(Dân trí) - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT, ông Nguyễn Hồng Minh có những chia sẻ về công tác tổ chức, thành công và hạn chế tại SEA Games 31.
Trong bài viết gửi Dân trí, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT, cựu trưởng đoàn thể thao Việt Nam nhiều kỳ đại hội, ông Nguyễn Hồng Minh có những chia sẻ về cả thành công và nuối tiếc trong công tác tổ chức SEA Games 31.
Chúng ta đều cảm nhận được SEA Games cách đây 19 năm có một bầu không khí nồng nhiệt rất đặc biệt. Tôi có cảm giác mạnh mẽ hơn cả bây giờ. Kỳ SEA Games trước, tất cả các đường phố Hà Nội lúc nào cũng chật kín người.
Đó là bầu không khí chứng tỏ tấm lòng của người Việt Nam rất khách quan, không chỉ cho đội nhà của mình, mà cổ vũ cả phong trào, hoan nghênh bạn bè quốc tế.
Trong kỳ SEA Games 2003, công tác tuyên truyền của báo chí Việt Nam rất tốt. Trung tâm báo chí ở nhà A1 Giảng Võ được khánh thành trước ngày khai mạc đại hội tới 4 tháng.
Sau đó vào cuối tháng 8/2003, Đài truyền hình Việt Nam kết hợp với một số đơn vị tổ chức Hội nghị truyền hình quốc tế. Hội nghị mời các hãng truyền thông nước ngoài và trong nước tham dự.
Tại Hội nghị này, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm có phát biểu rằng việc tổ chức SEA Games không phải của riêng ngành thể dục thể thao, mà là của toàn xã hội. Vì thế, truyền thông phải cố gắng và hiểu được tinh thần tổ chức SEA Games. Chúng ta phải làm thế nào để bạn bè quốc tế hiểu về dân tộc Việt Nam, văn hóa và con người Việt Nam.
Nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói công tác tuyên truyền luôn phải đi trước. Với cá nhân tôi, với vai trò là trưởng đoàn, tôi cũng đã giao lưu với nhiều tờ báo, có những cuộc kéo dài gần một ngày.
Lần tổ chức SEA Games này chúng ta gặp hạn chế vì thời gian gấp gáp. Nhưng rõ ràng tại các địa điểm thi đấu thì luôn thấy được tấm lòng yêu mến thể thao và tinh thần rất khách quan. Khán giả Việt Nam yêu mến thể thao cũng để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè khu vực.
Tôi còn nhớ khi kết thúc SEA Games 2003, cố Thủ tướng Phan Văn Khải nói rằng SEA Games thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn về khâu tổ chức của Việt Nam.
Tôi nghĩ lần này khi xem xét công tâm về công tác tổ chức và bầu không khí chung, thấy rõ rằng chúng ta tiếp tục phát huy được điều đó. Chỉ có điều là do khó khăn và dư âm của dịch bệnh nên ảnh hưởng ít nhiều tới đại hội.
Các địa điểm thi đấu đều tốt, đặc biệt là của Hà Nội. Thành phố Hà Nội có sự quan tâm tới tất cả các địa điểm thi đấu, có sự chuẩn bị tốt nhất. Có đôi chút khó khăn trong công tác tuyên truyền ở các địa phương khác, các nhà thi đấu và vấn đề giao thông đi lại cho các quan chức, các đoàn có một vài trở ngại.
Tôi có tiếp xúc với một số quan chức quốc tế. Họ nói rất hài lòng và thừa nhận sự thay đổi mạnh mẽ của Việt Nam sau 19 năm. Một số nhà lãnh đạo ngành thể thao trong khu vực Đông Nam Á bày tỏ sự hài lòng vì thái độ nhiệt tình, trọng khách của Việt Nam.
Tôi nghĩ những người phục vụ tại khách sạn đều có thái độ chuẩn bị tốt. Các tình nguyện viên của chúng ta tuy không được huấn luyện chuyên nghiệp như kỳ trước nhưng thái độ rất thân thiện, nhiệt tình. Đó là một thành công của đại hội, một điều tốt lành của đại hội.
Điều quan trọng là khi các đoàn ra về họ đều hài lòng về sự đón tiếp, công tác tổ chức của Việt Nam. Quan trọng hơn tất cả, họ cảm nhận được trái tim nồng ấm của người Việt Nam tại bất cứ nơi đâu họ đặt chân tới.
Khi chúng ta đi đâu thì việc được người dân địa phương ủng hộ luôn để lại ấn tượng sâu đậm. Tôi nhớ năm 2018 khi tôi dẫn đầu đoàn thể thao dự Asiad ở Hàn Quốc, người ta bố trí tất cả các địa điểm có đội Việt Nam thi đấu cũng như ở làng vận động viên, những nơi cảnh đẹp… đều có biểu ngữ, băng rôn bằng tiếng Việt.
Đồng thời Ban tổ chức cử rất nhiều người ra sân bay đón các đoàn. Tại các cuộc thi đấu họ đều cổ vũ cho Việt Nam.
Người lái xe cho tôi là một ông già lúc đó hơn tôi 7 tuổi. Ông là cựu chiến binh của Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ông ta nói rằng tôi là một người lính cũ, có sức khỏe, bất cứ lúc nào trưởng đoàn Việt Nam đi đâu, vào giờ nào cũng đều phục vụ cả. Khi tôi về làng VĐV nghỉ ngơi thì ông ta ngủ trên xe.
Khi tôi tới thăm một ngôi chùa ở Hàn Quốc, người ta cũng có những khẩu hiệu bằng tiếng Việt để chào đón đoàn. Những dấu ấn của sự đón tiếp ấy, được thực hiện với rất nhiều đoàn và nhiều vận động viên tham gia ASIAD 2018, luôn để lại ấn tượng.
Như thế có nghĩa các đội thi đấu ở Việt Nam dù không có sự góp mặt của chủ nhà, vẫn được các CĐV, người hâm mộ Việt Nam ủng hộ. Họ cầm lá cờ của các quốc gia khu vực phất lên trên khán đài, thì chính những đội bóng quốc tế sẽ không bao giờ quên được.
Vì họ nghĩ rằng phải là những CĐV có văn hóa, nhân văn, tấm lòng nhân ái mới làm được việc như thế. Là người Việt Nam chúng ta khi thấy những hình ảnh đó cũng rất tự hào.
Hôm qua, trong một buổi tiệc đón các quan chức của liên đoàn cử tạ thế giới, tất cả đều nói rằng họ rất hài lòng về thái độ trọng thị, mến khách và nồng ấm của người Việt Nam.
Trong cuộc sống thì thái độ và cách ứng xử với nhau rất quan trọng. Người ta có thể cảm nhận được tấm lòng của nước chủ nhà hay không là từ cách chúng ta thể hiện.
Đây là cuộc đấu của Đông Nam Á nên điều kiện tham gia các cuộc đấu của trọng tài Việt Nam rất ít. Chúng ta là chủ nhà và điều quan trọng là phải có bằng quốc tế thì (trọng tài Việt Nam) mới được điều khiển. Ví dụ ở môn thể hình có 14 trọng tài thì Việt Nam chỉ đóng góp 2 người. Nhưng chúng ta lại cử tới 20-30 trọng tài đến để hỗ trợ và phục vụ tất cả các công việc, dù không được ngồi vào ghế chấm điểm. Các môn khác cũng vậy, chủ nhà Việt Nam luôn có sự hỗ trợ tích cực. Những trọng tài quốc tế đến Việt Nam đều được hỗ trợ thông tin, chỉ dẫn…
Tôi nghĩ đây là một dịp để bạn bè hiểu hơn về Việt Nam và thể thao Việt Nam. Sự thắng lợi của đại hội trong điều kiện dịch bệnh là rất đáng ghi nhận.
Tôi có tiếp xúc với các bạn quan chức ngành thể thao Campuchia. Họ lo lắng cho việc tổ chức kỳ SEA Games 32 diễn ra vào năm sau. Họ trao đổi, hỏi nhiều về kinh nghiệm, về việc thi bao nhiêu môn và tổ chức nhiều sẽ trở ngại thế nào. Công tác tổ chức nên thế nào, họ cũng có sự trao đổi. Như thế để thấy Campuchia rất tin tưởng vào khả năng tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế, trong đó có SEA Games của Việt Nam.
Phía chúng ta thì các bộ môn đều khẳng định sẽ hỗ trợ Campuchia về công tác tổ chức. Tôi nghĩ Việt Nam đã để lại dấu ấn tốt đẹp, để lại uy tín cao sau lần tổ chức thành công SEA Games 31.
Về chuyên môn thì lần này chúng ta phải thừa nhận một yếu tố khách quan là một số VĐV ưu tú của các đoàn, các môn không có mặt đầy đủ. Trong cuộc đấu, đối thủ là một trong những yếu tố quyết định đến thành tích, thắng lợi của đoàn này hay đoàn kia.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng đoàn thể thao Việt Nam hiện nay khác với năm 2003 mà tôi làm trưởng đoàn. Lần này chúng ta phát triển một cách có hệ thống, luôn luôn ở vị trí đứng trong top đầu.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 với gần 1.000 VĐV là một lực lượng lớn và có hệ thống, nên đạt được thành tích.
Chúng ta đi theo được quy luật của thể thao là muốn chuẩn bị một lực lượng VĐV chất lượng cần có thời gian và cần theo một hệ thống. Hiện nay thể thao Việt Nam tương đối ổn định. Hầu hết các môn thể thao đều giành kết quả tốt, không chỉ có các môn Olympic như điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ… mà các môn khác cũng tốt. Các môn truyền thống chúng ta đã phát huy tốt.
Cũng có những môn đối thủ mạnh chúng ta chiến đấu rất vất vả. Chẳng hạn như karate, Indonesia rất mạnh các nội dung của nam, còn Malaysia mạnh về nữ. Việt Nam phải chiến đấu ngoan cường trước các đối thủ nhưng không phải đều thu được kết quả như mong muốn. Nên nhớ với karate, chúng ta từng giành 12 HCV ở SEA Games 2003 nhưng lần này chưa thể đạt được thành tích đó.
Với điền kinh, mặc dù dẫn đầu nhưng có rất nhiều tình huống đáng lưu tâm.
Về công tác chuyên môn, chúng ta phải đánh giá một cách khách quan, tổng thể để biết được trong thời gian tới muốn tiến lên đấu trường châu lục và thế giới, thì phải xem xét lại thành tích của từng môn thể thao, xem lại chỉ số của từng VĐV, xem anh có khả năng cạnh tranh ở tầm cao hay không.
Ví dụ hiện nay chúng ta có thể tin là Huy Hoàng và Hưng Nguyên ở bơi hoàn toàn có cửa tranh huy chương, thậm chí HCV ở ASIAD 19 năm tới. Nhưng có rất nhiều thành tích khác ở điền kinh thì VĐV chưa tới tầm ASIAD được.
Chẳng hạn như VĐV giành HCV ở môn nhảy cao có 1m78 thì làm sao tiến lên sân chơi châu lục được. Hay như nhảy xa, Thu Thảo từng giành HCV ASIAD 2018 với thành tích 6m55 còn chưa đạt chuẩn dự Olympic, thì nay chỉ đạt thông số 6m38.
Tất cả những cái đó phải xem xét, đánh giá lại, chứ không phải chúng ta đạt số lượng lớn HCV mà đã mừng. Có những HCV chỉ có 3 người thi thôi, mà lại yếu thì khác những HCV phải đi qua các nhánh, các vòng phức tạp, khó khăn.
Các nhà quản lý của đoàn Thể thao Việt Nam phải có sự đánh giá, phân tích từng tình huống, trường hợp cụ thể, nhìn nhận một cách khách quan. Còn về tổng thể, khi lá cờ Tổ quốc kéo lên mỗi khi VĐV giành HCV mọi người đều vui mừng, phấn khởi.
Bản thân tôi đã từng được trải nghiệm một lần và không bao giờ quên. Ở SEA Games Việt Nam năm 2003, chúng ta xếp nhất toàn đoàn với 156 HCV, 91 HCB và 93 HCĐ, với một bầu không khí bùng cháy.
Nhưng ngay năm sau chúng ta dự Olympic 2004, thành tích tốt nhất chỉ là vị trí thứ 5 của cử tạ của Nguyễn Thị Thiết, không có dấu ấn gì. Khi đó, nhà báo và đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử Trần Bạch Đằng viết rằng ở khu vực Đông Nam Á như thế mà với Olympic kết quả như vậy thì rõ ràng ngành thể dục thể thao phải xem xét lại toàn bộ công tác phát triển thành tích cao.
Có những nhà báo cũng hỏi tôi rằng: "Năm 2003 các ông làm mưa làm gió ở đấu trường SEA Games, nhưng sao nay lại không kèn, không trống". Đó là những bài học và trải nghiệm, để thấy rằng là muốn đưa thể thao phát triển chúng ta còn rất nhiều công việc phải làm.
Nội dung: Nguyễn Hồng Minh
Thiết kế: Thủy Tiên