Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc ngày càng thực chất, hiệu quả
Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng gần gũi, hai nước tương đồng về thể chế chính trị và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, hội tụ đầy đủ các ưu tiên cao nhất, là lựa chọn chiến lược trong tổng thể chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Đảng Cộng sản Trung Quốc có quan hệ truyền thống với Đảng ta, từng kề vai sát cánh trong chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Và trong bối cảnh mới, Việt Nam rất chú trọng phát triển quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước.
Tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, thực chất với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu, có ý nghĩa quyết định tới gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của đất nước, là yếu tố không thể xem nhẹ để khắc phục những tồn tại giữa hai nước.
Việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có thể được thực hiện trên các khía cạnh sau:
Tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực
Hai nước cần tăng cường hợp tác thực chất trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân; duy trì phối hợp, hợp tác trong các cơ chế, diễn đàn đa phương; phối hợp quản lý tốt biên giới đất liền và kiểm soát tốt bất đồng, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở trên biển. Hai nước có thể khai thác lợi thế cửa ngõ biên giới đất liền và biển để mở rộng quan hệ, đồng thời cần có biện pháp duy trì và nâng cao an ninh về kinh tế, biên giới biển đảo.
Củng cố lòng tin chiến lược
Việc củng cố lòng tin chiến lược đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, nỗ lực, kiên trì và sáng tạo của cả hai nước.
Trung Quốc không chỉ là nước láng giềng, mà còn là đối tác chiến lược hàng đầu, do đó hai bên cần tăng cường giao lưu tiếp xúc cấp cao nhằm tạo định hướng chiến lược cho quan hệ song phương, tạo không khí thuận lợi cho tổng thể quan hệ hai Đảng, hai nước vốn không ngừng phát triển tốt đẹp.
Việt Nam coi trọng, chủ động tăng cường lòng tin chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước, kiên định quan điểm xuyên suốt là coi trọng xây dựng mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, ổn định lâu dài, tin cậy vững chắc, hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc.
Hai bên phối duy trì đà phát triển tốt đẹp trong hợp tác kinh tế-thương mại. Việt Nam mong muốn Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông sản Việt, tăng cường đầu tư tại Việt Nam các dự án lớn, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc; tăng cường hợp tác kết nối cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, thúc đẩy hợp tác kinh tế số, nâng cao năng lực phát triển hạ tầng số và nhân lực số; mở rộng hợp tác về văn hóa, giao lưu nhân dân để củng cố nền tảng hữu nghị lâu dài cho quan hệ hai nước.
Hai bên cần tăng cường giao lưu nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ; phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Hai nước cần trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển nhằm kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; tiếp tục thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao và "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc"; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Đẩy mạnh quan hệ đối ngoại
Đẩy mạnh giao lưu các địa phương, các Bộ, ngành, phát huy vai trò hợp tác quốc phòng là những trụ cột quan trọng của quan hệ Việt - Trung. Hai bên nên duy trì cơ chế giao lưu Biên cương thắm tình hữu nghị, tuần tra chung trên Vịnh Bắc bộ giữa hải quân hai nước, phối hợp tuần tra giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Hải cảnh Trung Quốc; đẩy mạnh giao lưu, trao đổi các đoàn quân sự, học viên sĩ quan trẻ thăm lẫn nhau.
Mở rộng hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc thông qua các hình thức trao đổi, tiếp xúc như: trao đổi đoàn, hợp tác đào tạo, quân y, hợp tác quân, binh chủng, đối thoại chiến lược quốc phòng, hợp tác trong đấu tranh phòng, chống ma túy, tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới..., tiếp tục góp phần định hình diện mạo cho quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, với nhiều dấu ấn tích cực hơn.
Việc tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh là cơ hội để Việt Nam giữ cân bằng quan hệ, là dịp để tạo dựng, củng cố lòng tin chiến lược nhằm bảo đảm an ninh khu vực và thế giới, vun đắp môi trường hòa bình để phát triển bền vững.
Phối hợp thực hiện tốt 3 văn kiện về biên giới đất liền; đẩy mạnh hợp tác chống tội phạm xuyên biên giới và hợp tác bảo vệ môi trường, nguồn nước sông suối biên giới; xây dựng cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các lực lượng chấp pháp của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, kết nghĩa các cụm cư dân hai bên biên giới, các đồn biên phòng hai nước, duy trì và bảo vệ trật tự trị an khu vực biên giới; kịp thời đấu tranh đối với các vụ việc xâm phạm biên giới trên bộ.
Hai nước cần thúc đẩy quan hệ giữa các quân khu biên giới, biên phòng, hải quân, cảnh sát biển; sử dụng tốt đường dây thông tin bảo mật trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng hai nước; xây dựng các cơ chế bảo vệ an ninh trên biển và phòng ngừa xung đột.
Phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng lâu dài, ổn định Việt Nam - Trung Quốc theo tinh thần "Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc đến năm 2025", đưa quan hệ quốc phòng vào chiều sâu, thực chất.
Quân đội hai nước cần tiếp tục kiềm chế, đi đầu trong xử lý thỏa đáng những bất đồng, xây dựng cơ chế tránh va chạm, xung đột. Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, tạo sự tin cậy, môi trường thuận lợi cho hợp tác, không để tranh chấp trên Biển Đông ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
Việt Nam tiếp tục tham gia, lựa chọn những nội dung hợp tác phù hợp với lợi ích quốc gia trong các cơ chế do Trung Quốc dẫn dắt, như hợp tác bảo đảm chuỗi cung, thực hiện các cơ chế liên hợp giải quyết ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, xúc tiến thương mại điện tử, kết nối ga Hà Khẩu Bắc và ga Lào Cai; hợp tác nông nghiệp, ngư nghiệp, tìm kiếm cứu nạn trên biển; chia sẻ dữ liệu khí tượng, thủy văn trên các hệ thống sông Hồng - sông Nguyên, Kỳ Cùng - Tả Giang, Mê Công - Lan Thương; quản lý an ninh, bảo vệ và đẩy mạnh khai thác du lịch.
Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực, tăng cường tin cậy chính trị, không ngừng làm phong phú nội hàm quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới. Những bất đồng cần được giải quyết trên cơ sở xây dựng lòng tin, luật pháp quốc tế, đàm phán hòa bình; không để xảy ra mâu thuẫn, xung đột; giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác để cùng phát triển, thịnh vượng.
Tác giả: Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân nguyên là Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Ông là chuyên gia về khoa học quân sự và lịch sử thế giới.