Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Quyền tiếp cận của người khuyết tật

Khi bắt đầu theo học chương trình thạc sĩ tại Mỹ, một trong những nội dung đầu tiên tôi được nghe các giáo viên trao đổi là về vấn đề bình đẳng và hòa nhập, thông qua câu chuyện cào tuyết mùa đông. Giả sử sau một ngày tuyết rơi, cả bậc thang và đường lăn (dành cho người khuyết tật) đều ngập tuyết. Nhà trường nên tiến hành cào tuyết trên bậc thang trước hay trên đường lăn trước?

Nhiều người cho rằng nếu cào tuyết trên bậc thang trước, số đông học sinh sẽ được hưởng lợi; giả sử nhà trường có 100 học sinh, trong đó chỉ một em học sinh ngồi xe lăn thì cào tuyết ở bậc thang sẽ giúp 99 em đi lại thoải mái. Tuy nhiên, nếu cào tuyết trên đường xe lăn trước, toàn bộ học sinh có thể đi lại bình thường.

Đây là một ví dụ điển hình về quyền tiếp cận dành cho người khuyết tật. Một xã hội hòa nhập là khi tất cả mọi người đều được tạo cơ hội tiếp cận công bằng, bất kể thể trạng cơ thể, màu da, giới tính, sắc tộc…

Quyền tiếp cận của người khuyết tật - 1

Một vận động viên đang thi đấu tại ngày hội thể thao dành cho người khuyết tật TPHCM, năm 2011 (Ảnh minh họa: Sơn Dũng)

Người dùng mạng xã hội ở Việt Nam đang bàn luận xôn xao về vụ một người khuyết tật tố bị chủ hai quán phở đuổi vì ngồi xe lăn. Thực hư vụ này chưa rõ ràng, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng lời tố không hoàn toàn đúng. Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ nên tôi không bàn về sự việc, chỉ nhân đây đề cập đến quyền tiếp cận của người khuyết tật.

Đây là vấn đề chúng ta thường nghĩ đến ở góc độ đạo lý, rằng chúng ta những người khỏe mạnh lành lặn không được có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật. Nhưng thực ra đây không chỉ là đạo lý mà đã được quy định trong Luật Người khuyết tật. Nghĩa là những quy phạm, chuẩn mực mang tính bắt buộc chứ không phải "tùy tâm" mỗi người.

Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên. Việt Nam được coi là một trong số những quốc gia có tỷ lệ người khuyết tật cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với đạo luật nêu trên, các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm trợ giúp, tạo điều kiện cho người khuyết tật. Cụ thể như quyết định số 1019 năm 2012 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 hay quyết định số 1190 năm 2020 phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Ở cấp độ địa phương, chính quyền thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, 80% công trình xây dựng mới và 30% công trình cũ tại Hà Nội bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. 

Có thể nói các cấp chính quyền và xã hội đã dành nhiều chính sách và sự quan tâm, hỗ trợ với người khuyết tật. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế vì nhiều lý do khác nhau, có thể do điều kiện kinh tế và cũng có thể do nhận thức.

Theo quy định pháp luật, tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng. Ở đây chỉ đề cập một vấn đề là việc sử dụng xe lăn của người khuyết tật chúng ta sẽ thấy ngay những bất cập.

Ví dụ, khi công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, người dân thủ đô nói chung và người khuyết tật nói riêng đã rất vui mừng vì công trình đảm bảo một số hạng mục tiếp cận cho người khuyết tật, như có thang máy hay đường lăn từ vỉa hè. Trong thực tế đúng là có đường lăn xuất phát từ vỉa hè, nhưng ở một số nhà ga lại không có đường lăn từ dưới lòng đường lên vỉa hè trong khi bậc của vỉa hè rất cao. Một số lối lên của ga tàu nằm ngay trước bốt điện hoặc hàng quán của người dân, người đi xe lăn mỏi mắt không tìm thấy lối đi.

Theo khảo sát của Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội thực hiện năm 2022, chỉ có khoảng 15% điểm đầu của các điểm đỗ xe bus là có đường tiếp cận cho xe lăn. Tuy nhiên, nhiều xe bus không có thiết kế phù hợp để người khuyết tật sử dụng như nghiêng một phần xe, đường lăn lên xe bus hay phân khu có thể cố định xe lăn trên xe bus trong khi di chuyển.

Tăng khả năng tiếp cận chủ động của người khuyết tật chính là cách hiệu quả để giảm sự phụ thuộc của người khuyết tật vào những người xung quanh, bớt đi sự mặc cảm phụ thuộc cũng như mở ra nhiều cơ hội công việc trong cuộc sống cho những người khuyết tật.

Tại nhiều gia đình, việc có một thành viên khuyết tật đồng nghĩa với việc sẽ có một thành viên khác phải chăm sóc, hỗ trợ các hoạt động bình thường trong cuộc sống. Điều này có thể ảnh hưởng tới kinh tế gia đình cũng như không mang tính bền vững về lâu về dài.

Tôi có một người bạn mắc chứng bại não (cerebral palsy) tại Mỹ và vẫn làm việc trong một trường đại học. Theo chân bạn một ngày từ nhà tới trường, tôi nhận thấy phần lớn những rào cản trong sinh hoạt hàng ngày đều được tháo gỡ. Nhà chung cư hay tàu điện ngầm có thang máy lên xuống; nội thất trong nhà đủ thấp với người ngồi xe lăn, không gian làm việc đều có đường lăn phù hợp. Ở tuổi 32, bạn đã sống một mình được 5 năm và khá thoải mái với cuộc sống hiện tại. Tại Mỹ, đạo luật về người khuyết tật năm 1990 yêu cầu tất cả các công trình công cộng đều phải có đường lăn.

Trên thực tế, tăng quyền tiếp cận cho người khuyết tật cũng tác động tới kinh tế. Con số 7% dân số đồng nghĩa với việc họ cũng là một nhóm có tổng sức mua tương đối, dù khoảng 10% người khuyết tật Việt Nam thuộc hộ nghèo.

Nếu trong nhóm bạn bè gồm cả người khuyết tật muốn tới một nhà hàng hay chọn một khách sạn khi đi du lịch, chắc chắn chúng tôi sẽ chọn cơ sở với không gian thiết kế phù hợp cho tất cả mọi người, để người khuyết tật có thể chủ động và thoải mái di chuyển, sinh hoạt.

Từng làm việc trong một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội, khi cần lựa chọn những khách sạn cho các chương trình hội thảo, tập huấn, chúng tôi cũng phải khảo sát kỹ để lựa chọn không gian phù hợp với tất cả người tham gia. Một thực trạng đáng buồn là không phải khách sạn nào cũng có thể đáp ứng được những yêu cầu trên, và tự đánh mất nhiều khách hàng tiềm năng. 

Giải quyết vấn đề hạ tầng cho người khuyết tật mang đến nhiều lợi ích không chỉ riêng cho người khuyết tật mà cả xã hội nói chung. Từ các giải pháp, chính sách đến việc thực hiện vẫn còn nhiều bất cập tại Việt Nam. Rất nhiều đề xuất đã được đưa ra như yêu cầu bắt buộc các công trình mới phải có thiết kế hỗ trợ người khuyết tật, quá trình xây dựng, triển khai phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo đúng với bản vẽ. Một trong những điều đặc biệt quan trọng là cần có sự tham vấn và đóng góp từ các tổ chức, hội nhóm của người khuyết tật vì họ là những người hiểu rõ nhất nhu cầu của bản thân.

Song song với việc nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng dành cho người khuyết tật, việc thay đổi nhận thức của cộng đồng đối với các nhóm thiểu số, đặc biệt là nhóm người khuyết tật cũng là điều quan trọng cần được thực hiện.

Một đường lăn được xây dựng không có nghĩa rằng chúng ta chỉ quan tâm đến một người khuyết tật mà bỏ quên lợi ích của 99 người không khuyết tật. Như trong câu chuyện cào tuyết trong trường học, quan tâm tới những mắt xích dễ bị tổn thương trong xã hội là cách để cả xã hội cùng tiến lên.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!