DNews

Ukraine đã hạ quyết tâm phản công, tâm chấn sẽ bùng nổ ở đâu?

Minh Phượng

(Dân trí) - Quân đội Ukraine được cho là đang huy động toàn bộ lực lượng và chuẩn bị cho cuộc phản công quy mô lớn sắp tới vào mùa hè.

Ukraine đã hạ quyết tâm phản công, tâm chấn sẽ bùng nổ ở đâu?

Phương Tây tích cực góp sức để Kiev chuẩn bị phản công

Theo nguồn tin thân Nga, sau khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Thụy Sĩ, Ukraine đã nêu rõ quyết tâm tiến hành phản công cấp chiến lược trong vòng 45 ngày tới, đồng thời lấy mặt trận Kharkov và Zaporizhia làm hướng tấn công chính.

Để đảm bảo chiến dịch diễn ra suôn sẻ, Mỹ đã thiết lập các kênh vận chuyển hàng không trên khắp châu Âu và tiếp tục cung cấp vật tư quân sự cho Ukraine.

Đức, Italy, Thụy Điển và một số nước khác cũng vận chuyển xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và các vũ khí, trang bị hạng nặng khác đến chiến trường Ukraine, thông qua tuyến đường Biển Đen, qua ngả Romania.

Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng lập kế hoạch cung cấp cho Kiev thêm tên lửa hành trình Storm Shadow và đạn dược cho hệ thống tên lửa HIMARS, để tăng cường khả năng tấn công tầm xa của quân đội Ukraine.

Chiến tranh không chỉ là cuộc đọ sức mạnh quân sự, mà còn là cuộc cạnh tranh về hậu cần. Ngoài vũ khí và trang thiết bị, các nước phương Tây cũng hỗ trợ Ukraine một lượng lớn về hậu cần - kỹ thuật.

Theo Military Summary, các nước phương Tây đang tìm kiếm các trung tâm mua sắm và bãi đỗ xe ngầm phù hợp hơn ở Ukraine, để xây dựng cơ sở bảo trì thiết bị phương tiện và cơ sở y tế với sức chứa tới 30.000 người bị thương.

Các bác sĩ quân y từ Đan Mạch, Anh, Italy, Croatia, Hà Lan, Bỉ và các nước khác sẽ thành lập một đội y tế với hơn 2.300 người, dự kiến sẽ đến Ukraine để điều trị y tế kịp thời cho các binh sĩ ở tuyến đầu.

Ngoài ra, một số nước NATO được cho là cũng sẽ cử chuyên gia quân sự tới Ukraine để hỗ trợ vận hành các hệ thống tác chiến điện tử và cung cấp thông tin tình báo quan trọng cũng như khả năng can thiệp điện tử.

Có thể nói lực lượng Kiev hiện nay đã hoàn toàn hòa nhập vào hệ thống quân sự của phương Tây, gần như không cần phải cân nhắc điều gì khác, ngoại trừ việc tuyển quân.

Các hoạt động quân sự của Ukraine, từ việc phát lương cho binh sĩ, cung cấp vũ khí, vận hành thiết bị kỹ thuật đến xây dựng cơ sở bảo trì và hỗ trợ dịch vụ y tế - quân y, đến hậu cần, vận tải và hỗ trợ tình báo, trinh sát và tác chiến điện tử,… gần như hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ và hỗ trợ của phương Tây.

Khả năng tồn tại của Ukraine đến thời điểm hiện tại phần lớn là nhờ sự giúp đỡ và ủng hộ nhiệt thành đó, bởi nếu không thì sức mạnh quân sự của nước này có thể đã bị "xóa sổ" từ lâu.

Vì vậy, nhìn một cách khách quan mà nói, Nga đang thực sự chiến đấu với toàn bộ khối NATO, ngoại trừ hầu hết binh sĩ là người Ukraine.

Để chuẩn bị cho đợt phản công này, Kiev đã tập hợp 100.000 quân cơ động theo hướng Kharkov và Zaporizhia, được cho là sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào. Theo thông tin, hơn 5.000 "lính biệt kích tù nhân" đã được điều động tới hướng Kharkov và đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến ở thành phố Volchansk.

Ukraine đã hạ quyết tâm phản công, tâm chấn sẽ bùng nổ ở đâu? - 1

Xe tăng Leopard 2 của Quân đội Ukraine (Ảnh: Domena Publiczna).

Bên nào ra đòn trước sẽ nắm thế chủ động tốt hơn

Mặc dù đã xuất hiện không ít thông tin đồn đoán về việc Kiev dự định tổ chức phản công quy mô lớn, tuy nhiên, dường như thế và lực của họ vẫn chưa "thuận".

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ cho hay: "Sự hỗ trợ an ninh kịp thời và phù hợp của phương Tây vẫn là yếu tố quyết định khi nào và ở mức độ nào lực lượng Kiev có thể thách thức thế chủ động của Nga trên chiến trường và tiến hành các hoạt động phản công quan trọng trong tương lai".

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg ngày 3/7, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng, lực lượng Kiev đang ở vị thế tốt hơn về mặt nhân lực so với vài tháng trước, và khả năng tiến hành một cuộc phản công trong tương lai phụ thuộc vào việc các lữ đoàn được trang bị vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân, xe tăng và pháo hạng nặng.

Theo ISW, dường như ông Zelensky ám chỉ ít nhất 10 lữ đoàn mới của Ukraine đã được lên kế hoạch thành lập.

Chỉ huy lữ đoàn Ukraine hoạt động gần Chasov Yar cũng đưa ra đánh giá tương tự ở cấp độ chiến thuật rằng, lực lượng Kiev trong khu vực cần đạn dược hơn là nhân lực.

Tổng thống Zelensky cho biết, thiết bị quân sự mất quá nhiều thời gian để đến mặt trận và nhắc lại bình luận của ông về việc dòng viện trợ an ninh chậm chạp từ Mỹ đang cản trở nỗ lực của Kiev trong việc trang bị đầy đủ cho các lữ đoàn dự bị để tham gia hoạt động phòng thủ chứ chưa nói đến phản công.

Trong những tháng gần đây, truyền thông Ukraine liên tục lưu ý đến việc thiếu nguồn lực vật chất để trang bị cho tất cả các lữ đoàn mới đang được thành lập của quân đội nước này.

Các báo cáo hiện tại cũng chỉ ra rằng Kiev sẽ không thể trang bị đầy đủ cho tất cả các lữ đoàn nếu không có sự hỗ trợ thêm từ phương Tây.

Ukraine không đủ thời gian và sự linh hoạt để chờ đợi sự hỗ trợ an ninh của phương Tây nhằm trang bị cho các đơn vị mới.

Lực lượng Moscow đang cố gắng sử dụng thế chủ động trên chiến trường để buộc Kiev phải cung cấp nhân lực và trang thiết bị cho các hoạt động phòng thủ và ngăn chặn đối phương tích lũy nhân sự và nguồn lực mang tính quyết định cần thiết để giành lại thế chủ động.

Dù vậy, đối với quân đội Nga, đây chắc chắn là một thách thức rất lớn. Kế hoạch ban đầu của Nga là chống chọi với cuộc phản công mùa hè vào năm 2023, và sau khi hút cạn tiềm lực chiến tranh của Ukraine, sẽ tiến hành một cuộc phản công cấp chiến lược vào năm 2024, để kiểm soát toàn bộ miền đông và hoàn thành nhiệm vụ cốt lõi của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Nhưng rõ ràng là, do công tác hỗ trợ hậu cần, cung cấp vũ khí và bổ sung quân của lực lượng Moscow không tiến triển đủ nhanh, nên Kiev nhiều khả năng sẽ hoàn tất việc chuẩn bị phản công trước. Nếu điều đó xảy ra, kế hoạch đạt mục tiêu tác chiến và chấm dứt hoạt động quân sự đặc biệt vào năm 2024 của Nga sẽ gặp khó khăn rất lớn.

Nga luôn có truyền thống đánh phủ đầu, tức là ra đòn trước khi đối phương mở chiến dịch phản công, để kiềm chế đối phương. Trong Thế chiến thứ hai, quân đội Liên Xô đã sử dụng thành công chiến thuật này và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, trên chiến trường hiện nay, dù là Kiev hay Moscow, bên nào phát động cuộc tấn công chiến lược trước bên đó sẽ nắm chìa khóa xác định hướng đi và giành thế chủ động tốt hơn. Hiện tại, tình hình tại thực địa tương đối bế tắc. Quân đội Nga lợi thế hơn đôi chút nhưng tiến triển chậm.

Thế nên, một khi Ukraine hoặc Nga tiến hành một cuộc tấn công chiến lược, nó có thể phá vỡ sự cân bằng hiện tại và làm thay đổi đáng kể cục diện.

Ukraine đã hạ quyết tâm phản công, tâm chấn sẽ bùng nổ ở đâu? - 2

Pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất được đánh giá là loại vũ khí thay đổi cuộc chơi tại Ukraine (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Quyết tâm có thừa, nhưng...

Theo truyền thông Nga, trong mọi trường hợp, kể cả đang ở thế bị động, hụt hơi và thiếu thốn trăm bề nhưng nhiều khả năng quân đội Ukraine vẫn sẽ hành động.

Các nguồn tin Ukraine cho biết, trong cuộc họp tại Bộ Tổng tư lệnh, Tổng thống Zelensky đã yêu cầu Tổng tư lệnh Alexander Syrsky tiến hành một cuộc phản công, nhằm "báo cáo kết quả viện trợ của phương Tây", tại hội nghị thượng đỉnh NATO, sẽ được tổ chức tại Mỹ vào giữa tháng 7.

Nhưng liệu Ukraine ngày nay đã hội tụ đủ điều kiện để thực hiện một chiến dịch tấn công lớn hay không? Và nếu phản công, thì Quân đội Ukraine sẽ đột phá ở đâu?

Các chuyên gia phân tích cho rằng, những bài học "đẫm máu" trong cuộc phản công của Ukraine mùa hè năm ngoái ở Zaporizhia vẫn còn nguyên, khi các mục tiêu chính của chiến dịch không đạt được, mặc dù họ chuẩn bị tương đối đầy đủ.

Do vậy, khả năng xảy ra một cuộc phản công vào năm 2024 sẽ thấp. Bây giờ là tháng 7 và Ukraine vẫn chưa có động lực về vấn đề này. Các lữ đoàn của Ukraine tạo nên nắm đấm xung kích vẫn đang trong quá trình thành lập.

Ngoài ra, chất lượng quân số của các đơn vị mới được thành lập, không thể so sánh với các đơn vị năm ngoái được huấn luyện theo tiêu chuẩn NATO. Kiev vẫn chưa nhận được máy bay chiến đấu của phương Tây và nếu thiếu ưu thế trên không, thì khó có thể nói về sự thành công của một chiến dịch trên bộ.

Chúng ta không nên quên rằng, thời gian thuận lợi cho cuộc phản công ở chiến trường Ukraine là rất ngắn bởi đến tháng 10, trời sẽ bắt đầu mưa, đường sá, đồng ruộng trở nên lầy lội, khiến việc sử dụng xe bọc thép hạng nặng gần như không thể thực hiện được. Thiếu những nắm đấm thép quyết định, bất cứ chiến dịch nào đều lộ rõ sự thất bại từ ngay trước giờ nổ súng.

Vì vậy, quyết tâm của Tổng thống Zelensky nêu tại cuộc họp ở Bộ Tổng tư lệnh tối cao là hợp lý. Nếu Ukraine tấn công thì phải hành động ngay lập tức.

Nhưng giới tướng lĩnh Ukraine phải đối mặt với một câu hỏi khác, đó là họ nên tấn công theo hướng nào? Nỗ lực lặp lại chiến thuật năm ngoái nhằm chiếm "cửa tử Rabotino" dường như rất đáng nghi ngờ, khi trong vòng 6 tháng, với 11 lữ đoàn "chuẩn NATO", nhưng Quân đội Ukraine không thể tiến sâu hơn được 10km.

Kharkov? Hướng tiến công này sẽ đầy hứa hẹn, nhưng không phải từ quan điểm quân sự mà từ quan điểm chính trị và mặt trận thông tin tuyên truyền. Quân đội Nga đã chiếm một diện tích khá lớn trên lãnh thổ khu vực này và nếu Quân đội Ukraine phản công tại đây, chắc chắn họ sẽ bị pháo binh và không quân Nga đè bẹp.

Ví dụ điển hình là việc Ukraine tung binh lực áp đảo, phản công dữ dội nhằm chiếm lại làng Glubokoye trên hướng Liptsy gần Kharkov nhưng quân Nga vẫn giữ vững thế trận, loại khỏi vòng chiến nhiều tay súng và vũ khí trang bị của đối phương.

Trong khi đó, ở hướng thành phố Volchansk diễn ra các trận đánh trên đường phố, quân Nga ở đây chẳng những không bị đánh bật mà còn đang tiến lên, dù rất chậm.

Một lựa chọn khả thi khác cho cuộc phản công của Ukraine là khu vực Kherson. Quân đội Ukraine cố gắng vượt sông sang các hòn đảo ở bờ nam sông Dnieper, cố gắng tạo ra thứ gì đó giống như đầu cầu đổ bộ ở đây. Nhưng cho đến nay, mọi nỗ lực này đều đã bị lính dù Nga ngăn chặn thành công.

Về vấn đề này, các chuyên gia xác định một đoạn khác trên đường chiến tuyến hội đủ điều kiện thuận lợi nhất để Ukraine phát động phản công. Đó chính là hướng Nam Donetsk, do lực lượng Kiev đã tập trung nhiều lực lượng dự bị tới đây.

Quân đội Ukraine cũng đang điều lực lượng pháo binh tầm xa tới đây, bao gồm cả hệ thống pháo cơ động cao HIMARS của Mỹ. Nhưng hiện nay chúng được sử dụng chủ yếu cho các trận phản pháo.

Bộ chỉ huy Quân đội Ukraine chắc chắn thừa hiểu rằng một cuộc tấn công lúc này là rủi ro lớn. Nếu ngay cả cuộc phản công được chuẩn bị kỹ lưỡng vào năm ngoái cũng thất bại, thì liệu nó có đáng để phát động một cuộc phản công mới không?

Tuy nhiên, việc đứng yên còn tệ hơn với quân đội Ukraine. Giống như trong bóng đá, nếu bạn không ghi bàn, đối phương chắc chắn sẽ ghi bàn vào lưới bạn. Do đó, ít nhất có thể dự đoán được một nỗ lực tiến hành một cuộc tấn công lớn của Quân đội Ukraine. Nhưng thành công của nó, xét đến tất cả các yếu tố trên, là rất đáng nghi ngờ.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine