Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê

Đức An

(Dân trí) - Ngày 16/10 (nhằm mùng 1 tháng 7 lịch Chăm), đông đảo đồng bào Chăm đổ về tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) để tham gia lễ hội Katê.

Đây là lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn được tổ chức mỗi năm một lần. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ các vị thần linh và dâng lễ vật cúng ông bà tổ tiên với lòng thành kính cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe bình an, gia đình thịnh vượng.

Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê  - 1
Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê  - 2

Người người nô nức đến tháp Pô Klong Garai đón mừng lễ hội Katê

Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê  - 3
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đến thăm và chúc mừng lễ hội Kate của đồng bào Chăm theo đạo Balamôn tại tháp Pô Klong Garai.

Nghi lễ chính thức tại tháp Pô Klong Garai kết thúc vào buổi trưa cùng ngày. Trong 3 ngày tiếp theo, tại các thôn làng của cộng đồng Chăm, bà con tổ chức  nhiều hoạt động vui chơi đón lễ hội, thăm hỏi, chúc nhau mọi sự tốt lành trong năm mới.

Cuộc sống ở các làng Chăm nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng kèn Saranai, tiếng trống Ginăng cùng với điệu múa quạt của những thiếu nữ Chăm với trang phục truyền thống. Điều không thể thiếu trong dịp này là các món ăn truyền thống của đồng bào Chăm.

Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê  - 4
Đoàn rước lễ
Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê  - 5
Cô gái Chăm duyên dáng trong điệu múa quạt truyền thống vui đón Lễ hội Katê tại Tháp Pô Klong Garai.
Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê  - 6
Đây là lễ hội lớn nhất của người Chăm theo đạo Bà la môn

Một ngày trước khi diễn ra lễ hội chính thức, tại các đền tháp Pô Nưgar ở thôn Hữu Đức, tháp Pô Rômê ở thôn Hậu Sanh (xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước), hàng nghìn đồng bào dân tộc Chăm, Ra Glai đã tề tựu, làm lễ đón rước y trang của nữ thần Pô Nưgar - Thần mẹ thủy tổ của người Chăm.

Tương truyền, vị thần này đã dạy cho con cháu trồng lúa, trồng bông, dệt vải và các phong tục cúng trong lễ hội được lưu giữ đến ngày nay.

Năm 2017, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.