Israel tập kích vào Iran: Nhiều bí ẩn chưa có lời giải
(Dân trí) - Hàng trăm radar ở Trung Đông và Iran liệu có thực sự "bị mù" trước máy bay chiến đấu Israel? Sự thật có thể không đơn giản như vậy.
Hành động trả đũa được chuẩn bị từ lâu của Israel, cuối cùng đã được thực hiện hôm 26/10, với ba đợt tấn công, bao gồm cả ở trên lãnh thổ Iran, Syria, Iraq và những nơi khác. Sau cuộc tấn công, Israel tuyên bố đã "thắng lợi hoàn toàn". Mỹ xác nhận, Israel đã thực hiện các hành động tự vệ với kết quả tốt.
Còn với Iran, họ cũng thông báo đã giành chiến thắng, "làm đối thủ xấu hổ".
Mặc dù Israel đã điều động hơn 100 máy bay chiến đấu và phóng lượng lớn tên lửa, nhưng hình như kết quả mang lại cho mọi người cảm giác "cả nhà cùng vui". Không có bên thua cuộc trong đòn trả đũa này của Israel, chỉ có một vài người lính Iran kém may mắn, đã thiệt mạng.
Thực sự có rất nhiều điều khó hiểu và bí ẩn đằng sau cuộc tập kích mới nhất của Israel vào lãnh thổ Iran. Truyền thông Mỹ cho biết, Tel Aviv đã liên lạc trước với Tehran trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phủ nhận.
Trong khi đó, truyền hình địa phương Israel đưa tin, Tel Aviv đã tránh tấn công các cơ sở dầu khí của Tehran do chịu áp lực từ Washington. Nhưng ông Netanyahu nói rằng, Israel chọn tấn công các mục tiêu của đối phương dựa trên lợi ích quốc gia, chứ không phải theo chỉ thị của Mỹ.
Như vậy có quá nhiều dấu hỏi cần được đặt ra về đòn tấn công này?
Tại sao tất cả các bên chọn cách "im lặng"?
Khoảng cách giữa hai nước là hơn 1.800km nên sau khi hoàn thành nhiệm vụ và quay về, những chiến đấu cơ của Không quân Israel phải bay liên tục 3.600km, sử dụng tiếp nhiên liệu trên không. Tuy nhiên, toàn bộ hành trình giống như bay qua một "vùng đất hoang vắng".
Israel đã điều động nhiều máy bay chiến đấu tàng hình F-35 tham gia. Chiến đấu cơ thế hệ 5 này nếu được nạp đầy dầu và không mang vũ khí có tầm bay tối đa là 2.500km.
Trong trận tập kích vừa qua, Israel đã tiến hành ít nhất một lần tiếp nhiên liệu trên không và "thùng xăng bay" được sử dụng là KC-46A Pegasus, đều do Mỹ cung cấp.
Trước đó vào ngày 7/10, Washington đã điều động 4 máy bay loại này từ lãnh thổ Mỹ tới Israel. Được biết, để thực hiện vụ không kích, Israel và Mỹ đã chuẩn bị 12 máy bay tiếp dầu cùng 600 tấn nhiên liệu.
Các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Israel, trong lần đầu thực hiện phi vụ đột kích tầm xa, có sử dụng tiếp nhiên liệu trên không để ném bom lãnh thổ Iran đã bay qua hầu hết khu vực Trung Đông, nhưng không gặp bất kỳ sự cố nào và trở về an toàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Đáng chú ý, trong hơn 100 máy bay Israel thì có nhiều chiếc không phải loại tàng hình. Hiện tại, các hệ thống phòng không ở Trung Đông, có thể không có khả năng phát hiện máy bay thế hệ 5 nhưng tại sao các chiến đấu thông thường khác tham gia chiến dịch cũng không bị phát hiện?
Máy bay chiến đấu F-15I và F-16I - hai loại chiến đấu cơ chính trong chiến dịch tập kích đường không lần này của Israel - đều là máy bay chiến đấu thế hệ cũ, hoàn toàn không có tính năng tàng hình, nhưng chúng cũng không bị radar, hay các phương tiện quan sát của các nước Trung Đông và Iran phát hiện.
Tel Aviv tuyên bố rằng, qua vụ tập kích này, thế giới đã nhìn thấy được khả năng của họ. Đúng là chiến dịch ném bom của Israel được thực hiện thành 3 đợt và rất hoành tráng, nhưng không gặp cản trở gì và không có máy bay chiến đấu nào bị bắn rơi.
Israel đã tập kích các nhà máy điện, nhà máy sản xuất máy bay không người lái, căn cứ nghiên cứu và phát triển tên lửa, trạm radar và nhiều mục tiêu quan trọng khác của Iran.
Trong chiến dịch này, ngoài việc sức mạnh của Không quân Israel và sự hỗ trợ toàn diện của quân đội Mỹ được thể hiện, còn một điều nữa không thể bỏ qua, đó là Iran đã không dùng hết sức đánh chặn, còn Jordan, Iraq hay Syria thì chọn cách im lặng.
Radar của Syria, Iraq và Iran ở đâu?
Hàng trăm radar ở Trung Đông có thực sự "bị mù". Sự thật có thể không đơn giản như vậy. Máy bay chiến đấu của Israel bay theo nhóm và ngay cả khi áp dụng các biện pháp tàng hình và gây nhiễu điện tử, chúng vẫn có thể bị radar của Iran và các nước ở Trung Đông phát hiện.
Tuy nhiên, có thể thấy từ những thông tin thu được cho đến nay, trong 3 đợt ném bom, các chiến đấu cơ Israel đều bay trên vùng đất không có người ở và hoàn toàn không bị đánh chặn. Điều này cho thấy, không phải hàng trăm radar ở Trung Đông đều "ngủ", mà có thể họ phát hiện được nhưng giữ thái độ im lặng.
Trước đó, Iran đã thực hiện 2 cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV vào Israel, nhưng Jordan và các nước Trung Đông khác cũng tham gia đánh chặn. Tuy nhiên, lần này tất cả radar của họ đều im lặng. Vậy đây có phải là sự trùng hợp? Rõ ràng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Đánh chặn tên lửa Iran là điều các nước Trung Đông phải làm trước sức ép được cho là từ Mỹ. Ngược lại, trong hành động của Israel, các nước Trung Đông này chỉ có thể giữ thái độ trung lập.
Nhưng tại sao hàng trăm radar ở Iran cũng không thể phát hiện được gì và không có máy bay chiến đấu nào của Israel bị phát hiện hay theo dõi? Đây thực sự là điều bí ẩn.
Trường hợp đánh chặn của Iran cũng tương đối khó hiểu, họ được cho là đã đánh chặn được một số tên lửa, nhưng không gây thiệt hại gì cho máy bay chiến đấu của Israel.
Mặc dù máy bay đối phương chủ yếu tấn công bên ngoài khu vực phòng thủ của Iran, nhưng họ vẫn có khả năng phản đòn, điều này cho thấy Tehran có thể không muốn khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Tại sao tên lửa Israel bị phát nổ trên không?
Trong cuộc tấn công vừa qua, một số tên lửa của Israel đã bị đánh chặn và phát nổ trên không, đây là điều mà thế giới không ngờ tới.
Máy bay chiến đấu của Israel xuyên thủng "mắt thần" của Iran rất tốt và cơ bản không gặp nhiều sự kháng cự. Tuy nhiên, những tên lửa do Israel phóng về phía mục tiêu lại không quá ấn tượng, bởi không ít quả được cho là bị Iran đánh chặn và phát nổ trên không.
Quân đội Israel tuyên bố, họ chỉ tiến hành tấn công vào các mục tiêu quân sự của Iran. Cả cơ sở dầu mỏ, lẫn cơ sở hạt nhân của Iran, điều mà thế giới quan ngại nhất đều không bị tấn công.
Iran về cơ bản không chịu tổn thất lớn và đã đánh chặn được một số tên lửa của Israel trên không. Những vụ nổ lớn đã được nghe thấy từ thủ đô Tehran, phần lớn là do tên lửa của Iran đánh chặn tên lửa của Israel.
Cuộc tấn công này cho chúng ta biết rằng, tình hình ở Trung Đông nhìn chung hiện nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng ngày càng trở nên khó đoán hơn. Israel dường như muốn mở rộng xung đột, thậm chí muốn kéo Mỹ vào cuộc, nhưng rõ ràng Washington vẫn chưa sẵn sàng.
Ít nhất, Mỹ không đồng ý với việc Israel mở rộng xung đột trong thời điểm hiện tại và có thể nhận thấy, Iran cũng chưa sẵn sàng sử dụng vũ lực.
Chiến lược của Iran rất rõ ràng, tức là sẽ không trực tiếp chiến đấu với Israel, cũng không tham gia vào một cuộc chiến tranh thế giới, mà chỉ là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.