉ thêm một ngày trong tuần, giờ đây tăng ca đã là câu chuyện cũ lắm rồi" - Hòa, công nhân tại một doanh nghiệp có vốn FDI đặt tại Đồng Nai, trả lời khi tôi hỏi thăm về tình hình công việc cuối năm.
Gắn bó hơn 10 năm ở công ty, Hòa cho biết, đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của cô cũng như đồng nghiệp kể từ khi vào miền Nam làm việc. Dù vậy, Hòa nói, cô vẫn may mắn hơn nhiều người khác vì ít nhất còn được lãnh đủ lương, trong khi nhiều công ty khác phải đóng cửa, có những đơn vị duy trì hoạt động trong tình trạng công nhân chỉ làm mỗi tuần 3 ca và nghỉ việc không lương.
Bối cảnh hiện tại hoàn toàn trái ngược với hồi đầu năm, khi mà doanh nghiệp phải kêu gọi công nhân trở lại nhà xưởng, việc làm không xuể. Nay, lượng lớn công nhân phía Nam gặp khó vì không có việc, phải làm đủ nghề kiếm sống, một số khác buộc phải về quê ăn Tết sớm do không đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt, thuê trọ, con cái học hành.
Trước diễn biến nêu trên, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động, tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định tình hình khó khăn có thể còn kéo dài qua Tết Nguyên đán và vì vậy việc hỗ trợ cần đồng bộ, căn cơ, kịp thời hơn.
Trước hết, ngành lao động các địa phương cần nắm chắc diễn biến trên địa bàn để đưa ra các biện pháp phù hợp; thực hiện tốt hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; kiểm tra, giám sát nghiêm việc thực hiện chế độ đối với công nhân bị giảm việc làm, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động; yêu cầu doanh nghiệp xây dựng, công bố sớm và thực hiện đúng phương án trả lương, trả thưởng Tết...
Mới đây, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh Nguyễn Kim Triều cho hay, trước tình hình khó khăn, Sở đang phối hợp với các đơn vị khẩn trương rà soát số lượng người lao động dôi dư, từ đó tìm kiếm những doanh nghiệp phù hợp để kịp thời giúp công nhân có ngay việc làm mới.
Thiết nghĩ, cách làm của Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh là hợp lý ở thời điểm hiện tại. Bởi bên cạnh số công ty gặp khó khăn thì nhiều đơn vị vẫn duy trì được đơn hàng mới. Chẳng hạn ở Quảng Nam, tại khu công nghiệp Tam Thăng (TP Tam Kỳ), có công ty may mặc đang cần tuyển thêm hơn 1.000 công nhân để kịp làm hàng xuất khẩu cuối năm. Như vậy, các trung tâm hỗ trợ việc làm cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối, điều tiết nguồn lực lao động trên cả nước từ nơi thừa đến nơi thiếu.
Ngoài các biện pháp trước mắt nêu trên, cần có những giải pháp căn cơ hơn, trong đó tập trung vào cải thiện "sức khỏe" của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 11 vừa qua ghi nhận 4.006 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 5.095 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.422 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Đằng sau mỗi một doanh nghiệp rút khỏi thị trường là người lao động mất việc, chưa nói đến những doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cho công nhân nghỉ việc không thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng…
Vì vậy, hơn bao giờ hết các bộ ngành, địa phương cần tập trung hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các giải pháp hỗ trợ vốn, giãn nợ, giảm lãi suất vay… đều rất thiết thực lúc này. Trong bối cảnh nền lãi suất tăng cao, gói hỗ trợ 2% lãi suất cho các đơn vị trong một số nhóm ngành gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa giải ngân hết, tốc độ giải ngân còn chậm. Do vậy, song song với những nỗ lực kéo giảm lãi suất cho vay thương mại tại các ngân hàng, các cơ quan chức năng cần thiết sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ này. Doanh nghiệp phải có vốn thì mới có thể cơ cấu lại nguồn hàng, chuyển đổi thị trường; trả lương, giữ chân lao động.
Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền và chính quyền địa phương cần xem xét các chính sách hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, giảm thuế, phí, mặt bằng… từ đó doanh nghiệp có thể chia sẻ lại cho người lao động.
Theo báo cáo mới công bố của Ngân hàng HSBC, Việt Nam đã bị ảnh hưởng khi thương mại toàn cầu chậm lại, lần đầu tiên chứng kiến xuất khẩu sụt giảm đáng kể so với hai năm trở lại đây (giảm 7,4% so với cùng kỳ). Sự sụt giảm bắt nguồn từ suy thoái kinh tế ở Mỹ, điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Báo cáo này nhận định, Việt Nam thuộc diện "đứng mũi chịu sào" xét về mức độ bị tác động. Kể từ tháng 9, hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút, trong đó, khoảng 90% phải giảm giờ làm.
Từ báo cáo nêu trên, có thể thấy rằng với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, mọi biến động bên ngoài đều có thể tác động lớn đến tình hình trong nước. Vì vậy, tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa chuỗi cung ứng là giải pháp thiết yếu trong bối cảnh hiện nay.
Chỉ hơn một tháng nữa là Tết Nguyên đán, mong rằng cộng đồng doanh nghiệp và người lao động sẽ sớm được đón những tin vui.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!