1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

So sánh sức mạnh quân sự Israel với Hezbollah: Đâu là át chủ bài?

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Khả năng xung đột giữa Hezbollah và Israel rất cao, khi cả hai bên đều sẵn sàng tham chiến.

So sánh sức mạnh quân sự Israel với Hezbollah: Đâu là át chủ bài? - 1

Xe tăng Israel khai hỏa ở Cao nguyên Golan (Ảnh: AFP).

Hezbollah, một đảng chính trị và nhóm chiến binh Hồi giáo dòng Shia ở Li Băng, là một trong những tổ chức phi nhà nước được trang bị vũ khí mạnh nhất trên toàn cầu, phần lớn được Iran hỗ trợ.

Hezbollah nổi lên trong cuộc nội chiến ở Li Băng vào những năm 1980, ban đầu được thành lập để chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Nam Li Băng, kéo dài cho đến khi quân đội Israel rút quân vào năm 2000.

Kể từ đó, nhánh quân sự của Hezbollah đã phát triển đáng kể và được coi là mạnh hơn quân đội quốc gia Li Băng. Nhóm này đã tham gia vào nhiều cuộc xung đột, bao gồm một số cuộc đụng độ lớn với Israel và kho vũ khí phong phú của nhóm này là tâm điểm căng thẳng trong khu vực.

Hàng loạt vụ nổ máy nhắn tin và bộ đàm ở Li Băng khiến hơn 3.000 người bị thương vong, trong đó có nhiều thành viên của Hezbollah, đã đẩy căng thẳng ở Trung Đông lên một mức nguy hiểm mới.

Israel bị cáo buộc đứng đằng sau vụ việc nhưng họ phủ nhận. 

Tiếp đó, quân đội Israel hôm 23/9 cho biết họ đã tấn công 1.300 mục tiêu Hezbollah ở Li Băng và chiến dịch này vẫn chưa kết thúc. Đây có thể coi là cuộc không kích lớn nhất từ trước đến nay của Israel nhằm vào Hezbollah.

Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari cho hay, trong số các mục tiêu này là kho tên lửa hành trình tầm xa hàng trăm km, các rocket tầm trung với tầm bắn lên đến 200km. Ông Hagari lưu ý thêm, Israel không loại trừ khả năng mở một chiến dịch tấn công trên bộ vào Li Băng.

Nội các Israel ngày 23/9 đã thông qua việc ban bố "tình trạng đặc biệt" trên toàn quốc. Cộng đồng quốc tế lo ngại căng thẳng hiện nay giữa Israel và Hezbollah có thể lan rộng thành một cuộc chiến khu vực, ảnh hưởng đến nỗ lực đàm phán chấm dứt xung đột ở Gaza.

Hezbollah đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ tới Israel và tuyên bố rằng họ đã chuẩn bị cho cuộc xung đột toàn diện.

Khả năng quân sự của Hezbollah

Sức mạnh quân sự của Hezbollah nằm ở kho vũ khí phong phú, được cho là bao gồm hơn 150.000 rocket và tên lửa. Những loại này bao gồm từ rocket không điều khiển đến tên lửa dẫn đường chính xác.

Hezbollah cũng đã nâng cao khả năng của mình bằng cách trang bị thêm hệ thống dẫn đường chính xác cho rocket không điều khiển, tăng đáng kể độ chính xác và mức độ đe dọa đối với Israel.

Năm 2021, thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah cho biết nhóm này có 100.000 chiến binh, mặc dù đây có thể là một sự cường điệu.

Vào năm 2022, Viện Nghiên cứu Chiến lược ước tính nhóm này có thể có tới 20.000 quân tại ngũ. Các chiến binh của họ rất thiện chiến, đã chiến đấu rộng rãi ở Syria để ủng hộ Tổng thống Bashar al Assad. Tương tự, CIA World Factbook ước tính vào năm 2022 Hezbollah có tới 45.000 chiến binh, khoảng 20.000 trong số đó là quân thường trực.

So sánh sức mạnh quân sự Israel với Hezbollah: Đâu là át chủ bài? - 2

Các chiến binh của phong trào Hezbollah ở Li Băng (Ảnh: Văn phòng báo chí Hezbollah).

Tên lửa và tên lửa tấn công mặt đất

Rocket không điều khiển chiếm phần lớn trong kho tên lửa của Hezbollah trong cuộc chiến gần nhất với Israel năm 2006, khi nhóm này bắn khoảng 4.000 quả vào Israel, chủ yếu là pháo phản lực kiểu Katyusha với tầm bắn 30km.

Thay đổi lớn nhất trong kho vũ khí của Hezbollah kể từ năm 2006 là việc mở rộng hệ thống dẫn đường chính xác và nhóm này có khả năng trang bị thêm hệ thống dẫn đường cho tên lửa ở Li Băng.

Hezbollah có các mẫu tên lửa của Iran, chẳng hạn như tên lửa Raad (tiếng Ả Rập có nghĩa là Sấm sét), Fajr (Bình minh) và Zilzal (Động đất), có đầu nổ nặng và mạnh hơn cũng như tầm bắn xa hơn Katyushas.

Tên lửa do Hezbollah bắn vào Israel trong cuộc xung đột ở Gaza kể từ tháng 10 bao gồm tên lửa Katyushas và Burkan (Volcano) với đầu đạn nổ 300-500kg.

Tên lửa Falaq 2 do Iran sản xuất, được sử dụng lần đầu tiên vào tháng 6, có thể mang đầu đạn lớn hơn tên lửa Falaq 1 đã sử dụng trước đó.

Tên lửa chống tăng

Hezbollah đã sử dụng rộng rãi tên lửa chống tăng dẫn đường trong cuộc chiến năm 2006 và đã triển khai chúng một lần nữa, bao gồm cả tên lửa Kornet do Nga sản xuất.

Theo báo cáo của đài truyền hình Ả Rập thân Iran al-Mayadeen, nhóm này cũng đã sử dụng một tên lửa dẫn đường do Iran sản xuất có tên là "al-Mas". Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Alma của Israel cho biết, al-Mas có thể tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn theo quỹ đạo hình vòng cung, cho phép nó tấn công từ trên cao.

Báo cáo cho biết tên lửa này là một phần của dòng vũ khí do Iran sản xuất dựa trên dòng tên lửa Spike của Israel.

Tên lửa phòng không

Hezbollah đã bắn hạ máy bay không người lái của Israel nhiều lần trong cuộc xung đột này bằng tên lửa đất đối không, bắn trúng máy bay không người lái Hermes 450 và Hermes 900 của Israel. Mặc dù Hezbollah từ lâu được cho là sở hữu tên lửa phòng không, nhưng những cuộc tấn công này đánh dấu lần đầu tiên nhóm này sử dụng khả năng này.

Trong một lần đầu tiên khác, Hezbollah cho biết họ đã bắn vào các máy bay chiến đấu của Israel, buộc chúng phải rời khỏi không phận Li Băng mà không cho biết họ đã sử dụng loại vũ khí nào.

Máy bay không người lái

Hezbollah đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng UAV tự sát và cho biết họ đang sử dụng UAV thả bom có thể tái sử dụng nhiều lần.

Trong một số cuộc tấn công, UAV đã được cử đi để đánh lạc hướng lực lượng phòng không của Israel trong khi những chiếc khác bay vào các mục tiêu.

Kho vũ khí của Hezbollah bao gồm các mẫu Ayoub và Mersad được lắp ráp trong nước, được các nhà phân tích cho là rẻ và tương đối dễ sản xuất.

Tên lửa chống hạm

Hezbollah lần đầu tiên chứng tỏ mình có tên lửa chống hạm vào năm 2006, khi họ bắn trúng một tàu chiến Israel cách bờ biển 16km, khiến 4 nhân viên Israel thiệt mạng và làm hư hại tàu.

Các nguồn tin quen thuộc với kho vũ khí của Hezbollah cho biết kể từ cuộc chiến năm 2006, nhóm vũ trang này đã mua được tên lửa chống hạm Yakhont do Nga sản xuất với tầm bắn 300km. Hezbollah chưa xác nhận họ có vũ khí hiện đại và đầy uy lực này.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF)

So sánh sức mạnh quân sự Israel với Hezbollah: Đâu là át chủ bài? - 3

Tiêm kích F-15 và F-16 của Không quân Israel (Ảnh: IAF).

IDF bao gồm khoảng 173.000 binh sĩ tại ngũ và đã huy động thêm 300.000 quân dự bị để đối phó với những leo thang gần đây.

Quân đội Israel được hỗ trợ bởi ngân sách đáng kể khoảng 24,3 tỷ USD và sự hỗ trợ rộng rãi từ Mỹ, bao gồm cả tài chính  và công nghệ quân sự tiên tiến.

Kho vũ khí của IDF bao gồm khoảng 2.200 xe tăng, chủ yếu là nền tảng Merkava, được hỗ trợ bởi khoảng 300 khẩu pháo xe kéo, 650 pháo tự hành và 300 hệ thống pháo - tên lửa như Hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 do Mỹ phát triển.

Không quân Israel, được coi là mạnh nhất trong khu vực, vận hành các máy bay tiên tiến bao gồm máy bay chiến đấu F-15, F-16 và tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II mua từ Mỹ.

IDF còn được biết đến với các lực lượng đặc biệt, chẳng hạn như đơn vị Sayeret Matkal, đơn vị đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chống khủng bố và các mục tiêu có giá trị cao.

Những lực lượng này có thể sẽ không thể thiếu trong bất kỳ cuộc xung đột quy mô lớn nào với Hezbollah, tập trung vào việc vô hiệu hóa các chiến binh cấp cao và giải cứu những người Israel bị bắt.

IDF có sức mạnh quân sự thông thường vượt trội hơn hẳn, nhưng Hezbollah cũng có năng lực đáng kể.

Newsweek đã trao đổi với ông William F. Wechsler, giám đốc cấp cao của Chương trình Trung Đông của Hội đồng Đại Tây Dương. Ông nói: "Hezbollah là một lực lượng được tài trợ rất tốt. Và họ chiến đấu kiên cường".

Ông lập luận rằng tình hình mà Israel và Li Băng phải đối mặt "về cơ bản khác" so với khi hai nước có chiến tranh năm 2006.

Ông nói, Hezbollah đã thâm nhập vào lực lượng vũ trang Li Băng sâu rộng đến mức họ nên được coi là một đơn vị của Hezbollah hơn là một cánh tay của nhà nước.

Ước tính Hezbollah sở hữu khoảng 200.000 quả đạn, vượt xa số lượng do Hamas nắm giữ.

Nhóm này được mô tả là sở hữu khả năng quân sự tương đương với một quốc gia châu Âu trung bình, với vũ khí tinh vi và các chiến binh thiện chiến được huấn luyện cùng với các lực lượng Nga và Iran.

IDF được hưởng lợi từ công nghệ, cơ sở hạ tầng hỗ trợ toàn diện và cơ cấu chỉ huy được tổ chức tốt.

Ngân sách quốc phòng và khí tài quân sự tiên tiến của Israel mang lại cho nước này lợi thế đáng kể trong chiến tranh thông thường. Tuy nhiên, khả năng Hezbollah phóng các loạt tên lửa, tiến hành chiến tranh du kích là mối đe dọa đặc biệt và đầy thách thức đối với an ninh Israel.

Chuyên gia Wechsler nói: "Israel mạnh hơn Hamas. Mọi người nên quan tâm đến việc Israel mạnh hơn Hamas một cách vượt trội... Hezbollah yếu hơn nhưng họ có khả năng gây thiệt hại thực sự cho Israel".

Nguy cơ bùng phát chiến tranh đã cận kề

Khả năng xung đột giữa Hezbollah và Israel rất cao, khi cả hai bên đều sẵn sàng tham gia quân sự đáng kể. Chuyên gia Wechsler nói: "Sẽ có một cuộc chiến khác giữa Israel và Hezbollah. Đó là điều hiển nhiên, do bản chất của Hezbollah".

Liên hợp quốc ngày 23/9 "quan ngại sâu sắc" về các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Li Băng.

Người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell bình luận, bạo lực ngày càng gia tăng thể hiện sự "leo thang nguy hiểm" đối với dân thường.

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cơ quan này đang liên lạc với giới chức Li Băng và Israel suốt ngày đêm nhằm xoa dịu tình hình, ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện.

Người phát ngôn nhấn mạnh, Mỹ không muốn chứng kiến sự leo thang hơn nữa trong khu vực bởi "bất kỳ bên nào", đồng thời khẳng định Mỹ sẵn sàng bảo vệ các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đổ lỗi cho các hành động của Israel đang khiến căng thẳng trong khu vực leo thang, đồng thời cảnh báo nguy cơ xung đột Israel - Hezbollah lan ra khắp khu vực.

"Tình trạng căng thẳng hiện nay có nguy cơ sẽ kéo theo một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực", ông Abdelatty nói với AFP.

Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc "can thiệp ngay lập tức" nhằm ngăn chặn các hành động leo thang nguy hiểm.

Theo Skynews, Economic Times, Newsweek