DMagazine

Viện trợ cho vay - cho thuê: Phía sau sự hào phóng của Mỹ dành cho Ukraine

(Dân trí) - Mỹ hồi sinh Đạo luật Lend-Lease tạo điều kiện viện trợ không giới hạn cho Ukraine. Các đồng minh có thể cũng chọn mô hình viện trợ này khi xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ kéo dài.

VIỆN TRỢ "CHO VAY - CHO THUÊ": PHÍA SAU SỰ HÀO PHÓNG CỦA MỸ DÀNH CHO UKRAINE

Mỹ hồi sinh "Đạo luật Lend - Lease" (Cho vay - Cho thuê) tạo điều kiện viện trợ quân sự không giới hạn cho Ukraine. Các đồng minh phương Tây có thể cũng sẽ chọn mô hình viện trợ này khi xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ kéo dài. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/5 đã ký thông qua Đạo luật Lend - Lease 2022 (Cho vay - Cho thuê), đạo luật vốn được Mỹ sử dụng trong Thế chiến II để cung cấp vũ khí cho các nước đồng minh. Đạo luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó với số phiếu áp đảo.

Phát biểu khi ký đạo luật tại Nhà Trắng, ông Biden cam kết Mỹ sẽ tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine "trong cuộc chiến bảo vệ đất nước và nền dân chủ của họ" dù "cái giá không hề rẻ". "Việc viện trợ này đóng vai trò quan trọng đối với thành công của Ukraine trên chiến trường", chủ nhân Nhà Trắng nói.

Số tiền Washington dự tính viện trợ quân sự cho Ukraine theo đạo luật này khoảng 47 tỷ USD, tương đương 1/3 GDP của Ukraine trước chiến tranh. Nó cho phép chuyển không giới hạn vũ khí và khí tài quân sự của Mỹ tới Ukraine hoặc các nước Đông Âu khác trong thời gian ngắn nhất giữa lúc chiến sự Nga - Ukraine căng thẳng. Điều này đồng nghĩa với việc ngoài Ukraine, một số đồng minh khác của Mỹ như Ba Lan cũng sẽ được hưởng lợi từ đạo luật. Tuy nhiên, Ukraine và những nước "vay mượn" sau đó sẽ phải hoàn trả vũ khí hoặc trả tiền thuê.

Giới quan sát cho rằng, việc hồi sinh đạo luật sau hơn 80 năm cho thấy Mỹ và các đồng minh ở châu Âu coi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine là mối đe dọa hiện hữu với trật tự thế giới tự do của phương Tây.

ĐẠO LUẬT HỒI SINH SAU GẦN MỘT THẾ KỶ

Từ giữa năm 1940, các tàu hàng của Mỹ bắt đầu chở vũ khí sang Anh. Đổi lại, Anh đồng ý cho Mỹ thuê một số căn cứ hải quân ở biển Caribe và Đại Tây Dương. Những cuộc thỏa thuận này đã giúp Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D. Roosevelt hình thành ý tưởng về Lend-Lease - đạo luật cho phép Mỹ viện trợ vũ khí cho phe đồng minh theo hình thức "cho vay, cho thuê".

Đạo luật Lend-Lease được Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký ngày 11/3/1941 và kết thúc ngày 29/9/1945. Thời điểm chương trình cho vay - cho thuê được khởi động vào tháng 3/1941 đánh dấu thời khắc Mỹ từ bỏ vị thế trung lập của mình, dù chưa phải là bên tham chiến. Chính quyền Tổng thống Roosevelt khi đó không muốn tham chiến, nhưng cũng không muốn phe đồng minh thua cuộc.

Viện trợ cho vay - cho thuê: Phía sau sự hào phóng của Mỹ dành cho Ukraine - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt (Ảnh: Getty).

Đạo luật đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc, cho phép Mỹ chuyển giao lượng khí tài khổng lồ cho các nước đồng minh trong thời gian ngắn để chống lại phe phát xít. Những thứ được Mỹ viện trợ cho phe đồng minh trong giai đoạn đó gồm tàu chiến, máy bay, xe tăng, phương tiện cơ giới, trang thiết bị quân sự, dầu mỏ, thực phẩm. Đây cũng là cách Mỹ bảo vệ cho lợi ích của mình. Chuyên gia phân tích quân sự David Vine, nhận định đạo luật Lend - Lease cho phép Mỹ mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.

Tổng cộng, 42 nước đã nhận viện trợ theo chương trình cho vay, cho thuê trong Thế chiến II, nhưng chủ yếu là Anh và Liên Xô. Liên Xô đã nhận được hơn 430.000 xe tải, gần 15.000 máy bay chiến đấu, 7.000 xe tăng và hơn 340.000 điện thoại dã chiến, cũng như các mẫu trang thiết bị gồm súng trường M1, xe tăng hạng nặng T-10 và máy bay B-17 để đối phó với phát xít Đức.

Mỹ đã viện trợ số vật tư tổng trị giá 50,1 tỷ USD, hơn 730 tỷ USD theo thời giá hiện nay, chiếm 17% tổng chi tiêu quân sự của nước này. Viện trợ cho Liên Xô ước tính 11 tỷ USD theo thời giá khi đó, trong khi Anh cũng nhận viện trợ 31 tỷ USD theo chương trình cho vay, cho thuê.

Theo đạo luật, khí tài quân sự nếu bị phá hủy trong chiến tranh sẽ không phải hoàn lại, nhưng các nước nhận viện trợ buộc phải thanh toán cho những gì chắc chắn không thể trả lại về nguyên tắc như đạn dược hay những viện trợ phục vụ mục đích dân sự.

Thực tế, sau Thế chiến II, chỉ có một số tàu chiến được phe đồng minh hoàn trả cho Mỹ, hầu hết vũ khí đã bị phá hủy trong chiến tranh. Đổi lại các khoản viện trợ, Mỹ được quyền thuê và sử dụng nhiều căn cứ lục quân, hải quân trên lãnh thổ các nước phe đồng minh trong Thế chiến II. Một số nước chấp nhận chuyển cho Mỹ những hàng hóa mà nước này thiếu từ uranium đến pho mát. Liên Xô đã phải trả khoản nợ này trong nhiều thập niên, cũng như trả bằng nhiều hàng hóa khác như bạch kim, vàng và gỗ cho Mỹ theo thỏa thuận chung.

"HỐ ĐEN" VŨ KHÍ VÀ VÁN CƯỢC CỦA PHƯƠNG TÂY

Đạo luật mới cho phép Tổng thống Mỹ độc lập đưa ra quyết định cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí hiện đại như hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa, máy bay không người lái hạng nặng, máy bay chiến đấu, xe thiết giáp hiện đại, hệ thống tên lửa chiến thuật… Quan trọng hơn nữa, nó tạo điều kiện để dòng vũ khí từ Mỹ chảy vào Ukraine nhanh hơn, nhiều hơn.

Nhà Trắng và Lầu Năm Góc hồi tháng 5 cho biết, mỗi ngày có tới 8-10 chuyến bay vận tải quân sự chuyển vũ khí và đạn dược của Mỹ và các đồng minh đến Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin mới đây ước tính, số tên lửa chống tăng mà các bên cung cấp cho Ukraine thậm chí nhiều hơn tổng số xe tăng trên thế giới.

Viện trợ cho vay - cho thuê: Phía sau sự hào phóng của Mỹ dành cho Ukraine - 2

Phương Tây khó kiểm soát dòng vũ khí viện trợ khi vào Ukraine (Ảnh minh họa: CNBC).

Mỹ là nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine. Hôm 21/5, Tổng thống Biden đã ký phê chuẩn dự luật viện trợ gần 40 tỷ USD cho Ukraine, nâng tổng viện trợ của Mỹ phê duyệt cho Ukraine lên hơn 50 tỷ USD. Đây là gói viện trợ khẩn cấp về quân sự, kinh tế và nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay của Washington dành cho Kiev. Gói này ủy quyền thêm 11 tỷ USD cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), cho phép Tổng thống Biden thực hiện chuyển hàng hóa và dịch vụ từ kho hàng của Mỹ mà không cần sự chấp thuận của quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.

Ban đầu, Mỹ và đồng minh chỉ cấp cho Ukraine những vũ khí cỡ nhỏ mang tính phòng vệ, nhưng khi cuộc chiến ngày càng khốc liệt, phương Tây đã viện trợ nhiều hơn vũ khí hạng nặng hiện đại.

Giới chuyên gia lo ngại việc hồi sinh đạo luật Lend - Lease có thể khiến chiến sự Nga - Ukraine và căng thẳng giữa Moscow với phương Tây leo thang. Mỹ cùng các đồng minh đã tung loạt lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhắm vào Nga và đạo luật mới có thể khiến cuộc đối đầu leo thang từ kinh tế sang quân sự. Nga nhiều lần cảnh báo, phương Tây tiếp tục "bơm" vũ khí cho Kiev có thể châm ngòi cho Thế chiến III và bất cứ lô vũ khí nào từ nước ngoài vào Ukraine đều trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Moscow.

Khi viện trợ ngày càng nhiều vũ khí cho Ukraine, Mỹ và đồng minh hy vọng rằng có thể giúp Kiev sớm đẩy lùi chiến dịch của Moscow. Tuy nhiên, rõ ràng, dù đã bước sang tháng thứ 5, chiến sự giữa hai quốc gia láng giềng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Nga vẫn áp đảo Ukraine về khí tài quân sự. Phương Tây sẽ phải xác định viện trợ lâu dài cho Kiev, đó là lý do không loại trừ khả năng, các nước như Đức, Ba Lan, Pháp, Thụy Điển, Anh cũng áp dụng mô hình viện trợ "cho vay-cho mượn" với Ukraine. Cuộc xung đột cục bộ ở Ukraine có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột toàn châu Âu, nơi toàn bộ lãnh thổ châu Âu trở thành không gian cho cuộc đối đầu vũ trang lớn với Nga trong nhiều năm tới.

Kể cả khi "cho vay - cho mượn", viện trợ quân sự cho Ukraine suốt một thời gian dài cũng tạo gánh nặng, đặc biệt với những nước có nguồn lực hạn chế. Thực tế, một số nước châu Âu, trong đó có Anh, Canada, Ba Lan cho biết kho khí tài quân sự của họ đang cạn kiệt dần, kéo theo lo ngại về an ninh, quốc phòng. Tham mưu trưởng Quốc phòng Anh Tony Radakin nói rằng, nước này có thể phải mất nhiều năm mới có thể bù đắp được số vũ khí mà London đã gửi cho Ukraine.

Một rủi ro khác mà phương Tây đang phải đối mặt là việc kiểm soát đường đi của vũ khí. Chính phủ Mỹ đang cố gắng truy vết số lượng lớn vũ khí sát thương chuyển cho các lực lượng vũ trang Ukraine trong những tháng gần đây. Một nguồn thạo tin của CNN cho hay, các cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh "gần như không có khả năng" theo dõi các lô vũ khí gửi đến người dùng cuối. Nhà Trắng ngày càng lo ngại khoản viện trợ "có thể rơi vào tay các nhóm cực đoan, các lực lượng đối lập, kéo theo nguy cơ lộ bí mật quân sự hoặc các mối đe dọa nhằm vào Mỹ và đồng minh.

GÁNH NẶNG CHO UKRAINE?

Viện trợ cho vay - cho thuê: Phía sau sự hào phóng của Mỹ dành cho Ukraine - 3

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi quyết định hồi sinh đạo luật Lend - Lease của Washington, gọi đây là "một bước tiến lịch sử" giúp Ukraine "giành chiến thắng thêm một lần nữa giống như tại châu Âu cách đây 77 năm". Ông thậm chí đề nghị ký thỏa thuận "cho vay - cho mượn" theo đó Mỹ sẽ cung cấp hàng tỷ m3 khí hóa lỏng. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng kêu gọi các hãng công nghệ lớn cũng hỗ trợ Kiev theo mô hình này.

Một điều không thể phủ nhận là đạo luật Lend - Lease giúp Ukraine nhận được lượng viện trợ quân sự khổng lồ chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Mỹ liên tục công bố các gói viện trợ Ukraine dù chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của Kiev.

Ukraine cho rằng, vũ khí viện trợ từ phương Tây sẽ góp phần định đoạt cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine. Đầu tháng này, một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết, nước này cần 300 khẩu pháo, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép, 1.000 máy bay không người lái để đẩy lùi chiến dịch của Nga.

Giới chức Nga cảnh báo, các điều khoản cho vay, cho mượn của Mỹ "không hề rẻ" và có thể nhiều thế hệ tương lai của Ukraine sẽ phải trả các khoản nợ khí tài, lương thực mà Washington đã chuyển giao.

Chuyên gia chính trị Denis Denisov nhận định, trong tương lai, Mỹ có thể yêu cầu Ukraine bù đắp các viện trợ cho vay, cho thuê bằng việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp với mức giá thấp hơn, cấp quyền xây dựng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ukraine, thực hiện các dự án có lợi cho doanh nghiệp phương Tây.

Trong khi đó, liên tục kêu gọi viện trợ, Ukraine dường như đang ấp ủ hy vọng phương Tây sẽ trang trải các chi phí từ ngân sách của họ hoặc từ tài khoản đóng băng của Nga. Một số nước châu Âu cũng đề xuất tịch thu vĩnh viễn tài sản đóng băng của Nga để bù đắp tổn thất cho Ukraine và giúp nước này tái thiết.

EU, Mỹ và các nước đồng minh đã phong tỏa tài sản thuộc về các cá nhân và tổ chức của Nga, cũng như khoảng 300 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, việc thực hiện tịch thu tài sản Nga trên thực tế có thể gặp khó khăn hoặc bị coi là vi hiến ở một số nước phương Tây. Ở Mỹ, tổng thống có quyền đóng băng tài sản của chính phủ nước ngoài nhưng thường không thu giữ chúng, trừ khi Mỹ có chiến tranh với quốc gia đó.

Hơn nữa, theo The Economist, về lâu dài, việc tịch thu tài sản mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng sẽ tạo tiền lệ khiến tất cả tài sản xuyên biên giới, bao gồm cả tài sản của phương Tây, dễ bị các chính phủ thu giữ để đáp trả.

Do vậy, Ukraine sẽ chi trả các khoản viện trợ của phương Tây bằng cách nào vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Minh Phương
Theo Pravda, Economist, Foreign Policy

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine