Ukraine mất tiêm kích F-16 thứ 3: Mối đe dọa sinh tử trong không chiến
(Dân trí) - Việc Ukraine mất tiêm kích F-16 khi đang đối phó với các đòn tấn công hỏa lực của Nga cho thấy rủi ro rất lớn mà các máy bay do Mỹ sản xuất đang phải đối mặt khi làm nhiệm vụ phòng thủ cho Kiev.

Vào ngày 16/5, một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Ukraine đã bị rơi trong khi làm nhiệm vụ đánh chặn một cuộc tấn công đường không của Nga, đánh dấu tổn thất thứ 3 được xác nhận của loại máy bay này kể từ khi Ukraine bắt đầu đưa F-16 do Mỹ sản xuất vào biên chế từ tháng 8/2024.
Theo thông báo chính thức của Không quân Ukraine, vụ việc xảy ra vào khoảng 3h30 sáng theo giờ địa phương, khi tín hiệu liên lạc với chiếc F-16 bị mất. Phi công đã kịp thời nhảy dù sau một sự cố khẩn cấp chưa xác định trên máy bay và nhanh chóng được đội tìm kiếm, cứu nạn tiếp cận và đưa về an toàn.
Chiến lược dùng F-16 của Ukraine

Tiêm kích F-16 của Ukraine (Ảnh: Không quân Ukraine).
Vụ việc này tiếp tục nhấn mạnh áp lực nặng nề đang đè lên đội F-16 số lượng hạn chế của Ukraine khi các tiêm kích đang nỗ lực bảo vệ bầu trời trước các vụ tấn công bằng tên lửa, UAV của Nga.
Trong thông báo, Không quân Ukraine cho biết chiếc F-16 đang thực hiện nhiệm vụ đánh chặn cuộc tập kích đường không của đối phương. Trong quá trình tác chiến, phi công đã tiêu diệt 3 mục tiêu trên không và đang tiếp tục tấn công mục tiêu thứ 4 bằng pháo 20mm tích hợp trên máy bay.
Điều này cho thấy tình huống giao chiến có cường độ cao, ở khoảng cách gần, điều khá hiếm trong không chiến hiện đại vốn chủ yếu dựa vào tên lửa tầm xa. Việc sử dụng pháo có thể cho thấy phi công đã hết tên lửa, hoặc buộc phải sử dụng hỏa lực chính xác để diệt mục tiêu trong tình huống đặc biệt.
Trang tin Top War của Nga, dẫn nguồn ẩn danh, cho rằng chiếc F-16 đang cố gắng đẩy lùi một cuộc tập kích bằng UAV Geran. Cũng theo Top War, có đồn đoán rằng chiếc F-16 có thể đã bị bắn nhầm bởi hỏa lực phòng không mặt đất của Ukraine trong lúc các hệ thống này đang đồng thời nhắm vào bầy đàn UAV đối phương.
Tuy nhiên, các tuyên bố trên đều chưa được kiểm chứng và hiện chưa có xác nhận chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga. Giới chức Ukraine chưa phản hồi các thông tin này, nhưng khẳng định đang tiếp tục điều tra.
F-16 hiện là nòng cốt trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng không quân Ukraine nhằm đối phó với các mối đe dọa trên không từ Nga. Các máy bay F-16 mà Ukraine tiếp nhận chủ yếu đến từ Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy và Bỉ, phần lớn là biến thể Block 50/52 hoặc các mẫu cũ hơn đã được nâng cấp tương đương.
Những chiếc F-16 này được trang bị radar AN/APG-68 có khả năng phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu trong phạm vi hơn 160km, cùng hệ thống chế áp điện tử tiên tiến như pod gây nhiễu AN/ALQ-131, giúp tránh bị radar và tên lửa đối phương phát hiện.
Vũ khí của F-16 bao gồm tên lửa tầm xa AIM-120 AMRAAM, tên lửa cận chiến AIM-9 Sidewinder, và tên lửa chống radar AGM-88 HARM để tiêu diệt hệ thống phòng không đối phương. Pháo M61 Vulcan cỡ 20mm, vũ khí mà phi công Ukraine được cho là đã sử dụng trong vụ việc ngày 16/5, có tốc độ bắn lên tới 6.000 phát/phút, đặc biệt hiệu quả với mục tiêu chậm như UAV.
Việc đưa F-16 vào biên chế đánh dấu bước chuyển lớn trong học thuyết tác chiến của Ukraine. F-16 cho phép Ukraine thực hiện phòng không, tấn công mặt đất và chế áp phòng không đối phương.
Rủi ro khổng lồ

Ukraine đã mất 3 chiếc F-16 trên tổng cộng 16-18 chiếc mà họ đang sở hữu, một tỷ lệ khá cao (Ảnh: Forbes).
Tuy vậy, F-16 phải hoạt động trong môi trường đầy rủi ro, nơi Nga triển khai tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa, tác chiến điện tử và các UAV giá rẻ như Geran-2.
Các UAV này thường được phóng theo bầy đàn nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ của Ukraine, buộc lực lượng phòng không phải tiêu tốn nguồn lực lớn để ngăn chặn. Dù F-16 có thể tiêu diệt UAV bằng tên lửa hoặc pháo, nhưng số lượng máy bay hiện có của Ukraine - ước tính chỉ 16 đến 18 chiếc vào đầu năm 2025 - khiến mỗi tổn thất đều rất nghiêm trọng.
Trước vụ việc lần này, Ukraine đã mất hai chiếc F-16. Ngày 26/8/2024, Trung tá Oleksiy Mes - biệt danh "Moonfish" - thiệt mạng khi đang ngăn chặn một đợt tập kích lớn bằng tên lửa và UAV của Nga. Có đồn đoán rằng F-16 bị hệ thống Patriot bắn nhầm do một số đơn vị Patriot của Ukraine không được trang bị mạng dữ liệu chiến thuật Link 16, yếu tố được cho là gây ra sự cố. Tuy nhiên, chưa có kết luận chính thức được công bố.
Tổn thất thứ hai xảy ra vào ngày 12/4 khi Đại úy Pavlo Ivanov - cựu phi công Su-25 chuyển sang lái F-16 - thiệt mạng trong nhiệm vụ chiến đấu ở miền Đông Ukraine. Nguồn tin Nga tuyên bố máy bay bị bắn hạ bởi hệ thống S-400 hoặc tên lửa R-37, nhưng Ukraine chưa lên tiếng.
Các vụ mất máy bay đều xảy ra khi F-16 đang thực hiện nhiệm vụ đánh chặn tên lửa và UAV, phản ánh rõ vai trò ưu tiên của F-16 trong không chiến Ukraine hiện nay, hơn là đối đầu trực tiếp với tiêm kích Nga.
Vụ việc ngày 16/5 đặt ra nhiều câu hỏi về khó khăn chiến thuật khi triển khai F-16 trong môi trường chiến đấu phức tạp.
Việc phi công dùng pháo có thể phản ánh tình trạng thiếu tên lửa, hoặc chủ ý tiếp cận gần để tiết kiệm đạn cho mục tiêu quan trọng hơn. Dù UAV Geran-2 bay chậm (khoảng 190km/h) và có thể bị tiêu diệt bằng pháo, nhưng việc áp sát khiến F-16 dễ gặp rủi ro, như bị mảnh vỡ va vào, hoặc bị phòng không của quân mình bắn nhầm.
Dù được trang bị pod gây nhiễu AN/ALQ-131 và hệ thống nhận dạng địch - ta theo chuẩn NATO, việc phối hợp với hệ thống phòng không hỗn hợp của Ukraine (gồm cả thiết bị Liên Xô và phương Tây) vẫn là thách thức.
Tháng 12/2022, một chiếc MiG-29 Ukraine từng bị rơi vì va chạm với mảnh vỡ của UAV Geran bị nó vừa bắn hạ, minh chứng cho mối nguy từ không chiến tầm gần. Cũng đã có tiền lệ bắn nhầm: Tháng 1/2023, một chiếc MiG-29 Ukraine bị hệ thống 9K33 Osa của chính mình bắn nhầm.

Mối đe dọa từ hệ thống phòng không Nga như S-400 hay các tiêm kích phóng tên lửa tầm xa làm hạn chế khả năng tác chiến của F-16 Ukraine (Ảnh: Sputnik).
Việc sử dụng pháo của tiêm kích để bắn vào các mục tiêu nhỏ và có thể di chuyển chậm như tên lửa và UAV nguy hiểm hơn nhiều so với những gì người ta thường nghĩ. Khả năng đâm vào mục tiêu là một rủi ro thực sự, bên cạnh nhiều yếu tố khác. Kịch bản này đặc biệt nguy hiểm vào ban đêm.
Các chuyên gia bình luận với The War Zone: "Tốc độ và tính chất của cuộc chạm trán có thể dẫn đến việc phi công mất kiểm soát và đâm xuống đất, hoặc thậm chí đâm thẳng vào chính mục tiêu mà họ đang cố tiêu diệt. Ngoài ra còn có nguy cơ các viên đạn pháo có tính chất như lựu đạn rơi xuống mặt đất trong một khu vực khá rộng, có thể gây thương vong cho dân thường. Thực hiện việc này vào ban đêm càng khiến mức độ nguy hiểm tăng lên nhiều lần".
Việc đưa F-16 làm nhiệm vụ phòng không thay vì đối đầu trực diện với máy bay Nga là động thái mà Ukraine không có nhiều lựa chọn. So với tiêm kích Nga như Su-35 hay MiG-31 với tên lửa R-77 và R-37 tầm xa, F-16 lép vế hoàn toàn trong đối đầu trực tiếp, đặc biệt khi thiếu hỗ trợ dữ liệu thời gian thực.
Vì vậy, F-16 đã được điều động để làm nhiệm vụ phòng không tầm gần, dù rủi ro mà đội tiêm kích này phải đối mặt là rất lớn.
F-16 có thể tiêu diệt UAV bằng tên lửa AIM-120 từ xa, nhưng số lượng UAV của Nga quá lớn khiến lực lượng Ukraine luôn trong tình trạng căng thẳng. F-16 đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công này, nhưng cũng bị đẩy vào những tình huống nguy hiểm.
Dù Ukraine tuyên bố tỷ lệ đánh trúng mục tiêu của F-16 là 80% nhưng mỗi lần xuất kích tiêm kích này đều đối diện với nguy cơ khổng lồ, không chỉ từ hỏa lực Nga mà còn từ chính phòng không của Kiev.
Cuộc điều tra đang diễn ra có thể hé lộ nguyên nhân thực sự - lỗi kỹ thuật, bắn nhầm hay bị đối phương tấn công - nhưng bản thân sự kiện đã phản ánh tính khốc liệt và khắc nghiệt của cuộc chiến trên không mà Ukraine đang phải đối mặt.
F-16 với công nghệ tiên tiến mang lại lợi thế cho Ukraine, nhưng không phải "vũ khí thần kỳ" trong một cuộc chiến mà đối phương vượt trội về số lượng và sở hữu kho vũ khí khổng lồ. Khi Ukraine chờ đợi lô F-16 tiếp theo (dự kiến đạt 20 chiếc vào cuối năm 2025), trọng tâm sẽ chuyển sang cải thiện chiến thuật và phối hợp để tối ưu hóa hiệu quả chiến đấu.
Ở góc nhìn rộng hơn, vụ việc này là minh chứng cho sự chuyển dịch của tác chiến đường không hiện đại, nơi các tiêm kích truyền thống như F-16 buộc phải thích nghi với những mối đe dọa mới như UAV và tác chiến điện tử. Kinh nghiệm của Ukraine mang lại nhiều bài học cho các không quân trên thế giới, nhất là những nước đang chuyển đổi từ đội bay với tiêm kích đời cũ sang phi cơ phương Tây.
Câu hỏi đặt ra lúc này: Liệu các tiêm kích F-16 của Ukraine có thể tiếp tục xoay chuyển cục diện bầu trời, hay Nga - với UAV và phòng không ngày càng tinh vi - sẽ buộc Ukraine phải tìm một cách tiếp cận hoàn toàn mới để đạt được ưu thế trên không?
Theo Eurasian Times, War Zone, BM