Tôn Sinh Thành

Ưu tiên của nước Mỹ trong chính quyền Donald Trump 2.0

Ưu tiên của nước Mỹ trong chính quyền Donald Trump 2.0 - 1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Lễ nhậm chức tổng thống lần thứ hai của ông Donald Trump ngày 20/1 hứa hẹn sẽ là một sự kiện vô cùng ấn tượng, không chỉ vì quy mô hoành tráng, mà chủ yếu vì tính biểu tượng cao của sự kiện này. Lễ nhậm chức sẽ định hình hướng đi cho các chính sách và gửi đi những thông điệp về các ưu tiên chính trị của chính quyền Donald Trump 2.0.

Với "cú ăn ba" ngoạn mục của đảng Cộng hòa khi giành được quyền kiểm soát cả Nhà Trắng, Thượng viện lẫn Hạ viện trong cuộc bầu cử năm 2024, ông Donald Trump, tổng thống thứ 47 của Mỹ, sẽ như "hổ mọc thêm cánh", tiến hành nhiều thay đổi lớn đối với hệ thống chính phủ Mỹ, nền kinh tế và các mối quan hệ quốc tế.

Ngay trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng, Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ nhanh chóng ký nhiều sắc lệnh hành pháp đã được chuẩn bị sẵn. Ông Trump có thể sẽ hủy bỏ nhiều sắc lệnh hành pháp của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đồng thời đưa ra một số chính sách khác biệt đáng kể so với chính quyền tiền nhiệm.

Chính sách đối nội

Tổng thống mới nhậm chức trước hết sẽ ký các giấy tờ đề cử chính thức nội các và các lựa chọn nhân sự cần sự phê chuẩn của Thượng viện. Cho đến nay, ông Trump đã đề cử 101 vị trí trong chính phủ, trong đó có dàn nhân sự chủ chốt, bao gồm ông Marco Rubio làm ứng cử viên Ngoại trưởng, ông Robert Kennedy làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, ông Pete Hegseth làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính, ông Doug Burgum làm Bộ trưởng Nội vụ, bà Linda McMahon làm Bộ trưởng Giáo dục, ông Michael Kratsios làm Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ kiêm cố vấn khoa học cho tổng thống, ông Russell Vought làm Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách, ông David Sacks làm Giám đốc phụ trách AI và tiền điện tử của Nhà Trắng, hai lĩnh vực được coi là quan trọng đối với tương lai sức cạnh tranh của nước Mỹ. 

Bất chấp những trận chiến pháp lý được cho có thể sẽ bắt đầu ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, ông Trump tuyên bố sẽ ký một loạt sắc lệnh hành pháp để đóng cửa biên giới Mỹ - Mexico và trục xuất những người di cư không có giấy tờ. Một ý định cũng gây nhiều tranh cãi khác là việc ông Trump sẽ ân xá cho hầu hết những người ủng hộ ông bị buộc tội tấn công Điện Capitol vào ngày 6/1/2021.

Ưu tiên của nước Mỹ trong chính quyền Donald Trump 2.0 - 2

Các ứng viên bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan trong nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump (Đồ họa: Dân trí).

Một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông Trump là tập trung quyền lực của chính quyền liên bang vào văn phòng tổng thống. Ông Trump sẽ ký những sắc lệnh để tái cấu trúc các cơ quan liên bang, giảm bớt số lượng công chức, tinh gọn bộ máy và đưa lại Biểu F dùng để đánh giá hiệu quả làm việc của 50.000 nhân viên liên bang.

Ông Trump tuyên bố sẽ thành lập Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) "bên ngoài chính phủ", bổ nhiệm các tỷ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy làm lãnh đạo DOGE để cung cấp "lời khuyên và hướng dẫn" cho Nhà Trắng cũng như Văn phòng Quản lý và Ngân sách nhằm tiết kiệm 2.000 tỷ USD hàng năm từ chi tiêu của chính phủ.

Tự định vị mình là người ủng hộ kinh doanh, ngày đầu tiên nhận nhiệm sở của ông Trump cũng sẽ chứng kiến những bước đi lớn hướng tới việc định hình lại chính sách kinh tế của Mỹ. Các bước đi này có thể bao gồm cam kết hủy bỏ các quy định quan trọng của chính quyền Biden, đẩy nhanh việc cấp phép khoan dầu và khai thác khí đá phiến, định vị Mỹ là nước dẫn đầu về năng lượng toàn cầu.

Ông Trump dự kiến sẽ đảo ngược các sáng kiến về khí hậu của chính quyền Biden, ngừng hỗ trợ cho xe điện và đảo ngược các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt để ủng hộ các chính sách ưu tiên phát triển nhiên liệu hóa thạch.

Dù chưa đưa ra một lộ trình cụ thể, chính sách kinh tế chủ đạo của ông Trump gần như chắc chắn sẽ ưu tiên phát triển nội lực, đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong nước. Ông từng cam kết sẽ giảm 15% thuế doanh nghiệp và giảm mạnh thuế thu nhập cá nhân, thậm chí từng đề cập khả năng bỏ luôn loại thuế này, nhằm kích thích sản xuất của doanh nghiệp và chi tiêu của người dân, giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại có thể gia tăng, khi ông Trump dự kiến bù đắp nguồn thu sụt giảm do việc giảm thuế thu nhập trong nước, bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài.

Ông đã cam kết sẽ áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, áp mức thuế ít nhất 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và mức thuế 60-100% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Gần đây, ông Trump cũng đe dọa áp thuế lên tới 100% đối với Mexico, đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Mỹ năm 2024.

Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết trong ngày nhậm chức 20/1, ông sẽ thành lập một cơ quan chính phủ mới mang tên Bộ Thuế vụ "để thu thuế, nghĩa vụ và mọi khoản thu nhập" từ các nguồn nước ngoài. Ông Trump nhấn mạnh mức thuế của ông sẽ tạo ra việc làm trong nước và giải phóng nước Mỹ khỏi sự phụ thuộc vào ngành sản xuất nước ngoài.

Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại, thuế nhập khẩu cũng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát và khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại, bị giảm sức mua tới 78 tỷ USD hàng năm. Các biện pháp thuế quan của ông Trump cũng có thể khiến quan hệ giữa Mỹ và các nước căng thẳng hơn, từ các đồng minh như châu Âu, Nhật Bản, cho tới các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại

Ưu tiên của nước Mỹ trong chính quyền Donald Trump 2.0 - 3

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Vấn đề được quan tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Trump là xung đột Nga - Ukraine, vốn đã kéo dài suốt 3 năm qua. Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử và mời các nhà lãnh đạo của cả hai bên vào đàm phán. Do đó, sau khi ông Trump nhậm chức, dư luận thế giới sẽ rất chú ý đến những hành động mà ông sẽ làm để kết thúc cuộc xung đột ngay sườn đông NATO.

Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance cho biết chính quyền mới đặt mục tiêu gây sức ép để buộc Moscow và Kiev dừng giao tranh tại tiền tuyến, củng cố các đường phân định để Nga không thể tiến công Ukraine lần nữa. Theo ông Vance, kế hoạch "giải quyết chiến sự" sẽ có điều khoản đảm bảo cho Nga rằng Ukraine sẽ duy trì vị thế trung lập, không gia nhập NATO. Ukraine vẫn giữ được độc lập và Đức cùng các nước châu Âu khác sẽ đóng góp tài chính cho Kiev tái thiết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định sẽ không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ. Tuy nhiên, ông không có nhiều lựa chọn, ngoài việc phải chấp nhận điều khoản đàm phán bởi Mỹ hoàn toàn có thể ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Điện Kremlin đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thảo luận về các nỗ lực hòa bình sau lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1. Nếu Nga chấp nhận lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống đắc cử Trump và Tổng thống Vladimir Putin do Thụy Sĩ đề nghị đăng cai, đây sẽ là một bước khởi đầu cho đối thoại giữa Nga và Ukraine.

Về xung đột Trung Đông, ông Trump có thể sẽ tiếp tục chính sách của chính quyền Tổng thống Biden nhằm cung cấp vũ khí cho Israel. Ông Trump cũng có khả năng tiếp tục thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út, nỗ lực mà ông đã thực hiện trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.

Tuy nhiên, ông Trump dự kiến thay đổi quan điểm so với chính quyền Biden trong cách tiếp cận cuộc chiến giữa Israel với Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Li Băng. Các cựu trợ lý nói ông Trump sẽ ủng hộ Israel mạnh mẽ hơn và không dùng viện trợ quân sự gây sức ép lên Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Tổng thống đắc cử Trump từng nói với Thủ tướng Netanyahu rằng ông muốn chiến sự nhanh chóng kết thúc, nhưng lãnh đạo Israel cũng nên "làm điều cần phải làm" để "giành thắng lợi quyết định" trước Hamas và Hezbollah. Ông Trump dự kiến tập trung đối phó Iran và có thể chọn gây áp lực tối đa, nhưng cũng có thể đàm phán từ đầu nhiệm kỳ để đạt thỏa thuận với Tehran.

Đối với châu Âu, lễ nhậm chức của Trump diễn ra vào thời điểm Đức và Pháp có bất ổn chính trị đáng kể, điều này cũng sẽ có tác động lan tỏa đến việc hoạch định chính sách của châu Âu.

Ông Trump kỳ vọng các thành viên NATO tại khu vực đạt mức chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng. Giới phân tích cho rằng ông Trump sẽ xem xét lại mức độ hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu và mối quan hệ đồng minh với NATO trên phương diện kinh tế, theo hướng "có đi có lại" hơn, chấm dứt thời kỳ Mỹ được coi là "người bảo trợ an ninh" của phương Tây.

Ông Trump có thể gây sức ép lên các nước thành viên NATO chia sẻ gánh nặng hỗ trợ chi phí quân sự cho Ukraine. Những áp lực tương tự cũng sẽ gia tăng với các đồng minh của Mỹ tại châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Trump được cho là vẫn sẽ duy trì áp lực cạnh tranh và tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Ông Trump cảnh báo áp thuế lên tới 200% hoặc chấm dứt quan hệ thương mại song phương, nếu Trung Quốc có hành động vũ lực với Đài Loan. Lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần khẳng định không loại trừ biện pháp vũ lực để sáp nhập hòn đảo, dù chủ trương chung vẫn là đối thoại và thống nhất trong hòa bình.

Chính sách với Trung Quốc của ông Trump sẽ cứng rắn tới mức nào phụ thuộc rất lớn vào các vị trí nội các mà Tổng thống đắc cử lựa chọn trong những ngày tới. Dù vậy, xu hướng chung hiện nay trên chính trường Mỹ vẫn là tăng cường sức ép với Trung Quốc trên các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị cho đến cạnh tranh về công nghệ, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Sức ép cạnh tranh giữa hai siêu cường sẽ tiếp tục tăng lên, khiến nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới đối mặt tình thế phải "chọn phe" gay gắt hơn.

Chính sách đối ngoại của Mỹ cũng được dự báo sẽ có những thay đổi lớn, khi ông Trump cam kết rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris một lần nữa, bất chấp việc Mỹ từng tái gia nhập thỏa thuận dưới thời Tổng thống Joe Biden. Ông Trump cũng có thể hạn chế sự hợp tác của Mỹ với các tổ chức của Liên hợp quốc mà chính quyền của ông chỉ trích, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Quan hệ Việt - Mỹ

Đối với Việt Nam, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump có cả cơ hội và thách thức. Quan hệ Việt - Mỹ luôn được sự ủng hộ của cả hai đảng lớn ở Mỹ, đã được nâng lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 và đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhất là khi hai bên kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao trong năm nay.

Tổng thống Trump cũng hai lần tới thăm Việt Nam vào các năm 2017 và 2019 với những ấn tượng cá nhân tốt đẹp. Sau khi tái đắc cử, ông Trump cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, tiếp tục thể hiện tình cảm cá nhân và coi trọng quan hệ hai nước.

Nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khía cạnh kinh tế mạnh mẽ trong quan hệ song phương, bao gồm dòng chảy vốn FDI của Việt Nam vào Mỹ phù hợp với chương trình "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump.

Tuy nhiên, việc Mỹ tăng thuế từ 10-20% đối với tất cả mặt hàng nhập khẩu có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam.

Mặt khác, với sự nổi lên của chủ nghĩa biệt lập Mỹ, Tổng thống đắc cử Trump sẽ coi trọng quan hệ song phương hơn các cơ chế đa phương. Các thể chế đa phương, vốn là nền tảng ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể không được chính quyền Trump đề cao.

Ngoài ra, tính khó dự đoán trong chính sách ngoại giao của ông Trump dù mang lại lợi thế đàm phán cho nước Mỹ, nhưng sẽ tạo ra rủi ro cho đối tác và đồng minh. Trong một thế giới ngày càng phức tạp khó lường như vậy, các nước cần phải tự chủ hơn trong các chiến lược đối ngoại để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành

Tác giả: Đại sứ Tôn Sinh Thành nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal và Bhutan nhiệm kỳ 2014-2018.