1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cả năm để dành không nổi 10 triệu đồng, vẫn quyết vay nợ để Tết về quê

Hoài Nam

(Dân trí) - Dự tính tiền lương thưởng đến cuối năm trả nợ xong chỉ còn dư được tầm chục triệu, Ngọc Diễm vẫn quyết tâm tiếp tục.. vay nợ để về quê ăn Tết.

Làm việc tại một công ty trang sức có tiếng ở TPHCM, nữ nhân viên Trương Ngọc Diễm (27 tuổi) tự trào về mình "ngoài long lanh, trong rách rưới". 

Cô gái chia sẻ, lương "trên giấy" của cô là 8,5 triệu đồng/tháng nhưng trừ trước trừ sau, mỗi tháng nhận về chưa đến 8 triệu. Với mức thu nhập này, cô phải rất tằn tiệm trang trải cho cuộc sống cá nhân ở thành phố với muôn khoản cần chi tiêu như nhà trọ, điện nước, ăn uống, quần áo...

Lâu lâu, để dành được chút đỉnh, cô lại có việc cần dùng như mua cái tủ lạnh, máy tính, điện thoại hoặc gửi về quê cho bố mẹ. 

Cả năm để dành không nổi 10 triệu đồng, vẫn quyết vay nợ để Tết về quê - 1

Con đường về quê dịp Tết năm nay của người lao động xa quê luôn chông chênh (Ảnh minh họa: Người lao động tại TPHCM về quê Tết 2021).

Bình thường đã khó khăn, năm nay thu nhập của Diễm còn giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Ba tháng giữa năm, cô chỉ nhận được 40% lương và tiếp đó là 3 tháng nghỉ việc không lương chờ ngày đi làm lại. 

Nhiều tháng giãn cách, giam mình ở phòng trọ, cô gái cạn kiệt tiền tiết kiệm vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong đợt dịch cao điểm. Ngọc Diễm phải vay nợ đồng nghiệp gần 30 triệu đồng để trang trải cuộc sống và trả góp tiền mua xe máy từ đầu năm. 

Đi làm trở lại sau dịch, tiền lương không còn đủ để vừa trang trải cuộc sống vừa trả nợ, Diễm lại tiếp tục vay người này để trả cho người kia. 

Cô gái tính toán, lương và thưởng Tết, nếu giữ được mức như mọi năm, cô sẽ đủ tiền trả khoản nợ đang mang và dư được tầm 10 triệu đồng. Số tiền này, dù có chi tiêu tằn tiệm thế nào cũng chỉ đủ một phần cho kế hoạch về quê dịp Tết. Diễm dự tính sẽ tiếp tục vay nợ tầm 20 triệu đồng để mang về quê. 

Ngọc Diễm cho biết, cách đây 2 năm, quyết tâm giữ khoản tiền để dành được cả năm hơn 25 triệu đồng, cô ở lại Sài Gòn ăn Tết. Nhưng đó là trải nghiệm vô cùng... não nề mà cô không bao giờ muốn lặp lại một lần nào nữa cho đến khi lấy chồng.  

Một mình trong dãy phòng trọ, đêm giao thừa Diễm bật khóc. Những ngày sau đó,  cô một mình lang thang phố phường rồi về phòng nằm xem phim, chỉ mong đến ngày đi làm lại... 

Mỗi lần về quê ăn Tết lại... trắng tay 

Anh Hồ Huy Sơn, làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại TPHCM, quê ở Nghệ An kể, nhiều năm qua anh sống trong vòng quay một chuyến về Tết là... trắng tay, làm lại từ đầu. Tiền vé đi lại đắt đỏ, tiền mừng tuổi, tiền các khoản chi tiêu khiến mỗi cái Tết qua là anh lại nhẵn túi... 

Năm nay, mọi thứ khó khăn vì dịch bệnh nhưng anh vẫn mong đến ngày về quê nghỉ Tết. Vướng dịch bệnh, cả năm quanh quẩn ở thành phố, chứng kiến quá nhiều đau thương, mất mát, anh Sơn càng nhận thấy giá trị tình thân, giá trị gia đình là thứ quan trọng nhất lúc này. 

Cả năm để dành không nổi 10 triệu đồng, vẫn quyết vay nợ để Tết về quê - 2

Anh Hồ Huy Sơn cho biết, nhiều khi về Tết là trắng tay lúc quay lại thành phố (Ảnh NVCC).

"Lập nghiệp ở xa, mỗi năm về Tết cực kỳ tốn kém. Nhưng với tôi, năm nay có túng thế nào cũng phải về quê, về bên bố mẹ, gia đình, hàng xóm", anh Sơn bộc bạch. 

Ba năm liền đón Tết Sài Gòn vì về quê quá tốn kém, có khi hết sạch tiền dành dụm được, thậm chí phải vay nợ nhưng năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Trung (làm việc tại khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương) quyết định "khó cỡ nào... cũng về Hà Tĩnh đón Tết". Năm 2021, nhà anh đã lên kế hoạch về Tết nhưng vướng dịch nên phải hủy vào phút chót. 

Anh Trung trải lòng, gia đình mình 4 người, vợ chồng và hai con, về Tết, riêng tiền tàu xe đi lại đã trên 20 triệu đồng. Nhiều năm gia đình anh không về quê ăn Tết vì không thể về tay không. Tiền lì xì hai bên nội ngoại, anh em, tiền chi tiêu, mua sắm... có thắt lưng buộc bụng lắm cũng phải hết tầm 25 triệu, chưa kể những khoản phát sinh. 

Năm rồi, gia đình anh đã phải dùng đến tiền tiết kiệm lâu nay vì ảnh hưởng của dịch, nhiều tháng không có thu nhập. Hai vợ chồng mong chờ thưởng Tết đủ trang trải cho chuyến về quê đón Tết đã chờ đợi nhiều năm. Nếu không đủ, anh Trung đã dự tính sẽ xin... ứng lương. 

Khoản tiền dành dụm cả năm có thể hết sạch sau một chuyến về quê ăn Tết là tình cảnh của nhiều người lao động xa nhà. Nhiều người ở lại đón Tết, thậm chí đón tết xa nhà nhiều năm liền không phải để trải nghiệm mà vì... tiết kiệm. 

Cả năm để dành không nổi 10 triệu đồng, vẫn quyết vay nợ để Tết về quê - 3

Một năm sóng gió vì dịch bệnh, nhiều người con xa quê lập nghiệp càng muốn trở về nhà (Ảnh: HN).

Tuy nhiên năm nay với quá nhiều sóng gió do dịch bệnh Covid-19, những người con, những ông bố bà mẹ làm ăn xa nhà càng muốn trở về, không chỉ để tìm không khí Tết mà hơn cả là về bên hơi ấm của tình thân. 

Như chia sẻ của nữ nhân viên Trương Ngọc Diễm, khó khăn vì dịch bệnh, cô phải tiết kiệm, tằn tiệm tất cả mọi thứ nhưng cô không thể "cắt" tiền về Tết, về với bố mẹ được.

"Ra Tết đi làm lại, tôi sẽ còng lưng để trả nợ. Tôi đã tính sang năm tìm một công việc mới hy vọng cải thiện thu nhập, để sau này con đường về với bố mẹ đỡ chật vật, túng thiếu hơn", Ngọc Diễm cho biết.