Thêm nhiều trường hợp người nghiện ma túy phải đi cai bắt buộc
(Dân trí) - Luật Phòng chống ma túy 2021 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, ngoài việc siết chặt quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, còn quy định thêm 4 trường hợp phải đi cai nghiện bắt buộc.
Luật Phòng chống ma túy quy định rõ, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cụ thể, các trường hợp bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo quy định, người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện là những đối tượng bị áp dụng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Người nghiện ma túy trong thời hạn cai nghiện ma túy hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.
Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện thì bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Luật cũng cho phép người lần đầu được xác định là nghiện ma túy có quyền lựa chọn biện pháp cai nghiện ma túy phù hợp (hoặc cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế). Cơ sở cai nghiện ma túy, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Luật này được cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Luật cũng quy định rõ người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm tuân thủ các quy định về cai nghiện ma túy bắt buộc, nội quy, quy chế và chịu sự quản lý, giáo dục, điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc; Tham gia các hoạt động điều trị, chữa bệnh, giáo dục, tư vấn, học văn hóa, học nghề, lao động trị liệu và các hoạt động phục hồi hành vi, nhân cách.
Thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 6 tháng đến 12 tháng. Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định và không phải là biện pháp xử lý hành chính.
Đối với gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng; Phối hợp với cơ quan, người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.
Cộng đồng nơi người nghiện ma túy cư trú có trách nhiệm động viên, giúp đỡ người nghiện ma túy; Phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.
Để phù hợp với thực tiễn, Luật Phòng, chống ma túy 2021 bổ sung một số hành vi nghiêm cấm như: Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy; Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy…
Một trong các điểm nổi bật theo luật này là cấm hành vi "kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.". Điều này xuất phát từ thực tiễn tâm lý của người dân thường kỳ thị, dè chừng đối với những người sử dụng chất ma túy.
Đặc biệt, Luật Phòng, chống ma túy 2021 quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là quy định mới so với luật hiện hành. Theo đó, người sử dụng trái phép chất ma túy bị lập danh sách và được quản lý, theo dõi, hỗ trợ… trong thời hạn 1 năm bởi UBND cấp xã. Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.