Quả ngọt của tăng trưởng
(Dân trí) - Không thể phủ nhận sự quan trọng của tăng trưởng kinh tế, nhưng sẽ thực sự có ý nghĩa khi quả ngọt tăng trưởng đến được với mọi doanh nghiệp và người dân!
“Trong số 30 doanh nghiệp vừa xin trợ cấp của Chính phủ Nhật Bản để chuyển dòng vốn đầu tư thì có 15 doanh nghiệp đã chọn Việt Nam. Tổng Giám đốc Samsung thông báo rằng tập đoàn này đang gấp rút xây dựng, hoàn chỉnh trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam” .
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI dẫn lời Đại sứ Nhật Bản, thông tin với đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận chiều ngày 3/11 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020.
Không những vậy, ông Lộc còn cho biết thêm, Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tổ chức hội nghị lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của 2.200 đại biểu từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại đây, Việt Nam đã ký được các hợp đồng trị giá 11 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng.
Những con số “biết nói” này đã cho thấy sức hút của Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Rõ ràng, sự lấp lánh của nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn không phải chỉ là những lời ngợi ca có cánh mang tính chất xã giao trên báo chí nước ngoài, mà hoàn toàn xuất phát từ sự đánh giá nghiêm túc về tính lợi ích của nhà đầu tư.
Như nhiều chuyên gia cũng đã phân tích, về mặt địa lý, Việt Nam thuận lợi cho hoạt động chuyển dịch nhà máy của những doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, những yếu tố quan trọng khác như sự ổn định về chính trị, các chính sách thu hút đầu tư cũng giúp Việt Nam giành lợi thế trước những “đối thủ” khác trong cuộc đua “làm tổ cho đại bàng”.
Hơn nữa, trong khi nhiều nền kinh tế lớn đang phải vật lộn với triển vọng tăng trưởng âm, các quốc gia đối mặt suy thoái do tác động của dịch Covid-19 thì Việt Nam vẫn trụ vững.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đưa ra đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 2/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Mặc dù rất khát khao làm giàu nhưng chúng ta không thể đón khách du lịch, không thể đánh đổi vì kinh tế, chủ quan lơ là với Covid-19. Tôi bị phản đối vì không cho khách du lịch vào nước”.
Từ câu nói đó của người đứng đầu Chính phủ, phần nào chúng ta hiểu được những áp lực đáng kể lên nhà điều hành khi đứng trước bài toán tăng trưởng và kiểm soát dịch.
Dù vậy, cho đến thời điểm này, chúng ta có quyền tự hào về những kết quả đã được, và tin rằng, các chính sách điều hành của Chính phủ vẫn đang đi đúng hướng. Chính nhờ hoạt động kiểm soát tốt dịch bệnh đã giúp chúng ta không những bảo vệ được sức khoẻ cho người dân mà còn tạo nền tảng để phát triển kinh tế một cách chắc chắn và bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói rằng: “Toàn dân tộc, quốc gia phải đoàn kết và vươn lên, nâng quy mô nền kinh tế ngày càng lớn mạnh”.
Đó không chỉ là quyết tâm của Thủ tướng, của riêng Chính phủ mà còn cần là nỗ lực của cả đất nước, của từng cán bộ, từng người dân.
Trước mắt chúng ta là một nhiệm kỳ mới với những nhân tố lãnh đạo mới cũng đang dần xuất hiện. Kết quả đạt được ở thời điểm này là bàn đạp để kinh tế đất nước tiến lên trong tương lai, nhưng sự thành công của tương lai ra sao, đất nước có thể lớn mạnh thế nào còn phụ thuộc và “tâm-tầm-tài”, sự bản lĩnh của thế hệ lãnh đạo mới.
Người viết cho rằng, xây dựng một nền tảng tốt về mặt con người cũng quan trọng như tạo được cơ chế minh bạch và bình đẳng. Nhiệm vụ đón được “đại bàng” cần đi đôi với giữ chân “chim sẻ”, quan tâm đến doanh nghiệp FDI nhưng cũng cần chăm chút, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển…
Không thể phủ nhận sự quan trọng của tăng trưởng kinh tế, nhưng sẽ thực sự có ý nghĩa khi quả ngọt tăng trưởng đến được với mọi doanh nghiệp và người dân!