(Dân trí) - Nga dường như đang áp dụng chiến thuật tập kích ồ ạt vào các mục tiêu hạ tầng năng lượng trọng yếu của Ukraine trong nỗ lực nhằm làm chậm tốc độ phản công của Kiev.
TÍNH TOÁN CỦA NGA SAU CHIẾN THUẬT TRÚT "MƯA" TÊN LỬA VÀO UKRAINE
Nga dường như đang áp dụng chiến thuật, tập kích ồ ạt vào các mục tiêu hạ tầng năng lượng trọng yếu của Ukraine trong nỗ lực nhằm làm chậm tốc độ phản công của Kiev.
CHIẾN THUẬT MƯA TÊN LỬA
Liên tiếp hai ngày 10-11/10, Nga thực hiện cuộc tập kích quy mô lớn nhằm vào hàng loạt thành phố của Ukraine, kể cả những nơi xa chiến tuyến. Quân đội Ukraine cho biết, trong ngày đầu tiên, Nga phóng ít nhất 87 tên lửa, sử dụng 24 máy bay không người lái cho cuộc tấn công.
Theo cơ quan khẩn cấp Ukraine, vụ tập kích khiến 19 người thiệt mạng, 105 người bị thương, gây hư hại nhiều hạ tầng quan trọng, hơn 300 khu dân cư ở 4 tỉnh mất điện, mất nước. Những mục tiêu tên lửa Nga nhắm đến là các nhà máy điện, cơ sở năng lượng ở khu vực Kiev, Lviv, Kharkov và Zhitomir. Ngoài ra, một số cơ quan an ninh của Ukraine cũng bị tấn công.
Giới chức Nga cho biết, các đợt tập kích vào hạ tầng quân sự và năng lượng của Ukraine nhằm đáp trả việc Kiev bị cho là đứng sau vụ đánh bom cầu huyết mạch Kerch hay cầu Crimea hôm 8/10.
Các chuyên gia cho rằng, diễn biến những ngày qua đánh dấu bước ngoặt nguy hiểm mới trong xung đột giữa Nga và Ukraine. Moscow được cho là đã thay đổi chiến thuật tập kích sau những tổn thất do chiến dịch phản công của Ukraine vài tuần trở lại đây.
Trong vòng chưa đầy một tháng, cuộc giao tranh tại Ukraine đã bất ngờ chuyển hướng từ một trận chiến pháo binh dữ dội dọc các chiến tuyến, dự kiến kéo dài đến mùa Đông sang một cuộc xung đột đa cấp độ, leo thang nhanh chóng. Theo quân đội Ukraine, hai đợt tập kích đầu tuần này cho thấy Nga đang áp dụng chiến thuật mới gồm tập kích tên lửa tầm xa, quy mô lớn vào các hạ tầng quân sự và năng lượng của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, chiến thuật của Nga dùng tên lửa và máy bay không người lái ồ ạt tấn công hạ tầng năng lượng của Ukraine là "gây hoảng loạn và hỗn loạn, gây thiệt hại nhiều nhất có thể".
Giới chức Ukraine cho hay, khoảng 30% cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này bị hư hại, buộc họ phải tạm ngừng xuất khẩu điện để đảm bảo nhu cầu trong nước. Với kết quả này, Nga phần nào đạt được mục tiêu làm gián đoạn nguồn cung điện của Ukraine cho châu Âu - những nước đang tìm cách đa dạng nguồn cung để giảm phụ thuộc vào Nga.
Trong khi đó, Vitalii Kim, người đứng đầu chính quyền tỉnh Mykolaiv của Ukraine, cho rằng chiến thuật mới của Nga dường như để xác định điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine.
"Thứ nhất, Nga muốn người Ukraine phải trú trong hầm. Thứ hai, họ đang thử hệ thống phòng không của chúng ta, xem đâu là điểm yếu mà họ có thể tấn công ồ ạt", ông Kim nhận định.
TÍNH TOÁN CỦA NGA
Nhiều tháng qua, truyền thông Nga khẳng định nước này chỉ tấn công các mục tiêu quân sự ở Ukraine, song hàng triệu người dân Ukraine lại đang hứng chịu hậu quả của những đợt tấn công dồn dập, mà gần đây nhất là đợt không kích nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine vào ngày 10/10. Đây là tín hiệu cho thấy áp lực ngày càng lớn đặt lên vai Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan tới diễn biến chiến sự ở Ukraine.
Phe cứng rắn cho rằng Nga chưa quyết liệt ở Ukraine. Một số nhà lập pháp Nga kêu gọi ông Putin sử dụng thuật ngữ "chiến dịch chống khủng bố" thay cho "chiến dịch quân sự đặc biệt". Sergei Markov, cựu nghị sĩ đảng Nước Nga Thống nhất, cho rằng vụ tấn công cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea là bằng chứng cho thấy "Mỹ và chính quyền Ukraine sẽ ngày càng lấn tới lằn ranh đỏ".
Greg Yudin, giáo sư triết học chính trị tại Trường Khoa học Xã hội và Kinh tế Moscow, bình luận vụ tấn công nhằm vào cầu Crimea có nghĩa là Điện Kremlin không còn lựa chọn nào khác ngoài nhượng bộ hoặc tăng cường tấn công vào Ukraine.
Ông Putin được cho là cũng đang đặt cược giới tinh hoa Nga nói riêng và công chúng nói chung sẽ xem các cuộc tập kích hàng loạt thành phố Ukraine là dấu hiệu của sức mạnh, chứ không phải nỗ lực nhằm gây thêm sự thống khổ cho người dân Ukraine.
Ông mô tả đợt không kích vừa qua là để đối phó với các hành động "khủng bố" của Ukraine, coi đó là cuộc tấn công một lần để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai của Ukraine vào lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, ông Putin không đề cập đến phương Tây, khác biệt so với những bài phát biểu thường thấy của Điện Kremlin. Sự thay đổi này là một tín hiệu cho thấy, có thể ông Putin mong muốn kiểm soát tình hình chiến sự đang leo thang và không có ý định phát động một cuộc xung đột trực tiếp với NATO.
Theo các chuyên gia, chiến thuật tập kích mới cũng là một phần trong tính toán của Nga nhằm làm phân tán nỗ lực của Ukraine cho chiến dịch phản công ở miền Đông và miền Nam, buộc Kiev phải "chia lửa" cho cả những khu vực xa tiền tuyến.
Igor Girkin, cựu sĩ quan tình báo Nga, nhận định chiến thuật mới của Nga có thể tác động nhất định đến tình hình trên chiến trường Ukraine trong vài tuần tới khi Kiev có thể phải dàn mỏng lực lượng ở chiến tuyến, lùi về bảo vệ hậu phương. "Tác động sẽ không xuất hiện ngay lập tức, mà sẽ rõ ràng hơn sau vài tuần nữa, với điều kiện các đợt tập kích diễn ra liên tục và có hệ thống, nhắm vào những mục tiêu trọng yếu", ông Girkin đánh giá.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, Nga khó duy trì chiến thuật mới trong thời gian dài với nguồn lực tên lửa hạn chế sau gần 8 tháng xung đột, đặc biệt trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung linh kiện, thiết bị công nghệ do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
PHÒNG THỦ CỦA UKRAINE LỘ ĐIỂM YẾU
Trong khi chưa thể xác định tác động của các cuộc tập kích của Nga đối với cục diện chiến sự thời gian tới, nhưng nó cho thấy một thực tế rằng, với một quốc gia lớn như Ukraine, việc phòng vệ hoàn toàn trước các cuộc tập kích từ mọi hướng vô cùng khó khăn kể cả khi Kiev đã cải thiện năng lực phòng không.
"Vấn đề không phải là Ukraine không có bất kỳ hệ thống phòng không nào, mà là không đủ để bảo vệ một quốc gia lớn như vậy và các tên lửa cũng có thể đến từ nhiều hướng", một cố vấn quốc phòng phương Tây nhận định.
Để có chiến dịch phản công hiệu quả ở miền Đông và miền Nam những tuần qua, Ukraine buộc phải chuyển bớt một số hệ thống phòng không ra tiền tuyến. Điều này dẫn đến lá chắn phòng không cho các khu dân cư xa tiền tuyến mỏng đi.
"Họ có rất ít hệ thống phòng không tầm xa, có độ chính xác cao. Họ cần nhiều hơn nữa", một quan chức phương Tây cho hay.
Ông Vadym Prystaiko, Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh, nói với Financial Times rằng, Kyiv đã chỉ thị cho các nhà ngoại giao của họ ở phương Tây thúc đẩy viện trợ thêm thiết bị phòng không.
Cũng theo các chuyên gia quân sự phương Tây, khả năng phòng thủ cho các khu dân cư của Ukraine hạn chế một phần do những thách thức công nghệ mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải đối mặt. Nhưng nó cũng cho thấy sự chậm trễ của Ukraine trong việc tiếp thu các hệ thống phòng không tinh vi từ phương Tây.
Dù hệ thống phòng không hạn chế của Ukraine đã rất hiệu quả khi chống lại được máy bay chiến đấu và trực thăng Nga, song tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga lại mang đến thách thức lớn hơn nhiều, đặc biệt là khi chúng nhắm vào lưới điện Ukraine và các cơ sở hạ tầng khác ở những khu vực đông dân cư, Philip Breedlove, tướng nghỉ hưu của Không quân Mỹ và cựu chỉ huy của NATO, nhận định.
Theo tướng Breedlove, các hệ thống phòng không hiện tại của Ukraine có thể đối phó các cuộc tấn công từ máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định của Nga, "nhưng lực lượng này không được trang bị tốt để phòng thủ tên lửa đạn đạo hoặc hành trình".
Michael Kofman, một chuyên gia về quân đội Nga tại tổ chức nghiên cứu CNA, cho hay một hệ thống phòng không hiệu quả đòi hỏi phải có các thiết bị có thể ngăn chặn được các cuộc tấn công từ nhiều mối đe dọa khác nhau ở các độ cao khác nhau. Để có một hệ thống như vậy là một việc rất tham vọng và những gì Ukraine hiện có là không đủ.
Ông nói: "Một hệ thống phòng không và tên lửa hiệu quả đòi hỏi phải bố trí nhiều loại hệ thống khác nhau để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng. Tóm lại, phương Tây đã chậm trễ trong việc trang bị cho Ukraine một hệ thống phòng không, thứ mà sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong những tháng tới của chiến sự".
SỨC ÉP VỚI PHƯƠNG TÂY
Các đợt tập kích tên lửa của Nga chắc chắn sẽ gây áp lực các đồng minh và đối tác của Ukraine ở phương Tây, những nước còn khá do dự trong việc cấp thêm cho lực lượng Ukraine hệ thống phòng không và vũ khí tầm xa tiên tiến nhất. Phương Tây một lần nữa đứng trước lựa chọn khó khăn: Cấp vũ khí hiện đại hơn để giúp Kiev giành một chiến thắng quyết định hay chỉ hỗ trợ phòng vệ.
Những ngày qua, giới chức Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí tầm xa, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, lá chắn tên lửa hiện là ưu tiên hàng đầu của nước này. Lá chắn trên không cũng là 1 trong 5 điều kiện tiên quyết trong công thức hòa bình do ông Zelensky đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo G7 hôm 11/10. Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng cho biết: "Chúng tôi đang rất cần các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại hơn để cứu sống những người dân vô tội. Tôi kêu gọi các đối tác đẩy nhanh tốc độ bàn giao".
Những lời kêu gọi của Ukraine sẽ được thảo luận tại hai cuộc họp ở Brussels có sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng NATO và buổi còn lại của Nhóm liên lạc quốc phòng (gồm 50 quốc gia viện trợ cho Ukraine), trong tuần này.
Đầu tháng 7, Mỹ thông báo sẽ cung cấp cho Ukraine hai hệ thống phòng không tiên tiến, được gọi là Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS). Đây là vũ khí cần phải có hợp đồng sản xuất và được chế tạo nội bộ, thay vì lấy từ các kho hiện có.
"Chúng tôi dự kiến những khí tài này sẽ tới Ukraine trong vòng vài tuần tới khi các hệ thống sẵn sàng và quá trình huấn luyện hoàn tất", một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay hôm 10/10. Quan chức này cũng nói thêm, có thể mất vài năm để mua và chuyển giao thêm 6 hệ thống nữa cho Ukraine nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Kiev.
Cho tới lúc đó, Mỹ tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển giao các hệ thống phòng không từ thời Liên Xô vốn đã quen thuộc với quân đội Ukraine. Tháng 4, Slovakia đã điều động một hệ thống S-300 được trang bị cho hệ thống tên lửa Patriot do quân đội Mỹ vận hành. Lầu Năm Góc cho biết, họ sẽ tham vấn với chính phủ Slovakia về một giải pháp lâu dài hơn.
Hạ nghị sĩ Elissa Slotkin, một cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, cho rằng, Mỹ nên xem xét cung cấp các khẩu đội Patriot và hệ thống phòng không C-RAM. C-RAM là khẩu đội súng bắn đạn xích, thường được sử dụng bảo vệ các căn cứ của Mỹ ở Trung Đông khỏi hỏa lực tên lửa, pháo và súng cối.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đức đầu tuần này cho hay, tổ hợp đầu tiên trong số 4 hệ thống phòng không IRIS-T mà họ hứa giao cho Ukraine sẽ được bàn giao trong vài ngày tới. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định, Đức đang làm mọi thứ có thể để nhanh chóng viện trợ cho Ukraine.
Cùng ngày, trong thông điệp gửi đến Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nhấn mạnh: "Chúng ta phải cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine với tư cách là đồng minh, để người Ukraine có thể bảo vệ các thành phố và dân thường của họ".
Ukraine đang rất quan tâm đến các hệ thống phòng không mà quân đội Pháp sử dụng, bao gồm cả SAMP/T. Tuy nhiên, báo Le Monde đưa tin, một trong những lý do khiến Pháp lưỡng lự đó là kho dự trữ của họ rất hạn chế.
Về phần mình, giới chức Pháp cho biết họ làm như vậy vì thận trọng. Họ cũng lập luận, việc giao vũ khí, gồm 18 khẩu pháo tự hành CAESAR có độ chính xác cao, là những vũ khí quan trọng trên chiến tuyến. Pháp đang đàm phán để chuyển các khẩu pháo CAESAR vốn được Đan Mạch đặt hàng trước đó sang Ukraine.
Bất chấp những tuyên bố này, chưa có dấu hiệu cho thấy các đồng minh, đối tác phương Tây sẽ đẩy nhanh tốc độ bàn giao hoặc cung cấp vũ khí tầm xa hơn cho Ukraine. Một phần bởi họ không muốn vượt lằn ranh đỏ trở thành một bên tham chiến trực tiếp chống lại Nga.
Minh Phương
Theo New York Times, Washington Post, FT, AP