1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người giàu Ấn Độ đổ ra nước ngoài tiêm liều tăng cường vì lo ngại Omicron

Thanh Thành

(Dân trí) - Khi chính phủ Ấn Độ cho đến nay chưa tiêm liều tăng cường, những người giàu Ấn Độ đang tự giải quyết vấn đề bằng cách ra nước ngoài, đến những nơi như Dubai, Mỹ và Anh, để tiêm.

Người giàu Ấn Độ đổ ra nước ngoài tiêm liều tăng cường vì lo ngại Omicron - 1

Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại thành phố Bengaluru bang Karnataka, Ấn Độ (Ảnh: ANI).

Sự xuất hiện của chủng Omicron, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn cả Delta, biến chủng từng là "cơn ác mộng" kinh hoàng với người dân Ấn Độ, khiến cộng đồng khoa học và ngành y tế nước này suy nghĩ lại về việc tiêm liều tăng cường.

Điều đó thực sự khiến chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đau đầu, trong bối cảnh quốc gia Nam Á vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai đợt tiêm chủng đợt đầu tiên. Cho đến nay, chỉ 49% trong tổng số 1,4 tỷ người của Ấn Độ tiêm đủ 2 liều. Theo Bộ Y tế nước này, 8% nhân viên y tế, 30% người trên 60 tuổi và hơn 1/3 số người trong độ tuổi từ 45-59 vẫn chưa được tiêm đầy đủ.

Mới đây, Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG), một mạng lưới các phòng thí nghiệm thử nghiệm quốc gia do chính phủ thành lập để theo dõi các biến chủng của Covid-19, đã kêu gọi chính phủ tiêm liều tăng cường cho "những người trên 40 tuổi, trước tiên hãy nhắm mục tiêu vào các nhóm có nguy cơ cao hoặc phơi nhiễm cao nhất". Bộ trưởng của một số bang cũng đã thúc giục chính phủ Thủ tướng Modi xem xét lại chính sách tiêm vaccine tăng cường.

Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền trung ương chưa tín hiệu nào cho thấy sẽ mở chiến dịch tiêm liều tăng cường. Một số bang đang thực hiện các bước chuẩn bị riêng nhằm đối phó với nguy cơ bùng dịch tiếp theo, như thúc đẩy việc tiêm vaccine cũng như củng cố cơ sở hạ tầng y tế vững chắc hơn. Ở nhiều bang, những nỗ lực như vậy đang bị chậm lại do số ca nhiễm trên khắp đất nước đang giảm dần.

Trong khi đó, những người Ấn Độ giàu có đã cùng gia đình bay ra nước ngoài để tự tiêm liều tăng cường. Nhiều người đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), trong khi một số đến tận Anh hoặc Mỹ sau khi các quy định về du lịch được nới lỏng gần đây ở những nước này.

"Tôi tiêm liều hai vào tháng 3, nhưng đến tháng 4 lượng kháng thể đã giảm khá mạnh. Vì chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức nên tôi không muốn mạo hiểm chấp nhận rủi ro sức khỏe khi đã ở tuổi 60", Giám đốc điều hành của một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Bangalore cho biết. Ông cùng vợ và ba con đã đến Dubai hồi tháng trước để tiêm liều tăng cường.

Chuyến bay của những người giàu Ấn Độ ra nước ngoài gợi nhớ đến tình huống hồi tháng 5, khi làn sóng Covid-19 thứ hai ập đến nước này, khiến các gia đình giàu có phải tháo chạy khỏi đất nước bằng máy bay tư nhân và các chuyến bay thuê.

Tiến sĩ Kirit Parekh, một bác sĩ tại Bệnh viện Fortis ở New Delhi, nói rằng mặc dù Omicron không quá đáng sợ, nhưng chính phủ vẫn nên tính toán đến việc phê duyệt tiêm liều tăng cường cho những người trên 60 tuổi và người trẻ hơn bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh nền.

"Thông thường, một người sẽ được tiêm nhắc lại khi lượng kháng thể bắt đầu suy yếu sau 8-10 tháng. Liều tăng cường sẽ giúp mọi người duy trì mức độ miễn dịch lâu hơn. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy liều tăng cường có hại hoặc mức độ bảo vệ của nó như thế nào. Cũng không rõ mức độ nghiêm trọng của biến chủng Omicron hoặc các nhóm tuổi dễ bị nhiễm chủng này nhất", tiến sĩ Kirit Parekh cho biết thêm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo những người bị suy yếu miễn dịch nên tiêm liều tăng cường. Hiện có hơn 36 quốc gia đã mở chiến dịch tiêm liều tăng cường, trong đó có Israel, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, New Zealand, Trung Quốc Indonesia.