Người lính 4 lần giấu giấy chứng thương để được tiếp tục chiến đấu
(Dân trí) - Bị thương đến 7 lần nhưng 4 lần, ông Đặng Sỹ Ngọc giấu giấy chứng thương để được sát cánh cùng đồng đội đánh đuổi quân thù.
Chưa đủ tuổi, viết đơn bằng máu để xin ra trận
8 tuổi, cậu bé Đặng Sỹ Ngọc (SN 1948, quê Hà Tĩnh, hiện sinh sống tại TP Vinh, Nghệ An) trở thành trẻ mồ côi. Nhà nghèo nên cậu cũng đi học muộn hơn các bạn, mãi 9 tuổi mới vào lớp 1.
Học thật giỏi là cách để cậu báo hiếu người mẹ tần tảo sớm hôm của mình. Năm đó, Đặng Sỹ Ngọc là người duy nhất trong xã được tuyển thẳng vào trường cấp 3. Đây cũng là quãng thời gian cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đang diễn ra ác liệt.
Dù đậu vào lớp 8 nhưng thanh niên Đặng Sỹ Ngọc khao khát được cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Khám tuyển để chọn tân binh, chàng trai Đặng Sỹ Ngọc đạt sức khỏe loại A3, tin chắc mình sẽ được chọn vào hàng ngũ những người lính "Nam tiến".
"Chờ mãi không thấy gọi nhập ngũ, tôi lên xã đội hỏi thì được trả lời là tôi chưa đủ tuổi, đang học cấp 3, lại là con trai duy nhất trong nhà, không thuộc diện tòng quân đợt này. Thú thực tôi rất buồn, thấy các anh cầm súng ra trận, mình thanh niên trai tráng sao lại ở nhà được. Tôi viết đơn xin ra trận 2 lần nữa cũng không được giải quyết. Lần thứ 3, tôi viết một lá đơn bằng máu, rồi xin mẹ "bảo lãnh" mới được cấp trên chấp nhận", người thương binh già nhớ lại.
Tháng 8/1966, chàng trai Đặng Sỹ Ngọc lên đường nhập ngũ, biên chế vào một đơn vị bộ binh, chiến đấu ở tuyến lửa Khu 4. Chỉ sau một năm vào chiến trường, với thành tích trong chiến đấu, Đặng Sỹ Ngọc được kết nạp vào Đảng.
Tháng 6/1967, sau thời gian điều trị vết thương, Đặng Sỹ Ngọc được chuyển sang Tiểu đoàn 15, Trung đoàn pháo phòng không 284, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và chiến trường Lào. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Lào, đơn vị ông quay về mặt trận Quảng Trị, tham gia cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.
"Tổng cộng tôi bị thương 7 lần nhưng 4 lần tôi giấu giấy chứng thương để được tiếp tục chiến đấu. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đang ngày càng ác liệt, nếu mình phải về tuyến sau thì buồn lắm. Ngày 20/7/1972, tại sân bay Ái Tử (Quảng Trị), một quả bom B52 rơi trúng vị trí đội hình của chúng tôi. Hai đồng đội hi sinh tại chỗ, tôi bị thương nặng vào đầu, tay, chân, mảnh bom xuyên vào ruột, gan...", người cựu binh kể.
Với vết thương quá nặng, ông buộc phải rời chiến trận, trở về hậu phương chữa trị và an dưỡng với tỉ lệ thương tật 81%.
Còn sống là còn chiến đấu
Sau thời gian dài an dưỡng ngoài Bắc, thương binh Đặng Sỹ Ngọc được chuyển về Trung tâm điều dưỡng thương binh Quân khu 4, đóng tại Nghệ An. Năm 1975, ông gặp lại cô thôn nữ cùng quê Nguyễn Thị Vân, công tác tại một bệnh viện tuyến tỉnh. Hai người lính, hai đồng hương tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn và quyết định tiến tới hôn nhân. Một đám cưới giản dị được tổ chức, hòa chung với niềm vui thống nhất đất nước, niềm vui mà họ đã góp bằng xương máu và một phần tuổi trẻ.
Cuộc sống sau chiến tranh đầy những khó khăn, càng khó khăn hơn với người lính chỉ còn 19% sức khỏe. Ông bảo, vượt qua những ngày tháng ấy, ngoài sự cố gắng nỗ lực của bản thân, trách nhiệm của người sống thay phần đồng đội đã khuất, có cả sự hi sinh thầm lặng của người vợ. Thậm chí, ngay cả khi sát ngày sinh nở, bà vẫn phải cùng chồng "chiến đấu" khi ông bị dính ruột do hậu quả của vết thương chiến tranh để lại.
"Tàn nhưng không phế", người thương binh nặng đi buôn, tham gia tổ quản lý và thu phí chợ Hưng Dũng, gom góp để cùng vợ nuôi ba con. Rồi ông quyết định "chuyển nghề", chạy xe ôm. Với một người thương binh nặng cùng cái chân phải mổ 11 lần, đó là điều không hề đơn giản. Thời điểm đó, nghề xe ôm nở rộ, ông còn phải cạnh tranh không ít với các bạn đồng nghiệp.
"Chạy xe, tôi có 3 nguyên tắc, thứ nhất là phải đảm bảo an toàn, thứ 2 là thái độ phục vụ, thứ 3 là giá cả phải chăng nên không lo bị ế khách", ông kể.
Các con khôn lớn, học hành đỗ đạt, đi làm, áp lực kinh tế không còn đè nặng lên đôi vai người thương binh nặng này nữa nhưng ông vẫn gắn bó với nghề chạy xe ôm. Số tiền kiếm được sau mỗi cuốc xe, ông bỏ vào ống tre, cuối năm chẻ ra, trích thêm tiền lương để hỗ trợ đồng đội khó khăn, tìm hài cốt đồng đội hay giúp đỡ người dân quê hương mình. Sau hai lần tai nạn xe khiến chân lại phải mổ và đóng đinh tiếp nên ông quyết định "giải nghệ".
Tuổi già, bị vết thương cũ hành hạ, đôi tai đã ù đi, điếc đặc, ông tìm lại niềm vui trong việc viết lách. Những cuốn nhật ký viết ở chiến trường được ông tập hợp lại, nhờ sự giúp đỡ của một nhà báo ở Hà Nội và một số anh em, đã xuất bản thành sách. Cuốn nhật ký "Trời xanh không biên giới" là những trang viết sinh động và chân thực về cuộc chiến đấu khốc liệt nhưng vẻ vang không chỉ của riêng ông, mà cả một thế hệ thanh niên "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Người lính già vẫn nén đau vì những vết thương, say mê với nghiệp viết. Đó là những trang viết về chính cuộc đời chiến đấu của ông hay về sự hi sinh anh dũng của đồng đội, về những người lính may mắn trở về luôn sống lạc quan và trách nhiệm với xã hội.
73 tuổi đời, 54 tuổi Đảng, sống với 19% sức khỏe còn lại, con cái thành đạt, nhiều người bảo ông có thể nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già nhưng người lính Đặng Sỹ Ngọc vẫn miệt mài viết, miệt mài lao động. Những trang viết tay ông phải thuê người đánh máy rồi gửi đăng báo. Số nhuận bút nhận được, ông dành dụm, giúp đỡ những phận đời kém may mắn hơn hay thêm chiếc bút, cuốn vở cho trẻ nghèo. Đó là cách để ông sống thật ý nghĩa cho cả phần những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống năm xưa.