Ông Trump có thể giúp hạ nhiệt các điểm nóng thế nào trong năm 2025?
(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được kỳ vọng sẽ giúp "tháo ngòi" các điểm nóng xung đột trên khắp thế giới sau khi ông trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 4 năm tới.
Sau nhiều tháng chạy đua khốc liệt, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành chiến thắng và trở thành tổng thống đắc cử. Sau lễ nhậm chức vào ngày 20/1, ông Trump sẽ chính thức trở lại Nhà Trắng và lãnh đạo nước Mỹ thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa.
Trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ tìm cách chấm dứt các cuộc xung đột, dù ở châu Âu hay Trung Đông, để mang lại hòa bình cho thế giới. Khi ông Trump tuyên bố chiến thắng sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ, một câu hỏi được đặt ra là: Liệu tổng thống đắc cử có thực hiện đúng những gì ông đã cam kết hay không?
Giới quan sát cho rằng tính cách mạnh mẽ và cách tiếp cận "hòa bình thông qua sức mạnh" của ông Trump có thể giúp thuyết phục các nhà lãnh đạo nước ngoài thuận theo lập trường của ông và giải quyết các vấn đề "nóng" trên thế giới.
Cuộc chiến Nga - Ukraine
Sau khi ông Trump tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chúc mừng ông trên mạng xã hội, mô tả cách tiếp cận hòa bình thông qua sức mạnh của ông là "nguyên tắc có thể mang lại hòa bình công bằng ở Ukraine gần hơn".
Ông Trump từng khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không bao giờ mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022 nếu ông còn đương nhiệm ở Nhà Trắng, đồng thời nói thêm rằng "ngay cả bây giờ tôi vẫn có thể giải quyết cuộc xung đột đó trong 24 giờ".
Tổng thống đắc cử Trump không nói rõ ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào. Tuy nhiên, ông đã tiết lộ kế hoạch gặp Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky, nói rằng cả hai nhà lãnh đạo "đều có điểm yếu và điểm mạnh". Theo báo Washington Post, ông Trump tin rằng cả Nga và Ukraine đều muốn giữ thể diện và muốn tìm một lối thoát cho cuộc chiến "hao người tốn của" kéo dài gần 3 năm qua.
Ông Trump đã chỉ trích sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden đối với Ukraine và cho biết dưới thời ông, Mỹ sẽ xem xét lại việc viện trợ quân sự cho Kiev. Ông Trump cũng từng nói với hãng tin Reuters rằng Ukraine có thể phải nhượng lại lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình, điều mà Kiev phản đối.
Các chuyên gia nhận định, ông Trump một mặt có thể gây sức ép với Ukraine bằng các cam kết viện trợ, mặt khác gây áp lực với Nga bằng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn.
Một kịch bản có thể xảy ra là dưới thời chính quyền Trump, Mỹ sẽ giảm phần lớn viện trợ dành cho Ukraine, để châu Âu lấp đầy khoảng trống. Khi đó, các đối tác, đồng minh châu Âu có thể sẽ cần tăng cường hỗ trợ và không loại trừ khả năng triển khai bộ binh để huấn luyện trên lãnh thổ Ukraine.
Keith Kellogg và Fred Fleitz, hai cố vấn chủ chốt của ông Trump, đã đề xuất một kế hoạch chi tiết để giải quyết xung đột Nga - Ukraine bao gồm việc ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine đến khi Kiev đồng ý đàm phán hòa bình với Nga.
Trong khi đó, Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance, "phó tướng" của ông Trump, đã nêu ý tưởng đóng băng xung đột Nga - Ukraine bằng cách thiết lập các khu tự trị ở cả hai bên của khu phi quân sự. Ông Vance đề nghị đóng băng cuộc xung đột tại chỗ, nghĩa là Nga được giữ khoảng 20% lãnh thổ mà Moscow đã kiểm soát ở Ukraine, đồng thời buộc Ukraine tạm thời hoãn tham vọng gia nhập NATO.
Ở kịch bản tồi tệ nhất, nếu ông Trump cắt hoàn toàn viện trợ cho Ukraine, châu Âu dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể bù đắp lại. Khi đó, Ukraine sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ cả về kinh tế, quân sự.
Tình trạng thiếu nhân lực, hao mòn liên tục và nguồn tài chính hạn chế có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn cho Kiev. Kịch bản này tuy xa vời nhưng vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là trong nhiệm kỳ tổng thống khó đoán của ông Trump.
Hiện chưa rõ ông Trump sẽ thực hiện cách nào để hạ nhiệt cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng ông được dự đoán sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc dàn xếp một cuộc đàm phán nhanh chóng và hiệu quả để chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến này.
Xung đột ở Trung Đông
Những căng thẳng ở Trung Đông đã tiềm ẩn từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Khi chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, ông Trump vẫn phải đối mặt với một khu vực Trung Đông đầy biến động.
Israel đang tiến hành các cuộc chiến ở Dải Gaza, trong khi đối đầu với Iran, và lực lượng Houthi ở Yemen vẫn tiếp tục tấn công các tàu, bao gồm tàu của Mỹ, ở Biển Đỏ.
Tương tự cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng nhiều lần cam kết sẽ mang lại hòa bình cho Trung Đông, dù chưa nói rõ sẽ thực hiện bằng cách nào.
Ông Trump đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến của Israel nhằm hạ gục lực lượng Hamas ở Gaza. Tuy nhiên, ông đã hối thúc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một đồng minh của ông, phải kết thúc cuộc chiến này một cách nhanh chóng.
Ông Trump dự kiến sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel và có thể sẽ "bật đèn xanh" cho Israel giải quyết xung đột theo cách nào mà nước này cảm thấy phù hợp.
Giới quan sát vẫn còn hoài nghi về cam kết hạ nhiệt "chảo lửa" Trung Đông của Tổng thống đắc cử Trump, khi ông vừa ủng hộ việc chấm dứt xung đột vừa "kề vai sát cánh" với Israel. Palestine lo ngại ông Trump sẽ cho phép Israel sáp nhập một số phần của Bờ Tây, đồng nghĩa với việc đánh dấu sự kết thúc của giải pháp hai nhà nước.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã cân nhắc kế hoạch ủng hộ Israel sáp nhập một phần Bờ Tây, nhưng vẫn tính đến giải pháp thành lập một nhà nước Palestine độc lập, điều mà Thủ tướng Netanyahu kịch liệt phản đối.
Ông Trump đã chủ trì việc ký kết Hiệp định Abraham giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain trong nhiệm kỳ đầu. Nhưng những thỏa thuận ngoại giao này không giúp thúc đẩy nhà nước Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza.
Trong thời gian tới, ông Trump có khả năng sử dụng mối quan hệ chặt chẽ của mình với Ả Rập Xê Út để thúc đẩy một thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các nước Hồi giáo. Dù vậy, Ả Rập Xê Út vẫn nhấn mạnh điều này sẽ không xảy ra cho đến khi vấn đề về nhà nước Palestine được giải quyết.
Đối với Iran, Tổng thống đắc cử Trump có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới nếu Iran, quốc gia đã tăng cường các hoạt động hạt nhân kể từ khi ông từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran vào năm 2018.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump được dự đoán sẽ có thể quay lại chính sách trước đây, áp dụng các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn với Iran. Nếu ông Trump một lần nữa theo đuổi chiến lược "gây sức ép tối đa" với Iran như nhiệm kỳ trước.
Ông Trump từng ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Iran để đạt được một thỏa thuận mới nhằm đảm bảo nước này không phát triển vũ khí hạt nhân. Khả năng đàm phán có thể xảy ra trong bối cảnh Iran đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn về kinh tế và dễ bị tổn thương hơn sau khi Israel làm suy yếu các lực lượng ủy nhiệm của Tehran trong khu vực.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, nhiều dự báo cho rằng ông có thể khôi phục lại chính sách ngoại giao cá nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để kết thúc nỗ lực còn dang dở từ nhiệm kỳ đầu là giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa chắc chắn liệu Triều Tiên có quay lại đối thoại với Mỹ vào thời điểm nước này đang thắt chặt quan hệ với Nga hay không.
Một giả thuyết được đặt ra là Triều Tiên có thể sẽ theo đuổi cách tiếp cận thận trọng và thực tế hơn trong quan hệ với Mỹ so với cách tiếp cận trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Triều Tiên có thể sẽ tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và thúc đẩy việc gỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt.
Hồi tháng 9, ông Trump tuyên bố ông có thể giải quyết "hầu hết vấn đề" liên quan đến Triều Tiên thông qua các cuộc điện đàm hoặc các cuộc đàm phán trực tiếp. Ông Trump cũng ca ngợi mối quan hệ cá nhân và việc trao đổi thư với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Trump được cho là sẽ tìm cách thúc đẩy một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo với ông Kim Jong-un sau 3 hội nghị ở nhiệm kỳ đầu tiên. Reuters dẫn các nguồn tin cho biết "một số thành viên trong nhóm của Tổng thống đắc cử Trump cho rằng "cách tiếp cận trực tiếp" của ông Trump có khả năng cao nhất phá vỡ tình trạng bế tắc trong mối quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Triều Tiên thúc đẩy quan hệ với Nga và hai nước đã ký hiệp ước phòng thủ chung, Bình Nhưỡng có ít lý do để đàm phán với Washington. Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc Triều Tiên cấp vũ khí cho Nga, đồng thời đưa quân đến Nga để giao tranh với lực lượng Ukraine. Điều này có thể khiến căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ khó hạ nhiệt.
Đối với đồng minh Hàn Quốc, câu hỏi đặt ra là liệu Tổng thống đắc cử Trump quyết định giảm số lượng quân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc hay yêu cầu Seoul phải trả thêm tiền để đảm bảo an ninh hay không. Mỹ hiện có khoảng 28.500 quân đồn trú ở Hàn Quốc và ông Trump từng cảnh báo sẽ cân nhắc giảm quy mô lực lượng này.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên đóng vai trò là đối trọng với các lực lượng quân sự của Triều Tiên và Trung Quốc. Mỹ và Hàn Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung, trong khi Bình Nhưỡng lên án các cuộc tập trận này là hành động chuẩn bị cho kịch bản tấn công Triều Tiên.
Nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng và tìm cách cắt giảm quy mô cũng như tần suất các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt và chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng sẵn sàng bước vào bàn đàm phán.
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn đặt niềm tin vào việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực hiện cam kết hạ nhiệt các điểm nóng và tìm ra giải pháp hiệu quả cho tương lai của các cuộc xung đột. Tuy nhiên, ngoài yếu tố cá nhân của ông chủ Nhà Trắng, điều này còn phụ thuộc vào nỗ lực của các bên xung đột cũng như các yếu tố khách quan.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông tin rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump là "một người thông minh và có khá nhiều kinh nghiệm". Do vậy, ông Putin nhận định ông Trump "sẽ biết cách tìm ra giải pháp".
Theo New York Times, Reuters, Newsweek