DMagazine

Tương lai nào cho đội tuyển Việt Nam sau khi bị loại ở AFF Cup 2020?

(Dân trí) - Việc đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi AFF Cup 2020 không phải thảm họa. Nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta tìm lại vị thế như thế nào. Rõ ràng, "Rồng vàng" đang bộc lộ quá nhiều vấn đề…

Tương lai nào cho đội tuyển Việt Nam sau khi bị loại ở AFF Cup 2020?

Việc đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi AFF Cup 2020 không phải thảm họa. Nhưng việc tìm lại vị thế như thế nào mới là điều đáng quan tâm. Rõ ràng, "Rồng vàng" đang bộc lộ nhiều vấn đề…

CÚ NGÃ CẦN THIẾT

Có thể ví hành trình thăng tiến của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo như sợi dây cao su được kéo căng. Thành công tới liên tiếp tạo nên thời kỳ hoàng kim thực sự cho bóng đá Việt Nam. Dồn dập tới mức, người ta tin rằng sự phát triển của "Rồng vàng" trở nên vô hạn và không có điểm dừng.

Nhưng rồi, sợi dây ấy bỗng dưng đứt đoạn ở AFF Cup 2020…

Chưa có kỳ AFF Cup nào, đội tuyển Việt Nam lại bước vào giải đấu với vị thế lớn tới vậy. Nhiều chuyên gia đánh giá thầy trò HLV Park Hang Seo là ứng cử viên số một cho chức vô địch giải đấu. Không thể khác được. Bởi lẽ, "những chiến binh sao vàng" đang là đương kim vô địch giải đấu và cũng là đội bóng Đông Nam Á duy nhất góp mặt ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Chính vì vậy, việc đội tuyển Việt Nam bị Thái Lan loại khỏi AFF Cup 2020 có thể là thực tế khó nuốt trôi với nhiều người. Ở thời điểm mà niềm kiêu hãnh của chúng ta đang lên tới đỉnh điểm, thất bại trước đại kình địch Thái Lan không khác gì gáo nước lạnh dội vào tham vọng của đội bóng.

Tương lai nào cho đội tuyển Việt Nam sau khi bị loại ở AFF Cup 2020? - 1

Thất bại ở AFF Cup là cú ngã cần thiết của đội tuyển Việt Nam

Câu hỏi đặt ra là liệu chăng, sau thất bại trước Thái Lan, đội tuyển Việt Nam có còn tự hào là đội bóng số một Đông Nam Á? Đó là câu hỏi mà không ai dám trả lời ở thời điểm này (khác hẳn so với thời điểm trước giải đấu). Trong buổi họp báo, HLV Park Hang Seo cũng không thể trả lời câu hỏi đó.

Sự kỳ vọng giống như sông đổ ra biển lớn. Nó không bao giờ được là đủ. Càng thành công, càng chịu sự kỳ vọng cao. Đó là quy luật không ai có thể phủ nhận. Nhưng rõ ràng, cú ngã trước Thái Lan đủ đau đớn để chúng ta hiểu ra nhiều điều về sức mạnh thực sự của đội bóng.

Có thực tế không thể phủ nhận. Đội tuyển Việt Nam đang xây dựng lộ trình thống trị bóng đá Đông Nam Á. Và thực tế là chúng ta vẫn chưa thể làm được điều đó, giống như những gì Thái Lan đã xây dựng trong quá khứ. Vẫn còn điều gì đó mong manh và bấp bênh. "Voi chiến" đã chỉ ra cho chúng ta rằng sự thống trị ấy có chăng chỉ là trong… tưởng tượng.

Nhưng đó là điều tốt. Thay vì huyễn hoặc bản thân, một trận thua có thể là động lực để chúng ta tiếp tục vươn lên. Thành công liên tiếp trong những năm qua vô tình đã đẩy đội tuyển Việt Nam vào lối mòn đầy nguy hiểm.

Vẫn với những con người ấy, đấu pháp ấy qua từng giải đấu. Đương nhiên, không phải lúc nào phép màu cũng xuất hiện.

Tất nhiên, việc đội tuyển Việt Nam không thành công ở AFF Cup 2020 có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động như chấn thương của nhiều trụ cột như Hùng Dũng, Văn Hậu, Trọng Hoàng, Văn Lâm. Hay ở góc độ nào đó, không ít người có thể ấm ức về vấn đề trọng tài trong trận đấu bán kết lượt đi với Thái Lan.

Nhưng tất cả những điều đó không che đậy những điểm yếu của đoàn quân HLV Park Hang Seo ở giải đấu này. Vấn đề không phải ở từng cá nhân nào, mà là khủng hoảng về định hướng, lối chơi (như cách báo giới Trung Quốc mô tả về đội tuyển Việt Nam).

Ở AFF Cup 2020, đội tuyển Việt Nam không còn là phiên bản lầm lỳ dưới thời HLV Park. Thay vào đó, chúng ta đã buộc phải dồn lên tấn công khi nhiều đội bóng (kể cả Thái Lan) sẵn sàng thi đấu trong vai trò cửa dưới.

Tương lai nào cho đội tuyển Việt Nam sau khi bị loại ở AFF Cup 2020? - 3

Đội bóng của HLV Park Hang Seo đang dần bị đối thủ bắt bài.

Điều đáng quan tâm chính là cách xây dựng lối chơi tấn công (ở vị thế cửa trên) của đội bóng chưa thực sự tốt. Một vấn đề xuyên suốt giải đấu của đội tuyển Việt Nam chính là tốc độ trong những đợt tấn công. Chứng kiến những trận đấu với Lào, Campuchia hay Indonesia, nhiều quan điểm cho rằng đội tuyển Việt Nam… giấu bài.

Dù vậy, tới trận gặp Thái Lan, vấn đề này lộ ra một cách rõ rệt, đặc biệt là ở trận lượt về. Trong bối cảnh Thái Lan gần như nhường thế trận, chúng ta vẫn loay hoay trong việc tìm bài toán vào khung thành. Và khi HLV Polking tung trung vệ cao gần 2 mét là Elias Dolah vào sân, đội tuyển Việt Nam gần như không có phương án nào tiếp cận vòng cấm.

Sự khủng hoảng về định hướng còn được thể hiện qua cách HLV Park Hang Seo chỉ sử dụng Tuấn Anh trong… 11 phút. Bình luận về quyết định này, bình luận viên Quang Huy cho rằng đó là sự "lúng túng" của HLV người Hàn Quốc. Có vẻ như thời điểm ấy, ông chưa thể tính được lối chơi cụ thể. Bóng dài, bóng bổng là cách chúng ta giải quyết khó khăn nhưng nó giống như đâm vào bức tường cao lớn. Không hiệu quả.

BÀI HỌC NÀO TỪ NGƯỜI THÁI?

Đội tuyển Việt Nam đã thất bại trước Thái Lan ở trận đấu cụ thể. Vào một ngày nào đó, khi gặp lại người Thái, chúng ta có thể chiến thắng. Suy cho cùng, kết quả một trận đấu không phản ánh điều gì. Bởi lẽ, còn một vấn đề lớn hơn thế. Bóng đá Việt Nam đã bị Thái Lan bỏ khá xa trong sự phát triển.

Ai cũng hiểu, giải vô địch quốc gia được xem là thước đo rất quan trọng của một nền bóng đá. Những cường quốc bóng đá ở châu Á như Saudi Arabia, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có giải VĐQG phát triển ở trình độ rất cao.

Đáng tiếc là ở thời điểm này, giải VĐQG Việt Nam (V-League) lại đang có bước thụt lùi khá nhiều so với giải VĐQG Thái Lan (Thai-League). Nói đúng hơn, giải Thai-League đã thực hiện cuộc cách mạng trước chúng ta khá lâu.

Đây là giải đấu ra đời từ năm 1996. Ở thời điểm sơ khai, họ cũng hoạt động giống như nhiều giải VĐQG ở Đông Nam Á khác. Dù cho CLB BEC Tero Sasana từng lọt vào chung kết AFC Champions League 2003 nhưng ở thời điểm đó, giải đấu vẫn chưa được xem là chuyên nghiệp.

Tương lai nào cho đội tuyển Việt Nam sau khi bị loại ở AFF Cup 2020? - 5

Giải VĐQG Thái Lan là hình mẫu chuyên nghiệp đáng học hỏi ở khu vực Đông Nam Á.

Năm 2007, Thai-League bắt đầu học hỏi và phát triển theo mô hình chuyên nghiệp của giải Ngoại hạng Anh (Premier League). Họ mua bản quyền tổ chức và quản lý của giải đấu và được tư vấn bởi Sir Dave Richards (cựu Chủ tịch Premier League).

Giải VĐQG Thái Lan có cơ cấu ổn định với 4 hạng đấu. Giải VĐQG Thái Lan gồm 16 CLB tham dự. Tiếp đó là giải hạng 2 với 18 CLB. Giải hạng 3 và giải hạng 4 đã được sáp nhập lại vào năm ngoái, khi 72 CLB thi đấu theo dạng vùng miền. Sau khi xác nhập, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, Somyot Poompanmuang đã "bơm tiền" để phát triển hạng đấu nghiệp dư này.

Tới năm 2016, khi chuyên gia Benjamin Tan tới làm việc, giải VĐQG Thái Lan đã được nâng tầm thực sự, theo mô hình chuyên nghiệp và bài bản chưa từng thấy. Tham vọng của ông Tan là biến giải VĐQG Thái Lan trở thành "Premier League ở khu vực Đông Nam Á".

Các CLB đều có sân riêng, đáp ứng được yêu cầu của Ban tổ chức. Điều đó giúp họ được nguồn thu ổn định từ bán vé. Một vài CLB còn xây dựng sân vận động theo mô hình của các đội bóng ở Premier League như Buriram xây sân Thunder Castle như sân Stamford Bridge (Chelsea), Muangthong United xây dựng giống sân Old Trafford của Man Utd.

Điều này trái ngược hoàn toàn với tình cảnh ở Việt Nam khi các CLB đều thi đấu trên sân bóng do địa phương quản lý. Việc xây dựng sân vận động riêng, theo mô hình châu Âu vẫn còn là điều ao ước.

Có một điều nữa mà Thai-League khiến cho V-League "thèm khát", đó là tiền bản quyền truyền hình. Giá trị bản quyền truyền hình trong 8 năm tới (tính từ năm 2021) ở giải đấu này lên tới 10 tỷ bath (gần 8000 tỷ đồng). Trước đó, giá bản quyền hình hình ở giải đấu này trong giai đoạn 2016-2020 là gần 3000 tỷ đồng. Thực tế đáng buồn là giải V-League vẫn chưa thu được một đồng nào từ bản quyền truyền hình.

Tương lai nào cho đội tuyển Việt Nam sau khi bị loại ở AFF Cup 2020? - 7

Các CLB giải Thái Lan thu về số tiền khổng lồ từ bản quyền truyền hình, tài trợ. 

Cũng vì Thai-League xây dựng bài bản mà các nhà tài trợ "trung thành" với giải đấu. Đơn cử như hãng Toyota chi 110 tỷ đồng/mùa cho giải đấu kể từ năm 2015 tới đây. Nhìn sang V-League, Toyota cũng từng tài trợ 40 tỷ đồng/mùa nhưng rồi đã dừng lại chỉ sau một mùa giải.

Sự chuyên nghiệp của Thai-League còn thể hiện ở chỗ họ biết cách biến "nguy" thành "cơ". Sau khi liên tục trì hoãn vì đại dịch Covid-19 vào năm ngoái, giải đấu này đã chuyển hẳn sang thi đấu theo lịch của bóng đá châu Âu (từ tháng 9 tới tháng 5 năm sau), thay vì tổ chức trong một năm dương lịch như trước đây.

Điều này rõ ràng trái ngược với tình cảnh ở Việt Nam. Trước tình hình khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhiều CLB không còn đủ ngân sách để hoạt động sau rất nhiều nỗ lực giảm lương. Cuối cùng, sau những tranh cãi gay gắt, VPF đã đưa ra quyết định… hủy giải. Điều đó khiến cho sự phát triển của V-League cũng như bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng.

HLV Park Hang Seo buộc sử dụng lực lượng sẵn có, trong khi không có nhiều cơ hội theo dõi và phát triển những nhân tố mới. Nhiều cầu thủ ở V-League đã dừng chơi bóng nửa năm nay và không có cơ hội tiếp tục phát triển. Chúng ta chỉ trông chờ từ nguồn cầu thủ tới từ đợt tập trung ở ĐTQG và U23. Nhưng họ không thi đấu quá thường xuyên (như ở CLB).

Để phát triển đội tuyển quốc gia vững mạnh, cần xây dựng giải đấu quốc nội mạnh mẽ và chuyên nghiệp. Không thể phủ nhận rằng, nhiều CLB cũng như lò đào tạo đang nỗ lực sản sinh ra những lứa trẻ tiếp theo cho bóng đá Việt Nam nhưng vẫn còn quá ít nếu so với Thái Lan.

Theo ước tính, có khoảng 100 lò đào tạo bóng đá trẻ là nơi ươm mầm những thế hệ "măng non" cho bóng đá Thái Lan. Điều đáng nói, từ lâu, đất nước này đã xây dựng hệ thống giải trẻ theo kiểu đấu vòng tròn (thay vì đấu tập trung trong một thời gian ngắn như nhiều quốc gia Đông Nam Á). Tức là các đội bóng trẻ từ U6 đến U18 sẽ thi đấu theo kiểu vòng tròn 2 lượt để tính điểm.

Điều đó giúp cho các cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn và có nhiều cơ hội cọ sát hơn. Bên cạnh đó, các trường học cũng được khuyến khích xây dựng các đội bóng U6, U8, U11, U13, U15, U18.

Người Thái xây dựng hệ thống đào tạo trẻ lớn như vậy là bởi mục tiêu tham dự World Cup. Tất nhiên, có những thời điểm, bóng đá Thái Lan có dấu hiệu tụt lùi nhưng hệ thống đào trẻ này luôn được duy trì.

Tương lai nào cho đội tuyển Việt Nam sau khi bị loại ở AFF Cup 2020? - 9

Chanathip đại diện cho thế hệ cầu thủ Thái Lan thi đấu thành công ở giải Nhật Bản.

Vấn đề tìm lứa kế cận cho đội tuyển quốc gia luôn là bài toán không hề dễ giải. Đội tuyển Việt Nam cũng đang "mặc kẹt" ở vấn đề này, khi lứa sau của Công Phượng, Tuấn Anh, Quang Hải… không quá nổi bật và chưa có nhiều cơ hội thử lửa. Không phải ngẫu nhiên, bóng đá Thái Lan có thể thống trị Đông Nam Á trong thời gian dài, khi họ luôn duy trì được tính kế thừa.

Còn một điều quan trọng nữa mà bóng đá Thái Lan đi trước chúng ta, đó là việc những ngôi sao bóng đá ở đất nước này đã tìm được chỗ đứng ở nước ngoài. Chanathip hay Theerathon Bunmathan đều đã đặt dấu ấn ở giải VĐQG Nhật Bản những năm qua. Dangda từng ra sân ở giải La Liga (Tây Ban Nha) hay ngôi sao trẻ Thanawat đang thuộc biên chế của CLB Leicester City (từng được đăng ký ở đội 1).

Trong dòng chảy của bóng đá hiện tại, việc đưa các cầu thủ ra những nước có nền bóng đá cao hơn là điều tất yếu. Cả Việt Nam và Thái Lan đều đã tính tới điều này nhưng rõ ràng, khi ra biển lớn, những cầu thủ Thái Lan đã chứng minh được tài năng của mình, còn những ngôi sao như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Hậu của bóng đá Việt Nam thì chưa.

Nhà báo Gabriel Tan lo ngại rằng nếu như Quang Hải, Hoàng Đức vẫn "bơi trong ao cá bé" như V-League thì họ sẽ mãi không thể phát triển tài năng và hình thành đẳng cấp cao. Điều này có thể ảnh hưởng tới chất lượng của đội tuyển Việt Nam, khi thế hệ vàng phát triển tới trình độ nào đó, và không được tiếp thu tinh hoa của nền bóng đá nước ngoài.

Những cầu thủ Thái Lan không hẳn tài năng hơn các đồng nghiệp Việt Nam nhưng lại biết cách phát huy tài năng ở môi trường đỉnh cao. Có vẻ như các cầu thủ Việt Nam đang gặp rào cản về tư duy chơi bóng, để thích nghi tốt hơn với môi trường mới.

Không thể phủ nhận sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam, trong nỗ lực thực hiện cuộc cách mạng trong những năm qua. Thế nhưng, rõ ràng, chúng ta vẫn đang đi sau người Thái quá xa trong việc làm bóng đá.

SAU "CƠN MƯA" TRỜI CÓ SÁNG?

Tất nhiên, một thất bại không thể nói lên nhiều điều. Trong tương lai gần, lứa cầu thủ hiện tại của đội tuyển Việt Nam vẫn sẽ là nòng cốt để chinh phục những danh hiệu. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không cần thay đổi tư duy và vẫn giữ nguyên "công thức" như trước.

Chu kỳ thành công của một đội bóng kéo dài khoảng 5 năm. Có nghĩa rằng, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ ấy. Ở AFF Cup 2020, Indonesia rồi Thái Lan đã cho thấy có thể bắt bài được "Rồng vàng" và buộc chúng ta bộc lộ những điểm yếu.

Thực tế, trong giai đoạn trước đó, không phải là không có cảnh báo. Thế nhưng, trong bối cảnh đội bóng phải đụng độ với những đối thủ mạnh ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khiến cho nhiều người không để ý tới điều đó.

Tương lai nào cho đội tuyển Việt Nam sau khi bị loại ở AFF Cup 2020? - 10

Đội tuyển Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ sau AFF Cup 2020.

Giờ đây, đội tuyển Việt Nam đang đứng trước câu hỏi: Thay đổi hay là chết? Bởi lẽ, sau Indonesia, Thái Lan, mọi đối thủ đã nhìn thấy điểm yếu của đội bóng.

Còn trong tương lai xa hơn, rõ ràng bóng đá Việt Nam cần sự thay đổi ở cả hệ thống bóng đá (từ VFF, VPF, CLB…) để có thể phát triển giải VĐQG, cũng như làm công tác đào tạo trẻ theo cách chuyên nghiệp và bài bản. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng "gặt trái ngọt" bền vững.

Đôi khi, "kẻ thù" lại là người thầy tốt. Bóng đá Việt Nam chẳng cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn sự phát triển của bóng đá Thái Lan để có định hướng tốt hơn.

Dòng sự kiện: AFF Cup 2020