Ngắm những đường kiếm sáng loáng nhanh như điện tại SEA Games 31
(Dân trí) - Các VĐV Đấu kiếm trong trang phục đẹp mắt, di chuyển thoăn thoắt và tung những đường kiếm tấn công nhanh như điện khiến Đấu kiếm trở thành một trong những môn thi đấu đẹp mắt nhất SEA Games 31.
Môn Đấu kiếm SEA Games 31 đã kết thúc ngày 18/5, đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đề ra với 5 tấm HCV. Trước đó, đội tuyển chỉ đề ra chỉ tiêu giành từ 3 đến 4 HCV.
Trong đó: Vũ Thành An giành HCV nội dung kiếm chém cá nhân nam. Nguyễn Tiến Nhật giành HCV nội dung kiếm ba cạnh nam. Bùi Thị Thu Hà giành HCV nội dung kiếm chém cá nhân nữ, HCV đồng đội kiếm chém nữ, HCV đồng đội kiếm chém nam.
Đấu kiếm Olympic hay gọi tắt là Đấu kiếm là một môn võ thuật đối kháng trong chương trình thi đấu Thế vận hội ngày nay.
Hai đấu sĩ thi đấu sẽ mặc áo giáp bảo hộ màu trắng, đội mũ lưới, đeo găng tay sử dụng các loại kiếm thuộc ba thể loại: Kiếm ba cạnh, kiếm chém, kiếm liễu để đâm vào các bộ phận của đối phương. Kiếm thi đấu không có lưỡi sắc, không có đầu nhọn, đầu kiếm tròn từ 5-8mm.
Đấu kiếm xuất phát từ môn thể thao dành cho giới quý tộc Pháp ở thế kỷ 15, lối đấu kiếm hiện đại nổi lên từ khoảng cuối thể kỷ 19 và được đưa vào chương trình Thế vận hội liên tục từ 1896 đến nay.
Đấu kiếm là một trong những môn thi đấu Olympic được đánh giá là đẹp mắt và cuốn hút nhất các kỳ Đại hội thể thao trong khu vực và trên thế giới.
Các VĐV trong trang phục đẹp mắt mang phong cách quý tộc của phương Tây, ánh sáng tập trung làm nổi bật kiếm sĩ trên nền tối khiến những đường kiếm trở nên ảo diệu hơn.
Một pha bay người trên không tấn công đối thủ của VĐV Việt Nam trong một trận bán kết.
Một tình huống tấn công được chụp bằng kỹ thuật Multiple exposure (chồng ảnh) thể hiện khoảnh khắc đường kiếm tấn công và phòng thủ của các VĐV diễn ra trong tích tắc.
Một tình huống 2 VĐV áp sát nhau, cố gắng dùng kiếm phòng thủ trước đón đánh của đối thủ và tận dụng sơ hở để lách mũi kiếm phản công.
Ánh kiếm loang loáng nổi bật trên nền tối của Cung Điền kinh trong nhà (Hà Nội)
Trong thủ thuật nhiếp ảnh, cách chụp tốc độ chậm tạo ra bóng mờ giống như ảo ảnh của kiếm thủ được gọi với các tên "bóng ma".
Pha bay người tung đòn đánh nhanh từ trên cao của một VĐV Philippines thi đấu trong trận bán kết với Việt Nam.
Các trận đấu của nữ thường diễn ra chậm hơn nam, đặc biệt tại các nội dung kiếm ba cạnh và kiếm liễu. Các VĐV thường vờn nhau bằng lưỡi kiếm, thăm dò khá lâu trước khi tung ra đòn đánh.
Nội dung thi đấu kiếm chém diễn ra cực nhanh, các VĐV di chuyển tốc độ, ra đòn chớp nhoáng.
Một pha tiếp cận chớp nhoáng và ra kiếm tấn công nhanh của VĐV Singapore.
Đấu kiếm không được biết đến nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau các kỳ SEA Games gần đây, các VĐV Việt Nam liên tục giành được thành tích cao khiến Đấu kiếm ngày càng trở nên quen thuộc hơn, gần gũi và có thêm nhiều bạn trẻ tham gia tập luyện, thi đấu.