Con đường tăng trưởng xanh
Có những lúc tôi tự hỏi, thu nhập của tôi có nguồn gốc sâu xa từ đâu. Phần lớn khách hàng của công ty tôi là các doanh nghiệp xây dựng và tư vấn liên quan đến khai thác dầu khí hoặc bất động sản. Tựu trung, họ đều có nguồn tiền đến từ tài nguyên thiên nhiên.
Như vậy, tài nguyên thiên nhiên đang mang lại doanh thu cho rất nhiều tổ chức và cá nhân. Đó là nhìn từng trường hợp cụ thể, còn nhìn ở tầm quốc gia thì sao?
Trên thế giới có nhiều trường phái nhận định về nguồn gốc của thịnh vượng và phát triển, mỗi trường phái đưa ra các yếu tố quan trọng khác nhau như tinh thần khởi nghiệp, tiến bộ công nghệ, thể chế, giáo dục, y tế… Ngoài ra, theo quan sát cá nhân, một trong những nguồn gốc sâu xa nhất của tăng trưởng có lẽ cũng chính là việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Thiếu năng lượng sẽ không có sản xuất và giao thông. Không có sợi vải thì không có nền công nghiệp thời trang. Thiếu đất, nước, ánh sáng thì không có lương thực. Thiếu danh lam thắng cảnh thì không có du lịch. Thiếu cát, thép, xi măng… sẽ không có ngành xây dựng. Thiếu quỹ đất sẽ không có ngành bất động sản...
Tóm lại, nếu thiếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên thì hầu như mọi hoạt động kinh tế không diễn ra. Mẹ thiên nhiên chính là con gà đẻ trứng vàng, và vì thế chúng ta cần đặc biệt quan tâm chăm sóc Mẹ thiên nhiên.
Trong khi nguồn vốn con người ngày càng tăng lên, thì các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt. Đô thị hóa đồng nghĩa với rừng và đất nông nghiệp giảm đi. Khi chúng ta giàu lên đồng nghĩa thiên nhiên nghèo đi, và chất lượng môi trường sống đi xuống. Khủng hoảng khí hậu đang diễn ra nhanh chóng trong dòng chảy đó.
Nhiệt độ trái đất đang tăng theo thời gian. Khủng hoảng khí hậu không có khả năng phục hồi nếu thế giới không đồng lòng có các hành động khẩn cấp và quyết liệt. Trong bối cảnh như vậy, mô hình tăng trưởng xanh là tất yếu.
Câu hỏi đặt ra là để có tăng trưởng xanh Việt Nam cần tuân theo các nguyên tắc nào?
Nhìn chung, trong mô hình tăng trưởng xanh các nguyên tắc phát triển bền vững phải được tuân thủ. Theo tôi, để đơn giản về mặt thực hành thì chúng ta có thể xem xét áp dụng các nguyên tắc chính sau đây:
Phát triển toàn diện, bao trùm. Ngoài mục tiêu tăng trưởng GDP, chúng ta cần đặt ra các mục tiêu khác như chỉ số hạnh phúc, chỉ số phát triển văn hóa xã hội, chỉ số phát triển con người.
Chi phí xanh. Chi phí môi trường cần được tính vào chi phí doanh nghiệp cũng như phải được trừ vào GDP để có GDP xanh (GDP xanh được tính bằng cách lấy GDP tiêu chuẩn trừ đi mức tiêu thụ vốn tự nhiên ròng, bao gồm sự cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường và các sáng kiến bảo vệ môi trường…). Nếu thêm các chi phí khác như ô nhiễm nguồn nước, không khí, và đất thì chi phí môi trường sẽ tăng lên đáng kể.
Thực tế hiện nay rất ít doanh nghiệp Việt Nam tính chi phí xanh vào giá thành. Trong khi đó, cơ chế thuế xanh xuyên biên giới (CBAM)sẽ được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu trong một vài năm tới. Cơ chế này ban đầu áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro, sau đó đến các mặt hàng khác. Dự kiến từ năm 2026 doanh nghiệp xuất khẩu hàng vào châu Âu sẽ phải mua chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm.
Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam (nơi mua bán các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính) sẽ được vận hành đúng lộ trình năm 2028. Vì vậy các công ty Việt Nam cần có bước chuẩn bị để tăng tính cạnh tranh.
Trồng rừng thu tín chỉ carbon. Giá trị thu về từ trồng rừng lấy tín chỉ carbon hiện nay là thấp, 5-10 USD/ tín chỉ. Trong khi đó, giá tín chỉ carbon tại thị trường bắt buộc ở châu Âu hoặc Mỹ cao gấp 15 lần. Các công ty Việt Nam có thể chịu thuế xanh cao này nếu xuất hàng vào châu Âu. Xu thế chung, giá tín chỉ carbon tăng theo thời gian. Vì vậy, khi hợp tác trồng rừng với nước ngoài, chúng ta phải có cơ chế phân chia lợi nhuận hợp lý, đặc biệt cho các dự án dài hạn.
Các công ty trong nước cũng có thể trồng rừng thay vì cho nước ngoài thuê đất. Đây là cách tăng giá trị nguồn tài nguyên hạn hẹp (đất trồng rừng), thay vì chấp nhận lợi nhuận thấp từ bán vật liệu thô (cho thuê đất).
Gia tăng giá trị tài nguyên thô. Nguyên liệu thô phải qua tinh chế trước khi xuất khẩu để tăng giá trị. Đây là bài học của các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhật Bản đã sử dụng công nghệ và kỹ năng của mình để biến tài nguyên thô ít ỏi thành các sản phẩm giá trị cao. Cách làm này trở thành văn hóa của người Nhật từ việc trồng dưa, nấu ăn, đến sản xuất các thiết bị đo lường tinh xảo có độ chính xác cao... Tinh chế trong nước cũng là cách tạo ra việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, và cũng là cách tăng GDP xanh hiệu quả. Đặc biệt đối với đất hiếm, chúng ta cần tăng cường nghiên cứu và phát triển để làm chủ công nghệ, không nên xuất khẩu thô.
Hạn chế nhập khẩu. Với các mặt hàng chúng ta cần nhập khẩu nhiều để đáp ứng nhu cầu trong nước thì sẽ "trải thảm đỏ" mời những công ty sản xuất các mặt hàng đó về đầu tư và sản xuất trong nước để tăng GDP, tạo việc làm, và giảm phát thải. Hoặc chúng ta lập các công ty trong nước đủ sức cạnh tranh để tự sản xuất các mặt hàng đó.
Ví dụ, chúng ta đã và đang mời Intel, Samsung, Ndivia… sản xuất chất bán dẫn, chip, máy tính và các thiết bị điện tử. Tương tự, chúng ta đề nghị Bosch, Makita, General Electric… mở nhà máy sản xuất các dụng cụ điện cho thị trường khu vực.
Nguyên tắc tái tạo. Chúng ta cần tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo (như gió, sóng biển, mặt trời, địa nhiệt), và năng lượng xanh (như điện hạt nhân, điện rác, điện sinh khối). Đặc biệt điện hạt nhân đã có công nghệ mô đun lò phản ứng nhỏ (SMR) có ưu điểm chính là an toàn, sạch, nguồn điện ổn định; chi phí lắp đặt của các mô đun lò phản ứng nhỏ tuy còn cao nhưng sẽ giảm dần theo thời gian.
Nguồn vốn đầu tư. Ngoài các nguồn vốn từ Chính phủ, hoặc đối tác công tư, chúng ta còn có thể tận dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, các quỹ đầu tư xanh của Liên Hợp Quốc và các tổ chức. Chúng ta cũng còn có thể nhận được các hỗ trợ (ví dụ 15,5 tỷ USD) từ Anh Quốc và các nước công nghiệp phát triển (G7) trong quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Hạ tầng giao thông xanh. Chúng ta cần đầu tư phát triển các trung tâm hậu cần lớn thay vì mỗi tỉnh một sân bay, và phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt quốc gia kết nối vùng miền. Đồng thời, chúng ta cần tăng cường giao thông công cộng (xe lửa, xe bus, taxi, taxi thủy, tàu cánh ngầm) và sử dụng phương tiện giao thông xanh (xe điện, xe lai điện, xe chạy khí hydro, xe đạp, đi bộ).
Phát triển đô thị xanh. Chúng ta cần quy hoạch đô thị theo hướng phát triển giao thông công cộng, phát triển đô thị xanh, đáng sống, với tỷ lệ cây xanh, công viên, mặt nước, không gian công cộng… được đảm bảo.
Tăng giá trị và giảm khí thải trong sản xuất. Để giảm khí thải và giảm ô nhiễm trong sản xuất, cũng như giảm chi phí xanh, các công ty có thể tự tạo nguồn năng lượng tái tạo để sử dụng trong sản xuất, cũng như tái sử dụng nguyên vật liệu nhiều nhất có thể.
Việt Nam cần tập trung phát triển các ngành sản xuất giá trị cao nhưng ít phát thải như y tế, dược phẩm, nông lâm ngư nghiệp, công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, truyền thông, dịch vụ tài chính, công nghiệp giải trí và văn hóa, du lịch, ẩm thực, sản xuất chất bán dẫn, sản xuất chip, máy tính, dụng cụ thiết bị sản xuất, hàng điện tử cao cấp, ô tô điện, v.v.
Trong xây dựng thì cần thiết kế tòa nhà thông minh, có giá trị kỹ thuật cao để giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng. Các tòa nhà cần được cung cấp năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái và địa nhiệt.
Về vật liệu xây dựng, Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu in 3D, và vật liệu mới (như bê tông siêu hiệu năng, biocement, kim loại thông minh…) cũng như cần khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, tận dụng hiệu quả vật liệu địa phương, giảm tỷ lệ sử dụng xi-măng nếu có thể vì sản xuất được 1 tấn xi-măng đã thải 800kg CO2.
Về nông nghiêp, chúng ta cần phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái thông minh, tăng hiệu quả sử dụng thiết bị cơ giới, giảm lượng nước tưới, giảm sử dụng phân bón… để giảm phát thải, giảm ô nhiễm nguồn đất, và để tăng chất lượng nông sản xuất khẩu. Đặc biệt không thu nhỏ diện tích sản xuất nông nghiệp vì xu thế chung đất sản xuất nông nghiệp trên thế giới giảm đi do đô thị hóa và dân số ngày càng tăng lên.
Du lịch, phát triển theo mô hình du lịch xanh-bền vững, du lịch khám chữa bệnh, du lịch văn hóa-lịch sử-tâm linh. Rút ra các bài học từ việc kinh doanh du lịch ở Vịnh Hạ Long, Đà lạt, Phú Quốc…thì chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, và bảo toàn các di sản thiên nhiên của thế giới.
Kinh tế số đã và đang là xu thế tất yếu. Kinh tế xanh và kinh tế số có thể xem như hai anh chị em song sinh, vì vậy cần chú trọng chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.
Về giáo dục, cần chú trọng đào tạo thêm các ngành kinh tế và kỹ thuật xanh với dự báo nhu cầu các ngành nghề tương lai. Tập trung đào tạo các kỹ năng thực hành bền vững, kỹ thuật và tư duy xanh để đảm bảo nguồn vốn nhân lực cho các thay đổi của thị trường việc làm xanh. Về việc làm, cần tạo ra thêm nhiều việc làm xanh thông qua đầu tư xanh.
Về đổi mới sáng tạo, cần có các giải pháp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn phải theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, và cắt giảm ô nhiễm.
Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta cần làm tăng diện tích rừng, đất nông nghiệp, diện tích nước mặt nhiều nhất có thể… thông qua việc tối ưu hóa việc sử dụng đất. Song song đó, chúng ta cần bảo vệ nguồn các nước, đại dương, cảnh quan, đa dạng sinh học, và di sản.
Rác thải. Hạn chế rác thải nhựa và khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường.
Lối sống xanh. Để giảm phát thải, thì ở mức độ cá nhân, có thể theo nguyên tắc sống tối giản, tiết kiệm chi tiêu. Ăn uống vừa đủ no (80% no, theo lối sống của người Nhật Bản), bớt thịt đỏ, bớt rượu bia và ăn nhiều rau củ và trái cây.
Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được sự thịnh vượng trong các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không năm 2050 dựa vào cách tiếp cận toàn diện phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững, tập trung vào những hiệu chỉnh nhỏ trong thực hành theo hướng xanh, sáng tạo, bảo tồn, và hiệu quả cao trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên.
Tác giả: TS Bùi Mẫn là kỹ Sư cao cấp, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services, Dubai UAE; ông cũng là chuyên gia về nghiên cứu đặc tính đất với hơn 20 năm kinh nghiệm, chú trọng đến quản lý và kiểm soát chất lượng, chuyên sâu về thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến và đặc tính động học của đất.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!