Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận tưng bừng đón lễ hội Katê

Đức An

(Dân trí) - Ngày 24/10 (nhằm ngày 1/7 Chăm lịch), hàng ngàn đồng bào Chăm và du khách thập phương kéo về khu tháp Pô Klong Garai (Ninh Thuận) để tham dự lễ hội Katê năm 2022.

Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận tưng bừng đón lễ hội Katê - 1

Mâm cúng cầu cho mưa thuận gió hòa (Ảnh: Đức An).

Katê là lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn được tổ chức mỗi năm một lần. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ các vị thần linh và dâng lễ vật cúng ông bà tổ tiên với lòng thành kính cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe bình an, gia đình thịnh vượng.

Năm nay là năm đầu tiên lễ hội Katê được tổ chức trở lại sau 2 năm bị gián đoạn vì dịch Covid-19. Do đó, lễ hội năm nay thu hút rất đông bà con dân tộc Chăm ở Ninh Thuận và các tỉnh lân cận, cũng như du khách thập phương, nhà nghiên cứu văn hóa…

Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận tưng bừng đón lễ hội Katê - 2

Đông đảo người dân, du khách đến dự lễ (Ảnh: Đức An).

Từ sáng sớm, các vị chức sắc của đồng bào Chăm dẫn đầu đoàn kiệu rước y trang vua Pô Klong Garai (vị vua có công lao to lớn với đồng bào Chăm) từ thôn lên tháp Pô Klong Garai và tháp Pô Rômê. Theo sau đoàn kiệu là những cô gái Chăm múa lễ duyên dáng cùng đông đảo đồng bào Chăm và du khách thập phương.

Nghi lễ chính được tổ chức tại tháp Pô Klong Garai. Trong không gian tháp cổ, người đại diện cộng đồng Chăm bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn các vị thần linh, tổ tiên đã độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi gia đình được no ấm…

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, gửi lời chúc mừng toàn thể đồng bào Chăm đón mừng lễ hội Katê vui vẻ, hạnh phúc.

Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận tưng bừng đón lễ hội Katê - 3

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, gửi lời chúc mừng toàn thể đồng bào Chăm (Ảnh: Đức An).

Ông Hậu bày tỏ mong muốn các vị chức sắc động viên bà con gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội Katê cũng như các lễ hội truyền thống khác của đồng bào Chăm, quảng bá văn hóa Chăm, hình ảnh địa phương đến du khách trong và ngoài nước.

Sau phần nghi lễ, đồng bào Chăm tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống chào mừng lễ hội và trình diễn nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp...

3 ngày tiếp theo, tại các thôn làng của cộng đồng Chăm, bà con tổ chức nhiều hoạt động vui chơi đón lễ hội, thăm hỏi, chúc nhau mọi sự tốt lành trong năm mới.

Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận tưng bừng đón lễ hội Katê - 4

Đồng bào Chăm biểu diễn nghệ thuật truyền thống chào mừng lễ hội (Ảnh: Đức An).

Trong những ngày này, cuộc sống ở các làng Chăm nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng cùng với điệu múa quạt của những thiếu nữ Chăm với trang phục truyền thống.

Năm 2017, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.