Quang Hải và chuyện "mang gươm đi đánh xứ người"
Trước trận gặp Thái Lan tại chung kết lượt đi AFF Cup 2022, Quang Hải vẫn là cầu thủ chủ chốt của tuyển Việt Nam dù chưa ghi bàn thắng nào kể từ đầu giải.
Trên góc độ một người hâm mộ, thường xuyên dõi theo từng bước đi của các em, tôi cảm nhận rõ sức ép nặng nề đối với Hải, từ những khát vọng vươn lên để thể hiện bản thân chưa thành hiện thực, từ những đồng đội đang chờ đợi những pha bóng xuất thần vốn đã thành thương hiệu. Và góp vào gánh nặng áp lực đó còn có phần của những người hâm mộ, đôi khi là áp đặt, giao cho Hải trọng trách mở đường, khai phá cho cả một nền bóng đá.
Cá nhân tôi cũng từng có trải nghiệm tương tự. Cách đây hơn 20 năm, lúc đó ở trong nước, chúng tôi được trọng vọng, nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có chừng đó khách hàng, chẳng khác gì V-league chỉ có 13 đội vậy. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu phải xuất ngoại mà nói theo lối "văn vẻ" là tìm con đường tươi sáng hơn, còn thực tế là hy vọng kiếm được nhiều khách, nhiều tiền hơn.
Thế rồi, chúng tôi trở thành "những người tiên phong", được tôn vinh bởi nhiều mỹ từ, như là ra biển lớn, mang gươm đi đánh xứ người, cắm cờ trên Thung lũng hoa vàng (hay là Silicon Valley), vẽ lại bản đồ trí tuệ thế giới, vv và vv. Cấp trên tổ chức ra quân, đầy hào khí. Báo chí phỏng vấn, ca ngợi. Chúng tôi tự trào rằng mình được "toàn dân yêu thương, Nhà nước tuyên dương", mà thú thực là lúc đó chúng tôi cũng "ngợp" lắm, bỗng chốc thấy mình như siêu nhân vậy!
Cho đến khi va chạm với thực tế. Ở trời Tây, ngoài "biển lớn" ấy, đừng nói Nguyễn Thành Nam là ai, FPT là doanh nghiệp nào, mà ngay đến mảnh đất chữ S thân yêu của chúng ta cũng hãy còn lạ lẫm với bạn bè quốc tế, nói gì đến chuyện công nghệ với lập trình!
Hơn 2 năm trời loay hoay. Không có việc. Buồn, chán nản, thiếu thốn. Bạn bè buông lời oán trách. Sức khỏe giảm sút. Nhưng quan trọng nhất là bí đường ra. "Bỏ cuộc" là từ lặp đi lặp lại trong đầu!
Thật may mắn, thuần túy tình cờ, tôi được gặp mấy cô giúp việc người Việt tại sân bay Đài Bắc trên đường về nước lúc đó. Họ cũng xuất ngoại. Họ cũng phải cạnh tranh cật lực với những người đồng nghiệp Philippines được đào tạo và chuẩn bị tốt hơn hẳn về thể lực, thái độ và kỹ năng nhưng họ lạc quan, vì họ biết tận dụng thế mạnh của mình để kiếm tiền. Và những ước mơ của họ đang dần thành hiện thực.
Tôi còn nhớ có một cô bé giấu nhà chồng bay về Việt Nam chỉ để ngủ ở khách sạn Daewoo 2 đêm vì đó là mơ ước của cô ấy khi được lên Hà Nội và thấy cảnh xa hoa ở đó (Hà Nội lúc đó rất ít khách sạn 5 sao và Daewoo là khách sạn đầu tiên khai trương năm 1996). Tôi bỗng hiểu ra, tôi có gì hơn những người giúp việc đó đâu, muốn tồn tại được, phải vứt bỏ gánh nặng mà người khác đặt lên vai, vứt bỏ hào quang mà người khác vẽ lên đầu.
Chỉ còn ta với những sức mạnh sẵn có, và những giấc mơ khám phá năng lực của mình. Thấy nhẹ cả người!
Chúng tôi tập trung điểm mạnh là học nhanh và chấp nhận mọi thử thách. Khách hàng bất ngờ. Họ không ngờ chúng tôi làm được những việc như thế. Chúng tôi cứ đùa với nhau thế này, hãy cứ để khách hàng nghĩ mình là khỉ đi, thì đến khi mình đua xe họ sẽ sốc. Mọi việc tốt dần lên sau đó, và niềm tin trở lại.
Với Quang Hải, cậu ấy là một cầu thủ tài hoa. Chính Hải đã chứng minh được điều đó, nhưng chưa phải là tất cả. Hải vẫn còn rất nhiều cơ hội để tiến bộ.
Tôi muốn nhắn nhủ với Quảng Hải rằng: "Đừng quá lo lắng. Cứ để huấn luyện viên và các đồng đội nghi ngờ, nhưng phải biến nó thành động lực để tập luyện gấp nhiều lần. Em sẽ làm họ bất ngờ, khi cơ hội đến!".
Tác giả: Ông Nguyễn Thành Nam bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tại trường Đại học Lomonosov, Liên Xô (cũ). Là một trong những người sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nam từng giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn này; sau đó ông rời vị trí CEO FPT để thử sức ở lĩnh vực giáo dục, với khởi đầu là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Ông Nam cũng được biết đến là người khởi xướng dự án đại học trực tuyến FUNiX.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!