Tâm điểm
Đoàn Minh Chí

Biến đổi khí hậu: Bạn sẽ làm gì?

Trong những ngày vừa qua, hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2023 (COP28) và hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong khuôn khổ COP28 đã thu hút sự quan tâm sâu sắc trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động vô cùng nghiêm trọng trên toàn cầu, hệ thống khí hậu đang tiến gần đến giới hạn đỏ, trong khi còn có những khoảng cách lớn giữa các cam kết của các nước đã đưa ra với hành động trên thực tế, COP28 năm nay đã trở thành hội nghị lớn nhất trong lịch sử, với sự tham dự đông đảo của gần 140 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ và khoảng 90.000 đại biểu.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã thể hiện trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong tham gia xử lý một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay. Tại COP28, Việt Nam cũng đã tham gia một số sáng kiến hợp tác đa phương mới nhằm mở ra một số cơ hội hợp tác về chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.

Biến đổi khí hậu: Bạn sẽ làm gì? - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, khen ngợi thầy Tăng Văn Lâm và nhóm sinh viên đã có dự án (bê tông xanh không có xi măng) được lựa chọn để trưng bày tại chương trình tại The Boulevard, Emirates Towers - Dubai, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Hành động khí hậu toàn cầu COP 28 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những bài phát biểu tại các diễn đàn khác nhau, với những thông điệp quan trọng gửi đến cộng đồng quốc tế. Đó là phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt, việc đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện là chìa khoá để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu…

Tôi biết đến các hội nghị COP qua việc trở thành một trong 11 khách mời (VietNam Delegation) tham gia diễn đàn ASEAN Power Shift vào tháng 7/2015 tại Singapore, để chuẩn bị báo cáo chung về cách Thanh niên thích ứng với biến đổi khí hậu của khối ASEAN, gửi đến chương trình nghị sự COP21 được tổ chức tại Paris cuối năm 2015.

Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Và để ứng phó với thực tế này, chúng ta có những giải pháp ở tầm vĩ mô, nhưng cùng với đó cũng rất cần nâng cao hiểu biết, ý thức và hành động của mỗi người để góp phần vào nỗ lực chung, nhất là những ý tưởng có tính ứng dụng cao trong cộng đồng.

Đơn cử như nhóm thanh niên Đại học Lâm nghiệp Hà Nội từng triển khai dự án sử dụng rơm rạ thành phân bón, qua đó giúp giảm trình trạng ô nhiễm không khí do việc đốt rơm rạ ở Hà Nội và giảm chi phí phân bón cho nông dân. Dự án này đã được ứng dụng và chuyển giao với chi phí sản xuất thấp vì có sẵn nguồn nguyên liệu địa phương.

Nhìn sang Singapore, quốc gia cũng bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng, bởi ô nhiễm không khí do nạn cháy rừng từ nước khác trong khu vực, phải mua nước ngọt từ các nước láng giềng… Ở cấp độ vĩ mô, Chính phủ Singapore có nhiều chương trình hành động mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, và đáng nói là người dân quốc đảo này cũng có ý thức rất cao về vấn đề này, từ những việc nhỏ trong cuộc sống thường ngày.

Một lần khi kết thúc buổi ăn sáng ở nhà hàng trong thảo cầm viên Singapore, theo thói quen chúng tôi định bỏ bộ đồ ăn sử dụng một lần (chén, dĩa, muỗng…) vào thùng rác, nhưng một người dân địa phương đã chạy ra nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi cách phân loại rác để làm sao bộ đồ ăn này có thể được tái sử dụng tốt nhất.

Hay tại một sự kiện trồng cây trong công viên, tôi được biết người dân Singapore chọn cây trồng rất cẩn thận khi họ thường chọn những cây rất bé và là loài cây bản địa nhằm bảo tồn nguồn gen, đồng thời khi cây ra hoa sẽ giúp nuôi một loài bướm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Loài bướm này là sinh vật chỉ thị môi trường (dựa vào sinh vật chỉ thị để nhận biết sự biến đổi của môi trường) để đánh giá mức độ không khí trong lành.

Có thể nói các hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, các hành động toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu có liên quan trực tiếp đến môi trường sống của chúng ta cũng như các thế hệ tiếp theo. Một điều tôi muốn chia sẻ khi dõi theo kết quả hội nghị là mỗi người trong chúng ta hãy "suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương", đưa ra những sáng kiến, ý tưởng và hành động thiết thực trong cuộc sống hàng ngày thay vì chỉ nghĩ rằng đây là việc của người khác.

Cuối cùng, tôi xin trích dẫn lời một bài hát để kết thúc bài viết:

"Tổ quốc Việt Nam xanh ngát

Có sạch đẹp mãi được không

Điều đó tùy thuộc hành động của bạn

Chỉ thuộc vào bạn mà thôi".

Tác giả: Đoàn Minh Chí phụ trách các dự án Service-Learning (Học tập phục vụ cộng đồng) Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Mùa Xuân (Wellspring). Anh có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, quản lý và triển khai các dự án giáo dục môi trường, nâng cao năng lực thanh thiếu niên và các dự án phát triển.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!