DMagazine

Omicron lan nhanh, vaccine tăng cường có kịp chống đỡ đợt dịch kinh hoàng?

(Dân trí) - Khi Omicron vẫn còn nhiều bí ẩn và đang lây lan mạnh, các nước kêu gọi người dân đi tiêm mũi tăng cường, xem đó là điều cần thiết cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể còn gian nan sắp tới.

OMICRON "GÕ CỬA" GẦN 60 NƯỚC, "HÀNG RÀO TĂNG CƯỜNG"

CÓ KỊP CHỐNG ĐỠ ĐỢT DỊCH KINH HOÀNG? 

Khi Omicron vẫn còn nhiều bí ẩn, các nước kêu gọi người dân đi tiêm mũi tăng cường, xem đó là điều cần thiết cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 có thể còn gian nan sắp tới.

Thời điểm Omicron chưa xuất hiện, nhiều chuyên gia y tế công cộng vẫn phản đối quan điểm tiêm liều tăng cường cho tất cả người trưởng thành vì cho rằng vẫn chưa có nhiều bằng chứng khoa học để ủng hộ quy định này.

Tuy nhiên, những lo ngại về biến chủng Omicron đã khiến giới khoa học và chính phủ các nước thay đổi quan điểm về việc tiêm liều vaccine Covid-19 tăng cường. Động thái mới nhất của chính phủ nhiều nước cho thấy sự đảo ngược xu thế hoàn toàn so với vài tuần trước.

Nhiều nước thúc đẩy tiêm liều tăng cường

Omicron lan nhanh, vaccine tăng cường có kịp chống đỡ đợt dịch kinh hoàng? - 1

Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon, tiêm mũi vaccine tăng cường tại Glasgow ngày 4/12 (Ảnh: AFP).

Mỹ và hàng chục quốc gia khác trên thế giới đang thúc đẩy chiến dịch tiêm liều tăng cường cho người dân.

Tiến sĩ Mỹ Anthony Fauci, Cố vấn y tế Nhà Trắng, cùng các nhà dịch tễ học cho biết, trong khi các quan chức y tế và các nhà sản xuất vaccine đang chờ đợi kết quả phòng thí nghiệm để xem mức độ đe dọa của Omicron như thế nào, thì hiện tại, tiêm liều tăng cường là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại chủng Omicron và tất nhiên là cả Delta.

"Các nghiên cứu cho thấy, liều tăng cường sẽ giúp tăng lượng kháng thể trung hòa chống lại tất cả các biến chủng", tiến sĩ Fauci nhấn mạnh tại cuộc họp Đội phản ứng Covid-19 của Nhà Trắng cuối tuần qua. "Có mọi lý do để tin rằng nếu tiêm thêm liều tăng cường thì ít nhất bạn sẽ có một số mức độ bảo vệ chéo, có thể giúp chống lại nguy cơ bệnh nặng và biến chủng Omicron", ông nói thêm.

Lo ngại về Omicron ngày càng gia tăng khiến nhiều người dân Mỹ đi tiêm liều tăng cường. Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, trong tuần trước, trung bình mỗi ngày có gần 1 triệu người tiêm liều tăng cường của một trong 3 loại vaccine được cấp phép tại Mỹ, tỷ lệ cao nhất kể từ khi các cơ quan quản lý Mỹ chấp thuận tiêm liều bổ sung cho người trưởng thành vào tháng 9/2021.

Không tính tại hơn 36 quốc gia đã mở chiến dịch tiêm liều tăng cường, trong đó có Israel, Anh, Mỹ, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, New Zealand, Hungary, Lithuania, Luxembourg, Thụy Điển, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Indonesia, Italia và Chile, người dân tại một số nước chưa mở chiến dịch tiêm tăng cường dường như cũng đang rất sốt ruột.

Theo SCMP, trong khi chính phủ Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa quyết định cho tiêm liều tăng cường, những người giàu Ấn Độ đang tự giải quyết vấn đề bằng cách ra nước ngoài để tiêm. Thậm chí, trong tuần này, Bộ trưởng Y tế Israel, quốc gia bắt đầu tiêm liều tăng cường Pfizer cho những người đã tiêm vào mùa hè, nói rằng có thể cần phải tiêm liều thứ tư nếu các ca nhiễm của nước này tiếp tục tăng cao.

Các chuyên gia nói gì về liều vaccine tăng cường?

Omicron lan nhanh, vaccine tăng cường có kịp chống đỡ đợt dịch kinh hoàng? - 2

Tiến sĩ Mỹ Anthony Fauci, người ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm mũi tăng cường, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 1/12 (Ảnh: AFP).

Theo các nhà khoa học, tiêm liều tăng cường có thể giúp nâng cao năng lực phòng thủ của cơ thể, ngăn chặn những lợi thế mà virus có được trong quá trình biến đổi. Liều tăng cường cũng làm chậm sự lây lan của virus, giúp các nhà khoa học có thêm thời gian sản xuất hoặc điều chỉnh vaccine, nếu cần thiết.

Giáo sư Camille Kotton, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cố vấn của CDC Mỹ, cho biết: "Hơn bao giờ hết, đây là lúc để tiêm vaccine cho người chưa chủng ngừa hoặc tiêm liều tăng cường cho những người khác". Ban đầu, giáo sư Kotton phản đối kế hoạch của CDC, do lo ngại về phản ứng phụ của vaccine ở người trẻ nhưng bà thay đổi quan điểm khi có nhiều dữ liệu hơn, thậm chí hối thúc con trai mình, đang học đại học, tiêm liều vaccine tăng cường. "Tôi đã nghĩ lại. So sánh giữa lợi ích và rủi ro, có thể thấy tiêm liều tăng cường cho người đủ điều kiện là lựa chọn tốt hơn", bà nói.

Roberto Burioni, giáo sư vi sinh vật học và virus học tại Đại học San Raffaele ở Milan (Italia), cũng ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm liều tăng cường: "Công cụ đầu tiên mà chúng ta có để chấm dứt đại dịch là vaccine", ông nói với CNN. "Những gì chúng ta nên làm là tiêm chủng rộng rãi... Chúng tôi không biết mình sẽ cần bao nhiêu liều tiêm tăng cường, nhưng đây là vấn đề mang tính chất hậu cần và kinh tế", ông nói thêm.

Tại Mỹ, tiến sĩ Celine Gounder, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Bellevue và là người từng phản đối chiến dịch tiêm chủng liều thứ ba của Tổng thống Joe Biden, nay cũng thay đổi quan điểm. "Dựa trên những gì đã biết về khả năng né tránh miễn dịch của virus, tôi sẽ không ngần ngại tiêm liều tăng cường", ông nhấn mạnh.

Tại Ấn Độ, các nhà sản xuất vaccine đang kêu gọi chính phủ cho phép tiêm liều tăng cường vì đây là liều tiêm cần thiết và nguồn cung cấp trong nước rất dồi dào. "Chúng tôi đang bàn bạc với cơ quan quản lý về việc này", G.V. Prasad, giám đốc điều hành của công ty dược phẩm Dr Reddy's, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Trong khi nhiều chuyên gia nhấn mạnh "đừng chần chừ chờ đợi", một số người nghi ngại, đặt ra câu hỏi rằng liệu tiêm liều tăng cường có phải là chiến lược tốt nhất để chống lại Omicron hay không? Một số nhà khoa học về vaccine lo ngại rằng, việc tiêm liều tăng cường có thể khiến các vaccine trong tương lai, trong trường hợp cần tiêm, sẽ kém hiệu quả hơn. Cũng có những lo ngại việc triển khai liều tăng cường có thể làm thiếu hụt nguồn cung cho các quốc gia đang phát triển, thu nhập thấp, nhất là châu Phi.

Các chuyên gia cho rằng, với việc các nhà sản xuất trên toàn thế giới hiện đang sản xuất ước tính khoảng 1,5 tỷ liều vaccine mỗi tháng, về nguyên tắc là đủ cho các nước giàu hơn tiêm liều thứ ba mà không ảnh hưởng đến việc tiêm mũi một và mũi hai ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Nhưng tiến sĩ Paul Offit, một chuyên gia về vaccine tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, vẫn cho rằng tiêm liều tăng cường không phải là chiến lược tốt nhất để chống lại Omicron. "Câu hỏi đặt ra là, nếu bạn tiếp tục tiêm liều tăng cường của vaccine ban đầu thì về cơ bản là để tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại virus ban đầu đó. Và điều đó sẽ hạn chế khả năng tạo phản ứng miễn dịch với virus mới, vốn khác rất nhiều so với virus ban đầu?", ông nói.

Tiến sĩ Offit đang mô tả một hiện tượng mà các nhà miễn dịch học gọi là "lỗi kháng nguyên gốc", tức là hệ miễn dịch bị suy giảm khi gặp phải virus biến chủng so với virus gốc. Ông cùng với hai cựu quan chức FDA Philip Krause và Marion Gruber, đã viết một bài báo xuất bản hôm 6/12 trên Washington Post lập luận, hai liều vaccine mRNA vẫn đang có hiệu quả tốt đối với hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh.

Trong khi đó, Ellen Foxman, một nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Yale, cho biết ngay cả khi việc tiêm tăng cường có làm cho các vaccine trong tương lai kém hiệu quả hơn, thì điều đó vẫn tốt hơn là chờ đợi một mũi tiêm chống chủng mới. Điểm mấu chốt, theo bà là thực tế là đang có một loại virus đe dọa tính mạng vẫn đang lây lan khắp nơi và các loại vaccine hiện có vẫn có khả năng bảo vệ chống lại nó.

Thêm hàng rào bảo vệ trước các biến chủng

Omicron lan nhanh, vaccine tăng cường có kịp chống đỡ đợt dịch kinh hoàng? - 3

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến chủng Omicron (Ảnh minh họa: AFP).

Việc thúc đẩy liều tăng cường diễn ra trong bối cảnh một biến chủng mới của virus SARS CoV-2 đang khiến thế giới lo ngại. Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với WHO hôm 24/11. Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang nỗ lực chạy đua với thời gian để giải mã về mức độ nguy hiểm của biến chủng này, kết quả có thể được công bố trong vài ngày hoặc trong tuần tới, theo tiến sĩ Mỹ Anthony Fauci.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8/12 cảnh báo, biến chủng Omicron đã xuất hiện ở 57 quốc gia và số bệnh nhân nhập viện được dự đoán sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Trong tuyên bố mới nhất hôm 7/12, WHO cho biết Omicron dường như không nghiêm trọng hơn các biến chủng trước đó và không có dấu hiệu nào cho thấy nó né hoàn toàn được vaccine. Tuy nhiên, đây mới là những dữ liệu ban đầu và cần phải nghiên cứu thêm. Vì vậy, trong bối cảnh này, việc tiêm liều tăng cường đang được xem là giải pháp khả thi nhất và có hiệu quả nhất.

Các nhà nghiên cứu của Maccabi Health Services (Israel) đã xem xét dữ liệu xét nghiệm PCR của hơn 306.000 người trưởng thành sau khi liều tăng cường Pfizer/BioNTech, cho thấy mũi tiêm tăng cường Pfizer/BioNTech giúp mang lại hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ, ít nhất là trong ngắn hạn. Theo dữ liệu, người tiêm liều tăng cường ít có nguy cơ bị nhiễm bệnh hơn rất nhiều so với những người đã tiêm liều thứ hai cách đây hơn 5 tháng.

Theo một nghiên cứu công bố hồi tuần trước trên tạp chí JAMA Internal Medicine, kết quả xét nghiệm PCR đối với 300.000 người tại Israel, chỉ có 1,8% ca dương tính ở nhóm tiêm liều tăng cường, so với 6,6% ở nhóm tiêm hai liều.

Sau khi xem xét các yếu tố nguy cơ khác nhau của những người tham gia, các nhà nghiên cứu ước tính, từ 4-9 tuần sau khi tiêm liều tăng cường, hiệu quả bảo vệ vẫn ở mức 86% và trong ngắn hạn hiệu quả bảo vệ cũng không suy giảm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết cần theo dõi lâu hơn để xem hiệu quả bảo vệ sẽ kéo dài bao lâu.

Cũng theo ghi nhận của Israel, mặc dù một số người được tiêm tăng cường vẫn bị nhiễm Omicron trong những ngày gần đây, các triệu chứng của họ vẫn nhẹ và không có bằng chứng về sự lây lan mạnh.

Dvir Aran, một nhà khoa học dữ liệu y sinh tại Viện Công nghệ Technion - Israel ở Haifa, cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa ghi nhận bất kỳ sự suy giảm hiệu quả nào của liều tăng cường".

Tại Mỹ, nơi có khoảng 60% dân số tiêm đầy đủ và khoảng một nửa từng nhiễm bệnh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, chiến dịch tiêm tăng cường rộng rãi như hiện nay có thể giúp làm giảm số lượng sinh sản của virus, tức giảm nguy cơ lây lan

Tại Anh, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, việc tiêm liều tăng cường có thể giúp "bẻ cong" đường cong của đại dịch. Matt Keeling, một nhà dịch tễ học tại Đại học Warwick (Anh) cho biết: "Chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến đợt dịch kinh hoàng khác nếu không tiêm liều tăng cường".