DMagazine

Cuộc chạm trán ở Biển Đen và nguy cơ thổi bùng căng thẳng Nga - Mỹ

(Dân trí) - Vụ va chạm giữa tiêm kích Nga và máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Mỹ ở Biển Đen là lời cảnh báo nguy cơ khu vực này thành một điểm nóng, có thể kéo theo những tính toán sai lầm.

CUỘC CHẠM TRÁN Ở BIỂN ĐEN THỔI BÙNG CĂNG THẲNG NGA - MỸ

Vụ va chạm giữa tiêm kích Nga và máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Mỹ ở Biển Đen là lời cảnh báo nguy cơ khu vực này thành một điểm nóng, có thể kéo theo những tính toán sai lầm.

Ngày 14/3, một máy bay không người lái (UAV) trinh sát MQ-9 Reaper của Mỹ rơi xuống Biển Đen trong khi đang làm nhiệm vụ như thường lệ ở không phận quốc tế.

Theo giới chức Mỹ, hai máy bay chiến đấu của Nga đã va chạm với MQ-9 Reaper, buộc Lực lượng Không quân Mỹ phải điều khiển nó lao xuống biển. Tuy nhiên, Nga bác bỏ cáo buộc này, nói rằng không có bất cứ va chạm nào và chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ rơi là do mất lái khi chuyển hướng đột ngột.

Đây là cuộc chạm trán trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

"ÁC ĐIỂU" MQ-9 REAPER

Cuộc chạm trán ở Biển Đen và nguy cơ thổi bùng căng thẳng Nga - Mỹ - 1

Một máy bay không người lái MQ-9 Reaper (Ảnh: Getty).

MQ-9 Reaper được Lực lượng Không quân Mỹ sử dụng để thu thập thông tin tình báo và thực hiện các nhiệm vụ giám sát, tìm kiếm cứu nạn và tấn công chính xác vào các mục tiêu có giá trị cao và mục tiêu cần phản ứng nhanh.

Những chiếc UAV này từng làm nhiệm vụ ở Iraq, Afghanistan, Syria, và các quốc gia khác. Trong đó, MQ-9 là một phần quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.

Chúng được điều khiển từ xa bởi một nhóm gồm hai trong số 20 căn cứ ở 17 tiểu bang của Mỹ. Một căn cứ đưa ra nhiệm vụ và điều khiển máy bay, trong khi căn cứ còn lại vận hành thiết bị cảm biến và điều khiển vũ khí.

MQ-9 Reaper có thể mang tới 8 tên lửa dẫn đường bằng laser, 16 tên lửa Hellfire và gần 600kg nhiên liệu. UAV này có thể di chuyển quãng đường gần 2.000km và bay ở độ cao lên đến 15.000m. Trong năm 2018, MQ-9 Reaper đã bay tổng cộng 325.000 giờ, với tốc độ tối đa là 444 km/h.

Không quân Mỹ đã ký hợp đồng với General Atomics để chế tạo hơn 360 chiếc Reaper kể từ khi chúng được đưa vào sản xuất năm 2007. Hiện nay, một chiếc UAV Reaper có giá khoảng 30 triệu USD, tức là đắt hơn cả một chiếc trực thăng tấn công AH-64E Apache và thậm chí đắt hơn một số loại máy bay chiến đấu F-16 Falcon biến thể cũ.

MQ-9 Reaper dài gần 10m, với sải cánh 20m và tải trọng 1,8 tấn. MQ-9 là phiên bản cập nhật của MQ-1 Predator, được ra mắt vào những năm 1990. Reaper có động cơ mạnh hơn khoảng 8 lần và dài hơn 4m, với sải cánh dài hơn 5m so với "người tiền nhiệm".

Tuy nhiên, thời gian hoạt động của Reaper nếu mang đầy đủ vũ khí giảm xuống chỉ còn 14 giờ so với 24 giờ của Predator. Nếu  không mang vũ khí, Reaper có thể hoạt động trong 42 giờ.

UAV này cũng được trang bị một bộ cảm biến hoàn chỉnh với bộ chỉ định mục tiêu bằng laser, camera hồng ngoại và camera quang điện xoay bên dưới mặt trước của máy bay để giúp nhận biết khung cảnh bên dưới và cung cấp hình ảnh, video thời gian thực.

Trong thiết kế của Bộ Quốc phòng, chữ "M" có nghĩa là đa năng, chữ "Q" có nghĩa là hệ thống máy bay được điều khiển từ xa và số "9" cho thấy nó là mẫu thứ 9 trong loạt dòng máy bay được điều khiển từ xa. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết, quân đội nước này đã ký hợp đồng mua 366 chiếc Reaper kể từ năm 2007, với chi phí trung bình là 28 triệu USD mỗi chiếc.

Năm ngoái, truyền thông địa phương đưa tin, Không quân Mỹ đang xem xét bán UAV Reaper cũ cho Ukraine. Tuy nhiên, việc thảo luận bị đóng băng vì lo ngại vấn đề chuyển giao công nghệ nhạy cảm và UAV này có nguy cơ bị bắn hạ cao.

NGA - MỸ ĐẤU KHẨU

Mỹ công bố video UAV va chạm với tiêm kích Nga

Theo video được Bộ Tư lệnh ở châu Âu của Mỹ công bố ngày 16/3, một máy bay tiêm kích Su-27 được cho là của Không quân Nga đã tiếp cận từ phía sau bên phải MQ-9 Reaper. Camera của chiếc MQ-9 hướng về phía đuôi ghi lại cảnh Su-27 Nga bắt đầu xả nhiên liệu rồi bay vượt qua phía trên UAV Mỹ. Video cũng cho thấy động cơ cánh quạt của chiếc MQ-9 quay chậm dần và bị hư hại một phần sau khi máy bay chiến đấu Nga xả nhiên liệu.

"Nhiều lần trước khi va chạm, Su-27 đã bay phía trước MQ-9 một cách liều lĩnh, không thân thiện và thiếu chuyên nghiệp", Tướng James B. Hecker, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, cho hay.

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder của Lực lượng Không quân Mỹ nói với các phóng viên rằng, hai chiếc Su-27 đầu tiên được phát hiện ở gần chiếc MQ-9 khoảng 30 đến 40 phút trước khi các phi công Mỹ điều khiển chiếc Reaper lao xuống biển.

Trước đó, ngày 15/3, một phi công của Nga cũng đăng tải đoạn video được quay từ buồng lái của tiêm kích Su-27.

Trong đoạn video này, tiêm kích của Nga bay gần UAV MQ-9 Reaper của Mỹ. Hai máy bay của Nga và Mỹ bay song song nhau, không có động tác nào đe dọa tới an toàn bay. Quá trình hai máy bay chạm trán ở khoảng cách gần cũng chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, bởi tiêm kích Su-27 có tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với UAV MQ-9.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, UAV MQ-9 Reaper của Mỹ lúc đó đang bay gần Crimea và hướng tới các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát. "Vào khoảng 9h30 theo giờ Moscow, máy bay không người lái MQ-9 đột ngột chuyển hướng và thực hiện một chuyến bay không có hướng dẫn, sau đó, mất độ cao và lao xuống nước", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Theo cơ quan này, UAV của Mỹ đã tắt bộ tiếp sóng khi bay, vi phạm ranh giới không phận tạm thời được thiết lập cho chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đã thông báo với tất cả những người sử dụng không phận quốc tế theo tiêu chuẩn quốc tế.

Điều này buộc Moscow huy động các máy bay quân sự để điều tra làm rõ. "Máy bay chiến đấu của Nga đã không sử dụng vũ khí trên không, không tiếp xúc với UAV và trở về căn cứ an toàn", Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng Mỹ nên ngừng điều khiển UAV bay quá gần biên giới của Nga.

Cuộc chạm trán ở Biển Đen và nguy cơ thổi bùng căng thẳng Nga - Mỹ - 2

Vị trí UAV bị chặn và bị rơi ở Biển Đen sáng 14/3 (Ảnh: Guardian).

"GIỌT NƯỚC TRÀN LY"

Vụ va chạm giữa MQ-9 và Su-27 là sự cố trên không đầu tiên giữa Nga và một thành viên NATO kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra hơn một năm trước. Giới quan sát cho rằng, vụ việc làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến leo thang căng thẳng là rất lớn.

"Đó là một diễn biến rất nhạy cảm trong xung đột Ukraine, bởi vì đây là lần chạm trán trực tiếp đầu tiên mà công chúng biết đến giữa phương Tây và Nga", Elisabeth Braw, nhà nghiên cứu về các mối đe dọa hỗn hợp và vùng xám tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở ở Washington, nhận định.

Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cảnh báo, hành động của Nga liên quan tới vụ UAV của Mỹ rơi có thể khiến căng thẳng leo thang ngoài ý muốn, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine.

Tất nhiên, đây không phải vụ chạm trán đầu tiên giữa Nga và Mỹ ở Biển Đen. "Điều này không mới. Các cuộc đối đầu của Nga và Mỹ ở Biển Đen đã diễn ra được một thời gian. Nó đã từng xảy ra gần như thường xuyên", Philip Breedlove, một tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, cho biết.

Năm 2020, máy bay chiến đấu của Nga đã bay cắt mặt oanh tạc cơ B-52 Mỹ hoạt động trên Biển Đen, áp sát ở khoảng cách 30m, gây nhiễu động với máy bay Mỹ. Năm 2021, cường kích Nga bay sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ đang diễn tập ở Biển Đen.

Khi đó, căng thẳng nhanh chóng lắng xuống, những chỉ trích không quá gay gắt do hậu quả không quá lớn. Tuy nhiên, lần này, mức độ nghiêm trọng dường như lớn hơn trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham, thành viên có quan điểm cứng rắn của Đảng Cộng hòa, thậm chí bình luận: "Nếu là Tổng thống Ronald Reagan, ông ấy sẽ làm gì vào hoàn cảnh này? Ông ấy sẽ lập tức ra lệnh bắn rơi máy bay Nga nếu họ đe dọa khí tài của chúng ta. Chính sách đối ngoại của Mỹ đang lao dốc không phanh. Nếu máy bay Nga còn áp sát khí tài Mỹ hoạt động trên vùng trời quốc tế, nó sẽ bị bắn hạ".

Đáp lại, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng Moscow không muốn tìm kiếm đối đầu trực tiếp với Washington, nhưng một cuộc tấn công có chủ ý vào một máy bay Nga trong không phận trung lập sẽ là một lời tuyên chiến công khai chống lại cường quốc hạt nhân.

"Một cuộc tấn công có chủ ý vào máy bay Nga trong không phận trung lập là lời tuyên chiến công khai chống lại cường quốc hạt nhân. Một cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Mỹ sẽ hoàn toàn khác với cuộc chiến ủy nhiệm", ông Antonov cảnh báo.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, hiện tại không có liên hệ cấp cao nào giữa Nga và Mỹ, chỉ còn các "kênh liên lạc kỹ thuật" giữa hai nước. "Do đó, tất nhiên, các mối quan hệ đang ở mức thấp nhất", TASS dẫn lời ông Peskov.

Vụ va chạm giữa tiêm kích Nga và UAV trinh sát của Mỹ hôm 14/3 là lời cảnh báo đối với nhiều quốc gia đang hoạt động trong và xung quanh Biển Đen về nguy cơ khu vực này trở thành một điểm nóng, cho dù là vô tình hay cố ý. "Mọi thứ luôn phức tạp và vẫn đang phức tạp, nhưng nguy cơ hiện nay cao hơn nhiều so với trước đây. Xung đột ở Ukraine càng kéo dài, nguy cơ mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát càng cao", ông Ian Lesser, Phó Chủ tịch Quỹ Marshall Đức có trụ sở tại Mỹ đánh giá.

Biển Đen có diện tích lớn hơn bang California của Mỹ, với 6 quốc gia ven biển, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria là thành viên NATO. Biển Đen cũng có vai trò rất lớn đối với mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của Nga. Mắt xích quan trọng nhất trong chiến lược nà của Nga là sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, trao cho Moscow quyền kiểm soát cảng Sevastopol.

Kể từ năm 2014 đến nay, Nga không ngừng tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí từng nói rằng vùng biển này "gần như đã trở thành hồ của Nga". Sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát, cả Nga và phương Tây tiếp tục mở rộng hoạt động ở Biển Đen. Các thành viên NATO thường xuyên thực hiện chuyến bay giám sát, Mỹ và Anh cũng nhiều lần điều động tàu chiến tới khu vực này.

"Căng thẳng ở Biển Đen rõ ràng đã gia tăng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra", ông Arda Mevlutoglu, chuyên gia phân tích quốc phòng độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho rằng: "Mỹ liên tục nói rằng họ không tham gia vào xung đột ở Ukraine nhưng vụ UAV mới đây là một xác nhận nữa cho thấy Mỹ có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột này".

Trong khi đó, Mỹ và NATO luôn khẳng định rằng, họ không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, mà chỉ trang bị vũ khí cho Ukraine cũng như cung cấp thông tin tình báo thường xuyên cho Kiev.

Ông James Hecker, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, tuyên bố Mỹ và các đồng minh dự kiến duy trì hoạt động giám sát trong không phận quốc tế, bất chấp lời cảnh báo từ Moscow.

"Mỹ sẽ tiếp tục bay và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Nga có trách nhiệm vận hành máy bay quân sự của mình một cách an toàn và chuyên nghiệp", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, ngày 15/3 cũng cho biết.

Trong khi nhiều người lo ngại vụ va chạm mới nhất ở Biển Đen có thể trở thành "giọt nước tràn ly" kéo theo cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ hay rộng hơn là NATO, một số chuyên gia đưa ra quan điểm ngược lại.

Becca Wasser, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Trung tâm An ninh mới của Mỹ, lập luận: "Máy bay bị rơi là loại không người lái. Đây là tình tiết khiến hai bên khó thổi bùng căng thẳng".

Trước đây, nhiều UAV Reaper cũng từng bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không triển khai trên mặt đất, từ các hệ thống SA-6 KUB thời Liên Xô cho đến hệ thống Pantsir hiện đại do Nga sản xuất.

Vào năm 2009, MQ-9 Reaper từng bị chính không quân Mỹ bắn hạ. Đội lái đã mất kiểm soát một chiếc MQ-9 Reaper ở Afghanistan, vì vậy một máy bay chiến đấu đã chủ động bắn hạ nó trước khi nó lao xuống một quốc gia khác. Vào năm 2017 và 2019, lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen đã bắn hạ những chiếc Reaper của Mỹ bay qua nước này.

Bruno Lete, một thành viên cao cấp về an ninh và quốc phòng tại Quỹ Marshall của Mỹ tại Brussels, cũng cho rằng NATO sẽ phản ứng thận trọng với vụ việc. "NATO sẽ không can dự vào, vì đây là vụ việc giữa UAV của Mỹ và máy bay chiến đấu của Nga", chuyên gia Lete lý giải. Theo ông, vụ việc xảy ra trong "vùng xám" đối với NATO, do đó họ sẽ không kích hoạt Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO.  

Minh Phương

Theo New York Times, Washington Post, Sputnik, Reuters

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine