"Cơn địa chấn" USAID
(Dân trí) - Chỉ sau một đêm, nhiều chương trình viện trợ quốc tế phải tạm ngừng do sắc lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài và kế hoạch cải tổ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tương lai của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đang trở nên khó đoán định sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump xác nhận kế hoạch sáp nhập cơ quan này vào Bộ Ngoại giao.
Đây là một phần trong cuộc cải tổ lớn nhằm tinh giản bộ máy chính phủ và điều chỉnh chi tiêu của cơ quan này phù hợp với các ưu tiên của chính quyền.
Theo các kênh thông tin, USAID sẽ tiếp tục chức năng của mình như một cơ quan viện trợ, nhưng sẽ bị cắt giảm đáng kể nguồn tài trợ và lực lượng lao động.
USAID là gì?
USAID được thành lập vào đầu những năm 1960 để quản lý các chương trình viện trợ nhân đạo trên khắp thế giới thay mặt chính phủ Mỹ.
Cơ quan này tuyển dụng khoảng 10.000 người, 2/3 trong số đó làm việc ở nước ngoài. USAID có trụ sở tại hơn 60 quốc gia và hoạt động ở hàng chục quốc gia khác.
Tuy nhiên, hầu hết công việc trên thực tế được thực hiện bởi các tổ chức khác được USAID ký hợp đồng và tài trợ.
Phạm vi hoạt động mà USAID đảm nhận rất lớn. Ví dụ, USAID không chỉ cung cấp thực phẩm ở những quốc gia đói nghèo mà còn vận hành hệ thống phát hiện nạn đói theo tiêu chuẩn vàng của thế giới, hệ thống này sử dụng phân tích dữ liệu để cố gắng dự đoán những nơi đang xảy ra tình trạng thiếu hụt.
Phần lớn ngân sách của USAID được chi cho các chương trình y tế, chẳng hạn như cung cấp vắc xin bại liệt ở các quốc gia nơi bệnh vẫn còn lưu hành và giúp ngăn chặn sự lây lan của vi rút có khả năng gây ra đại dịch.
Mỹ là nước chi tiêu lớn nhất thế giới cho phát triển quốc tế. Theo dữ liệu của chính phủ, Mỹ đã chi 68 tỷ USD cho viện trợ quốc tế vào năm 2023. Phần lớn số tiền đó được chi ở châu Á, châu Phi cận Sahara và châu Âu (chủ yếu cho các nỗ lực nhân đạo ở Ukraine).
Lý do ông Trump muốn cải tổ USAID
Ông Trump từ lâu đã chỉ trích việc chi tiêu ở nước ngoài, cho rằng điều đó không mang lại giá trị cho người nộp thuế ở Mỹ. Một trong những hành động đầu tiên của ông Trump sau khi trở lại Nhà Trắng là ký một sắc lệnh hành pháp tạm dừng gần như toàn bộ viện trợ quốc tế trong 90 ngày để đánh giá lại.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump nói, viện trợ nước ngoài và bộ máy quan liêu không phù hợp với lợi ích của Mỹ và trong nhiều trường hợp đi ngược lại các giá trị của Mỹ.
"Những hoạt động đó nhằm mục đích gây bất ổn cho hòa bình thế giới bằng cách thúc đẩy những ý tưởng ở nước ngoài đi ngược lại trực tiếp với mối quan hệ hài hòa và ổn định trong nội bộ và giữa các quốc gia", sắc lệnh viết.
Ý tưởng cải tổ USAID có thể sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Các cuộc thăm dò dư luận từ lâu đã cho thấy cử tri Mỹ ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu viện trợ nước ngoài.
Tuy có miễn trừ đối với các chương trình nhân đạo nhưng sắc lệnh này dường như đã gây ra sự gián đoạn trên diện rộng đối với hoạt động viện trợ quốc tế. Các chương trình bao gồm cung cấp thuốc men cho những người nghèo nhất thế giới và lắp đặt nguồn cung cấp nước sạch đã phải dừng lại chỉ sau một đêm.
Một nhân viên nhân đạo kỳ cựu ví việc tạm dừng "như một cơn địa chấn đối với khu vực viện trợ".
Căng thẳng giữa Nhà Trắng và USAID leo thang vào cuối tuần qua khi các quan chức làm việc cho tỷ phú Elon Musk, người được Tổng thống Trump giao nhiệm vụ xác định các khoản cắt giảm chi tiêu trong ngân sách liên bang, được cho là đã bị từ chối truy cập vào dữ liệu tài chính bảo mật tại trụ sở USAID.
Hôm 2/2, tỷ phú Musk đăng bình luận trên mạng xã hội X nói rằng USAID "không thể sửa chữa được nữa" và cho biết Tổng thống Donald Trump cũng đồng ý rằng cơ quan này nên bị đóng cửa.
Trước đó, ông cáo buộc USAID là một "tổ chức tội phạm". "Mọi người có biết USAID đã sử dụng chính tiền của các vị để tài trợ cho nghiên cứu vũ khí sinh học, bao gồm cả Covid-19, giết chết hàng triệu người không?", ông Musk viết trên X.
Hôm 3/2, trang web của USAID đã ngừng hoạt động và các nhân viên được yêu cầu ở nhà mặc dù vẫn chưa rõ chính xác động thái tiếp theo của Nhà Trắng sẽ là gì.
Cuối ngày hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cáo buộc ban lãnh đạo USAID là "không phối hợp" và nói rằng ông hiện là "quyền lãnh đạo" của cơ quan này.
Ông nói thêm, "rất nhiều chức năng" do USAID thực hiện sẽ tiếp tục nhưng việc chi tiêu "phải phù hợp với lợi ích quốc gia".
Ông Trump có thể đóng cửa USAID không?
Mặc dù rõ ràng Nhà Trắng có ảnh hưởng đáng kể đối với USAID, nhưng về mặt lý thuyết thì quyền lực đó bị hạn chế.
USAID ra đời sau khi quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài vào năm 1961. Đạo luật quy định một cơ quan chính phủ được thành lập và có nhiệm vụ quản lý chi tiêu ở nước ngoài.
Ngay sau đó, Tổng thống lúc bấy giờ là John F Kennedy đã thành lập USAID bằng một sắc lệnh hành pháp. Một đạo luật khác được thông qua vào năm 1998 đã khẳng định vai trò của USAID với tư cách là một cơ quan điều hành theo đúng quyền hạn của mình.
Nói tóm lại, điều đó có nghĩa là ông Trump không thể đơn giản bãi bỏ USAID bằng cách ký sắc lệnh hành pháp, và bất kỳ nỗ lực nào như vậy gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức mạnh mẽ tại tòa án và quốc hội.
Việc đóng cửa USAID hoàn toàn có thể sẽ cần đến một đạo luật của quốc hội, nơi đảng Cộng hòa nắm giữ thế đa số mong manh ở cả 2 viện.
Một trong những lựa chọn được cho là đang được chính quyền Tổng thống Trump xem xét là biến USAID trở thành một cơ quan của Bộ Ngoại giao một cách hiệu quả, thay vì một cơ quan chính phủ độc lập.
Trên thế giới từng có tiền lệ. Năm 2020, Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đã sáp nhập Bộ Phát triển Quốc tế với Bộ Ngoại giao.
Khi ấy, các bộ trưởng ở Anh cho rằng điều này sẽ đảm bảo chi tiêu quốc tế hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của chính phủ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo nó sẽ làm giảm chuyên môn trong lĩnh vực viện trợ và làm tổn hại đến vị thế và tầm ảnh hưởng của Vương quốc Anh ở nước ngoài.
Những tác động tiềm tàng nếu USAID đóng cửa
Các hoạt động của USAID khá đa dạng từ việc cung cấp chân tay giả cho những người lính bị thương ở Ukraine, đến rà phá bom mìn và ngăn chặn sự lây lan của Ebola ở châu Phi.
Bất kỳ thay đổi nào về quy mô viện trợ của Mỹ chắc chắn sẽ có tác động trên toàn thế giới.
Sau khi lệnh đóng băng viện trợ nước ngoài trong vòng 90 ngày được công bố, Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết "mỗi đô la" phải được chi tiêu để nước Mỹ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn. Vẫn còn phải xem phần nào trong công việc của USAID đáp ứng các tiêu chí đó đối với Nhà Trắng.
Ông Trump đã nói rõ rằng ông muốn chi tiêu ở nước ngoài phải phù hợp chặt chẽ với cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" của ông.
Cũng có những câu hỏi về việc Mỹ sẽ chi bao nhiêu ở nước ngoài trong những năm tới, khi ông Elon Musk được Tổng thống Trump trao quyền cắt giảm hàng tỷ USD từ ngân sách chính phủ.