DMagazine

Rạn nứt Ukraine - phương Tây phía sau viện trợ kỷ lục

(Dân trí) - Giữa lúc chiến sự Nga-Ukraine leo thang, những chỉ trích lẫn nhau giữa Ukraine và một số nước phương Tây đặt ra hoài nghi về mối quan hệ vốn giúp Kiev đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

RẠN NỨT UKRAINE - PHƯƠNG TÂY PHÍA SAU VIỆN TRỢ KỶ LỤC

Giữa lúc chiến sự Nga - Ukraine leo thang, những chỉ trích lẫn nhau giữa Ukraine và một số nước phương Tây đặt ra hoài nghi về mối quan hệ vốn giúp Kiev rất nhiều trong việc đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

"KHẨU CHIẾN" VÀ TRÁCH MÓC

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài đang bộc lộ ra ngày càng rõ, càng nhiều những rạn nứt trong mối quan hệ giữa Ukraine và phương Tây. Đáng chú ý là "khẩu chiến" giữa các chính trị gia Ukraine và Hungary.

Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover cuối tuần qua nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có phần "thô lỗ" và "thù địch" với chính những quốc gia mà ông yêu cầu giúp đỡ, trong đó có Hungary, thậm chí cả Đức. "Tôi chưa từng thấy nguyên thủ nào đang cần giúp đỡ lại lên tiếng chống lại mọi người theo kiểu của Tổng thống Zelensky. Người ta đe dọa kẻ thù, không phải những người họ muốn kết bạn". Chính trị gia Hungary cho rằng điều này có thể do "vấn đề thần kinh".

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cũng bày tỏ ủng hộ quan điểm này của ông Over. Ông bình luận trên tài khoản Facebook hôm 6/6: "Trong khi hàng chục nghìn người ở Hungary những tháng gần đây nỗ lực giúp đỡ Ukraine và người dân nước này, các chính trị gia ở Kiev liên tục nói về Hungary với giọng điệu không thể chấp nhận được, khiêu khích và bôi nhọ chúng tôi".

Rạn nứt Ukraine - phương Tây phía sau viện trợ kỷ lục - 1

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (Ảnh: Hungary News).

Ngay lập tức, giới chức Ukraine đã chỉ trích những phát ngôn mà họ cho là "ác ý" và "không thể chấp nhận được" của các chính trị gia Hungary. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho rằng chính ông Kover mới "có vấn đề về thần kinh". Trong khi đó, Mikhail Podoljak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, bình luận: "Quốc gia có vấn đề duy nhất trong gia đình châu Âu là Hungary, nước đã ngăn cản các phản ứng đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine".

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Kiev liên tục chỉ trích Budapest vì Hungary cản trở một số lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) với Nga. Ukraine thậm chí úp mở về khả năng đóng van đường ống dẫn dầu từ Nga đến Hungary qua lãnh thổ nước này.

Không chỉ Hungary, một số nước châu Âu, cũng vấp phải chỉ trích của Ukraine.

Đức là một trong những quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Thủ tướng Olaf Scholz gần đây đã cho biết Đức sẽ cung cấp khoản viện trợ quân sự lên tới 2 tỷ euro (2,1 tỷ USD), đồng thời tuyên bố "Berlin sẽ sát cánh cùng Ukraine" trong cuộc xung đột với Nga.

Mặc dù vậy, Đức vẫn hứng không ít chỉ trích từ Ukraine. Khi Đức cung cấp vũ khí theo đề nghị ban đầu của Ukraine, Kiev cho rằng: "Chúng tôi cần nhiều hơn thế". Khi Đức thông báo kế hoạch hạn chế nhập năng lượng của Nga, Ukraine nói: "Điều đó tốt, nhưng phải diễn ra ngay lập tức". Kiev gọi chính sách của Berlin là "đáng xấu hổ" khi do dự cung cấp vũ khí hạng nặng, thậm chí những xe tăng, xe bọc thép đã cũ.

Ukraine cũng cho rằng, NATO "hầu như không làm gì" để hỗ trợ Ukraine trong thời điểm cần thiết. "Khi cuộc chiến bắt đầu nổ ra, tâm lý chung là NATO là một lực lượng mạnh còn EU chỉ có thể thể hiện quan ngại ở mức độ nào đó. Tuy nhiên, cuộc chiến này là một phép thử, giúp lột bỏ những chiếc mặt nạ… Chúng tôi thấy NATO đứng ngoài lề, không làm bất kỳ điều gì. Tôi lấy làm tiếc khi phải nói ra điều này", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos cuối tháng 5.

Điều đáng nói là những chỉ trích rất gay gắt ngay cả khi phương Tây đang sát cánh với Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Mỹ và các đồng minh châu Âu hiện là những bên viện trợ kinh tế và quân sự lớn nhất cho Ukraine. Trong vòng hơn 3 tháng kể từ khi chiến sự nổ ra, họ đã cung cấp cho Ukraine lượng khí tài lên đến hàng tỷ USD. Quốc hội Mỹ tháng trước cũng thông qua gói viện trợ mới gần 40 tỷ USD cho quốc gia Liên Xô cũ này. Từ chỗ chỉ viện trợ những vũ khí nhỏ mang tính phòng vệ như tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng vác vai, phương Tây đã bắt đầu cung cấp các hệ thống vũ khí hạng nặng.

Ngoài giúp Ukraine tăng cường năng lực quốc phòng để đối phó chiến dịch của Nga, phương Tây cũng tung ra những biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm gây sức ép với Moscow. Mỹ áp lệnh cấm vận dầu mỏ, trừng phạt ngành ngân hàng của Nga, trong khi EU cũng đã tung ra 6 gói trừng phạt Moscow trong khoảng thời gian ngắn.

Tất nhiên, ngay cả khi hỗ trợ hết mình cho Ukraine, phương Tây vẫn đặt ra những giới hạn mà họ không thể vượt quá, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Ví dụ, Mỹ và các đồng minh vẫn từ chối điều quân đến Ukraine, từ chối lập vùng cấm bay hay cấp vũ khí tầm xa cho Kiev. EU vẫn chưa thể cấm vận hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt Nga.

LỜI HỨA CỦA PHƯƠNG TÂY VÀ CÁI LÝ CỦA UKRAINE

Rạn nứt Ukraine - phương Tây phía sau viện trợ kỷ lục - 2

Binh sĩ Ukraine (Ảnh: AFP).

Theo giới quan sát, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine phần nào là phản ứng của Moscow trước mối lo ngại NATO mở rộng hiện diện về phía đông với lời hứa hẹn kết nạp Ukraine, Gruzia vào liên minh này. Lời hứa khiến Ukraine suốt 14 năm qua vẫn nuôi mộng trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt. Có lẽ, đó là lý do Kiev cho rằng phương Tây phải có phần trách nhiệm hỗ trợ họ đối phó chiến dịch của Moscow.

Trong phát biểu hồi đầu tháng 4, Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng, quyết định do Đức và Pháp dẫn đầu tại thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Bucharest về việc không kết nạp Ukraine vào liên minh này là "tính toán sai lầm".

Đức khi đó cho rằng còn quá sớm để kết nạp Ukraine vào NATO vì các điều kiện chính trị của nước này chưa đáp ứng được yêu cầu. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell ngày 11/3 thừa nhận, phương Tây đã phạm nhiều sai lầm trong quan hệ với Nga, trong đó có việc hứa hẹn kết nạp Ukraine vào NATO.  "Tôi sẵn sàng thừa nhận chúng tôi đã phạm một số sai lầm và chúng tôi đã để vuột mất cơ hội thiết lập quan hệ hữu nghị giữa Nga và phương Tây… Có những điều chúng tôi đã đề xuất nhưng không thể thực hiện được, ví dụ như lời hứa Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên NATO… Tôi nghĩ thật sai lầm khi đưa ra những lời cam kết mà ta không thể thực hiện", ông Borell nói.

Đáp lại những chỉ trích, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định vẫn "giữ nguyên lập trường đưa ra tại thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Bucharest". "Bà đầm thép" cũng cho biết, bản thân "không có gì phải hối tiếc" ngay cả khi cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay ảnh hưởng đến di sản của bà.

"Ngoại giao không sai chỉ vì nó không hiệu quả", bà Merkel nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên kể từ khi mãn nhiệm hồi đầu năm nay. Bà cũng nhắc lại sự ủng hộ của mình với các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga cũng như những nỗ lực của Đức - Pháp nhằm duy trì tiến trình hòa bình theo thỏa thuận Minsk cho Ukraine.

Trong khi đó, những người chỉ trích hiện nay cho rằng, việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine phơi bày những sai lầm đẩy Đức nói riêng và châu Âu nói chung vào tình thế dễ bị tổn thương bởi những chính sách mềm mỏng với Nga. Tổng thống Ukraine cáo buộc các lãnh đạo châu Âu đã cố gắng xoa dịu Nga bằng lập trường phản đối Ukraine.

Đức cũng giống như nhiều quốc gia châu Âu khác phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung năng lượng của Nga. Sự phụ thuộc đó khiến Berlin không thể đáp lại lời kêu gọi của Mỹ và các đồng minh về việc áp cấm vận hoàn toàn với Moscow.

RẠN NỨT BẮT NGUỒN TỪ NỘI BỘ PHƯƠNG TÂY

Rạn nứt Ukraine - phương Tây phía sau viện trợ kỷ lục - 3

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) thị sát một đơn vị của NATO đóng tại Estonia ngày 2/3. Ảnh: Shutterstock

NBC dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng, rạn nứt hiện nay với Kiev thực tế bắt nguồn từ những rạn nứt nội bộ của phương Tây khi họ có những chính sách không đồng nhất về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong khi các nước Tây Âu không muốn kéo dài cuộc chiến mà họ cho là không thể chiến thắng và đang bào mòn những nguồn lực cả tài chính, quân sự của họ và đẩy kinh tế khu vực đến bờ vực suy thoái.

Pháp, Đức, Italy có thiên hướng ủng hộ kêu gọi đàm phán và ngừng bắn hơn là viện trợ quân sự vô điều kiện cho Ukraine. Những nước này bị chỉ trích do dự cấp vũ khí cho Kiev và lo lắng quá mức về hệ quả nếu chiến dịch của Nga ở Ukraine thất bại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuần trước nói, các nước "không nên làm bẽ mặt Nga để có thể tìm ra lối thoát qua các kênh ngoại giao khi chiến sự kết thúc". Lập trường có phần ôn hòa của Pháp bị một số quốc gia Đông Âu và vùng Baltic chỉ trích vì lo ngại ảnh hưởng đến nỗ lực buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán.

Ngược lại, các nước Đông Âu, trong đó có một số quốc gia Liên Xô cũ, cùng với Mỹ và Anh tính tới khả năng xung đột kéo dài với sự can thiệp lớn hơn của phương Tây và các khí tài hiện đại. Đây là điều mà những người chỉ trích lo ngại có thể khiến châu Âu lún sâu vào cuộc chiến và nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga.

Sau chuyến thăm Kiev hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố: "Chúng tôi muốn chứng kiến Nga suy yếu tới mức mà nước này không thể tiến hành những việc như tấn công Ukraine".

Edward Luce, bình luận viên của báo Financial Times, nhận định tình trạng chia rẽ trong lòng phương Tây có thể sâu sắc hơn nữa khi người dân ở các quốc gia này đối mặt với khó khăn kinh tế nhiều hơn. EU cấm vận dầu mỏ Nga nhưng vẫn có những nước ngoại lệ khi Hungary cho rằng ngừng nhập khẩu dầu Nga không khác nào "thả bom vào nền kinh tế".

Minh Phương
Theo NBC, New York Times, AFP, Axios

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine