Thế hệ kỳ lân "đi để trở về" lập nghiệp trên đất Việt
(Dân trí) - Việt Nam vốn nổi tiếng có số lượng du học sinh cao "vượt bậc" so với các nước láng giềng. Trước làn sóng ấy, thế hệ trở về quê hương lập nghiệp đang được đánh giá là sự chuyển dịch đầy hứa hẹn.
LỜI TÒA SOẠN
Việt Nam hiện có khoảng 40.000 người đi du học nước ngoài mỗi năm, số lượng cao gấp 2,5 lần giai đoạn trước 2013. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số du học sinh. Đây luôn được xác định là nguồn nhân lực chất lượng, tiềm năng với đất nước.
Tuy nhiên, định kiến "tốt nghiệp đại học danh tiếng tại Mỹ vẫn về Việt Nam làm việc", "không ở nổi mới phải về", "du học như vậy là khoản đầu tư thất bại"... hiện là rào cản lớn với việc về nước cống hiến. Trên thực tế, ngày càng có nhiều du học sinh chọn trở về vì nhìn thấy những cơ hội, triển vọng tốt, khả năng khởi nghiệp tại Việt Nam.
Dân trí thực hiện loạt bài viết "Thế hệ kỳ lân "đi để trở về" phản ánh xu hướng ngày càng phổ biến này và bài toán thu hút, tận dụng, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực được kỳ vọng "về để làm chủ" này.
Những start-up "kỳ lân"
Solano Enery là công ty cung cấp dịch vụ và sản phẩm năng lượng thông minh, năng lượng sạch. Dù vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, doanh nghiệp start-up (khởi nghiệp) này hiện được đánh giá cao, với triển vọng về những sản phẩm sẽ mở bán rộng rãi trong năm nay.
Đáng chú ý, đây là công ty công nghệ của người Việt. Doanh nghiệp được thành lập bởi nhóm kỹ sư là Việt Nam, tốt nghiệp những trường đại học hàng đầu thế giới như Oxford và Cambridge trở về nước lập nghiệp.
Trần Tuấn Anh, CEO (Giám đốc điều hành) Solano Energy, là tiến sỹ chuyên ngành điều khiển laser, kỹ sư Oxford. Với tấm bằng đại học đắt giá bậc nhất thế giới, anh từng làm việc trong lĩnh vực phát triển nhà máy điện, động cơ máy bay và đầu tư vào hơn 20 công ty công nghệ đột phá.
Người đồng sáng lập Solano Energy với anh là một du học sinh xuất sắc, trở về từ Cambridge - Phạm Anh Khoa. Bên cạnh đó, 3 nhân sự phụ trách các mảng quan trọng nhất của công ty cũng đều là kỹ sư của đại học danh tiếng thế giới này.
Hành trình của họ tương đối khác nhau, có người từng là phụ trách kỹ thuật sản xuất tại Procter & Gamble trong hơn 10 năm, người là tư vấn viên tại McKinsey, phát triển sản phẩm chính cho các "kỳ lân" Momo và Ruangguru hoặc là chuyên gia quy trình thiết bị với kinh nghiệm điều hành các dự án thăm dò dầu mỏ lớn tại Schlumberger. Thế nhưng, họ có một điểm chung và hoài bão to lớn, chính là quay trở về gây dựng sự nghiệp tại Việt Nam.
Phạm Anh Khoa, đồng thời là người sáng lập hệ thống trung tâm tiếng Anh Yola, từng nói thế hệ những người chọn trở về như anh là "người dẫn đường". Họ trở thành người truyền lửa, hướng dẫn, bằng vốn kiến thức, trải nghiệm đã có được trong khoảng thời gian học tập, làm việc ở nước ngoài. Từ đó, những người dẫn đường có thể giúp thế hệ du học sinh đi sau trở nên cứng cỏi hơn trong hành trình học tập, trưởng thành đầy khó khăn, bối rối.
Sau tốt nghiệp đại học Tufts, hành trình điều hành doanh nghiệp start-up giáo dục tại Việt Nam với hơn 100.000 học viên trên toàn quốc càng khiến Anh Khoa trở nên tâm đắc với ý niệm trên.
Cũng giống như Solano Energy, Yola cũng hình thành với đội ngũ tập hợp những du học sinh Việt suất sắc từ các cơ sở đào tạo danh tiếng thế giới trở về. Đồng sáng lập và là Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Yola - doanh nhân Ngô Thùy Ngọc Tú - từng tốt nghiệp đại học Stanford, cũng trải qua hành trình làm việc ở nước ngoài, nhưng lại chọn đích đến là… hồi hương.
Ngọc Tú từng được Forbes Việt Nam đưa vào "Top 30 under 30 năm 2015". Cô từng khiến cộng đồng start-up ngưỡng mộ khi đảm nhiệm vai trò MC chương trình đối thoại giữa cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama với những người Việt trẻ xuất sắc, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016.
Như bao du học sinh khác, Ngọc Tú cũng từng đắn đo trước lựa chọn ở lại nước ngoài hay về Việt Nam. Lý do cho quyết định sau cùng của cô đến khi nữ doanh nhân chợt nhận ra tiếng Anh là cầu nối cho học sinh Việt đến với những ước mơ rộng lớn. Cô trở lại Việt Nam với quyết "làm một điều gì đó thật xứng đáng".
"Thay đổi cuộc sống của học sinh Việt Nam thông qua giáo dục" và "khai phóng tiềm năng" là mục tiêu, cũng là động lực khởi nghiệp của Ngọc Tú và các cộng sự. Thực tế, tại Yola, toàn bộ bộ máy, từ người quản lý, điều hành tới giảng viên đứng lớp đều là những du học sinh chọn trở về như Tú, Khoa.
"Đi để trở về"
Thực tế, ngày càng có nhiều nhân tài Việt chọn con đường "đi để trở về" chứ không phải đi để thoát ly, để tìm cơ hội ở lại, định cư nước ngoài như cả giai đoạn dài trước đó. Đó là những người đã qua sàng lọc, thử thách nơi đất người, đã tạo dựng được cơ sở để bám chân ở trời Tây nhưng lại nhìn nhận cơ hội tốt, cuộc sống tốt nơi quê nhà.
Theo thống kê, những sinh viên người Việt xuất thân từ các trường đại học danh tiếng như Harvard, Cambridge nay đã trở về lãnh đạo công ty công nghệ lớn như TapTap, Momo, Shopee Việt Nam, Abivin.
Lan Doãn, CEO TapTap, nổi tiếng là Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại đại học Harvard. Sau hơn 10 năm kinh nghiệm hoạch định chiến lược cho các tập đoàn lớn ở nước ngoài, Lan Doãn quyết định về Việt Nam để dẫn dắt "kỳ lân công nghệ" trên đất Việt.
Chia sẻ trên trang chủ của công ty, Lan Doãn từng tuyên bố: "Tôi muốn gây dựng TapTap thành một giải pháp phát triển bền vững "made in Vietnam" (sản xuất từ Việt Nam) để đón đầu tiềm năng này cả trong và ngoài nước".
TapTap là ứng dụng thương mại điện tử giúp người dùng tích điểm, đổi quà đa thương hiệu. Theo số liệu mới nhất, ứng dụng này hiện có khoảng 3 triệu người dùng và hơn 3.000 cửa hàng đối tác trên toàn quốc.
Nói đến du học sinh về nước thành lập những doanh nghiệp"kỳ lân công nghệ", không thể không kể đến Phạm Nam Long. Anh là nhà sáng lập và là CEO của công ty Abivin - đơn vị chuyên cung cấp giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực.
Trước đây, Phạm Nam Long từng học tại trường Abbey College Cambridge; thạc sỹ chuyên ngành Máy học tại Đại học Bristol; Thạc sĩ ngành Khoa học máy tính tại Viện Đại học Cambridge (Anh Quốc).
Để tăng sự trải nghiệm, Nam Long đã làm việc ở vị trí kỹ sư IT cho "gã khổng lồ" Google. Anh từng chia sẻ rằng khoảng thời gian làm việc ở Mỹ, không có lúc nào anh thôi nghĩ đến chuyện sẽ quay trở về Việt Nam để đóng góp cho quê hương.
Năm 2014, anh về nước và bắt đầu xây dựng "thung lũng công nghệ" cho riêng mình. Nam Long dấn thân vào một vài công ty khởi nghiệp như Cốc Cốc và Adatao để quan sát rõ "bức tranh" quê hương và tìm tòi cách thành lập một công ty công nghệ.
Không lâu sau, Abivin ra đời.
Sau nhiều năm được Nam Long dẫn dắt, Abivin đã đạt được một vài giải thưởng rất đáng nể như vô địch cuộc thi Startup World Cup 2019 diễn ra tại Mỹ; giải "Startup về Logistics và Chuỗi cung ứng tốt nhất" tại Giải thưởng khởi nghiệp Đông Nam Á Asean Rice Bowl Startup Award; quán quân cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Techfest Vietnam 2018; nhận bằng khen thành tích xuất sắc trong phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam 2020 từ Bộ Ngoại giao;…
"Cánh cửa mở" khơi xu hướng "về nguồn"
Năm 2023, một khảo sát của tập đoàn tư vấn tuyển dụng Robert Walters cho thấy có 71% người Việt Nam, đang làm việc ở nước ngoài, có dự định về nước trong 5 năm tới. Con số này tăng 1% so với năm 2021.
Đáng chú ý, tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với 3 quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cùng được thực hiện khảo sát như Indonesia (60%), Philippines (62%) và Singapore (58%).
Ngoài ra, có đến 60% người Việt cho rằng tùy thuộc vào tình hình kinh tế mà họ sẽ quyết định có về nước hay không.
Được biết, sự gắn kết về mặt cảm xúc, xã hội, văn hóa; cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn; sự thuận tiện chăm sóc và gần gũi hơn với gia đình, người thân,… là những yếu tố gây ảnh hưởng đến quyết đinh về nước của người Việt.
Trong đó, 66% người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam; 48% cho rằng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển các dự án đầu tư và kinh doanh khi về nước; 44% trở về vì mức sống ở Việt Nam tốt hơn.
Bài khảo sát chỉ ra trong trường hợp NVNONN đồng ý về nước làm việc, có 27% người có thể chấp nhận cân nhắc giảm 30% lương cơ bản hoặc ít hơn so với khi ở nước ngoài; 26% chọn mức lương phù hợp với kinh nghiệm và thị trường Việt Nam.
Người Việt khi về nước cũng sẽ ưu tiên lựa chọn các công việc có ưu điểm về phạm vi, trách nhiệm công việc; lương thưởng, phúc lợi; văn hóa công ty, phong cách quản lý; cơ hội thăng tiến trong công ty; quy mô, tính chất của công ty.
Để khuyến khích dòng chảy "về nguồn" này, Robert Walters từ năm 2014 đã khởi xướng sáng kiến "Come Home Phở Good".
Đây được xem như một cách tiếp cận, giải pháp để tổ chức trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp nội địa và nguồn nhân lực Việt chất lượng cao, có kinh nghiệm hoạt động trong môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, dự án còn giúp NVNONN có thể tìm kiếm việc làm ngay khi trở lại quê hương.
"Mỏ vàng" nhân lực chất lượng cao
Theo trang Nikkei Asia, Việt Nam là quốc gia gửi nhiều sinh viên ra nước ngoài học tập để trở thành các nhà khoa học, kỹ sư, nhiều hơn so với các nước láng giềng.
Được biết, nhóm sinh viên này sau khi tốt nghiệp sẽ quay về nước để điều hành các công ty khởi nghiệp. Trong đó, có thể kể đến "gã khổng lồ" công nghệ VNG.
Hơn 20 năm qua, các chương trình du học đã mang lại kết quả bất ngờ. Những thế hệ du học sinh đầu tiên đã tốt nghiệp và đi làm ở nước ngoài, trong một khoảng thời gian, đã mang kinh nghiệm trở về Việt Nam để lo cho sự nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết trong số 6 triệu NVNONN, khoảng 10% (600.000 người) có trình độ đại học trở lên.
Theo trang Ngoại giao kinh tế trực tuyến - Bộ Ngoại Giao, hầu hết các ngành như điện tử, sinh học, vật liệu mới, hàng không, tin học, vũ trụ, hải dương,… đều có sự tham gia, nghiên cứu của chuyên gia người Việt.
Những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình nhằm khuyến khích khởi nghiệp, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, tạo động lực trở về dành cho NVNONN. Từ đó, đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức và kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài.
Ảnh: Yola, Tap Tap, Abivin, Nikkei Asia,Techfest Vietnam, Shark Tank, Robert Walters