(Dân trí) - Tuần qua nổi lên nhiều thông tin về các vấn đề an sinh, trong đó, việc phát giác vụ khống giá kit xét nghiệm Covid-19 là nội dung thu hút dư luận nhất.
Nỗi bức xúc của người lao động trong vụ khống giá kit xét nghiệm
Tuần qua nổi lên nhiều thông tin về các vấn đề an sinh, trong đó, việc phát giác vụ khống giá kit xét nghiệm Covid-19 là nội dung thu hút dư luận nhất.
Xóa bỏ tình trạng trẻ em bị bắt nạt tại trường học và trên mạng internet
Ngày 20/12, tại Hà Nội, đại diện Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, cùng lãnh đạo Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình Singapore, Ban Thư ký ASEAN, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã tham gia hội thảo khu vực về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong môi trường mạng và tại trường học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đánh giá cao những nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc bảo vệ và đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em, đặc biệt các thành viên Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của Phụ nữ và Trẻ em ASEAN đã cùng với các nước đồng chủ trì tuyên bố bao gồm Singapore, Việt Nam và Brunei xây dựng và hoàn thiện tuyên bố và hy vọng ACWC sẽ tiếp tục không mệt mỏi thúc đẩy những hành động của mình để hiện thực hóa được cam kết đã được cấp cao ASEAN thông qua…
Đề xuất nâng số giờ làm thêm tối đa lên 300h/năm với mọi ngành
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng như hiện nay, nâng tổng số giờ làm thêm của người lao động với mọi ngành nghề không quá 300h/năm…".
Đây là một nhiệm vụ chính trong Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành trung tuần tháng 12.
Theo đó, Bộ sẽ rà soát các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động khi người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300h/năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động trong một khoảng thời gian nhất định...
Thưởng Tết 2022: Nhân viên ngân hàng trên 100 triệu đồng
Những ngày cuối năm, tại các diễn đàn việc làm, vấn đề thưởng Tết đang là chủ đề "nóng" với hàng ngàn chia sẻ mỗi ngày. Đặc biệt, sau khi một ngân hàng thương mại thông báo mức thưởng Tết Dương lịch là một tháng lương thực lãnh, tương đương gần 30 triệu đồng.
Theo chị Trần Thị Thúy (nhân viên ngân hàng tại quận Tân Bình, TPHCM), mức thưởng Tết 30 triệu đồng là "quá bình thường". Ngân hàng nơi chị Thúy làm việc chưa công bố mức thưởng Tết nhưng dự kiến cũng không thấp hơn 30 triệu đồng…
Từ 1/1/2022, người nước ngoài tham gia BHXH đóng bao nhiêu tiền?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM vừa có thông báo gửi đến các đơn vị sử dụng lao động, đại lý thu BHXH và người tham gia đóng BHXH trên địa bàn về việc điều chỉnh mức đóng BHXH tự nguyện và BHXH đối với lao động nước ngoài từ ngày 1/1/2022.
Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất kể từ ngày 1/1/2022 là 330.000 đồng/tháng (cách tính bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn: 22% x 1,5 triệu đồng)…
Vụ khống giá kit xét nghiệm: Ăn chặn trên từng lỗ mũi người lao động!
Là đối tượng bị ngoáy mũi, xét nghiệm thường xuyên, anh Đ.D.H (Cẩm Giàng, Hải Dương) tỏ ra cực kỳ bức xúc khi sự thật về những mẫu kit xét nghiệm được tính giá tới 500.000 đồng/test được phơi bày. Giá kit test này bị nâng khống do có sự bắt tay của doanh nghiệp, quan chức chống dịch.
Trước đó, ngày 17/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan…
Thêm nhiều trường hợp người nghiện ma túy phải đi cai bắt buộc
Luật Phòng chống ma túy 2021 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, ngoài việc siết chặt quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, còn quy định thêm 4 trường hợp phải đi cai nghiện bắt buộc.
Luật cũng quy định rõ người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm tuân thủ các quy định về cai nghiện ma túy bắt buộc, nội quy, quy chế và chịu sự quản lý, giáo dục, điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc; Tham gia các hoạt động điều trị, chữa bệnh, giáo dục, tư vấn, học văn hóa, học nghề, lao động trị liệu và các hoạt động phục hồi hành vi, nhân cách.
Thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 6 tháng đến 12 tháng. Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định và không phải là biện pháp xử lý hành chính…
Gần 27 triệu lượt người được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng
Tới 22/12, trên 27,3 triệu lượt đối tượng nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng của Nghị quyết 68, trong đó có 378.038 lượt đơn vị sử dụng lao động, gần 27 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Đây là thống kê của Bộ LĐ-TB&XH về công tác triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tổng số kinh phí thực hiện trên là 31,69 nghìn tỷ đồng, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có trên 8,85 triệu lượt đối tượng đã được hỗ trợ với số tiền 12,24 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (trên 3.100 tỷ đồng), Đồng Nai (trên 2.700 tỷ đồng), Hà Nội (trên 2.300 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (trên 1.600 tỷ đồng), Bắc Giang (trên 730 tỷ đồng)…
Người lính 4 lần giấu giấy chứng thương để được tiếp tục chiến đấu
Bị thương đến 7 lần nhưng 4 lần, ông Đặng Sỹ Ngọc giấu giấy chứng thương để được sát cánh cùng đồng đội đánh đuổi quân thù.
Trở về đời thường, dù "Tàn nhưng không phế", người thương binh nặng đi buôn, tham gia tổ quản lý và thu phí chợ Hưng Dũng, gom góp để cùng vợ nuôi ba con. Rồi ông quyết định "chuyển nghề", chạy xe ôm.
Khi kinh tế khác hơn, số tiền kiếm được sau mỗi cuốc xe được ông bỏ vào ống tre, cuối năm chẻ ra, trích thêm tiền lương để hỗ trợ đồng đội khó khăn, tìm hài cốt đồng đội hay giúp đỡ người dân quê hương mình. Sau hai lần tai nạn xe khiến chân lại phải mổ và đóng đinh tiếp nên ông quyết định "giải nghệ"...
Cả năm để dành không nổi 10 triệu đồng, vẫn quyết vay nợ để Tết về quê
Dự tính tiền lương thưởng đến cuối năm trả nợ xong chỉ còn dư được tầm chục triệu, Ngọc Diễm vẫn quyết tâm tiếp tục... vay nợ để về quê ăn Tết. Làm việc tại một công ty trang sức có tiếng ở TPHCM, nữ nhân viên Trương Ngọc Diễm (27 tuổi) tự trào về mình "ngoài long lanh, trong rách rưới".
Cô gái chia sẻ, lương "trên giấy" của cô là 8,5 triệu đồng/tháng nhưng trừ trước trừ sau, mỗi tháng nhận về chưa đến 8 triệu. Với mức thu nhập này, cô phải rất tằn tiệm trang trải cho cuộc sống cá nhân ở thành phố với muôn khoản cần chi tiêu như nhà trọ, điện nước, ăn uống, quần áo...
Lâu lâu, để dành được chút đỉnh, cô lại có việc cần dùng như mua cái tủ lạnh, máy tính, điện thoại hoặc gửi về quê cho bố mẹ…