Sushi để qua đêm bán cho học sinh: Rất đáng báo động
(Dân trí) - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM chia sẻ, cơ quan chức năng đã phát hiện có người bán hàng rong dùng cơm nấu hôm trước làm sushi và để qua đêm, hôm sau bán cho học sinh. Điều này rất đáng báo động.
Chỉ trong vòng một tuần (từ ngày 31/3 đến ngày 5/4), tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa xảy ra hai vụ nghi ngộ độc thực phẩm hàng loạt, sau khi ăn các thực phẩm như cơm gà, sushi bán bên ngoài cổng trường, khiến hàng chục học sinh nhập viện. Đáng chú ý, một nữ sinh đã tử vong khi đang trên đường đi cấp cứu.
Còn tại khu vực Tây Nguyên, ngày 4/4 nhiều học sinh trường THCS Tân Châu (xã Tân Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) có biểu hiện ngộ độc, sau khi ăn kẹo bao bì in chữ nước ngoài mua từ một cửa hàng tạp hóa gần cổng trường.
Hàng loạt vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, đau lòng xảy ra khiến phụ huynh, dư luận không khỏi lo lắng, khi thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng vẫn bủa vây học đường.
Đâu là giải pháp để phòng ngừa, bảo vệ học sinh khỏi nguy cơ ngộ độc thực phẩm một cách bền vững? Phóng viên Dân trí đã liên hệ Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM để tìm lời giải đáp cho vấn đề trên.
Báo động tình trạng sushi để qua đêm bán cho học sinh
Theo số liệu thống kê, trong quý 1, cả nước có 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3 người tử vong, 659 người ngộ độc, tăng gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Riêng thời điểm tháng 3 và đầu tháng 4, nhiều sự việc liên quan đến học sinh sau khi ăn thực phẩm bán bên ngoài trường học đã xảy ra, như các vụ ngộ độc ở Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Qua những sự việc trên, bà nhận định như thế nào về thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bên ngoài trường học hiện nay trên phạm vi cả nước?
- Thực phẩm bán bên ngoài trường học được phân làm hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, thức ăn bán từ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được quản lý theo những quy định về ATTP. Trường hợp thứ 2 nguy hiểm hơn với học sinh, là thức ăn đường phố. Học sinh càng nhỏ sẽ càng nguy hiểm.
Đó là bởi các em chưa có nhiều ý thức về ATTP, nên dễ bị bắt mắt bởi những hàng hóa sặc sỡ. Kế đến, do điều kiện bán hàng lưu động đặt trước trường học, cộng thêm sợ lực lượng chức năng, nên người bán đã tập thói quen chạy bất cứ lúc nào. Ngoài ra, đồ ăn hàng rong thường không được đậy để ngăn chặn ruồi muỗi, bụi bặm dễ tiếp xúc nên nguy cơ rủi ro cao. Đó là chưa kể, các em chơi chung rồi chia sẻ thức ăn cho nhau, nên nguy cơ ngộ độc hàng loạt lại càng lớn hơn.
Trở lại thống kê các vụ ngộ độc từ đầu năm, chúng ta thấy có sự gia tăng. Theo quan điểm của tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do vấn đề tuyên truyền về ATTP chưa thấm sâu, để cộng đồng làm cho đúng.
Thứ hai, sau dịch bệnh kinh tế khó khăn, người dân có phần dễ dãi hơn trong chuyện ăn uống, với xu hướng chi ít tiền hơn. Để thực phẩm giá rẻ hơn, bắt buộc người bán phải sử dụng những nguồn nguyên liệu kém an toàn hơn. Họ có thể bỏ qua một số công đoạn bảo đảm ATTP.
Với các vụ việc xảy ra toàn quốc thời gian gần đây, đặc biệt là ở Nha Trang, đến nay vẫn chưa kết luận chính thức. Nhưng có rất nhiều yếu tố nguy cơ, chúng ta không thể loại trừ được hết.
Đơn cử, thực phẩm có thể mất an toàn từ nguồn, từ khâu nhập khẩu cho tới kiểm nghiệm vi sinh. Trong quá trình chế biến, liệu sự lẫn lộn sống - chín có làm cho thực phẩm nhiễm khuẩn hay không. Kế đến, thực phẩm sẽ được rửa như thế nào, dùng nước máy hay nước giếng cho tiết kiệm. Liệu nước giếng có ô nhiễm hay không, và họ bảo quản trong thời gian bao lâu?
Ở hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống có giấy tờ chứng nhận đủ điều kiện ATTP, đa số bán món nước và được nấu sôi. Còn bán hàng rong, nếu như nấu sôi thì vấn đề rửa chén bát thế nào? Bây giờ đã có những loại bao gói dùng một lần, nhưng nguy cơ mất vệ sinh vẫn còn.
Bên cạnh đó, những thực phẩm như bánh, trái cây tẩm nước đường rồi ngâm, chấm mắm cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn…
Còn với sushi, trong một số trường hợp đi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy có những cơ sở hàng rong dùng cơm nấu từ hôm trước làm sushi, chế biến thành cục và để qua đêm, hôm sau bán cho học trò. Tình trạng này rất đáng báo động.
Cuối cùng là thể trạng của học sinh. Chúng ta không loại trừ yếu tố tâm lý, vì khi thấy người khác đau bụng, các bé có thể lo lắng và đau theo. Đôi khi, điều này xảy ra hàng loạt. Cơ quan phải chức năng xem xét mọi góc độ.
Giữa tháng 1 vừa qua, có nhiều học sinh trường tiểu học Nguyễn Hiền (TP Thủ Đức) bất ngờ xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói. Dù cơ quan chức năng không kết luận đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm, nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo nguy cơ mất ATTP học đường vẫn tồn tại ở TPHCM. Sở ATTP đã có những hành động nào để xử lý điều này?
- Chúng tôi đề phòng ngay từ đầu. Trong năm qua, chúng tôi liên tục có các đợt thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể và các căng tin, các nơi cung cấp suất ăn cho trường học, xem họ đã đáp ứng những yêu cầu về ATTP hay không.
Chúng tôi cũng mời phụ huynh vào trường để cùng giám sát trong khâu nhập nguyên liệu. Nguyên liệu bắt buộc phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phải đạt các chuẩn như VietGap, GlobalGap hay chuẩn chuỗi thực phẩm an toàn.
Ngày 17/4 tới, TPHCM phát động tháng hành động vì ATTP. Sở ATTP sẽ lựa chọn các trường học để thanh kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp chưa bảo đảm ATTP dù đã nhắc nhở nhiều lần.
Chúng tôi xác định rõ, không được phép chủ quan. Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm sau cùng cho bữa ăn an toàn của học sinh. Bất cứ giá nào, chúng ta cũng không thể để ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học.
Còn đối với bên ngoài trường, phải siết chặt quản lý thức ăn đường phố. Theo quy định hiện hành, buôn bán hàng rong nhỏ lẻ sẽ không cần cấp đăng ký kinh doanh, cũng như chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Thức ăn đường phố được quyền buôn bán mà không cần chứng nhận đủ điều kiện ATTP (Ảnh: Anh Thư).
Các quận huyện, UBND phường xã có trách nhiệm trực tiếp trong việc vận động và giám sát các điểm bán thức ăn lưu động, bao gồm các khu vực ngoài trường học, trước cổng trường. Nhưng Sở ATTP cũng cùng chịu trách nhiệm với các địa phương, để tập huấn cho những người hành nghề mua bán thực phẩm.
Và người dân, cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng. Mỗi phụ huynh nên dạy cho con em mình không tùy tiện ăn thực phẩm trôi nổi, đi kèm việc kiểm soát chi tiêu của con. Khi tôi còn bé, nếu muốn ăn cái gì, cha mẹ sẽ nhờ thầy cô giáo mua cho qua căng tin trường, nơi chúng ta biết được nguồn gốc thực phẩm.
Trong bối cảnh hiện tại, xã hội phải chạy theo sự đổi mới, có những tiến bộ những cũng đi kèm nhiều nguy cơ. Chúng ta phải chuẩn bị tâm lý tự sàng lọc trước. Có những thực phẩm mà khi nhìn, ta biết ngay sẽ không tốt cho sức khỏe. Nếu như chúng ta quan sát, thấy thực phẩm nằm vạ vật ở ngoài, hứng đủ gió bụi, thì làm sao để cho con mình ăn được?!
Phải có kế hoạch để ứng phó khi xảy ra ngộ độc
Theo chia sẻ của bà, Sở ATTP TPHCM đã liên tục kiểm tra, giám sát vấn đề ATTP học đường. Không biết qua các động thái đó, cơ quan chức năng đã thu được những kết quả gì?
- Qua các đợt thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, chúng tôi nhận thấy các hệ thống trường học của TPHCM phản ứng tương đối tốt. Tức là chúng ta bảo đảm điều kiện vệ sinh thực phẩm cho học sinh. Kết quả này không phải từ trên trời rơi xuống, mà là thành quả của sự phối hợp giữa Sở Giáo dục - Đào tạo và Ban Quản lý ATTP trước đây, nay là Sở ATTP TPHCM.
Như phóng viên nói, có sự cố vẫn xảy ra, như vụ việc tại trường tiểu học Nguyễn Hiền hay một số cơ sở giáo dục khác, nhưng số lượng khá ít. Sau đó thông qua các mẫu lưu, kết quả xét nghiệm cũng không tìm ra tác nhân gây bệnh, nên chưa đủ dữ liệu để kết luận có ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, chúng ta không thể ngồi yên, chủ quan về chuyện đó, mà cần xác định phải bảo đảm ATTP trong tình hình mới. Đó là khi chiến tranh loạn lạc trên thế giới và kinh tế còn rất khó khăn để phục hồi, thu nhập giảm sút sẽ làm tăng nguy cơ mất ATTP. Gây ra một hành vi phạm pháp về thực phẩm rất nhanh, nhưng để chứng minh hành vi đó hoàn toàn không hề đơn giản.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục trong việc phối hợp, thanh kiểm tra, nhắc nhở các trường. Thứ nhất, cần đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng của thực phẩm, qua việc kiểm tra hóa đơn, chứng từ. Thứ hai, đảm bảo quy trình xử lý theo 4 bước để thực phẩm sạch sẽ, không có ruồi muỗi, côn trùng. Bếp ăn tập thể phải tổ chức ngay tại trường.
Bếp ăn trong một trường mầm non công lập ở trung tâm TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Nếu trường mua suất ăn bên ngoài, các công ty cung cấp suất ăn phải đạt đủ các điều kiện ATTP. Tuyệt đối không có chuyện suất ăn để mấy tiếng đồng hồ, để qua đêm mà không bảo quản tốt.
Sau cùng, mỗi trường phải có kế hoạch để ứng phó khi xảy ra ngộ độc, lưu mẫu như thế nào để quy trách nhiệm cụ thể, cũng như để ngăn chặn thực phẩm bẩn phát tán ra ngoài.
Tôi không dám nói trước sau này có xảy ra ngộ độc thực phẩm không, vì TPHCM có hơn 2000 trường học và 13-14 triệu dân. Nhưng đến giờ này, chúng ta bảo đảm được như vậy ở các trường học là tương đối an toàn.
Khó kiểm soát thức ăn đường phố vì "thói quen đi xe máy"
Thực phẩm đường phố được buôn bán mà không cấp giấy phép kinh doanh, tức là không có khâu thẩm định ban đầu. Xin bà cho biết, làm cách nào để cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý được vấn đề ATTP đối với thực phẩm bày bán hàng rong bên ngoài trường học?
- Ở góc độ quản lý, chúng ta có giải pháp nhân lực tại chỗ, chính là lực lượng của phường, xã, quận huyện, từ trật tự đô thị, cảnh sát khu vực…
TPHCM hiện có tổng cộng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố trên 21 quận huyện và TP Thủ Đức. Ở mỗi địa bàn đều thống kê số lượng cụ thể. Không phải tự dưng người ta xách nồi ra đường ngồi bán ngẫu nhiên, họ cũng có những điểm đứng và khách quen. Và người ta cũng tự cố gắng giữ ATTP, vì không tiêu thụ được, bán ế sẽ ảnh hưởng đến việc mưu sinh của gia đình họ.
Chúng tôi khuyến khích hệ thống chính trị ở địa phương kêu gọi, tập huấn và đào tạo kiến thức về vệ sinh ATTP cho những người bán thức ăn đường phố, để họ có ý thức trong từng khâu nhỏ, như phải giữ thức ăn trong tủ kính, có che chắn, không được để tiếp xúc với bụi, không dùng tay bốc thức ăn một cách trực tiếp mà phải thông qua găng tay hoặc kẹp.
Song song đó, mỗi quận huyện phải có những chỉ tiêu để xây dựng các điểm tập trung bán thức ăn đường phố an toàn. Và đương nhiên, ưu tiên quan tâm số một là những thức ăn bày bán ở không gian trường học.
Đúng là với người bán hàng rong đường phố, họ có thể hoạt động mà không cần thẩm định trước để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP. Nhưng thẩm định ban đầu không phải tất cả, vì chỉ mang tính thời điểm. Quan trọng là quá trình sau này, phải có sự hậu kiểm, thanh tra thì mới quyết định chất lượng. Nếu họ vi phạm, chúng tôi sẽ lấy mẫu để kiểm nghiệm, kiểm tra hóa đơn chứng từ, nguồn gốc nguyên liệu họ đã mua để truy tìm nguồn gốc gây mất ATTP, từ đó ra quyết định xử phạt.
Nói chung, chúng tôi nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp. Nhưng phải thừa nhận, việc kiểm soát, quản lý thức ăn đường phố ở Việt Nam là điều không dễ. Người dân ta có thói quen đi xe máy, muốn dừng đâu thì dừng, muốn mua đâu thì mua.
Nhiều phụ huynh đưa rước con đi học bằng xe máy có thói quen mua quà vặt cho trẻ ở cổng trường (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).
Tôi đề nghị mọi người nên mua thức ăn ở nơi cố định, kể cả thức ăn đường phố, vì đa số đều có điểm và thời gian bán cụ thể. Và nếu như chúng ta thấy người bán không đảm bảo ATTP, dùng tay trần bốc thức ăn hay không bảo quản thực phẩm tốt, hãy nhắc để họ thay đổi. Nếu vẫn vậy, thì dừng tiêu thụ. Việc tuyên truyền rất quan trọng, để biến người tiếp thu ít dần dần hình thành ý thức đảm bảo ATTP.
Cuối cùng, phụ huynh và người dân cần làm gì để nhận diện, phòng chống tình trạng mất ATTP, thưa bà?
- Như tôi nói, nguy cơ về mất ATTP vẫn bủa vây. Và đối với các học sinh, nguy cơ không phải chỉ từ nhà trường, mà đôi khi còn từ bếp ăn gia đình nữa. Cho nên nếu phân tích về ATTP ở góc độ tổng thể, phải bảo đảm nguồn nguyên liệu thực phẩm đưa về Thành phố, thông qua các chợ đầu mối, siêu thị. Vấn đề này trả lời bằng kết quả kiểm nghiệm của các mẫu hàng năm. Và chúng tôi đang cải thiện, để nâng cao dần chuẩn thực phẩm an toàn.
Về bếp ăn gia đình, đề nghị phụ huynh hết sức chú ý, vì trẻ em là đối tượng nhạy cảm và rất dễ bị ảnh hưởng xấu. Đôi khi cũng món ăn đó, người lớn ăn không sao nhưng trẻ con ăn lại có chuyện.
Hiện nay, chúng ta có một thuận lợi, nhưng đồng thời nó cũng là thách thức. Tôi thấy bất kỳ một vụ nghi ngộ độc thực phẩm nào xảy ra, báo chí đều hết sức quan tâm và đưa tin kịp thời. Điều này giúp người dân nâng cao cảnh giác. Nhưng ở chiều ngược lại, họ sẽ cảm thấy bất an, nhìn cái gì cũng nghĩ mất an toàn, không dám ăn, sợ nó gây bệnh.
Thời gian qua, chúng tôi đã phát huy tính giám sát của cộng đồng, bằng cách đề nghị phụ huynh tham gia một cách chủ động vào việc theo dõi chi tiết bữa ăn của con em mình, từ khâu nhập nguyên liệu, chế biến đến khi học sinh ăn uống, về nhà có biểu hiện gì hay không để báo cho hội phụ huynh và cơ quan chức năng.
Sở ATTP TPHCM có số điện thoại đường dây nóng là 0283.930.1714. Bất cứ lúc nào, người dân cũng có thể gọi phản ánh, để chúng tôi xử lý tốt nhất. Tôi khẳng định, để xảy ra ngộ độc thực phẩm phải tồn tại những nguy cơ. Chúng ta cần ngăn chặn nguy cơ trước khi nó chui vào bụng con em mình. Muốn làm được điều đó, cần có cơ quan chức năng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà.
Hoàng Lê - Anh Thư