(Dân trí) - Sau khi sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, Nga đối mặt thách thức để có thể bảo vệ các khu vực này trước chiến dịch phản công và tác chiến du kích từ Ukraine.
NGA SẼ BẢO VỆ 4 VÙNG LÃNH THỔ MỚI SÁP NHẬP THẾ NÀO?
Sau khi sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, Nga đối mặt nhiều thách thức để có thể bảo vệ các khu vực này trước chiến dịch phản công và tác chiến du kích từ Ukraine.
Ngày 30/9, Tổng thống Vladimir Putin đã ký thỏa thuận sáp nhập 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia vào Nga. Các thỏa thuận được ký kết tại một buổi lễ ở Điện Kremlin, 3 ngày sau khi các cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành ở 4 khu vực này.
Sau khi được Tòa án Hiến pháp và quốc hội thông qua sắc lệnh, ông Putin 5/10 đã ký thành luật các hiệp ước, hoàn thiện thủ tục cuối cùng để đưa các vùng trên trở thành một phần lãnh thổ của Nga.
Tổng thống Putin cảnh báo, Moscow sẽ không từ bỏ các vùng lãnh thổ vừa sáp nhập và sẽ bảo vệ những khu vực này bằng tất cả sức mạnh của Nga. Ông Putin kêu gọi Ukraine chấm dứt ngay lập tức mọi hành động quân sự và cuộc chiến "mà họ đã bắt đầu vào năm 2014", đồng thời quay trở lại bàn đàm phán.
CHIẾN SỰ TIẾP DIỄN
Tổng diện tích của vùng Donbass (gồm Donetsk và Lugansk), Kherson và Zaporizhia là gần 109.000km2, tương đương hơn 15% tổng diện tích của Ukraine trước đây. Hơn 8 triệu người trước đây sống trên các vùng lãnh thổ có hơn 5,6 triệu ha đất canh tác. Moscow vẫn chưa xác định được biên giới tương lai của Kherson và Zaporizhia do quân đội Ukraine vẫn đang kiểm soát một phần lãnh thổ ở các khu vực này. Điện Kremlin cho biết, Nga sẽ tiếp tục tham vấn với cư dân của 2 vùng trên về vấn đề biên giới.
Ngoài ra, Ukraine cũng vẫn đang kiểm soát một phần của Donetsk và một khu vực của Lugansk sau khi Kiev mở chiến dịch phản công những tuần qua.
Văn kiện do Tổng thống Putin ký thành luật nêu rõ: "Địa giới các vùng lãnh thổ mới của Liên bang Nga sẽ được xác định dựa trên địa giới tồn tại vào ngày họ hình thành và được chấp thuận sáp nhập vào Nga".
Ông Pavel Krasheninnikov, người đứng đầu Ủy ban Xây dựng Nhà nước và Lập pháp thuộc Hạ viện Nga, nói rằng Donetsk và Lugansk sẽ sáp nhập vào lãnh thổ nước này theo ranh giới mà hai vùng ly khai này xác lập từ năm 2014, Zaporizhia xác định theo biên giới hành chính, biên giới Kherson xác định dựa vào biên giới hành chính cũng như các sắc lệnh của chính quyền địa phương.
Cuối tháng trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vùng Donetsk hiện mới chỉ kiểm soát một phần lãnh thổ ở miền Đông Ukraine. Vì vậy, ông Peskov nói rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn sẽ tiếp tục ít nhất cho đến khi Moscow kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk.
Theo các chuyên gia, mục tiêu của Nga hiện tại sẽ là kiểm soát toàn bộ các khu vực nằm trong 4 vùng mà họ đã sáp nhập.
Về phía Ukraine, nước này tuyên bố sẽ tiếp tục phản công và giải phóng các khu vực. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, xung đột chỉ chấm dứt khi Nga rút hết quân và Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea - vùng Moscow đã sáp nhập năm 2014.
Giới quan sát nhận định, các diễn biến trong thời gian qua cho thấy một điều chắc chắn rằng cuộc chiến không thể sớm khép lại trong tương lai gần.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đồng ý với quan điểm trên, cho rằng quyết định sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ly khai Ukraine của Nga khiến xung đột ngày càng khó giải quyết hơn.
Theo National Interest, Nga dường như đã có sự chuẩn bị cho kịch bản sáp nhập, khi từ 21/9, họ đã công bố lệnh động viên một phần, cho phép huy động tối đa 300.000 quân bổ sung cho chiến dịch quân sự.
Giới chức Nga khẳng định, việc huy động một phần lực lượng là hợp lý và cần thiết để củng cố tiền tuyến ở Ukraine hiện kéo dài hơn 1.000km. Với lực lượng mới được bổ sung tới Donbass ở miền Đông cũng như Zaporizhia và Kherson ở miền Nam, Nga có thể gia tăng đảm bảo an ninh cho các khu vực này trước nỗ lực phản công dồn dập của Ukraine những tuần qua và trong tương lai, Breaking Defense nhận định.
Vì lực lượng dự bị cần phải huấn luyện thêm, vai trò ban đầu của họ ở Ukraine có thể sẽ là phòng ngự ở các khu vực mà Nga và lực lượng thân Nga kiểm soát.
Mặt khác, chính quyền thân Nga tại 4 vùng trên đã bắt đầu lập danh sách nam giới từ 18-35 tuổi, động thái được xem là nhằm chuẩn bị cho một lệnh động viên. Lực lượng được huy động tại chỗ có thể giúp bổ sung cho Nga năng lực cần thiết để chặn đà phản công của Ukraine, cho tới khi quân nhân và khí tài được bổ sung thêm trong giai đoạn mới.
Chuyên gia Andranik Migranyan từ Học viện quan hệ quốc tế nhà nước Moscow cho rằng, việc Nga sáp nhập 4 vùng và tung ra lệnh động viên một phần cho thấy quyết tâm của Moscow trong việc muốn giành lại thế chủ động trên chiến trường sau đợt phản công tốc độ cao của Ukraine trên toàn tuyến.
Gần đây, Nga đã tuyên bố xung đột giữa nước này và Ukraine đã bước vào giai đoạn mới vào ngày 10/10 khi Moscow thực hiện cuộc tập kích tên lửa dồn dập nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở công nghiệp năng lượng, thông tin truyền thông của Ukraine.
Theo các chuyên gia, động thái của Nga có thể khiến Ukraine phải dàn mỏng lực lượng và đưa khí tài, đặc biệt là hệ thống phòng không từ tiền tuyến về các thành phố lớn để bảo vệ hậu phương khi viện trợ của phương Tây chưa tới kịp. Điều này có thể tác động tới đà phản công của Ukraine và khiến lực lượng Kiev lộ điểm yếu trong một vài tuần tới - thời điểm mà Nga sẽ bắt đầu đưa quân bổ sung tới các khu vực sáp nhập để tiếp tục tăng tốc chiến sự.
ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN
Konstantin Gavrilov, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga hồi đầu tháng cho biết: "Nga đang làm tất cả những gì có thể để đảm bảo cuộc sống hòa bình và an toàn đến với các vùng lãnh thổ mới sáp nhập càng sớm càng tốt. Các đội rà phá bom mìn của các lực lượng vũ trang Nga liên tục làm nhiệm vụ tại các khu dân cư và các khu vực xung quanh thành phố có bom mìn và vật nổ".
Mặt khác, các chuyên gia nói với RT rằng, song song với việc duy trì chiến dịch quân sự để giành quyền kiểm soát thêm lãnh thổ, Nga có thể sẽ dựng "thành trì" để bảo vệ các khu vực.
Sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga không chỉ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho bán đảo, mà còn đẩy mạnh khả năng phòng thủ để đề phòng trước các cuộc tấn công của Ukraine. Các hệ thống vũ khí hiện đại, quân nhân được điều động tới Crimea để làm nhiệm vụ duy trì an ninh. Kịch bản với 4 vùng mới sáp nhập có thể tương tự như vậy.
Mặt khác, DW cho hay, để đảm bảo sự ổn định cho cuộc sống người dân và dễ quản lý, Moscow sẽ thay thế chính sách luật pháp, tiền tệ, giáo dục, ngôn ngữ, viễn thông theo kiểu "quy về một mối", sử dụng theo chuẩn của Nga.
Ngoài ra, một thách thức lớn mà Nga phải đối mặt tại 4 vùng lãnh thổ mới sáp nhập chính là hoạt động tác chiến du kích của Ukraine.
Chuyên trang quân sự 19fortyfive dẫn lời một chuyên gia quân sự nhận định rằng, Ukraine trong thời gian qua đã tăng tốc chiến thuật du kích, diễn biến có thể làm xáo trộn tình hình an ninh cho các lãnh thổ sáp nhập, trong bối cảnh Nga phải duy trì lực lượng để thực hiện các mục tiêu mà họ đặt ra trước đó trong chiến dịch quân sự đã kéo dài hơn 7 tháng ở Ukraine.
Trong vài tháng qua, nhiều vụ ám sát, đánh bom đã được tiến hành nhằm vào những quan chức trong chính quyền thân Moscow được lập nên sau khi Nga giành quyền kiểm soát các khu vực.
Chuyên gia Alexander Motyl từ tổ chức Rutgers-Newark (Mỹ) nhận định, lực lượng vũ trang Ukraine đã hoạt động rất tích cực từ tháng 9 tới nay, khi tiến hành các chiến dịch phản công quy mô lớn. Bên cạnh đó, nhiều khu vực do Nga kiểm soát đã xảy ra các vụ tấn công, ám sát với tần suất dày hơn. Theo ông Motyl, lực lượng du kích Ukraine dường như có liên quan trong nhiều vụ việc.
Theo 19fortyfive, các vụ tấn công quy mô nhỏ nhưng có sức sát thương hiện đang được tiến hành nhằm vào lực lượng Nga và chính quyền thân Nga.
Số lượng các vụ tác chiến du kích gia tăng từ giữa tháng 4 cho tới nay và cường độ tăng cường được xem là tạo ra tác động tới tinh thần chiến đấu của lực lượng Nga, cũng như gây tâm lý hoang mang cho người dân về tình hình an ninh.
Chuyên gia Motyl cho biết, đặc nhiệm Ukraine đã trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ các nhóm du kích ở các khu vực Nga kiểm soát. Ukraine từ lâu đã lập ra trang web cung cấp thông tin và huấn luyện các nhóm du kích nắm được chiến thuật để đối phó Nga.
Hôm 5/10, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết, lực lương Kiev sẽ tiếp tục chiến dịch giải phóng 4 vùng lãnh thổ sáp nhập bằng cách kết hợp giữa mũi tấn công của lực lượng quân đội chính quy với lực lượng du kích - bên sẽ tăng cường hoạt động tác chiến đặc biệt.
Theo Guardian, trước các mối đe dọa này, các cơ quan an ninh Nga đã thực hiện nhiều vụ điều tra và truy quét tại các vùng sáp nhập để tìm kiếm thông tin về gián điệp cũng như các kế hoạch tác chiến du kích của phía Ukraine. Nga đã thực hiện nhiều vụ bắt giữ trong vài tháng trở lại đây.
Hồi tháng 7, đặc vụ Nga tuyên bố đã phát hiện và bóc tách thành công hệ thống mà họ mô tả là một mạng lưới gián điệp lớn của Hải quân Ukraine được cài cắm tại khu vực bán đảo Kinburn, gần với cửa sông Dnieper ở Kherson.
Theo Tass, các thành viên của mạng lưới này đã tham gia việc tiếp nhận và vận chuyển các nhóm biệt kích Ukraine tham gia vào nhiệm vụ phá hoại các cơ sở hạ tầng tại hậu phương của quân đội Nga ở vùng Kherson.
Tuần trước, Nga thông báo bắt một người ở Kherson với cáo buộc là gián điệp cho Cơ quan An ninh Ukraine (SBU).
CHIẾC Ô HẠT NHÂN
Năm 2020, Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh nâng cấp học thuyết hạt nhân của Nga. Theo văn bản này, có 4 trường hợp cho phép Nga được quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trường hợp đầu tiên là tình huống Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga.
Trường hợp thứ ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường, chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 1/8 khẳng định Nga tin rằng "không có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân" và cuộc chiến này "không bao giờ được nổ ra".
Tuy nhiên, trong một tuyên bố được đưa ra hôm 22/9, phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh lực lượng vũ trang Nga sẽ làm mọi cách để tăng cường bảo vệ tất cả vùng lãnh thổ được sáp nhập.
Điện Kremlin tháng trước từng cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các khu vực mà Nga sáp nhập cũng được coi là tấn công vào lãnh thổ Nga.
Khi được hỏi liệu Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các khu vực sáp nhập vào Nga hay không, Ngoại trưởng Lavrov hôm 24/9 cho biết toàn bộ lãnh thổ Nga, bao gồm những vùng lãnh thổ "được xác định theo Hiến pháp của Nga trong tương lai", chắc chắn nằm dưới "sự bảo vệ hoàn toàn của nhà nước" Nga.
"Tất cả luật pháp, học thuyết, khái niệm và chiến lược của Liên bang Nga đều được áp dụng cho toàn bộ các vùng lãnh thổ này", ông Lavrov nói, đồng thời đề cập đến học thuyết của Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Giới quan sát nhận định, sau khi sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Ukraine, Nga có thể tuyên bố các cuộc tấn công của Ukraine vào những khu vực này là tấn công lãnh thổ Nga. Đây có thể là cơ sở để Nga leo thang hành động quân sự với Ukraine.
"Đây là một sự leo thang quy mô lớn. Ông Putin đang cố gắng vẽ ra lằn ranh đỏ mới với động thái sáp nhập và cố gắng mở rộng chiếc ô hạt nhân. Chỉ một nét vẽ đã thay đổi toàn bộ bản đồ", Alissa de Carbonnel, một chuyên gia ở tổ chức Crisis Group nhận định.
Tổng thống Putin hồi tháng trước tuyên bố, Nga sẽ sử dụng mọi biện pháp sẵn có để đối phó với kịch bản nước này bị xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ám chỉ khả năng kích hoạt vũ khí hạt nhân. Ông Putin khẳng định, phát ngôn của ông không phải là hù dọa.
Nga hiện sở hữu kho dự trữ vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới. Lực lượng răn đe của Nga gồm nhiều loại vũ khí chiến lược khác nhau, cả vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ và tấn công.
Kho vũ khí hạt nhân "khủng" được xem là một trong những biện pháp bảo vệ chắc chắn nhất mà Nga có thể giành cho các lãnh thổ mới sáp nhập vì sức mạnh và khả năng răn đe của những khí tài này.
Mặc dù vậy, Nhà Trắng cho rằng, Mỹ chưa phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị cho kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân, dù Washington thận trọng khi chuẩn bị các kịch bản phản ứng tiềm năng nếu điều trên xảy ra.
Mặt khác, chuyên gia Leon Hadar từ công ty RANE Network cho rằng, khả năng Nga sử dụng đến vũ khí hạt nhân ở Ukraine là không cao, trong bối cảnh Moscow vẫn đang áp đảo so với Ukraine về tiềm lực quân sự. Vụ tập kích tên lửa quy mô lớn từ đầu tuần được xem là bằng chứng cho nhận định này.
Ông Hadar cho rằng, Ukraine không sở hữu vũ khí hạt nhân và khó gây ra mối đe dọa tới sự tồn vong của Moscow vì vậy, chưa có lý do gì để Nga chấp nhận rủi ro trong việc sử dụng dòng vũ khí trên vì nó có thể sẽ gây ra phản ứng quân sự mạnh mẽ từ phương Tây.
Đức Hoàng
Theo 19fortyfive, National Interest, RT, DW