Hé lộ chiến lược của ông Trump buộc Nga - Ukraine chấm dứt xung đột
(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ sử dụng các biện pháp cứng rắn nhằm gây sức ép với Nga trong việc giải quyết xung đột Ukraine.
Cựu Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine Kurt Volker cho biết Tổng thống đắc cử Donald Trump có kế hoạch yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin ngừng giao tranh ở Ukraine. Nếu Tổng thống Putin từ chối, ông Trump sẵn sàng gia tăng đáng kể sức ép lên Moscow.
Theo ông Volker, Tổng thống đắc cử Trump có thể để ngỏ cho Ukraine cơ hội nhận được nguồn viện trợ cần thiết và mua bất kỳ thiết bị quân sự nào, cũng như tăng cường các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu khí của Nga.
Ông Volker nhấn mạnh cách tiếp cận chính của ông Trump sẽ là thể hiện sức mạnh. Ông cũng lưu ý rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có cách tiếp cận khác khi bày tỏ sự hoài nghi và áp đặt các hạn chế, điều mà ông Volker nhận định đã khiến Tổng thống Putin có ấn tượng rằng phương Tây thiếu quyết tâm.
Ông Volker tin rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ đảo ngược chính sách bằng cách cho Tổng thống Putin thấy rằng Mỹ có đủ nguồn lực cũng như thời gian để hỗ trợ Ukraine và Nga nên ngừng chiến để tránh hậu quả tiếp theo.
Tổng thống đắc cử Trump từng nhiều lần tuyên bố ý định chấm dứt xung đột ở Ukraine trong thời gian sớm nhất có thể. Ông Trump nói rằng ông có thể đạt được lệnh ngừng bắn trong vòng 24 giờ sau các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể và tình hình ở chiến trường vẫn còn rất căng thẳng.
Theo cựu đặc phái viên Volker, ông Trump có thể sẽ tìm cách chấm dứt xung đột Ukraine một cách nhanh chóng.
Nhà khoa học chính trị Alexei Chesnakov nhận định, chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị hai kịch bản có thể xảy ra cho các cuộc đàm phán sắp tới với Nga nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine.
Kịch bản đầu tiên là nới lỏng một số lệnh trừng phạt, nếu có tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev. Đặc biệt, khả năng nới lỏng các hạn chế trong lĩnh vực năng lượng đang được xem xét, có thể bao gồm việc nâng giá trần dầu của Nga lên trên mức đã thiết lập là 60 USD một thùng.
Kịch bản thứ hai liên quan đến việc đưa ra một gói trừng phạt cứng rắn mới, nếu Nga không thể hiện sự sẵn sàng cho cuộc đối thoại mang tính xây dựng và không có hành động để hòa giải với Kiev. Các biện pháp tăng sức ép lên nền kinh tế Nga đang được thảo luận, bao gồm các hạn chế bổ sung trong lĩnh vực dầu khí.
Trước thềm lễ nhậm chức của ông Trump, chính quyền Mỹ được cho là đang cố gắng phác thảo trước các lập trường, thể hiện sự sẵn sàng trong việc cứng rắn với Nga.
Nhiều quan điểm ở Nga bày tỏ lo ngại về triển vọng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ dưới thời ông Trump. Một số quan chức cấp cao đánh giá hiệu quả của các cuộc đàm phán sắp tới là thấp.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News vào tuần trước, tướng Kellogg nói rằng ông đặt mục tiêu tìm ra giải pháp cho cuộc chiến Nga - Ukraine trong vòng 100 ngày đầu nhiệm sở của ông Trump. Mốc thời gian này vượt xa so với tuyên bố ban đầu của tổng thống đắc cử Mỹ về việc giải quyết xung đột.
Vào ngày 7/1, ông Trump thừa nhận quá trình giải quyết xung đột Ukraine có thể mất nhiều thời gian hơn. Tổng thống đắc cử Mỹ bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán của ông với Tổng thống Putin về xung đột Ukraine, cùng với các vấn đề khác, sẽ diễn ra sớm hơn trong vòng 6 tháng sau khi ông nhậm chức.
Phó Tổng thống đắc cử Mỹ J.D Vance hồi tháng 9/2024 tiết lộ, ông Trump sẽ bắt đầu đàm phán với cả lãnh đạo Nga, Ukraine và châu Âu.
Kế hoạch của ông Vance gợi ý Ukraine sẽ phải nhượng lại một số lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát một phần gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Các nước châu Âu có thể triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực phi quân sự Nga - Ukraine, song Mỹ sẽ không tham gia sứ mệnh đó.