Các chương trình của USAID tại Việt Nam
(Dân trí) - USAID bắt đầu các hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989 với các chương trình hỗ trợ người khuyết tật thông qua Quỹ Nạn nhân chiến tranh Patrick Leahy và Quỹ Trẻ vô gia cư và Trẻ mồ côi.
![Các chương trình của USAID tại Việt Nam - 1 Các chương trình của USAID tại Việt Nam - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/nQCzPiWah2XYkvEGrrDjk8HwwCM=/thumb_w/1020/2025/02/06/2025-02-03t183145z1380344952rc22ncahjz4nrtrmadp3usa-trump-musk-1738801457611.jpg)
Bên ngoài trụ sở USAID ở thủ đô Washington D.C, Mỹ (Ảnh: Reuters).
USAID "tạm nghỉ" trên toàn cầu
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh đóng băng hầu hết các khoản viện trợ phát triển nước ngoài trong vòng 90 ngày để đánh giá lại.
Các nhân viên của USAID trên toàn cầu đã nhận được thông báo "nghỉ phép hành chính" từ ngày 7/2.
Theo một chỉ thị mới được gửi tới tất cả nhân viên cơ quan và đăng trên trang web của USAID, sẽ có những trường hợp ngoại lệ đối với những người được xác định "chịu trách nhiệm về các chức năng quan trọng, lãnh đạo cốt lõi và các chương trình được chỉ định đặc biệt".
Đối với nhân viên của USAID làm việc ở nước ngoài, cơ quan này phối hợp với các cơ quan đại diện và Bộ Ngoại giao Mỹ đang chuẩn bị một kế hoạch, phù hợp với tất cả các yêu cầu và luật hiện hành.
Theo đó, USAID sẽ thu xếp và thanh toán chi phí trở lại Mỹ trong vòng 30 ngày và quy định việc chấm dứt các hợp đồng PSC (nhà thầu dịch vụ cá nhân) và ISC (nhà thầu dịch vụ độc lập) không được xác định là cần thiết.
Nguồn tin của NPR và CBS cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ đang trong quá trình rút toàn bộ nhân viên USAID ở nước ngoài về nước trong tuần này.
USAID có hơn 10.000 nhân viên, với khoảng 2/3 phục vụ ở nước ngoài, cung cấp viện trợ nhân đạo cho hơn 100 quốc gia, bao gồm cứu trợ thiên tai, viện trợ y tế và y tế cũng như các chương trình lương thực khẩn cấp. Khoảng 1.400 người làm việc tại trụ sở ở thủ đô Washington D.C.
Hôm 3/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói với các phóng viên rằng ông hiện là Quyền Giám đốc USAID. Ông cáo buộc cơ quan này là "hoàn toàn không phản hồi" và nhân viên ở đó "không muốn trả lời những câu hỏi đơn giản" về các chương trình của USAID.
Ông đã gửi thư thông báo cho quốc hội về việc sắp tổ chức lại USAID, cho biết một số bộ phận của USAID có thể được Bộ Ngoại giao tiếp quản và trong khi những phần còn lại bị xóa bỏ.
Tuy nhiên, quốc hội Mỹ thành lập USAID như một cơ quan độc lập trong cơ quan hành pháp nên Tổng thống không có quyền bãi bỏ nếu không có sự cho phép của quốc hội.
Các chương trình của USAID tại Việt Nam
![Các chương trình của USAID tại Việt Nam - 2 Các chương trình của USAID tại Việt Nam - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/VMs1MkWsSGIm8UGdQkPv2ythIoc=/thumb_w/1020/2025/02/05/my-vietdsq11zon-1738762664317.jpg)
Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power trong buổi công bố gói tài trợ hôm 7/3/2023 (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam).
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) được thành lập năm 1961, là cơ quan phát triển quốc tế hàng đầu trên thế giới và có vai trò xúc tác nhằm hỗ trợ thúc đẩy các thành tựu về phát triển.
Các hoạt động của USAID hướng tới mục tiêu tăng cường an ninh quốc gia và thịnh vượng kinh tế của Mỹ, đồng thời góp phần thúc đẩy hành trình tiến tới tự chủ và bền vững của bên nhận tài trợ.
USAID có mặt tại Việt Nam từ năm 1989 thông qua chương trình hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam thông qua Quỹ Nạn nhân Chiến tranh Patrick Leahy và Quỹ Trẻ Vô gia cư và Trẻ mồ côi.
Năm 2000, văn phòng của USAID được khánh thành tại Hà Nội dưới sự chứng kiến của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam.
Tại Việt Nam, theo thông tin trên trang web của Đại sứ quán Mỹ, ngân sách hàng năm của USAID là 150 triệu USD.
USAID hợp tác với chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, trường đại học và tổ chức nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế cũng như các bên liên quan khác nhằm thúc đẩy các ưu tiên chung.
Các lĩnh vực hợp tác bao gồm nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, hiện đại hóa giáo dục đại học, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật, xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa và nâng cao năng lực của Việt Nam trong giám định hài cốt trong chiến tranh.
Từ năm 2000, Mỹ đã hợp tác với Việt Nam để giải quyết các vấn đề nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm rà phá bom mìn, vật nổ, tìm kiếm quân nhân mất tích, tẩy rửa chất độc da cam/dioxin.
Một trong chuỗi hoạt động nổi bật của USAID tại Việt Nam là hỗ trợ xử lý ô nhiễm dioxin. Tháng 5/2024, USAID và Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng Việt Nam) đã ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại cho dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Chi phí dự kiến để xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa là 390 triệu USD và quá trình xử lý sẽ hoàn thành trong 10 năm.
Tháng 9 năm ngoái, USAID viện trợ nhân đạo khẩn cấp 1 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại lớn do bão Yagi gây ra. Trong 5 năm qua, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua USAID, đã cung cấp 7,7 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ sẵn sàng ứng phó thiên tai, trong đó bao gồm đáp ứng các nhu cầu do bão, lũ cũng như nâng cao năng lực cho các đội xung kích phòng chống thiên tai trên cả nước.
Năm 2023, Bộ Công thương Việt Nam và USAID ký bản ghi nhớ, trong đó, USAID cam kết tài trợ 3,25 triệu USD nhằm giúp Việt Nam thúc đẩy thương mại số.