Bê bối đăng kiểm: Chuyện ở ta và ở Mỹ
Tôi có chiếc xe mới mua được vài năm, dù còn mới cũng phải đi đăng kiểm và năm nào cũng vậy đến hẹn lại đi. Hôm qua nhìn trên kính xe, hoảng hốt thấy còn vài tuần nữa là nhãn đăng kiểm hết hạn. Gọi điện khắp các trung tâm đều nói, hoặc không còn hoạt động, hoặc đang quá tải, đợi tháng nữa may ra. Gọi về Ninh Bình cho chú em liệu có về quê đăng kiểm được không, tình trạng cũng không khá hơn. Em bảo anh về một hôm xếp hàng giấy tờ rồi vài tuần đến lượt, lại về.
Gần như trong cả nước và nhất là ở Hà Nội, TP HCM, các trung tâm đăng kiểm đều bị quá tải, ôtô xếp hàng dài cả km, chủ xe phải đến từ tối hôm trước chờ đến lượt đăng kiểm vào sáng hôm sau.
Tin "hơi vui" cho hay, ngày 9/3 Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép chưa xử phạt phương tiện quá hạn đăng kiểm, để người dân tiếp tục đi kiểm định trong 15 ngày.
Đây là một trong số giải pháp Bộ đề xuất để giảm ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm. Trong 15 ngày, các xe này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô có trang thiết bị, nhân lực đáp ứng quy chuẩn được phép kiểm định ôtô.
Sở dĩ có chuyện trên là do trong hơn 3 tháng qua, công an liên tiếp điều tra sai phạm về đăng kiểm trong cả nước. Nhà chức trách đã khám xét hơn 50 trung tâm, khởi tố hàng trăm bị can với các tội danh khác nhau. Hai cựu cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình đã bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ. Sờ chỗ nào cũng có chuyện.
Có lẽ đăng kiểm Việt Nam thuộc hàng khắt khe nhất thế giới, xe mới mua nhập khẩu cũng phải đăng kiểm, xe cũ trên 10 năm phải đến kiểm tra 6 tháng một lần. Chưa kể các loại phương tiện taxi với bao thủ tục. Cũng dễ hiểu, càng đông xe kiểm định thì các trung tâm càng nhiều việc, từ lỗi nhỏ đến lỗi to, không có lỗi thì thực tế trước đây là nhiều tài xế vẫn phải chi "chè nước". Kiểm định bị điều tra không oan chút nào, mà cá nhân tôi nghĩ không chỉ kiểm định đâu.
Nhưng không vì kiểm định bị "sờ gáy" mà dân không dùng ôtô. Theo dữ liệu từ Cổng thông tin Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến tháng 9/2022, tổng số ô tô đang lưu hành tại Việt Nam là 4,93 triệu chiếc. Nếu một phần của 5 triệu xe trên nhất là xe tải ngừng hoạt động vì đăng kiểm quá hạn sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam ra sao.
Giải pháp 15 ngày không phạt nêu trên chỉ là tạm thời và không chắc sau 15 ngày nữa thì tôi có đi kiểm định được không dù có lái xe ra đảo Phú Quốc. Điều tra cứ điều tra và kiểm định vẫn phải làm việc, lo bị bắt, ai còn kiểm tra xe ra hồn nữa, xe vẫn phải lăn bánh, một cái vòng luẩn quẩn.
Kiểm định bên Mỹ
Trên xe hơi cũng có nhiều nhãn (sticker), nhãn đã qua kiểm định, nhãn an toàn khí thải, nhãn hết hạn của số xe, nhãn đóng thuế xe (tài sản). Người dân khi mua xe mới đi đăng ký sẽ được dán nhãn kiểm định an toàn và nhãn khí thải, hai năm sau mới phải đi làm ở xưởng.
Nhãn thuế và nhãn số xe có thời hạn tùy thuộc vào mỗi bang, tùy vào chủ xe. Dân Mỹ được đóng thuế xe 2-3 năm/lần tương tự như số xe. Vì họ di chuyển nơi ở nhiều nên cứ 2-3 năm lại phải làm. Chuyển tới nơi mới thì sau 3 tháng phải đi đăng ký xe. Nếu chuyển từ Texas về Virginia mà số xe vẫn có biển Texas đỗ loanh quanh hơn 3 tháng sẽ được vé phạt hỏi thăm. Hạn 2-3 năm là để những ai chuyển tới nơi mới mà không đi đăng ký xe sẽ bị lòi ra, chả cần tới hộ khẩu hay chứng nhận cư trú.
Tôi làm cho World Bank theo G4 Visa ngạch ngoại giao nên được "ưu tiên" mỗi năm làm… một lần theo Visa giá trị năm một. Thuế thì tùy, mình có thể đóng vài năm cũng được, tương tự số xe. Việc này làm online hay gửi check (phiếu kiểm tra gửi qua bưu điện) là họ gửi sticker về, chả phải đi đâu.
Quan trọng nhất là kiểm định xe thì hầu hết các xưởng dịch vụ bảo dưỡng, sửa xe, đều có bằng kiểm định từ an toàn xe đến khí thải, và họ có nhãn dán luôn cho xe được lưu hành. Xem ra các xưởng dịch vụ này quyền to phết. Nếu các lỗi như cháy bóng đèn, xi nhan không hoạt động, lốp quá mòn… mà xưởng thay được và chủ xe đồng ý thì thay luôn, hết bao tiền chủ xe chi, nhất cử lưỡng tiện. Ai không tin "cánh này" thì sang nơi khác mà sửa, không ai ép ai. Hàng năm tôi đi kiểm định xe chưa bao giờ mất quá 1 tiếng cả đi lẫn về.
Nếu xe bị phốt nặng và xưởng không sửa được thì có nhãn gạch chéo không được lưu hành. Bị cảnh sát tóm (rất dễ bị do nhãn dán kính trước, cảnh sát có nghề luôn nhìn vào đó) thì họ kiểm tra giấy kiểm định quá bao nhiêu ngày rồi mà không đi sửa sẽ bị ăn vé phạt. Trong hạn vài ngày thì ăn vé cảnh cáo. Tất cả lỗi được ghi vào hệ thống phạt, cảnh sát toàn liên bang sẽ "nhìn ra" ngay. Một lần tôi đi xe có nhãn gạch chéo bị cô cảnh sát tóm, tôi gãi đầu bảo đi sửa và cô cho cái vé cảnh cáo nên nhớ mãi.
Gara sửa xe bên Mỹ mọc như nấm và cạnh tranh, chủ nào cũng muốn có dịch vụ kiểm định để kiếm thêm và tạo uy tín lâu dài. Với hệ thống pháp luật chặt chẽ thì khó ai mua được nhãn mà không qua kiểm định hoặc sửa phần mềm để gian dối. Nước Mỹ có 2 nghề không thất nghiệp là sửa xe hơi và máy vi tính. 330 triệu người Mỹ có tới 350 triệu xe nên chỉ có dại mới ăn hối lộ để kiểm định liều.
Bên ta dựng nên các trạm kiểm định nhưng không có dịch vụ sửa tại chỗ nên khi xe có lỗi thì phải đi nơi khác, sửa xong rồi lại đi kiểm định, vấn đề không chỉ là chi phí mà tâm lý người ta rất ngại phiền hà và tốn thời gian đi lại nhiều lần. Và đó cũng là lỗ hổng cho hối lộ, môi giới, giả mạo… vì muốn bỏ qua thì chi tiền là xong. Mafia đúng vì từng nói, cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền. Quen rồi lần sau cứ đến chỗ anh nhé.
Đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô có trang thiết bị, nhân lực đáp ứng quy chuẩn được phép kiểm định ôtô là đúng kiểu…Mỹ.
Tôi hay đến bảo dưỡng xe ở Honda Tây Hồ được cho là khá ổn. Họ có đủ nhân lực vật lực để làm cả kiểm định, kiểm tra khí thải, tại sao không thử luôn. Những nhân viên kiểm định không giỏi hơn các bàn tay bên bảo dưỡng xe. Những hãng xe có tiếng thì nên để họ làm xe của hãng và cả các hãng khác nếu cần. Ít nhất là trong lúc bê bối đăng kiểm này thì giải pháp "chính hãng" khá ổn và an toàn rồi tiếp theo là các gara xe được đào tạo bài bản.
Chuyện "đốt lò" còn dài dài. Với 5 triệu xe hơi và số lượng tăng chóng mặt mà không đưa ra giải pháp ổn thỏa thì không ai chắc kiểm định có hoạt động ổn định dài lâu.
Tác giả: Hiệu Minh là bút danh của TS Giang Công Thế, một chuyên gia IT từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB). Ông được biết đến là blogger về nhiều lĩnh vực và cộng tác thường xuyên với các báo.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!