DNews

Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ

Tùng Nguyên Hải Long

(Dân trí) - "Thu nhập tôi có được khi về nước lập nghiệp cũng sàn sàn các bạn ở lại Mỹ. Tôi chưa bị vợ đuổi ra khỏi nhà cho thấy công việc vẫn tốt", TS. Lưu Xuân Cường nói về quyết định trở về Việt Nam làm việc.

Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ

Lưu Xuân Cường lấy bằng thạc sĩ tại Đài Loan (Trung Quốc), bằng tiến sĩ kỹ thuật hóa học tại Đại học Oklahoma Mỹ khi 29 tuổi. Hiện ông là Viện trưởng Viện đào tạo và phát triển công nghệ hóa dược (IMTAT), Trưởng khoa Hóa - Thực phẩm trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn.

Ngoài công tác giảng dạy, TS. Cường còn là Giám đốc công ty cổ phần quốc tế AoTa, hình mẫu về công ty khởi nghiệp từ nghiên cứu trong trường đại học, là câu chuyện của nhà khoa học sau khi được đào tạo bài bản từ các nước phát triển trở về công tác tại các viện, trường đại học Việt Nam.

Ông về nước lập nghiệp (năm 2019) để cùng chia sẻ khát vọng mang thứ học được về tạo nên những sản phẩm có giá trị cao, mang thương hiệu Việt.

Dân trí có cuộc trao đổi với TS. Lưu Xuân Cường về lựa chọn và hành trình về nước khởi nghiệp của ông cũng như của thế hệ kỳ lân "đi để trở về" hiện nay.

So cơ hội lập nghiệp ở Việt Nam và Mỹ

Thưa tiến sĩ Lưu Xuân Cường, ông lấy bằng tiến sĩ tại Mỹ từ năm 29 tuổi và có cơ hội làm việc tại đây. Vì sao ông lại lựa chọn trở về Việt Nam lập nghiệp?

LỜI TÒA SOẠN

Việt Nam hiện có khoảng 40.000 người đi du học nước ngoài mỗi năm, số lượng cao gấp 2,5 lần giai đoạn trước 2013. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số du học sinh. Đây luôn được xác định là nguồn nhân lực chất lượng, tiềm năng với đất nước.

Thực tế, ngày càng có nhiều du học sinh chọn trở về vì nhìn thấy những cơ hội, triển vọng tốt, khả năng khởi nghiệp tại Việt Nam.

Dân trí thực hiện loạt bài viết "Thế hệ kỳ lân "đi để trở về" phản ánh xu hướng ngày càng phổ biến này và bài toán thu hút, tận dụng, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực được kỳ vọng "về để làm chủ" này.

- Dư luận hay nêu về vấn đề du học sinh Việt nên về hay nên ở, khai thác các khía cạnh như du học sinh về nước thì làm việc gì, ở lại thì được gì, rồi chia ra làm 2-3 phe tranh luận.

Người khác thế nào không biết, nhưng đối với bản thân tôi, khi lựa chọn sự nghiệp, công việc thì tôi cân nhắc ba yếu tố.

Thứ nhất là giá trị. Mỗi người có định nghĩa khác nhau nhưng với tôi, giá trị có nghĩa là công việc lựa chọn mang lại lợi ích gì cho xã hội, sau này khi già, mình có thể khoe gì với con cháu.

Thứ hai là hiệu quả, đơn giản là tính bằng tiền. Quan trọng nhất là công việc đó tạo ra bao nhiêu tiền. Có thể công việc đó ban đầu chưa mang lại nhiều tiền nhưng tiềm năng sẽ có nhiều tiền tôi mới lựa chọn.

Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 1
Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 2
Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 3

TS. Lưu Xuân Cường chia sẻ nhiều về mô hình thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu từ phòng thí nghiệm (Ảnh: NVCC).

Yếu tố thứ ba là niềm vui khi làm việc. Tôi không thể làm công việc chán quá, hợp tác với những người mình không hài lòng, có hiềm khích lẫn nhau...

Niềm vui cũng có thể tích hợp trong hai yếu tố giá trị và hiệu quả. Khi đóng góp được gì đó cho xã hội, vui lắm chứ. Công việc đem về nhiều tiền cũng vui. Chứ không phải cứ hô hào cống hiến cho đất nước, mang lại nhiều giá trị xã hội mà công việc không hiệu quả. Không đem được tiền về cho vợ, bị vợ đuổi ra khỏi nhà thì làm sao vui nổi (cười).

Vì vậy, khi lựa chọn giữa hai con đường, ở lại nước ngoài làm việc hay về nước lập nghiệp, tôi cân nhắc trên ba yếu tố đó. So sánh ba yếu tố đó trong mối tương quan về năng lực của mình, tôi thấy về Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn là ở lại Mỹ làm việc.

Cụ thể, ông nhìn thấy cơ hội gì tại Việt Nam thời điểm quyết định về nước? Nếu nói điều kiện làm việc trong nước ưu việt hơn, lợi thế hơn tại Mỹ có lẽ nhiều người sẽ nghi hoặc?

- Với nhóm ngành nghiên cứu kỹ thuật như chúng tôi, kiến thức học được là quốc tế nhưng ứng dụng là phải giải quyết vấn đề mang tính thực tế tại địa phương. Nếu ở Mỹ, tôi phải nghiên cứu các sản phẩm có tính ứng dụng cao, giải các bài toán sản xuất tại Mỹ. Trong khi đó, đây là thị trường sản xuất ứng dụng công nghệ rất cao, cạnh tranh rất lớn.

Còn về Việt Nam, với kiến thức của mình, tôi có rất nhiều việc để làm và có thể dễ mang lại thành công hơn. Như vậy, môi trường khởi nghiệp trong nước có nhiều yếu tố phù hợp với bản thân tôi hơn.

Học và nghiên cứu ở lĩnh vực "thời thượng" là dược mỹ phẩm mà ông lại đánh giá ở Việt Nam thuận lợi, phù hợp hơn với việc ứng dụng, phát triển công nghệ sao, thưa ông. Chắc hẳn việc xác định ba yếu tố để quyết định trở về không đơn giản, dễ thấy, dễ nhìn?

- Ở Việt Nam, tôi thấy thế mạnh về nông sản và cây dược liệu. Thế mạnh đó chưa đem lại doanh thu cao vì công nghệ sản xuất, chế biến còn hạn chế, nông dân chỉ bán sản phẩm thô. Tôi có thể sử dụng kiến thức kỹ thuật hóa chất của mình để nghiên cứu quy trình phân tách, chiết xuất các hoạt chất có trong cây dược liệu để ứng dụng sản xuất các sản phẩm dược phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm…

Đây là thị trường không chỉ có khả năng mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp mà còn làm tăng giá trị nông sản, cây dược liệu của Việt Nam. Nếu có thể phân phối ra thị trường nước ngoài thì còn có thể đạt lợi nhuận cao hơn, thu được nhiều ngoại tệ hơn về cho đất nước.

Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 4
Về Việt Nam, với kiến thức của mình, tôi có rất nhiều việc để làm và có thể dễ mang lại thành công hơn.
TS. Lưu Xuân Cường

Khi mới về Việt Nam, tôi tham gia công tác giảng dạy tại một trường đại học, phụ trách một khoa, xây dựng quy trình đào tạo, nghiên cứu mô hình cho sinh viên học thực hành bằng các hoạt động tương tự hoạt động nghiên cứu, sản xuất pilot của doanh nghiệp tại phòng thí nghiệm.

Mà để làm được chuyện đó thì phòng thí nghiệm phải có nguồn thu, bán sản phẩm để bù chi phí mua nguyên vật liệu thí nghiệm, sinh viên được thí nghiệm nhiều hơn, học kiến thức nhanh hơn và kỹ năng giỏi hơn… Đó là giá trị.

Ban đầu, giá trị đó mang lại niềm vui cho bản thân tôi nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế, vì có nghiên cứu mô hình đó hay không thì lương tôi lãnh vẫn vậy.

Do đó, tôi thành lập công ty cổ phần quốc tế Aota để chuyển những kết quả nghiên cứu được trong phòng thí nghiệm thành sản phẩm thương mại, tổ chức quy trình sản xuất rồi phân phối, bán hàng. Từ đó tôi thu được lợi nhuận, mang lại hiệu quả cho bản thân.

Trình độ sản xuất chỉ cần nhân lực… cao đẳng

Từ bản thân, ông nhận định thế nào về việc ngày càng có nhiều du học sinh Việt Nam, cả những người xuất sắc, học ở những trường danh tiếng nhất, những ngành học tốt nhất, không ít cơ hội tham gia thị trường lao động chất lượng ở các nước phát triển… vẫn lựa chọn trở về? Như ông nói, có các yếu tố cá nhân dẫn tới lựa chọn này?

- Nói chung, du học sinh quyết định ở lại nước ngoài làm việc hay về nước là phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân. Lứa bạn cùng học thạc sĩ với tôi ở Đài Loan hầu hết đều về nước nhưng nhóm bạn tiến sĩ ở Mỹ đa phần đều ở lại đó làm việc.

Tuy nhiên, trong phạm vi hiểu biết của tôi, đúng là những người có trình độ tiến sĩ gần đây về nước khá nhiều. Đó là nhờ những đột phá trong môi trường giáo dục với những trường đại học chất lượng, nhất là chính sách xếp hạng đại học, coi trọng tiêu chí đánh giá bài báo khoa học quốc tế. Việc đó mở ra sân chơi mới cho các tiến sĩ "Tây học" về nước.

Chính sách đột phá đó đã tạo môi trường làm việc phù hợp và mức thu nhập tạm chấp nhận được cho các tiến sĩ khoa học, những nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài, để họ có thể yên tâm trở về Việt Nam. Trong mạng lưới quan hệ của tôi, có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp quyết định quay về vì tìm được môi trường như vậy.

Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 5
Những người có trình độ tiến sĩ gần đây về nước khá nhiều. Đó là nhờ những đột phá trong môi trường giáo dục với những trường đại học chất lượng, mở ra sân chơi mới cho các tiến sĩ "Tây học" về nước.

Vẫn như ông nói, môi trường làm việc tại các viện, trường đại học có thể thỏa mãn yếu tố giá trị, niềm vui với những người làm nghiên cứu. Nhưng còn yếu tố hiệu quả thì sao, nếu không "chạy hai chân" như ông, vừa giảng dạy, vừa quản lý, điều hành doanh nghiệp thì cuộc sống với những nhân tài chọn trở về có thỏa đáng?

- Ở môi trường doanh nghiệp, bản thân tôi đánh giá, trình độ sản xuất của đại đa số doanh nghiệp Việt Nam có khả năng hấp thụ lao động trình độ cao rất thấp. Không biết các ngành khác thế nào, chứ ngành hóa dược phẩm hiện chỉ cần lao động trình độ cao đẳng là nhiều, rất khó hấp thu lao động trình độ cao hơn.

Lao động trình độ cao thường chỉ tìm kiếm được việc làm ở những công ty FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Trình độ sản xuất tại khu vực này mới có khả năng hấp thu lượng lớn lao động trình độ cao hơn cao đẳng.

Thực tế, khả năng hấp thu của thị trường lao động thấp cũng là một trong những lý do mà rất nhiều du học sinh không lựa chọn về nước vì về nước làm việc không mang lại hiệu quả cho bản thân, cộng đồng và về cũng không biết làm gì…

Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 6
Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 7
Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 8

Nhiều sản phẩm được công ty AoTa đưa ra thị trường là kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm (Ảnh: NVCC).

Lương 5.000-10.000 USD/tháng đủ hút du học sinh về nước

Vậy còn về môi trường khởi nghiệp, như việc tự đứng ra thành lập doanh nghiệp như ông đã làm thì sao? Thực tế, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo về một thế hệ nhân lực xuất sắc trở về tạo nên những "doanh nghiệp kỳ lân" tại Việt Nam, thưa ông?

- Thực sự, với nhóm nhân lực trình độ tiến sĩ, công việc của họ chủ yếu đến từ khối giáo dục, nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật mới mẻ, đón đầu.

Còn doanh nghiệp sản xuất mới là nhóm có khả năng hấp thu nhân lực lớn, quyết định khả năng du học sinh lựa chọn về hay ở. Doanh nghiệp Việt có tiền rất nhiều và hiện nhiều đơn vị cũng có mơ ước vươn ra thế giới, cạnh tranh toàn cầu nên bắt buộc phải đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ cao và cần nguồn nhân sự chất lượng cao. Phải có rất nhiều doanh nghiệp như vậy, khả năng hấp thu nhân lực trình độ cao mới tăng nhiều.

Vậy nên du học sinh về nước cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách ưu tiên cho ngành nào trước, ngành nào sau, nhiều ít ra sao.

Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 9
Doanh nghiệp sản xuất mới là nhóm có khả năng hấp thu nhân lực lớn, quyết định khả năng du học sinh lựa chọn về hay ở.

Các báo cáo nghiên cứu thị trường lao động gần đây cho thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam đang trả cho nhân sự kỹ thuật, quản lý mức lương 5.000-10.000 USD/tháng. Về tiêu chí hiệu quả như ông nói, mức lương này có đủ để thu hút "nhân lực kỳ lân" về nước làm việc?

- Về thu nhập, tiền tôi kiếm được cũng như các bạn lựa chọn ở lại Mỹ thôi. Tôi chưa bị vợ đuổi ra khỏi nhà cho thấy hiệu quả công việc vẫn tốt (cười lớn).

Còn với mức lương 5.000-10.000 USD/tháng mà nhiều doanh nghiệp đang trả, tôi cho là đủ sức thu hút nhân lực du học trở về nước làm việc. Tuy nhiên, mức lương này chỉ được trả cho một số ít vị trí quản lý cấp trung, cấp cao tại các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, số lượng không nhiều.

Mà với nhân sự quản lý ở các doanh nghiệp FDI thì họ đã là lao động toàn cầu rồi, hầu hết là các công ty đa quốc gia. Năm nay họ có thể làm ở Việt Nam nhưng năm sau lại được điều động sang nước khác làm việc. Nó khác hoàn toàn với khái niệm vị trí việc làm để thu hút nhân tài du học nước ngoài về Việt Nam làm việc, lập nghiệp, bổ sung nguồn lao động chất lượng cao, phát triển kinh tế…

Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 10
Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 11
Tiến sĩ dược mỹ phẩm về nước, tiền kiếm được... sàn sàn bạn học ở lại Mỹ - 12

Theo TS. Lưu Xuân Cường, chỉ một số ít doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cần nhân lực chất lượng cao vì trình độ sản xuất còn thấp (Ảnh minh họa: NVCC).

Trình độ sản xuất nào thì nhân lực trình độ đó. Chỉ nền sản xuất tiên tiến, trình độ cao mới cần nguồn nhân lực cao và đủ khả năng hấp thu nguồn lao động chất lượng cao là du học sinh nước ngoài về nước làm việc.

Do đó, đế giải bài toán lao động còn phải cân nhắc đến vấn đề trình độ sản xuất. Cần có nhiều hơn các doanh nghiệp Việt chú trọng đầu tư cho chất lượng sản phẩm, dây chuyền sản xuất kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; từ đó, tạo ra những sản phẩm có khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài, đem lại lợi nhuận lớn hơn và tạo ra nhiều vị trí việc làm có mức lương cao hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn!

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh:
Hải Long + NVCC