DNews

Mũi tên phương Bắc: Israel chơi ván bài tất tay với Hezbollah?

Minh Phương Dương Đăng Bùi Ann

(Dân trí) - Sau vòng lặp các hành động "ăn miếng, trả miếng" kiềm chế, Israel dường như đã sẵn sàng cho một chiến lược mạo hiểm hơn nhằm đối phó với Hezbollah.

Mũi tên phương Bắc: Israel chơi ván bài tất tay với Hezbollah?

"Mũi tên phương Bắc" nhắm đến Hezbollah

Giữa lúc dư luận ở Li Băng vẫn còn hoang mang với vụ nổ hàng nghìn thiết bị liên lạc khiến khoảng 40 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương, Israel tuyên bố cuộc xung đột với Hezbollah đang bước sang "giai đoạn mới" với việc quân đội Israel sẽ tập trung nguồn lực cho khu vực biên giới phía bắc.

Thiếu tướng Ori Gordin, người đứng đầu Bộ Tư lệnh phương Bắc của Israel cho biết: "Nhiệm vụ rất rõ ràng. Chúng tôi quyết tâm thay đổi thực tế an ninh càng sớm càng tốt".

Với việc Israel tuyên bố về một "giai đoạn mới" trong cuộc chiến với lực lượng Hezbollah và những cuộc không kích tăng cường những ngày gần đây, bóng ma về một cuộc chiến tổng lực giữa Israel và Hezbollah dường như đang đến gần hơn bao giờ hết.

Hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột đang ngày càng mong manh khi Israel báo hiệu mong muốn thay đổi hiện trạng ở phía bắc đất nước, nơi tần suất các cuộc đấu pháo với Hezbollah ngày càng tăng kể từ cuối năm ngoái.

Trong những ngày gần đây, Israel đã điều động một lực lượng chiến đấu hùng mạnh đến biên giới phía bắc, trong khi giới chức nước này liên tục đề cập đến mục tiêu đưa hàng chục nghìn người dân miền Bắc trở về nhà an toàn sau một thời gian sơ tán.

Căng thẳng Israel và Hezbollah đã nhiều lần leo thang, nhưng hai bên đều cẩn trọng để tránh một cuộc chiến tranh tổng lực. Tuy nhiên, mọi thứ dường như đang thay đổi, đặc biệt sau vụ nổ hàng nghìn thiết bị liên lạc mà Hezbollah nghi ngờ có sự can thiệp của Israel.

"Tại sao chúng ta không làm điều đó trong 11 tháng trước? Bởi vì chúng ta chưa sẵn sàng. Vậy chuyện gì đang xảy ra? Israel đã sẵn sàng cho một cuộc chiến (với Hezbollah)", Thiếu tướng Israel đã nghỉ hưu Amir Avivi, người đứng đầu Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Israel, nhận định.

Khi giao tranh ở Gaza đã chậm lại, Israel đã tăng cường lực lượng dọc biên giới với Li Băng, bao gồm cả việc đưa một sư đoàn quân đội tinh nhuệ đến.

Sư đoàn 98 được cho là bao gồm hàng nghìn binh sĩ, trong đó có các đơn vị lính dù, pháo binh và lực lượng đặc công tinh nhuệ được huấn luyện đặc biệt cho các hoạt động sau phòng tuyến của đối phương.

Sư đoàn này đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, đặc biệt ở thành phố Khan Younis, một thành trì của Hamas. Cuộc tấn công của sư đoàn đã gây tổn thất nặng nề cho Hamas.

Đến tối 22/9, quân đội Israel (IDF) thông báo triển khai chiến dịch  công bố chiến dịch quân sự với tên gọi "Mũi tên phương Bắc" để chống lại Hezbollah ở Li Băng.

Mũi tên phương Bắc: Israel chơi ván bài tất tay với Hezbollah? - 1

Israel đã tấn công nhiều mục tiêu Hezbollah tại Li Băng trong vòng vài ngày qua (Đồ họa: Economist).

Chỉ trong vòng 2 ngày, Không quân Israel tuyên bố tấn công hơn 1.600 mục tiêu Hezbollah ở miền Nam Li Băng và Thung lũng Bekaa. Theo Bộ Y tế Li băng, các cuộc tập kích khiến hơn 500 người thiệt mạng và gần 2.000 bị thương.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói rằng, quân đội Israel đang phá hủy cơ sở hạ tầng do Hezbollah xây dựng suốt 20 năm qua.

"Vài tuần trước, chúng tôi quyết định chuyển trọng tâm hoạt động từ phía nam sang phía bắc. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo sự trở về an toàn của cư dân các cộng đồng phía bắc Israel", Bộ trưởng Gallant phát biểu trong một cuộc đánh giá tình hình tại trung tâm chỉ huy của IDF.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng cho biết, quân đội nước này "thay đổi cán cân sức mạnh an ninh ở phía bắc".

Theo các nguồn thạo tin, Israel đã chuẩn bị cho một chiến dịch gồm nhiều bước, sau làn sóng không kích, Israel không loại trừ khả năng tiến hành một cuộc chiến trên bộ nhằm vào Hezbollah ở Li Băng với mục tiêu thiết lập vùng đệm an ninh ở biên giới.

Đến nay, nội bộ Israel dường như vẫn bất đồng về vấn đề này. Một số tướng lĩnh Israel muốn tranh thủ sự hỗn loạn của Hezbollah sau vụ nổ hàng nghìn thiết bị liên lạc để mở màn chiến dịch tấn công đổ bộ. Trong khi đó, một số khác cho rằng Israel cần chuẩn bị kỹ hơn cho chiến dịch tấn công đổ bộ, bởi vì năng lực quân sự của Hezbollah được đánh giá cao hơn Hamas ở Gaza.

Tính toán của Israel

Mũi tên phương Bắc: Israel chơi ván bài tất tay với Hezbollah? - 2

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, chiến dịch không kích diện rộng của Israel nhằm gửi thông điệp đến Hezbollah (Ảnh: Reuters).

Một câu hỏi đặt ra là tại sao Israel lựa chọn tấn công quy mô lớn Hezbollah vào thời điểm này.

Axios và một số trang tin dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ đưa ra giả thuyết rằng Israel ban đầu có dự định sẽ kích nổ các máy nhắn tin ở Li Băng nhằm gây tổn thất cho lực lượng Hezbollah trước khi tiến hành một cuộc tấn công lớn. Tuy nhiên, Israel buộc phải hành động sớm hơn do lo ngại kế hoạch bại lộ.

Báo Haaretz dẫn nhận định của chuyên gia về hai lý do khiến Israel quyết định triển khai chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào Hezbollah vào thời điểm này.

Thứ nhất, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như hy vọng áp lực ngày càng tăng và nỗi lo sợ về các cuộc tấn công tiếp theo sẽ buộc Hezbollah phải nhượng bộ, chấp nhận đứng ngoài cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.

Chuyên gia phân tích Trung Đông của Times of Israel, ông Michael Horowitz, nhận định, Thủ tướng Israel Netanyahu muốn gây sức ép, buộc Hezbollah dừng các cuộc tấn công xuyên biên giới ngay cả khi Israel chưa đạt thỏa thuận ngừng bắn với Hamas ở Dải Gaza.

Ông Netanyahu kỳ vọng thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah sẽ đi đến kết luận rằng Hezbollah đang phải trả giá quá nhiều cho cuộc chiến tại Gaza, khi họ liên tục phải chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa, đạn chống tăng và máy bay không người lái. Do đó, ông Nasrallah sẽ tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn, trong đó các đơn vị Radwan của Hezbollah sẽ rút về phía bắc sông Litani, cho phép một bộ phận người dân miền Bắc Israel trở về nhà của họ ở biên giới với Li Băng.

Thứ hai là Israel có thể đang cố gắng kéo Hezbollah vào một cuộc chiến tranh toàn diện. Cả Hezbollah và Iran muốn cuộc xung đột ở cường độ thấp với cái giá phải trả dễ chịu hơn nhiều so với một cuộc chiến không giới hạn. Tuy nhiên, nếu Hezbollah rơi vào cái bẫy leo thang do Israel đặt ra và sát hại dân thường, Israel sẽ tận dụng tính hợp pháp quốc tế để phát động một cuộc chiến toàn diện chống lại lực lượng này.

Giới chức Li Băng và Hezbollah nghi ngờ khả năng thứ hai chính là kế hoạch của Israel.

Các cuộc tấn công nhắm vào máy nhắn tin và bộ đàm không chỉ làm suy yếu cảm giác an toàn của lãnh đạo Hezbollah mà còn đánh vào sự tự tin về khả năng của họ. Do đó, Hezbollah sẽ phải đau đầu về việc liệu các mạng lưới nhạy cảm khác có bị xâm nhập tương tự hay không và điều gì sẽ xảy ra nếu Hezbollah triển khai vũ khí mà họ đã kiềm chế cho tới nay.

Dựa trên bằng chứng về sự dễ tổn thương của Hezbollah trong những ngày gần đây, Israel tự tin họ có thể tiếp tục tấn công mạnh vào Hezbollah mà không nhận phải sự trả đũa quá mạnh. Hezbollah chắc chắn đáp trả bằng tên lửa có sát thương cao hơn nhưng nguồn cung vũ khí này không phải vô tận.

Hơn nữa, một chiến dịch nhắm vào Hezbollah nhằm đưa người dân miền Bắc trở về nhà sẽ phần nào giúp chuyển hướng dư luận khỏi tình hình Gaza khi thỏa thuận giải thoát con tin bị đình trệ. Khi đó, áp lực của công chúng lên chính quyền của Thủ tướng Netanyahu một lần nữa suy yếu đáng kể.

Ván cược rủi ro

Mũi tên phương Bắc: Israel chơi ván bài tất tay với Hezbollah? - 3

Trực thăng quân sự Israel sơ tán người bị thương sau khi Hezbollah tấn công qua biên giới hôm 19/9 (Ảnh: Reuters).

Hezbollah tuyên bố hành động của Israel đã "vượt qua mọi lằn ranh đỏ" và có thể coi là lời tuyên chiến. Mặc dù vậy, cường độ tấn công ngày càng tăng của Israel dường như cho thấy chính phủ của Thủ tướng Netanyahu đã sẵn sàng chấp nhận rủi ro leo thang ngoài tầm kiểm soát. Mục tiêu của Israel là gây sức ép buộc Hezbollah phải nhượng bộ.

Giới chuyên gia nhận định, Israel đang theo đuổi chiến lược "leo thang để hạ nhiệt", khiến đối phương phải chấp nhận giải pháp ngoại giao. Israel muốn trấn an đồng minh Mỹ rằng nước này vẫn nỗ lực tìm kiếm con đường ngoại giao mà lâu nay Washington thúc đẩy, nhưng đây là chiến lược tiềm ẩn rủi ro và có thể dẫn đến sai lầm.

Thủ tướng Netanyahu có lẽ tin rằng Israel có thể khiến Hezbollah kiệt quệ và không thể đáp trả một cách hiệu quả, nhưng xung đột chưa bao giờ chỉ dừng lại ở đó.

Thiệt hại gây ra cho Hezbollah càng lớn thì khả năng Israel đạt được thành công trong ngắn hạn càng cao, song một cuộc chiến toàn diện trên bộ giữa quân đội Israel mệt mỏi và bị chia rẽ với lực lượng Hezbollah giàu kinh nghiệm và đang giận dữ ở miền Nam Li Băng sẽ là "thảm họa" đối với Tel Aviv.

"Hezbollah không phải Hamas, họ sở hữu năng lực quân sự tinh vi hơn nhiều", Yoel Guzansky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv, từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia Israel dưới thời 3 thủ tướng, nhấn mạnh.

Hezbollah đã xây dựng năng lực của mình kể từ năm 2006. Hiện lực lượng này sở hữu khoảng 200.000 tên lửa và rocket, một phần trong đó là vũ khí dẫn đường có khả năng đe dọa các mục tiêu nhạy cảm ở Israel. Hezbollah cũng đã phát triển một đội máy bay không người lái ngày càng tinh vi.

Với khả năng tấn công tất cả các vùng của Israel, Hezbollah có thể khiến cuộc sống ở Israel rơi vào bế tắc và khiến hàng trăm nghìn người Israel phải sơ tán.

Dẫu vậy, đáp trả bằng cách nào, với quy mô ra sao cũng không phải một bài toán dễ dàng đối với Hezbollah.

Nếu Hezbollah tự nguyện rút lui, đó sẽ là chiến thắng lớn cho Israel và họ cũng không thể chắc chắn Israel sẽ từ bỏ hay tiếp tục chiến dịch tấn công gây thiệt hại lớn cho Hezbollah.

Sau những gì đã xảy ra gần đây, Hezbollah khó làm ngơ hay ngừng các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Israel, hoặc từ bỏ cam kết hỗ trợ Hamas ở Gaza.

Nếu họ chọn tiếp tục chiến đấu, Israel vẫn có thể tấn công với một lực lượng không quân vượt trội và Hezbollah sẽ phải trả giá rất đắt. Hezbollah và lực lượng hậu thuẫn đều hiểu rõ cái giá phải trả cho một cuộc chiến như vậy đối với họ và Li Băng, thậm chí cả Iran. Ở một số khía cạnh, một cuộc xung đột toàn diện sẽ gây ra sự tàn phá ở cả Li Băng và Israel. Iran và Mỹ cũng có thể bị kéo vào cuộc đối đầu trực tiếp.  

Khi chiến sự leo thang, sự chán ghét của người dân Li Băng đối với Hezbollah sẽ ngày càng gia tăng và đó là điều mà Israel mong muốn.

Hơn nữa, nếu Hezbollah bắt đầu một cuộc xung đột toàn diện với Israel vào thời điểm này, họ sẽ phải đối mặt với hệ thống thông tin liên lạc bị tê liệt và không có nhiều lãnh đạo. Khi đó, xung đột toàn diện, điều mà lâu nay Hezbollah muốn tránh, càng là quyết định thiếu khôn ngoan và đầy rủi ro.

Theo Haaretz, Economist