Ước vọng phát triển: Vượt qua bẫy thu nhập trung bình
Nhìn lại hai năm vừa qua, cả thế giới đã trải qua nạn Covid-19 như vừa bước ra khỏi một tình trạng mà cuộc sống và sự phát triển phải dừng lại trên phạm vi toàn cầu. Các quốc gia đều kỳ vọng sự phát triển sẽ phục hồi nhanh chóng. Thế rồi những xung đột địa chính trị nổ ra gay gắt ở vài nơi đã kéo nhiều quốc gia vào cuộc, kỳ vọng vì thế mà không thành, sự phát triển kinh tế không phục hồi như ý muốn.
Trong hoàn cảnh này, mức tăng trưởng GDP của nước ta có bị thấp hơn nhưng vẫn đạt mức cao so với rất nhiều quốc gia khác. Điều quan trọng nhất mà nước ta đạt được trong năm 2023 là những thắng lợi to lớn trên mặt trận ngoại giao. Mối quan hệ hợp tác "chiến lược toàn diện" đã được thiết lập với tất cả các nước lớn nhất trên thế giới và nhóm quốc gia có kinh tế phát triển ở khu vực Đông Á, gần với nước ta.
Mối quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam được xác lập như một minh chứng cho một trật tự quốc tế mới: địa chính trị không còn tạo nên cách biệt, và câu chuyện phát triển chỉ xoay quanh bàn cờ địa kinh tế. Hoàn cảnh chiến tranh lạnh giữa hai phe chính trị đã lùi vào dĩ vãng. Thương mại tự do đã tạo dựng những liên kết quốc tế mới dựa trên quan điểm thừa nhận lẫn nhau sự khác biệt về thể chế chính trị để mở rộng thị trường, cùng nhau phát triển kinh tế.
Theo triết học phương Đông, Việt Nam đã vượt qua giai đoạn "lưỡng nghi" chỉ có âm và dương, để chuyển sang giai đoạn "tứ tượng", "bát quái"... rồi cứ thế mà phát triển mãi mãi. Theo triết học phương Tây, cả quá trình dài trước đây đã làm cho lượng đổi để đến nay chất đang đổi nhằm tạo nên sự phát triển đích thực.
Mỗi chúng ta đều đã thấy rõ mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội Đảng khóa XIII đã chỉ ra: Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề trong hơn 20 năm tới. Bước vào nhóm quốc gia có thu nhập cao có nghĩa là ta phải vượt qua "bẫy thu nhập trung bình", một cái bẫy mà nhiều nước có tiềm lực đã mong muốn vượt qua nhưng chưa vượt qua được.
Trong các quốc gia thuộc khu vực văn hóa Đông Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đã vượt qua bẫy này, Trung Quốc đang trên đường vượt qua, và Việt Nam với nhiều kỳ tích lịch sử chắc sẽ tìm được cách phù hợp để vượt qua.
Trong định hướng phát triển của giai đoạn hiện nay, ba định hướng chính đã được quốc tế xác lập: thứ nhất là phát triển không phát thải; thứ hai là chuyển đổi số; và thứ ba là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về phát triển không phát thải, Thủ tướng Chính phủ của ta đã có lời cam kết với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Các quốc gia đều thán phục lời cam kết đầy tham vọng này. Muốn đạt được mục tiêu, chúng ta phải tìm cách thay đổi hệ thống sản xuất, kinh doanh và lề lối cuộc sống theo hướng phát triển sạch. Tìm ra tiền đầu tư để thay đổi sang phát triển sạch là thách thức lớn nhất. Mặc dù thách thức là rất lớn, nhưng vẫn có thể tìm được vốn đầu tư theo những sáng kiến mang tính sáng tạo nhất.
Về chuyển đổi số, chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Người Việt Nam vẫn được các quốc gia phát triển đánh giá là có sở trường về toán, trong đó có toán tin học. Một chính sách phù hợp hoàn toàn có thể động viên được sở trường này mà tăng tốc thực hiện chuyển đổi số.
Về tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 2 hiệp định lớn trên diện rộng theo kiểu mới: EVFTA và CPTPP. Đây là cơ sở để Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Vấn đề còn lại là chúng ta phải tìm cách xác lập Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị kinh tế này. Muốn vậy, nước ta phải có sáng kiến tạo ra các hàng hóa đặc thù đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Trong thời gian qua, nhiều quốc gia đã chỉ ra rằng muốn phát triển mạnh thì phải dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ cao. Những nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên cũng đã ý thức được điều này và cũng đã chuyển hướng tư duy không còn ỷ thế vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Hơn nữa, sự phát triển đã buộc loài người phải loại bỏ dần nhiều loại tài nguyên đã một thời có giá trị cao như than đá, dầu mỏ, v.v. vì sử dụng sẽ gây phát thải khí nhà kính. Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng thay đổi hàng ngày, và chỉ tư duy của con người có chất lượng cao mới tìm ra cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên sao cho hiệu quả nhất.
Đến nay, một tình trạng mang tính nghịch lý đang diễn ra. Tại tất cả các quốc gia phát triển đạt mức có thu nhập cao, con người muốn sung sướng nên càng trở nên ích kỷ mà ngại sinh đẻ, làm cho dân số già hóa rất nhanh. Từ đây, lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao bị suy giảm, thậm chí đến một giai đoạn nhất định sẽ biến mất.
Trong khi đó ở các quốc gia kém phát triển, dân số vẫn tăng đều đặn, tài nguyên con người có số lượng lớn, nhưng chất lượng lại thấp. Từ đây, những xung đột mới trong xã hội loài người đang hình thành và sẽ ngày càng gay gắt. Cuộc chiến nhập cư đang diễn ra ngày càng phức tạp tại các nước phát triển. Nói đến hiện trạng này để thấy đó như một quy luật của quá trình phát triển nhằm dự tính trước các chính sách phù hợp cho Việt Nam.
Việt Nam hiện thuộc khu vực ASEAN, có tình trạng dân số còn trẻ với mức tăng dân số phù hợp với nhu cầu phát triển. Tuổi thọ người Việt Nam nâng lên ngày càng cao, và lực lượng trẻ tiếp tục vẫn là động lực cho phát triển. Tỷ lệ người già vẫn chưa phải là gánh nặng không chịu nổi của nền kinh tế.
Trong giai đoạn trước mắt, vai trò của giới trẻ Việt Nam cần được phát huy cao nhất để đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao, đóng góp phần tích cực nhất trong thực hiện phát triển sạch, chuyển đổi số và đưa Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng chính là nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII. Để chậm hơn sẽ làm lỡ nhịp phát triển của đất nước mà khó tìm lại hoàn cảnh phù hợp như hiện nay.
Trước đây mươi năm, ở Việt Nam đã nổi lên phong trào khởi nghiệp, thậm chí nhiều người còn đề xuất Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp. Qua thời kỳ Covid-19, mọi việc đã nguội lạnh dần. Một số nhóm trẻ đã chuyển sang khởi nghiệp tại Singapore. Chúng ta cần gây dựng lại phong trào khởi nghiệp này và tạo chính sách dễ dàng để khởi nghiệp. Đây chính là quá trình đưa giới trẻ Việt Nam quen với cách phát triển để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhìn sâu hơn nữa vào vấn đề này, công cuộc cải cách giáo dục phải được coi là yếu tố trọng yếu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Kinh tế đất nước đang trong giai đoạn có nhiều khó khăn từ ngoại cảnh. Chính lúc này, chúng ta cần nhìn lại một cách toàn diện để thấy cơ hội phát triển. Cơ hội này phụ thuộc vào sức lao động của giới trẻ Việt Nam. Sự thành công còn phụ thuộc vào hệ thống quản lý nhà nước có đưa ra được những động lực từ chính sách phát triển hay không. Câu chuyện đã cũ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự: Cán bộ là then chốt của mọi then chốt.
Người Việt Nam đã không bao giờ chịu khuất phục trước mọi hiểm nguy trong thời chiến, tinh thần này tiếp tục được duy trì để có được thành công trong cuộc chiến kinh tế của thời bình.
Tác giả: GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng vào năm đó. Ông có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!