PhotoStory

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê

Thực hiện: Phước Tuần

(Dân trí) - Nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 giúp Lễ hội Katê của đồng bào Chăm càng thêm có ý nghĩa trong việc bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc.

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 1

Sau buổi sáng làm lễ cúng tại các tháp chăm Pô Klong Garai, Pô Inư Nưgar, Pô Rômê, chiều 14/10 gần 2.000 người dân làng Chăm thôn Thành Ý tổ chức ngày hội múa hát tại sân vận động. 

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 2

Đây là nét văn hóa truyền thống và độc đáo của đồng bào Chăm mỗi dịp đón lễ Katê. Sau khi dâng cúng các vị vua, tổ tiên, thần linh... bà con lại rộn ràng vui chơi, mở hội múa hát, liên hoan trong ba ngày mừng lễ Katê.

Cũng như bao làng Chăm khác ở Ninh Thuận, người dân làng Chăm thôn Thành Ý háo hức, rạng rỡ trong lễ hội truyền thống. Để chuẩn bị cho chương trình "múa sân", nhiều người đã chuẩn bị, tập luyện các điệu múa truyền thống Chăm từ suốt một tháng nay. 

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 3

Bạn Võng Mỹ (thôn Thành Ý, xã Hải Thành, TP Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết lễ Katê là hội lớn của bà con trong làng. Từ nhỏ đến lớn và cả những cô bác lớn tuổi cũng rất háo hức, tranh thủ thời gian rảnh để cùng tập luyện lại những điệu múa truyền thống của văn hóa Chăm. Cả tháng nay, tối nào dân làng cũng rộn ràng tiếng nói, tiếng cười tập múa, hát. 

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 4

Không những các cô bác lớn tuổi, nhiều bạn trẻ Chăm cũng được truyền đạt tập luyện các bài múa quạt của đồng bào Chăm. Điệu múa chim công với những chiếc quạt là nét đẹp văn hóa, điệu múa truyền thống bao đời của đồng bào Chăm tại Ninh Thuận. Trong chiếc áo dài truyền thống thướt tha với điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển tại sân vận động thôn Thành Ý. 

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 5

Theo quan niệm của người Chăm, chim công là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn. Vì thế múa chim công luôn có trong các lễ hội, ngày vui của cộng đồng Chăm. Đây là điệu múa dân gian đặc sắc và tiêu biểu của nghệ thuật múa Chăm. Đạo cụ múa chim công là những chiếc quạt, vì vậy người Chăm rất yêu quý chiếc quạt. 

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 6

Phụ nữ Chăm với đôi tay khéo léo cầm hai chiếc quạt khi như đôi cánh, khi như đôi chim. Chiếc quạt là tiếng nói tâm tình khi vui quạt vung lên, khi buồn quạt úp xuống, khi yêu thương quạt duyên dáng, khi nghĩa tình thì sóng đôi bay lượn. Dù ở độ tuổi nào, phụ nữ Chăm đều có thể múa thuần thục cái điệu múa chim công với những chiếc quạt trong tay. 

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 7

Điệu múa "đội nước" người Chăm gọi là Tamia dwa buk. Các cô gái đội trên đầu bình gốm hoặc một cái khay (ka ya) đựng hoa quả hoặc bộ ấm chén bằng đất nung. Trên khay có bình gốm hoặc ấm thường chứa nước lã hoặc nước chè xanh để dâng cúng thần linh hoặc mời khách quý. Từ những động tác thực tế trong sinh hoạt lao động ấy, người Chăm đã sáng tạo ra điệu múa "đội nước". 

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 8

Điệu múa "đội nước" là sự kết hợp khéo léo và tài tình giữa điệu múa chim công và công việc lao động hàng ngày của phụ nữ Chăm. Sự kết hợp đã làm cho những thiếu nữ Chăm trông thướt tha, uyển chuyển như đàn chim công bay lượn. Điệu múa này trở thành nghi lễ đặc trưng của người Chăm trong việc tiếp đón khách quý.

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 9

Hình ảnh khéo léo, đôi tay uyển chuyển nhịp nhàng trong lao động sản xuất của phụ nữ Chăm được tái hiện vào điệu múa hỗn hợp múa chim công và múa "đội nước" trong lễ mừng Katê tại sân vận động thôn Thành Ý. 

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 10

Ngoài đồng bào Chăm ở thôn Thành Ý, lễ hội còn thu hút rất đông người dân trong xã Hải Thành (TP Phan Rang - Tháp Chàm) cùng đến xem, cổ vũ. Tối 15/10, thôn Thành Ý tiếp tục tổ chức đêm văn nghệ sân khấu với nhiều tiết mục nghệ thuật Chăm đặc sắc để chào mừng lễ hội Katê. 

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 11

Nụ cười của diễn viên múa tại chương trình múa hát mừng lễ hội Katê của người dân Chăm tại thôn Thành Ý. Ngày hội thật sự mang lại niềm vui, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của bà con sau một năm lao động vất vả. Ngày hội không những lưu giữ nét truyền thống văn hóa Chăm mà giúp cộng đồng, làng xóm thêm đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau. 

Ngắm nhìn điệu múa Chăm của người dân thôn Thành Ý mừng hội Katê - 12

Lễ hội Katê năm 2023 của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn tỉnh Ninh Thuận được tổ chức từ ngày 13-15/10. Lễ chính được tổ chức vào sáng 14/10 tại 3 khu vực đền, tháp Chăm: Tháp Pô Klong Garai (TP Phan Rang - Tháp Chàm), tháp Pô Rômê và đền Pô Inư Nưgar (huyện Ninh Phước).

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống như: Lễ rước y trang lên tháp, lễ mở cửa tháp chính, lễ cúng mừng Katê tại tháp chính, lễ hội Katê năm nay còn được các địa phương có đông cộng đồng người Chăm tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm.

Năm 2017, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 gồm nhiều dự án và tiểu dự án thành phần. Trong đó có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Dự án hướng tới mục tiêu hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

Thôn Thành Ý, xã Thành Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) có gần 400 hộ, với hơn 2.000 người dân là người Chăm. Chuẩn bị vào hội Katê, thanh niên trong thôn tụ họp tập văn nghệ; các mẹ, các chị bận rộn chuẩn bị bánh trái, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp. Những người xa quê cũng đã về tụ họp gần như đông đủ cùng gia đình vui đón Katê.