1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia nhận định mục đích của Nga khi tập kích tên lửa khắp Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng Moscow có thể coi hành động tấn công cầu Crimea là lằn ranh đỏ mà Kiev đã vượt qua trước khi Nga tập kích tên lửa vào một loạt thành phố ở Ukraine.

Chuyên gia nhận định mục đích của Nga khi tập kích tên lửa khắp Ukraine - 1

Xe ô tô bị thiêu rụi sau trận tập kích tên lửa của Nga ở Kiev, Ukraine hôm 10/10 (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga hôm 10/10, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng chiến dịch không kích tên lửa của Moscow nhằm vào hàng loạt thành phố ở Ukraine là phản ứng đáp trả không chỉ đối với vụ tấn công cầu Crimea, mà còn "một loạt hành động khủng bố khác" của Kiev trong những tháng gần đây nhằm vào cơ sở hạ tầng Nga, thậm chí cả các thành phố và người dân Ukraine.

Giới chức Nga cho biết một xe tải có bom đã phát nổ khiến cây cầu nối liền bán đảo Crimea với đất liền Nga bị hư hại và 3 người thiệt mạng. Tổng thống Putin cáo buộc Ukraine đứng sau vụ việc này, đồng thời gọi đây là "cuộc tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Nga". 

Ukraine không nhận trách nhiệm về vụ nổ cầu Crimea, nhưng giới chức nước này đã lên tiếng ủng hộ vụ việc, thậm chí cảnh báo đây mới chỉ là "sự khởi đầu".

Ông Putin nói rằng các hành động của chính quyền Ukraine đặt họ "ngang hàng với các nhóm khủng bố đáng sợ nhất", và Nga không thể "bỏ mặc những hành động như vậy". Tổng thống Nga cảnh báo nếu các hành vi khủng bố chống lại Nga tiếp diễn, các phản ứng của Moscow "sẽ quyết liệt và có quy mô tương xứng với mức độ đe dọa gây ra".

Các cuộc không kích của quân đội Nga hôm 10/10 nhằm vào cơ sở hạ tầng trên một khu vực kéo dài hơn 1.000km tại Ukraine. Hạ tầng điện và các mục tiêu quân sự trải dài từ Kharkov và Dnepropetrovsk đến Odessa, Kiev, Ternpol và Lvov đã bị tấn công bằng tên lửa, khiến nhiều khu vực tạm thời mất điện.

"Tôi nghĩ Nga muốn cảnh báo rằng, một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng như cầu Crimea sẽ thể hiện một lằn ranh đỏ và nếu Ukraine vượt qua lằn ranh đó, bản chất của cuộc xung đột sẽ bị thay đổi. Do vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy biểu hiện của điều này. Nga không nói đùa", Scott Ritter, cựu sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ, thanh tra của Liên Hợp Quốc về kiểm soát vũ khí và là nhà phân tích quân sự độc lập, nói với Sputnik.

"Tôi không biết Ukraine nghĩ họ sẽ đạt được gì nếu tấn công cầu Crimea. Đó là câu hỏi chỉ Ukraine mới có thể trả lời được khi đã hiểu rõ toàn bộ mức độ đòn trả đũa (của Nga). Nhưng sự trả đũa này có thể kéo dài theo thời gian và rất có thể sẽ rất tàn khốc. Đây là một thảm kịch đối với Ukraine. Tôi không nói rằng Nga không có lý khi trả đũa, nhưng tôi cho rằng điều này lẽ ra không cần thiết phải xảy ra. Và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Ukraine nếu họ tấn công cầu Crimea", chuyên gia Ritter nói.

Chuyên gia nhận định mục đích của Nga khi tập kích tên lửa khắp Ukraine - 2

Đám cháy lớn trên cầu Crimea sau vụ nổ hôm 8/10 (Ảnh: Twitter).

Nhà phân tích trên chỉ ra rằng, trong 8 tháng xung đột tính đến thời điểm hiện tại, Nga chủ yếu tập trung vào các mục tiêu quân sự trong chiến dịch tại Ukraine và tránh giao tranh theo cách quân đội Ukraine từng làm khi tấn công các mục tiêu dân sự ở Donbass từ năm 2014.

Theo chuyên gia Ritter, ngay cả trong cuộc tập kích tên lửa hôm qua, Nga cũng nhắm vào các mục tiêu hợp pháp "theo luật chiến tranh". "Chúng là những mục tiêu cơ sở hạ tầng hợp pháp. Chúng là những mục tiêu chỉ huy và kiểm soát hợp pháp. Đây không phải là một cuộc tấn công vào các trung tâm dân thường vô tội. Vì vậy, có sự khác biệt rõ rệt giữa cách Nga tiếp cận xung đột chiến lược và Ukraine tiếp cận xung đột chiến lược", chuyên gia Ritter cho biết thêm.

Ông Ritter cho rằng, Nga đã thực hiện cách tiếp cận kiềm chế đối với cuộc xung đột tại Ukraine và không có ý định leo thang xung đột đến mức này. Chuyên gia nhận định Nga rõ ràng có những mục tiêu hạn chế và đang áp dụng những biện pháp quân sự hạn chế để đạt được những mục tiêu đó.

Stevan Gajic, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Châu Âu có trụ sở tại Belgrade, chỉ ra rằng phương Tây đã "tham gia một cách hiệu quả vào các nỗ lực chiến tranh chống lại Nga" trong nhiều tháng qua. Giáo sư Gajic cho biết các nước Tây Âu và tất cả thành viên NATO đang cung cấp viện trợ quân sự và vũ khí sát thương cho Ukraine.

Chuyên gia Ritter cũng cho rằng Mỹ và các đồng minh chịu trách nhiệm về cuộc xung đột này.

"Đây là lỗi của phương Tây. Phương Tây huấn luyện quân đội Ukraine. Phương Tây không bao giờ lùi bước trước sự mở rộng của NATO. Phương Tây đã từ chối đề xuất ngoại giao của Nga vào tháng 12 năm ngoái, sau đó phương Tây đã biến những gì có thể là một cuộc giao tranh quân sự hạn chế thành một cuộc xung đột chiến lược toàn diện giữa phương Tây, bao gồm NATO và Nga trên lãnh thổ Ukraine. Phương Tây cung cấp vũ khí, thông tin tình báo, huấn luyện, thông tin liên lạc, hậu cần. Đây là cuộc chiến giữa NATO cùng các đồng minh châu Âu khác, sử dụng Ukraine làm lá chắn để chống lại Nga. Họ chịu trách nhiệm 100% về mọi thứ đã và sẽ xảy ra ở Ukraine", chuyên gia Ritter nói.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine