Hỗ trợ người khuyết tật và chuyện xấu hổ ở sân bay
Năm 2000 tôi sang Mỹ lần đầu tiên. Ở nhà người thân tại Los Angeles, được đi chơi nhiều nơi ở bang California. Nhờ vậy, tôi quan sát thấy các bãi đỗ xe ở Mỹ thường rất lớn, chứa được mấy nghìn xe nhưng do đây là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân nên bãi đỗ lúc nào cũng kín chỗ.
Cô tôi bị đau nặng 2 đầu gối, bác sĩ cấp thẻ người khuyết tật. Khi nào có cô đi cùng thì chúng tôi được đỗ ở chỗ dành riêng cho người tàn tật (handicap parking places), chỗ này thường để trống và ngay gần cửa vào siêu thị, nhà hàng…
Nhiều lúc cô không có mặt, chú tôi cứ đi lòng vòng tìm chỗ đỗ khiến tôi ngạc nhiên vì mình có thẻ cơ mà. Chú cười bảo không ai phạt đâu nhưng người ta nhìn thấy 2 chú cháu mình khỏe mạnh đỗ ở đấy, chỉ cần bằng ánh mắt cũng khiến xấu hổ lắm rồi. Bài học đó theo tôi suốt cuộc đời. Đối với rất nhiều người trong chúng ta thể diện chắc là điều quan trọng nhất.
Mới đây tôi lại có dịp bay đến Mỹ, nối chuyến qua Hàn quốc và cũng có kỷ niệm nhưng không vui chút nào. Khi đợi lên máy bay ở Incheon, tôi thấy có nhiều xe lăn (wheelchair) một cách khác thường, nối đuôi nhau trước cửa kiểm soát vé. Đa số người ngồi trên xe lăn đều cầm hộ chiếu Việt Nam.
Tôi vô cùng ngạc nhiên tại sao nhóm các cô chỉ ngoài 60 tuổi, lúc trong phòng đợi còn đi lại "phăm phăm", rủ nhau ăn món này uống nước nọ, hoàn toàn khỏe mạnh vậy mà bây giờ lại ngồi wheelchair cho nhân viên sân bay đẩy.
Theo dõi cả quãng đường tiếp sau tôi mới hiểu, nếu đăng ký dịch vụ xe lăn sẽ được ưu tiên trong nhiều công đoạn. Kiểm tra an ninh theo lối đi riêng (cả người đi cùng), lên máy bay trước, làm thủ tục nhập cảnh ưu tiên… là những quy định quốc tế của tất cả các cảng hàng không. Hơn nữa cũng theo thông lệ, dịch vụ này hoàn toàn miễn phí có chăng chỉ là tiền "tip" cho nhân viên hỗ trợ trực tiếp. Chắc nhiều người biết được nên "rỉ tai" nhau tạo nên số lượng người sử dụng wheelchair tăng đáng kể.
Khi hạ cánh Atlanta (Mỹ), tôi đếm tổng cộng 42 xe lăn dọc theo ống lồng đợi các "thượng đế" (Boeing 747 - 400 chứa tối đa từ 416 đến 524 hành khách).
Quả thực là tôi rất ngạc nhiên với cách sử dụng xe lăn như kể trên. Nếu lo lắng vì không biết ngoại ngữ nên đi nhầm cửa ra máy bay hay bị lạc trong sân bay, các bạn có thể đăng ký dịch vụ hỗ trợ của các hãng hàng không. Đừng "giành" dịch vụ xe lăn của người khuyết tật khi bản thân mình hoặc người thân mình còn khỏe mạnh và có khi còn trẻ hơn người đang đẩy wheelchair hỗ trợ.
Bố mẹ tôi đã ngoài 80 với rất nhiều bệnh, đặc biệt mẹ bị viêm khớp dạng thấp điển hình nên di chuyển vô cùng khó khăn. Vậy nhưng phải những năm gần đây, cả nhà ép lắm bà mới sử dụng dịch vụ xe lăn khi đi máy bay, còn ông không đời nào chịu. Tại các nước văn minh, việc chăm sóc người khuyết tật được coi là tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi địa phương.
Những thành phố "đáng sống", ở mọi nơi chúng ta đều thấy ký hiệu dành cho người khuyết tật. Không chỉ khuyết tật về vận động (lối đẩy xe lăn, thang nâng, chỗ ngồi trên phương tiện công cộng, nhà ga, bến tàu xe…) mà còn những khuyết tật khác (người khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ…). Muốn thấy sự chu đáo, chi tiết trong việc quan tâm này không đâu dễ bằng mời các bạn đến thăm các bảo tàng, thư viện…
Việt Nam cũng bắt đầu chú ý đến những người khuyết tật bằng các quy định trong xây dựng, phương tiện giao thông… Tuy vậy mức độ còn rất thấp. Mới đây khi bạn tôi là Giáo sư Ngô Bảo Châu ở Mỹ có mời một giáo sư Toán học nổi tiếng nhưng bị teo cơ tủy từ lâu về thăm Việt Nam.
Tôi được phân công một số nhiệm vụ quá khó khăn. Việc kiếm một chiếc ô tô có thể đẩy xe lăn lên là bất khả thi. Giường cho người tàn tật trong khách sạn là vô phương hay thuê dịch vụ chăm sóc ngắn ngày người tàn tật khi đi du lịch cũng không hề đơn giản…
Việt Nam đã có Luật Người khuyết tật, quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật. Nhưng để trở thành một xã hội văn minh không thể ngày một ngày hai.
Chính quyền cần có chính sách thúc đẩy sự quan tâm để người khuyết tật hòa nhập với mọi hoạt động của xã hội. Người dân cũng cần có thêm hiểu biết về quyền lợi cho người khuyết tật và tranh giành những quyền lợi này là thực sự không nên.
Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!